(Baothanhhoa.vn) - Gia Miêu Ngoại Trang, nay thuộc thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung - là nơi phát tích của vương triều Nguyễn và trở thành mảnh đất quý hương thờ tổ tiên Nhà Nguyễn. Trải qua biến cố lịch sử, nhiều công trình kiến trúc nơi đây đã bị phá hủy. Tuy nhiên, dấu tích về một thời hoàng kim của vùng cung vua phủ chúa vẫn còn lại và mang đến cho hậu thế nhiều câu chuyện lịch sử thú vị.      

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà Nguyễn với dấu ấn vương triều Đàng Trong

Gia Miêu Ngoại Trang, nay thuộc thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung - là nơi phát tích của vương triều Nguyễn và trở thành mảnh đất quý hương thờ tổ tiên Nhà Nguyễn. Trải qua biến cố lịch sử, nhiều công trình kiến trúc nơi đây đã bị phá hủy. Tuy nhiên, dấu tích về một thời hoàng kim của vùng cung vua phủ chúa vẫn còn lại và mang đến cho hậu thế nhiều câu chuyện lịch sử thú vị.

Nhà Nguyễn với dấu ấn vương triều Đàng Trong

Khu Gia Miêu ngoại trang đang được xây dựng tôn tạo.

Chúng tôi tìm về Gia Miêu Ngoại trang ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung và được gặp ông Nguyễn Hữu Thoại, chủ tịch hội đồng họ Nguyễn Công Duẩn ở Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung. Ông Thoại kể rằng: Nhà thờ họ Nguyễn ở đây đã có lịch sử gần 600 năm, đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là nơi thờ tự các vị tiên tổ của họ Nguyễn, những người đã có công lao lớn đối với đất nước. Là hậu duệ của họ Nguyễn, ông Nguyễn Hữu Thoại rất tự hào về những công lao của các chúa Nguyễn đối với việc mở mang bờ cõi quốc gia, trong đó công đầu phải kể đến là Vị Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng.

Tương truyền sau khi cha mất, anh trai bị bức hại, chúa Nguyễn Hoàng là con thế cả của Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim đã tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin kế sách dựng nghiệp. Sau khi được Trạng Trình khuyên câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã xin triều đình đi trấn thủ xứ Thuận Hóa để mưu đồ tạo dựng sự nghiệp riêng cho họ Nguyễn. Năm 1558, rời Gia Miêu Ngoại Trang, Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn về phương Nam khởi lập lên xứ Đàng Trong với sự nghiệp mở mang bờ cõi lẫy lừng, trải qua 9 đời chúa, 13 đời vua.

Trong công trình nghiên cứu “Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18”, bà LiTaNa một giáo sư người Nhật, công tác ở trường nghiên cứu châu Á và Thái Bình Dương đã viết rằng: “Đàng Trong chiếm một vị trí độc đáo trong lịch sử Việt, chỉ trong vài trăm năm, người Việt đã tạo ra được một Việt Nam khác cả về lãnh thổ lẫn nhân lực, tạo được một vùng đất mới, một xứ Đàng Trong hội nhập và sáng tạo, kéo trọng tâm về kinh tế, văn hóa chính trị của cả nước xuống phía Nam. Không có các thế kỷ này của Đàng Trong, cuộc nam tiến hẳn đã không thành”.

Trong hành trình xuyên qua 3 thế kỷ nhiều thách thức, nghiệt ngã nhưng cũng đầy kiêu hãnh ấy, Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã đặt nền móng cho việc xây dựng vùng đất phía Nam và vương triều Nguyễn. Triều Nguyễn suy tôn ông là Thái tổ Gia Dụ Hoàng Đế, nhân dân xưng tụng ông là Chúa Tiên với niềm tôn kính về một đấng minh quân thông tuệ, giỏi giang, luôn cứu giúp dân chúng như các vị tiên phật trong thần thoại.

Một trong những dấu ấn quan trọng của chúa Nguyễn với Đàng Trong, đó là việc chấn hưng Phật giáo, để Phật giáo trở thành chỗ dựa về tư tưởng, tinh thần của nhân dân. Thời kỳ sau năm 1558, Nguyễn Hoàng cho lập Am Tịnh Độ tại Ái Tử. Năm 1601, xây dựng chùa Thiên Mụ tại Thuận Hóa. Năm 1602 sửa chùa Thuần Hóa ở huyện Phú Vang, chùa Long Hưng ở huyện Duy Xuyên... Lòng tôn sùng Phật giáo của chúa Nguyễn còn được thể hiện sinh động qua tấm lòng yêu dân, quan tâm đến người dân ở từng vùng đất.

Đặc biệt Nguyễn Hoàng đã cho áp dụng tại Đàng Trong Bộ luật Hồng Đức - một bộ luật hoàn chỉnh nước Đại Việt ban hành dưới triều Vua Lê Thánh tông, trong đó có phần rất tiến bộ là thừa nhận quyền lợi của người nghèo và phụ nữ, coi trọng những phong tục tập quán tốt đẹp của dân chúng. Ngoài ra, tầm nhìn của các vua chúa Nhà Nguyễn còn hướng ra biển Đông, tìm hướng đi cho một Đàng Trong hùng mạnh.

