(Baothanhhoa.vn) - 60 năm đã qua đi, cũng ngần ấy năm Thanh Hóa – Quảng Nam vẹn tròn một mối tình thủy chung, son sắt. Với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”, hàng ngàn con em quê hương Thanh Hóa đã vào chiến trường Quảng Nam chiến đấu, rồi tiếp tục ở lại đây sinh sống, công tác, dựng xây cuộc sống mới như quê hương thứ hai của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người xứ Thanh ở xứ Quảng

60 năm đã qua đi, cũng ngần ấy năm Thanh Hóa – Quảng Nam vẹn tròn một mối tình thủy chung, son sắt. Với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”, hàng ngàn con em quê hương Thanh Hóa đã vào chiến trường Quảng Nam chiến đấu, rồi tiếp tục ở lại đây sinh sống, công tác, dựng xây cuộc sống mới như quê hương thứ hai của mình.

Người xứ Thanh ở xứ Quảng

Thạc sĩ Nguyễn Lương Định (bên trái) kiểm tra việc tạo giống và nuôi đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo.

“Trăn trở với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có những người con Thanh Hóa đã ngã xuống cho tuổi trẻ hôm nay được sống trong hoà bình độc lập. Bằng sự hiểu biết và lòng nhiệt huyết của mình, khi biết mảnh đất Quảng Nam có nhiều tài nguyên quý hiếm được thiên nhiên ban tặng, tôi đã trăn trở phải làm sao để phát huy và sử dụng hiệu quả, bền vững những tài nguyên đó” - nghiên cứu sinh, thạc sĩ Nguyễn Lương Định - người con của Thanh Hóa, quê xã Hà Lai, huyện Hà Trung chia sẻ. Anh đã cùng một số nhà khoa học trong và ngoài nước xin giấy phép thành lập Trung tâm Khoa học công nghệ và Dịch vụ Hội An. Đây là đơn vị sự nghiệp tư thục đầu tiên của tỉnh Quảng Nam hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, dưới sự quản lý chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam. Để nắm bắt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ cho phát triển khoa học – công nghệ, Chi hội Trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ và Dịch vụ Hội An được thành lập, do thạc sĩ Nguyễn Lương Định giữ chức Chủ tịch Hội đồng Trung tâm, bí thư chi bộ. Sau đó, Hội Đông y Trung tâm Khoa học công nghệ và Dịch vụ Hội An được thành lập, trực thuộc Hội Đông y tỉnh Quảng Nam. Nhằm gắn kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, các đơn vị doanh nghiệp khoa học - công nghệ trực thuộc trung tâm đã được thành lập, gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Việt – Nhật; Viện Khoa học kinh tế và nông nghiệp Việt – Nhật; Trung tâm trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ QLANDS. Thông qua các đơn vị này nhằm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị kinh doanh có nhu cầu, hướng tới các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp tỉnh và cấp cơ sở về cây bìm bìm, sâm Ngọc Linh, nấm đông trùng hạ thảo, nấm lim xanh, cây sả rừng Tây Giang... đã được ứng dụng vào thực tiễn. Những đóng góp của Thạc sĩ Nguyễn Lương Định cùng những nghiên cứu thiết thực, gắn nông nghiệp với dược liệu, bảo tồn và phát huy các loại thảo dược của rừng nguyên sinh Quảng Nam đã giúp ích cho việc chữa bệnh và nâng cao sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.

Từ vùng quê chiêm trũng xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, nhà giáo Nguyễn Văn Dung đã gắn bó cả cuộc đời với vùng đất Quảng Nam “chưa mưa đã thấm”. Ông hiện sống tại phường Tân An, TP Hội An. Năm 1978 sau khi học xong Cao đẳng Sư Phạm khóa I Đà Nẵng, ông được phân công về làm giáo viên Trường Phổ thông cơ sở cấp 1 và 2 Nguyễn Duy Hiệu, phường Minh An, TP Hội An. Có biết bao khó khăn khi mới bước vào nghề, nhưng ông được sự thương yêu đùm bọc của các thầy, cô giáo tại TP Hội An và một số thầy, cô giáo người miền Bắc, trong đó số đông là quê hương Thanh Hóa. Sau 3 năm đi dạy học, năm 1981 ông được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở cấp 1 và 2 Nguyễn Duy Hiệu. Năm 1984, ông được phân công chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở cấp 1 và 2 Nguyễn Văn Trỗi. Khi ấy ông mới 26 tuổi, kinh nghiệm và trình độ bản thân lúc đó còn nhiều hạn chế, chỉ có nguồn lực lớn nhất lúc bấy giờ là lòng nhiệt huyết cách mạng, sự chân thành, khiêm tốn và sức trẻ. Năm 1998, ông được điều động sang làm chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hội An, sau đó về Thành ủy Hội An, rồi được bổ nhiệm làm Phó văn phòng, Chánh văn phòng, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hội An... Trong 5 năm (2013-2018), dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào giáo dục của thành phố luôn dẫn đầu thi đua giáo dục toàn tỉnh, được UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ đơn vị xuất sắc, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông tâm sự: “Cái được lớn nhất của người con Thanh Hóa đang sinh sống tại TP Hội An đó chính là tình cảm của lãnh đạo, đồng chí, đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu dành cho người thầy có trọn 40 năm gắn bó với mảnh đất này”.

