(Baothanhhoa.vn) - Lễ tục Rằm tháng bảy thâm nhập nước ta lâu đời thành quốc tục. Nó vốn là tiết Trung nguyên (tiết giữa tháng đầu của mùa thu) theo nghi tiết Phật giáo. Tiết (tết) này đúng vào dịp kết thúc “khóa hạ” sau 3 tháng “kết hạ”. Kết hạ là gì? Bắt đầu vào mùa hè nắng nhiều mưa lắm, côn trùng, sâu bọ sinh nở khắp nơi, sư sãi đi ra ngoài đường dễ phạm giới sát (dẫm chết chúng). Cho nên Phật tổ Thích-ca tổ chức khóa hạ 3 tháng mùa hạ tập trung các tăng ni ở một nơi để giúp nhau kiểm điểm tội lỗi, ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguồn gốc lễ tục rằm tháng bảy

Lễ tục Rằm tháng bảy thâm nhập nước ta lâu đời thành quốc tục. Nó vốn là tiết Trung nguyên (tiết giữa tháng đầu của mùa thu) theo nghi tiết Phật giáo. Tiết (tết) này đúng vào dịp kết thúc “khóa hạ” sau 3 tháng “kết hạ”. Kết hạ là gì? Bắt đầu vào mùa hè nắng nhiều mưa lắm, côn trùng, sâu bọ sinh nở khắp nơi, sư sãi đi ra ngoài đường dễ phạm giới sát (dẫm chết chúng). Cho nên Phật tổ Thích-ca tổ chức khóa hạ 3 tháng mùa hạ tập trung các tăng ni ở một nơi để giúp nhau kiểm điểm tội lỗi, học tập lời Phật dạy, rèn luyện đạo đức. Khóa hạ bắt đầu rằm tháng tư đến rằm tháng bảy kết thúc. Bởi thế rằm tháng bảy còn gọi là ngày “tự tứ”.

Nghi thức cài hoa hồng trong Lễ Vu lan ở Việt Nam. Ảnh: T.L

Ngoài khóa hạ còn “khóa đông” từ rằm tháng mười đến rằm tháng giêng, chư tăng ni tập trung để tu thiền định, nói đầy đủ là “tham thiền nhập định”. Đó là tiết Trung nguyên (tiết giữa tháng đầu của mùa xuân) cũng là tiết quan trọng của nhà Phật: “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”, nhưng ở đây không bàn tới lễ tết này.

Phật Thích-ca truyền dạy hàng vạn đệ tử, trong số mười đệ tử giỏi nhất có ông Mục Liên, tên thường gọi: Mục Liên tôn giả (ngài Mục Liên tôn kính). Tên đầy đủ của Mục Liên là Mục Kiền Liên. Bởi ông là học trò giỏi nhất của Phật tổ nên có danh hiệu “Ma ha” - Ma ha Mục Kiền Liên (chữ Ma ha như chữ “đại” là lớn).

Mục Liên vốn thuộc giai cấp Bà-la-môn, nhà tu hành giáo phái Bà-la-môn, chuyên đi truyền đạo ở miền Trung Ấn. Mẹ ông là Thanh Đề nhà giàu có, tiền của ức vạn, lúc sống vô cùng giàu có, khi chết bị đầy xuống chín tầng địa ngục. Mục Liên nổi tiếng phép thần thông quảng đại, bỏ đạo Bà-la-môn, giác ngộ theo Phật. Một hôm, ông vận dụng phép “nhãn thần thông” nhìn thấu tận cõi âm phủ, thấy bà Thanh Đề đang bị trói tay chân treo ngược trong địa ngục. Mục Liên vô cùng thương xót mẹ, nhưng phép thần thông dù quảng đại đến đâu cũng không tác dụng đối với luật nhân quả làm ác phải trừng phạt, làm thiện được hưởng phúc. Mục Liên xin đức Thích-ca cứu vớt mẹ mình thoát khỏi biển trầm luân nơi địa ngục, tức cứu độ linh hồn Thanh Đề thoát cảnh bị trói treo ngược suốt ngày đêm. Theo Vu Lan bồn kinh của Phật giáo, đức Thích-ca bảo Mục Liên: Nhà ngươi giàu có kể ức vạn, do đâu mà nên? Vậy, con cái phải làm việc phúc, điều thiện để đền đáp. Nay đang mùa Kết hạ, đến ngày tự tứ, ngươi hãy giốc hết của cải, chuẩn bị đầy đủ đồ chay, trăm thứ của ngon vật lạ để dâng cúng 10 vạn tăng chúng (tăng ni sư sãi) đang an cư kết hạ. Họ sẽ làm pháp hội cầu mong cho người mẹ có tội sớm được siêu sinh lên cõi Phật Di Đà. Mục Liên vâng lời Phật dạy, đã cứu được mẹ khỏi tội trói treo ngược nơi địa ngục.

