(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi có dịp trở lại Nga Sơn – một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng vào một ngày trung tuần tháng 7. Dịp này, cùng với các địa phương trong cả nước, toàn huyện Nga Sơn đang hướng về những gia đình chính sách, người có công với nước bằng nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhiều việc làm tri ân thắm đượm nghĩa tình. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nga Sơn thắm đượm nghĩa tình

Chúng tôi có dịp trở lại Nga Sơn – một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng vào một ngày trung tuần tháng 7. Dịp này, cùng với các địa phương trong cả nước, toàn huyện Nga Sơn đang hướng về những gia đình chính sách, người có công với nước bằng nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhiều việc làm tri ân thắm đượm nghĩa tình.

Nga Sơn thắm đượm nghĩa tình

Mô hình gia trại tổng hợp của gia đình bệnh binh Mai Đức Mộc, xã Nga Yên. Ảnh: N.N

Mặc dù khá bận rộn với công việc chuẩn bị cho các hoạt động nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, nhưng anh Mai Văn Tùng, phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nga Sơn vẫn dành thời gian đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình người có công trên địa bàn huyện. Về xã Nga Trung thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Điều, thấy chúng tôi đến, mẹ vô cùng xúc động, nắm chặt lấy tay chúng tôi không rời. Mẹ Điều năm nay đã 95 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Mẹ có 5 người con (3 trai, 2 gái) thì hai người con trai đầu đều hy sinh ở mặt trận phía Tây Nam những năm 1971, 1972. Mẹ hiện đang ở với vợ chồng người con trai thứ ba, hai người con gái còn lại đều đã có gia đình, công việc ổn định. Hàng năm, để tri ân tưởng nhớ công lao các con của mẹ, các cấp chính quyền địa phương thường xuyên tới thăm hỏi, động viên giúp mẹ nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất mát. Dù không nói ra nhưng trong ánh mắt của mẹ, chúng tôi vẫn thấu hiểu, mẹ đang cố gắng sống vui, sống khỏe, sống có ích để làm gương cho con cháu, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của gia đình.

Chia tay mẹ Điều, anh Tùng lại dẫn chúng tôi đến xóm 3, xã Nga Yên thăm bệnh binh Mai Đức Mộc – một tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Năm 1972, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Năm 1981, anh xuất ngũ trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 61%, là bệnh binh hạng 2/3. Vết thương hay tái phát nên anh đi lại gặp nhiều khó khăn. Trăn trở với cuộc sống sinh hoạt của gia đình, bản thân anh nghĩ phải tìm một công việc gì đó làm để gia đình vơi bớt khó khăn. Khi đó, Nhà nước có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa, anh đã mạnh dạn vay vốn phát triển mô hình kinh tế gia trại tổng hợp, gồm cây ăn quả, ao cá, chăn nuôi. Ít năm sau, anh tiếp tục đầu tư xây dựng hơn 500m2 nhà kính sản xuất công nghệ cao và nhà màng phủ nilông đưa vào sản xuất các loại hoa, rau, dưa, bước đầu đã có thu nhập ổn định. Anh còn đào ao thả cá với quy mô 3.500m2 và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi an toàn thực phẩm. Hàng năm, ngoài lao động chính của gia đình, anh còn thuê 4-6 lao động thời vụ có công việc ổn định với thu nhập đảm bảo. Hàng năm trừ chi phí, doanh thu của gia đình đạt 250 đến 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, anh đã xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, con cái có công việc ổn định. Anh còn được hội viên tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội làm vườn xã Nga Yên kiêm bí thư chi bộ xóm 3. Bản thân anh luôn gương mẫu, tiên phong trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương, thực hiện tốt việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời vận động người thân, hàng xóm láng giềng thực hiện tốt các chủ trương về xây dựng nông thôn mới. Tích cực tham gia các phong trào do các cấp, các ngành phát động, các phong trào ủng hộ người nghèo, đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt. Những việc làm của anh đã góp phần phát triển kinh tế địa phương, xây dựng quê hương giàu đẹp và là tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế”.

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước, Nga Sơn đã tiễn đưa hàng vạn người con ưu tú lên đường trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó có 2.528 người con đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, có 1.817 thương binh, bệnh binh... Hiện nay, huyện Nga Sơn có tổng số 4.280 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó có 11 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 380 thân nhân liệt sĩ; 1.579 thương, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 383 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 1.825 người thờ cúng liệt sĩ...

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nga Sơn đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng. Đặc biệt, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thời gian qua huyện luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng đến các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác người có công các cấp, giải đáp các vướng mắc về thủ tục chế độ, chính sách từ cơ sở. Chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như thông qua hội nghị, các tổ chức chính trị xã hội, các buổi tập huấn, trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Nhân rộng điển hình tiên tiến, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, xác định công tác thương binh – liệt sĩ, người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm của Nhà nước và toàn xã hội, huyện luôn bám sát vào các văn bản chỉ đạo của cấp trên để làm tốt công tác xác lập thủ tục hồ sơ đề nghị thực hiện chế độ, chính sách cho đối tượng người có công với cách mạng. Trợ cấp ưu đãi người có công được hoàn thiện và điều chỉnh trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn của xã hội. Ngoài trợ cấp ưu đãi còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, được sự đồng thuận trong xã hội. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân tham gia chăm sóc sức khỏe cho người có công phát triển sâu rộng, trở thành trách nhiệm xã hội, tình cảm và nét đẹp văn hóa dân tộc, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Đời sống người có công được ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia, việc thực hiện Pháp lệnh Người có công trong huyện đã thực sự trở thành một hoạt động xã hội sâu sắc, đạt được những kết quả hết sức quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Những kết quả đó không chỉ góp phần bù đắp sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mà còn làm vơi đi những mất mát đau thương, góp phần giải quyết khó khăn cho các gia đình chính sách. Đồng thời, kịp thời động viên các tầng lớp nhân dân, các gia đình và đối tượng chính sách, tiếp tục có đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7 năm nay, huyện đang tập trung cải tạo khu nghĩa trang liệt sĩ, như: Thay mới 2 nhà bia ghi tên liệt sĩ; thay mới bia cho trên 500 bia mộ liệt sĩ; xây mới gần 200 vỏ mộ để đón hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện; tu sửa cải tạo toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng với tổng dự toán gần 2 tỷ đồng. Tổ chức trao quà của Trung ương, của tỉnh và trích ngân sách huyện tặng cho tất cả các gia đình người có công mỗi suất quà trị giá 100 nghìn đồng. Tổng kinh phí của Trung ương, của tỉnh và của huyện trao quà và thăm hỏi các đối tượng chính sách nhân dịp 27-7 năm nay khoảng trên 2 tỷ đồng. Huyện cũng phát động các xã, thị trấn xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa và nguồn xã hội hóa hàng năm với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, hỗ trợ cho các hộ có cuộc sống khó khăn về nhà ở, ốm đau, hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất...

Dẫu không thể khỏa lấp hết những thương đau, nhưng những việc làm thắm đượm nghĩa tình mà các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trên địa bàn huyện Nga Sơn đã và đang nỗ lực làm cũng đã bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát của hàng nghìn gia đình có người đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]