Với vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Chủ tịch Công đoàn phường An Xuân, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, chị Bùi Thị Hằng, quê xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa đã có đóng góp trên nhiều cương vị công tác. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, bản thân chị đã cùng với tập thể lãnh đạo phường thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được quy định. Tham mưu cho ban thường vụ, ban chấp hành phường xây dựng nghị quyết năm, hàng tháng bám sát đúng với tình hình của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Kịp thời xem xét giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc ở cơ sở và những đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân thuộc trách nhiệm của mình. Tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tham gia ý kiến xây dựng các nghị quyết, quyết định của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân. Trong thực thi công việc bản thân luôn công tâm, khách quan, luôn đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Bản thân chị đã có sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sinh hoạt của chi bộ, để kịp thời chỉ đạo những khó khăn, vướng mắc của chi bộ. Phường An Xuân nơi chị công tác liên tục được cấp trên đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu toàn thành phố.

Mặc dù đã sống ở phường An Sơn, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hàng chục năm, nhưng không lúc nào bác Nguyễn Hữu Nghị nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương xã Hà Phong, huyện Hà Trung. Học xong trường trung học địa chất ở Mê Linh (Hà Nội), năm 1978 bác vào Quảng Nam công tác, lúc đó là kỹ thuật viên thăm dò khoáng sản ở Liên đoàn địa chất 5 khu vực miền Trung. Đơn vị của bác đóng ở TP Tam Kỳ, chuyên về trắc địa đo đạc bản đồ thăm dò tài nguyên khoáng sản cho các mỏ địa chất ở khu vực miền Trung. Công tác trong ngành địa chất 20 năm, bác đã tham gia thăm dò rất nhiều mỏ ở miền Trung như các mỏ than, bô-xít, đất sét, gạch ngói, ti-tan... từ đó xác định được vị trí tài nguyên, khoáng sản để phục vụ cho các ngành công nghiệp, xây dựng... Xác định đây là ngành tiên phong đi trước, quan trọng nhất để đánh giá được trữ lượng các mỏ cần phải đo đạc chính xác mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Bác Nghĩa thổ lộ: “Lúc mới vào trong này công tác, cũng là những ngày miền Nam mới được giải phóng, đất nước thống nhất, vùng đất Quảng Nam còn nghèo, nhưng con người Quảng Nam thì rất gần gũi, thân thiện, tình cảm. Đi cơ sở nhiều, thấy tình cảm của bà con nhân dân trong này gắn bó thắm thiết nên mình không nỡ rời xa mảnh đất này, mà quyết tâm ở lại đây an cư, lập nghiệp. Vì Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa, làm việc ở đâu cũng đều là cống hiến, là đóng góp cho quê hương mình cả”.

Ý thức được tình sâu nghĩa nặng Thanh Hóa – Quảng Nam mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, những người con Thanh Hóa hiện đang sinh sống tại Quảng Nam hôm nay, dù trên cương vị nào cũng luôn nỗ lực ra sức thi đua học tập, rèn luyện, công tác tốt. Các thế hệ người con Thanh Hóa và Quảng Nam đã hòa chung dòng máu, cùng nhau chiến đấu, xây dựng và bảo vệ quê hương trung dũng kiên cường. Và, chính họ cũng đang tiếp tục kết nối, vun đắp cho mối tình Thanh Hóa – Quảng Nam ngày càng phát triển bền vững:

“Quảng – Thanh chung sức diệt thù

Mối tình đoàn kết nghìn thu không mờ”.

Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]