Khoảng 1.000 năm sau, đời vua Lương Vũ Đế năm thứ tư (TQ) (538) bắt đầu cử hành hội chay Vu Lan Bồn ở chùa Đồng Thái. Đến thời nhà Đường hội lễ được tổ chức khắp dân gian. Từ đó thành tục lệ, trước ở Trung Hoa sau truyền sang nước Việt.

Lễ tục Vu Lan Bồn của Phật giáo ở Trung Quốc, đến thời nhà Tống không còn giữ được tính chất nguyên thủy mà biến hóa nội dung. Ngày rằm tháng bảy, dân chúng làm cỗ chay để cúng dàng (dâng cúng) chư tăng ni, thêm cả bố thí cho ma quỷ. Trong ngày hội này, nhà chùa tổ chức tụng kinh cùng các hoạt động như thủy lục đạo tràng: bố thí chúng sinh, những linh hồn mắc tội lỗi ở dưới nước và trên cạn, cứu giúp họ được siêu thoát. Ngoài hoạt động này còn tổ chức thả đèn, phóng thích ma đói,v.v...

Về tục đốt vàng mã cho người chết nói chung nhất là vào ngày rằm tháng bảy tức ngày lễ Vu Lan Bồn, tôi chưa được thấy kinh sách, tài liệu nào của nhà Phật nói đến. Thời đại Thích-ca không có vàng mã. Các đồ đệ Phật dùng lá bối để ghi chép lời Phật dạy nên gọi là “Bối kinh” tức Kinh lá bối. Linh hồn người chết chỉ cần được siêu thoát, vàng ngọc, của cải đối với họ là vô nghĩa như bà Thanh Đề vậy.

Nguồn gốc vàng mã sinh ra từ đâu?

Học giả Chu Tử thời Minh Trung Quốc (1368 - 1662) cho biết: “Đời xưa cúng bằng ngọc bạch (ngọc và lụa quý), đời sau cúng bằng tiền. Đến đời Đường Huyền tông (712 - 756) việc cúng tế quỷ thần gây phiền nhiễu quá, không lấy tiền đâu cho đủ nên Vương Dư làm tiền giấy thay ngọc lụa”. Chu Tử lại nói: “Xưa, đời nhà Tống (960 - 1127) hễ nói đến lễ là phải làm mũ áo giấy, chứ không làm tiền giấy để thay thế”. Học giả Lê Quý Đôn (Việt Nam) đặt câu hỏi: “Vậy, tiền giấy và mũ áo giấy khác gì nhau?”. Rồi ông viết: “Tiền giấy mã có từ đời Đức tông nhà Đường (756 - 763) do quan Thái Ất sứ là Vương Dư chế ra. Còn mũ áo giấy bắt đầu từ thời Ngũ Đại” (năm đời: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) tức là trong khoảng thời gian từ 907 đến 960. (Vân đài loại ngữ).

So sánh niên đại, chúng ta thấy dường như Lê Quý Đôn (1726 - 1784) muốn đính chính lại ý kiến Chu tử, rằng Vương Dư “chế ra” tiền giấy vào đời Đường Đức tông sau đời Đường Huyền tông. Ông lại cho biết việc dùng loại mũ áo giấy bắt đầu từ thời Ngũ Đại, tức là trước thời Tống, chứ không phải ở thời Tống.

Song, căn cứ sách Tự trị thông giám cương mục, tiền giấy không phải do Vương Dư “chế ra”. Vương Dư được Đường Đức tông sai làm quan tế đã dùng tiến giấy để cúng lễ cũng như các vu sử (bói toán, đồng cốt, những người làm nghề giao tiếp thần linh). Thế nghĩa là tiền giấy đã có từ trước Vương Dư, không phải chờ sáng kiến của ông. Vậy, nói “có trước” thì cụ thể “có trước” từ đời nào? Sách Vương Dư truyện cho biết tiền giấy xuất hiện từ thời nhà Hán (206 TCN- 220 SCN) nghĩa là “có trước” từ lâu lắm, đến sáu, bảy trăm năm! (Liệu có sớm quá chăng?) nguyên do người Trung Quốc cổ đại có tục chôn người chết, chôn theo cả tiền thật (một hình thức chia của cho người chết trong gia đình). Sau vì thiếu tiền, phải dùng tiền giấy thay tiền thật để cúng lễ. Qua tài liệu khảo cổ học Trung Quốc, mộ của giai cấp quý tộc các thời đại trước và sau Công nguyên ở thế kỷ bản lề, không thấy di vật ngọc lụa, đồ tùy táng chủ yếu là nhạc khí, tế khí, vũ khí bằng đồng, sắt, các đồ gốm, đồ sơn... góp phần chứng minh đồ hàng mã xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc.