Cũng trong thời gian trị vì, các Chúa Nguyễn đã đẩy mạnh giao thương với nước ngoài để có những thương cảng Thanh Hà, Hội An sầm uất. Đặc biệt để khuyến khích thương nhân nước ngoài, chúa Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đã có những động thái hết sức cởi mở, linh hoạt, trong đó điển hình là công cuộc hải thương với Nhật Bản. Chính sự chủ động mời gọi với cử chỉ hào phóng, chân thành của Chúa Nguyễn đã đưa cảng thị Hội An dần trở thành nơi đến và là điểm trung chuyển hấp dẫn đối với thương thuyền Nhật Bản cũng như các nước khác trong suốt gần 200 năm. Nhờ kinh tế thương nghiệp mà Đàng Trong đã có một tiềm lực mạnh, tạo nguồn lực xây dựng quân đội hùng hậu, đặc biệt là thủy binh để đối phó với Đàng Ngoài, đẩy mạnh công cuộc mở mang bờ cõi và thiết lập chủ quyền trên biển Đông.

Trở lại Gia Miêu - nơi phát tích của Vương triều Nguyễn. Bao nhiêu lớp thời gian đã trôi qua. Song những dấu ấn của các chúa Nguyễn ở vùng đất quý hương này vẫn còn hiện hữu. Sinh thời, các chúa Nguyễn dù đã “mang gươm đi mở cõi” về phía Nam, nhưng trong lòng vẫn đau đáu một niềm nhớ về nơi cố hương. Nguyễn Phúc Ánh (hậu duệ đời thứ 11 của Nguyễn Kim), năm 1802 đã thống nhất được hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam. Sau một năm lên ngôi, vua Gia Long đã tìm về đất tổ Gia Miêu Ngoại Trang yết bái tổ tiên, truy tôn Nguyễn Kim là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế. Nhà vua cho đắp nền Phương Cơ, dựng lăng Trường Nguyên (còn gọi là lăng Triệu Tường) thờ Triệu Tổ ngay dưới chân núi Thiên Tôn. Đồng thời cho xây dựng khu miếu Triệu Tường (cách lăng Triệu Tường chừng hơn 1km) để thờ cúng tổ tiên; cho làm đình Gia Miêu để tri ân quê gốc. Cũng trong dịp này, nhà vua phong Gia Miêu Ngoại Trang là đất quý hương, huyện Tống Sơn là quý huyện để đời đời con cháu nhớ về tổ tông dòng tộc.

Theo sử sách ghi chép lại, có 5 vị vua triều Nguyễn đã về Gia Miêu ngoại trang, nền Phương Cơ dưới núi Triệu Tường (hay còn gọi là núi Thiên Tôn) tế bái tổ tiên, gồm: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Thành Thái và Bảo Đại.

Tại khu lăng miếu Triệu Tường ngày nay vẫn còn khắc bản dịch văn bia của Vua Minh Mạng: “Đất lớn chúa thiêng/ sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường/ nêu rạng thánh võ”. Thời gian có thể bào mòn, làm phai tàn nhiều thứ nhưng dấu ấn lịch sử luôn trường tồn với giá trị của mình. Những công trạng cũng như kiến trúc của các chúa Nguyễn vẫn còn lại với thời gian và cần được các thế hệ gìn giữ, phát huy với niềm trân quý đối với các bậc tiền nhân đã có công sức mở mang bờ cõi của nước Việt hôm nay.

Trong tiến trình lịch sử, không ai có thể phủ nhận công lao mở nước của nhà Nguyễn với 9 đời Chúa, 13 đời Vua trị vì từ năm 1558 đến năm 1945. Các đời vua chúa đã dày công xây dựng, tạo lập nên vùng đất Cố đô Huế với các di tích lịch sử văn hóa được thế giới công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại. Kinh đô Huế là Thủ đô của quốc gia Việt Nam thống nhất từ năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, mở đầu cho triều đại nhà Nguyễn – một vương triều phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam.

Dấu ấn của các Chúa Nguyễn ngày nay vẫn còn lại trên khắp các tỉnh phía Nam, đó là việc khai phá đất đai, phát triển sản xuất; hình thành xóm làng theo tập tục của người Việt. Những tên đất, tên làng của vùng đất Đồng Nai, Mỹ Tho, Tiền Giang cho đến Hà Tiên đã được tạo lập qua dấu chân khai phá của con dân đất Việt, thể hiện chính sách rất tích cực của các Chúa Nguyễn. Núi sông bờ cõi được mở rộng từ Thuận Hóa đến đất Mũi Cà Mau và nhà Nguyễn đã sớm khẳng định chủ quyền các vùng biển và hải đảo, định hình đất nước Việt Nam hình chữ S ngày nay.

Minh Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]