Giới vu sử chuyên nghề bói toán, đồng cốt tích cực truyền bá mê tín dị đoan, dùng tiền giả thay thế tiền thật để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội đa số là dân nghèo. Dân gian vốn bị giới vu sử mê hoặc, càng nhắm mắt tin theo.

Ở Việt Nam đạo Phật rất thịnh hành từ Lý - Trần, nhưng tục đốt vàng mã của Trung Quốc khó thâm nhập vì kỹ nghệ giấy nước ta ra đời muộn do chính sách đô hộ của phương Bắc. Nghề làm vàng mã phải ra đời sau nghề sản xuất giấy. Tiếng chày giã cây dó niệt làng giấy Yên Thái xao động mặt nước Tây Hồ trong ca dao cổ: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương, nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Đó là cảnh tượng đời Hậu Lê và giấy Yên Thái chủ yếu cung cấp cho vùng Kinh kỳ. Cho đến địa danh Hàng Mã trong 36 phố phường Thăng Long, đồ hàng mã làm được và bán ra cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu triều đình sau mới đến dân Thăng Long. Những kỳ đại tế thiên địa, thần linh, vua ban áo mũ giấy cho các đền miếu lớn, chứng tỏ vua chúa, triều đình, tầng lớp đầu tiên trong xã hội phong kiến nước ta tiếp nhận và sử dụng “văn hóa hàng mã” của Trung Quốc.

Trong khi người Tàu dùng hàng mã theo tục lệ truyền thống của họ, thì dân Nam ta vẫn giữ nguyên tín ngưỡng từ nghìn xưa chất phác đơn giản. Chồng chết, người vợ muốn tái giá chỉ cần: “Giàu thì thịt cá cơm canh, nghèo thì lưng cơm đĩa muối cúng anh, tôi đi lấy chồng” (Hò sông Mã). Đến kỳ giỗ chạp, con cháu nghèo khó, chỉ cốt “Bát cơm quả trứng” hay “Lưng cơm đĩa muối tạm dùng quải đơm” (Truyện Thạch Sanh).

Thế kỷ XV, kinh tế điền trang kết thúc, nhường chỗ cho kinh tế địa chủ phát triển. Khi người ta có của riêng, ngoài của ăn còn của để, thì tục chia của cho người chết mới xuống đến tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, dưới chế độ phong kiến, kinh tế tư nhân dẫu phát triển đến đâu vẫn trong tình trạng không ổn định và không đồng đều (bão lụt, hạn hán, sâu keo, ốm đau, dịch bệnh, trộm cướp, chiến tranh...). Câu ghi trong bản trích lục “Nhất điền thiên vạn chủ” và “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” truyền trong dân gian như là những định luật. Chính những người làm nghề mê tín dị đoan (thầy bói, thầy cúng, ông đồng bà cốt, xưa Trung Quốc gọi là vu sử) đã bày đặt, mượn danh thần thánh, ma quỷ, bịa lời âm hồn tổ tiên, ông bà đòi hỏi cái này cái kia và có thể thay thế bằng vàng mã, đồ mã. Hàng mã dĩ nhiên không tốn kém bằng hàng thật vì nó toàn bằng giấy và khung tre, nan nứa! “Chắc ông Vương Dư, ông thầy tế lễ người Tàu không lường trước rằng mình đã để lại muôn vàn tệ hại cho hậu thế! Còn giới vu sử người Tàu kia liệu có thoát 9 tầng địa ngục? Chẳng phải không có ai ngờ vực hoặc bán tín bán nghi về chuyện “ma mặc áo giấy”. Song, do nhu cầu tâm linh hay tục lệ cúng bái và ít tốn kém tiền bạc, nói chung là vì lợi ích kinh tế, người ta sẵn lòng nghiêng về phía hàng mã. Hễ cúng lễ phải có vàng mã. Việc cúng lễ thường xuyên diễn ra quanh năm đối với mọi gia đình. Lễ tục thành tục lệ. Rồi tục lệ hóa ra thói tệ. Người ta xem thần thánh trên trời giống quan chức ở trần gian. Nay cầu mai xin. “Tốt lễ dễ van”. Cứ mua sắm thật nhiều thứ, mua thật nhiều đồ...

(Xem tiếp trang 17)

(Tiếp theo trang 16)

Trước kia là ngựa cưỡi, dù che, nay xe máy, ô tô, nhà lầu, vợ hầu, tôi tớ... Đơn giản nhất là tiền giấy và vàng thoi, bạc nén... Từ của cải ngọc ngà đến hình nhân thế mạng đều bằng giấy!

Nếu câu thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du, tả cảnh đám ma “Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay” không phải cảnh đưa ma người Tàu mà cảnh tống chung người Việt, thì thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX, dân nước ta đã cung phụng hồn ma rất phóng tay, ngoài khoản tiền giấy đốt thành tro than tàn bay đầy trời còn vàng thoi, thỏi bạc nén không kịp thiêu cháy thì rắc tung đầy đường! Đây mới chỉ là khoản tiền đồng, vàng thoi ban phát cho ma đói ma khát trên đường đưa linh cữu từ nhà ra nghĩa địa.

Chúng ta đều biết hàng mã thực ra là hàng giả. Đã làm giả để nói dối người chết, người ta còn sản xuất đồ rởm để đánh lừa cả người sống. Chúng ta biết không? Ai cũng rõ máu tham hễ ngửi thấy hơi đồng thì mê! Tập vàng lá chỉ được tờ đầu, tờ sau không bôi tý nhũ vàng, nhũ bạc qua loa cũng rách nát đủ kiểu. Đến vàng thoi, bạc nén thì dùng giấy màu bọc mặt ngoài, còn mặt trong trơ cái khung nứa, có cả loại nứa ngâm mới vớt, mùi thối hoắc! Dân gian nói ai làm hàng giả, chết sẽ sa xuống địa ngục. Nhưng đã ai biết sự thật sự giả thế nào? Người ta đã chết, có ai sống lại để kể chuyện chết đâu? Ngược lại, chỉ có người sống nói chuyện người chết, làm sao tin được! Thế là hàng mã - hàng giả cứ việc tràn lan, mua bán tự do. Tại sao?

Sự tích Vu Lan Bồn với ngày hội lễ “tự tứ” nhà Phật, chính là tiết Rằm tháng Bảy, bị biến đổi thành lễ - tục lệ khác: “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Dân gian không làm việc thiện để cầu siêu cho cha mẹ, chỉ lo sắm sửa đồ hàng mã - hàng giả để cúng lễ, thực là sai lầm lớn! Nguyên nhân bởi mua những thứ đồ mã dễ hơn làm việc thiện chăng?

Xưa, dân gian kể chuyện khôi hài, Trạng Quỳnh vay tiền Bà Chúa Liễu, một quan tiền thật, nói là sẽ trả bằng 3 con bò, nhưng lại chỉ trả một con me con đem cột vào tay ngai thờ Bà, rồi dắt bò mẹ đi. Me con nhớ mẹ chạy theo mẹ, kéo đổ cả ngai thờ Chúa. Chúa nổi giận phạt Trạng què chân. Trạng hứa sẽ trả đúng 3 bò thật, Chúa mới tha. Nhưng Trạng không đem bò đến mà ra giữa sân đền bò ba vòng! Chúa bật cười, đành chịu thua Trạng.

Nay, người ta đua nhau đi vay tiền Bà Chúa Kho, hứa sẽ trả nhiều gấp bội mà không biết rằng bà chỉ coi kho giữ kho, có phải là giám đốc ngân hàng tín dụng đâu? Vả chăng, Bà không lạ gì dân gian vay tiền thật trả bạc giả và trong cái giả lại có cái giả, tức là như các cụ xưa nói “giả trung chi giả”!

Nghị định của Chính phủ số 31/2001-NĐ/CP ngày 26-6-2001 quy định xử phạt hành chính rất nghiêm khắc đối với người sản xuất hàng mã trái phép và đốt hàng mã nơi công cộng.

Nhà chùa trước nay không cúng lễ hàng mã. Ngày rằm tháng bảy tổ chức hội lễ Vu Lan Bồn, thả đèn, phóng sinh rất vui. Riêng các đền phủ quanh năm tràn ngập đồ hàng mã, bởi phú quý, sinh lễ nghĩa, một số nơi phải xây lò đốt mã như địa phương xây lò đốt rác thải. Trước tiên làm ô uế bầu không khí thanh tịnh của nơi thờ cúng tôn nghiêm và hậu quả là ô nhiễm môi trường cuộc sống, ảnh hưởng sức khỏe con người, rồi tiền mất tật mang!

Xã hội ta, đám”vu sử hiện đại” xuất hiện ngày càng nhiều. Họ hoạt động tinh vi, lắm thủ đoạn, bày vẽ đủ trò lừa bịp, chỉ cốt móc túi nhân dân. Lễ tục Rằm tháng Bảy, chúng ta nên xem là dịp làm lễ cầu siêu cho vong linh người thân bằng cách đóng góp từ thiện, giúp đỡ người nghèo, không dùng vàng mã, đồ hàng giả để mất tiền oan!


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]