(Baothanhhoa.vn) - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa đầy 6 tháng, ngày 29-7-1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng ở một tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa góp phần tô thắm trang sử hào hùng của Đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa trong các giai đoạn cách mạng

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa đầy 6 tháng, ngày 29-7-1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng ở một tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước.

Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa góp phần tô thắm trang sử hào hùng của Đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa trong các giai đoạn cách mạngLực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ảnh: Minh Hiếu

Trải qua chặng đường lịch sử 90 năm, Đảng bộ tỉnh không ngừng xây dựng trưởng thành, lãnh đạo Nhân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên những thành tích xuất sắc, thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh, góp phần tô thắm trang sử truyền thống của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà trong mọi giai đoạn cách mạng.

Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã tích cực hoạt động gây dựng phát triển phong trào cách mạng trong điều kiện vây giáp, khủng bố gắt gao của kẻ thù. Cũng như cả nước, thành quả của quá trình vận động tạo thế, tạo lực cho cách mạng (từ năm 1941 đến tháng 8-1945) là nhân tố trực tiếp đưa đến sự ra đời của các tổ chức tiền thân LLVT.

Tại Thanh Hóa, thấu triệt tinh thần mà nghị quyết các hội nghị Trung ương, tháng 7-1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định chọn Ngọc Trạo - một địa bàn nằm trên tuyến thượng đạo ở miền Tây Thanh Hóa làm địa điểm xây dựng chiến khu - căn cứ địa cách mạng của tỉnh. Đi cùng với việc xây dựng chiến khu là xây dựng và phát triển các đội tự vệ, du kích tại các địa phương trong tỉnh.

Đêm 19-9-1941, tại hang Treo, đội du kích Ngọc Trạo - một trong những tổ chức du kích cách mạng đầu tiên của cả nước - chính thức được thành lập với quân số 21 đội viên, đến cuối năm 1941 tăng lên 80 cán bộ, chiến sĩ. Sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo (LLVT thoát ly đầu tiên) đánh dấu bước trưởng thành mới của phong trào cách mạng Thanh Hóa. Mặc dù chỉ tồn tại được hơn một tháng, nhưng những đội viên được phân tán về các địa phương hoạt động là những hạt nhân nòng cốt hậu thuẫn cho các địa phương xây dựng lực lượng chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, giành chính quyền khi có thời cơ.

Trong những tháng năm vận động cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố, phát triển LLVT cách mạng. Theo đó, các tổ, đội tự vệ cứu quốc ở các địa phương lần lượt ra đời.

Khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Đảng ta chủ trương phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, với những hình thức đấu tranh cao hơn trước. Thực hiện “Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, một phong trào kháng Nhật, cứu nước đã được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa phát động sâu rộng trên khắp địa bàn tỉnh. Bám sát diễn biến tình hình trong nước và ở địa phương, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chủ động nắm bắt thời cơ kịp thời phát triển cao trào kháng Nhật cứu nước thành cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay Nhân dân do lực lượng tự vệ làm nòng cốt. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ ngày 19 đến ngày 21-8-1945), hầu hết các huyện của tỉnh Thanh Hóa đều đã giành được chính quyền; một số châu ở miền Tây thông qua con đường hòa bình, hòa hợp dân tộc để xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Đặc biệt, huyện Hoằng Hóa còn giành được chính quyền từ rất sớm, trước đó gần một tháng.

Trong không khí giành chiến thắng, chiều 23-8-1945, UBND Cách mạng ra mắt toàn dân; trịnh trọng tuyên bố cách mạng đã thành công, chính quyền đã hoàn toàn về tay Nhân dân. Để bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được, ngày 24-8-1945, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập Chi đội Đinh Công Tráng - đây là tổ chức quân sự hoàn chỉnh đầu tiên của chính quyền cách mạng tỉnh Thanh Hóa1. Quân số ban đầu của chi đội là 1.500 người biên chế thành 1 tiểu đoàn tập trung và 7 đại đội trực thuộc. Đây là lực lượng nòng cốt để xây dựng và phát triển các tổ chức vũ trang ở các huyện, thị trong tỉnh.

Từ ánh hào quang của Chi đội Đinh Công Tráng những ngày tháng tám 1945 rực lửa, LLVT Thanh Hóa đã từng bước trưởng thành, không ngừng lớn mạnh, sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh tiếp tục lập nhiều chiến công rực rỡ gắn liền với những thành tích vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, LLVT Thanh Hóa đã sát cánh cùng toàn dân và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng anh dũng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tham gia đánh 1.456 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 5.717 tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp (1945-1954) trên địa bàn; đồng thời, huy động sức người, sức của chi viện cho các chiến trường, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên những chiến công chói lọi: Việt Bắc Thu Đông 1947, Biên giới Thu Đông năm 1950, Tây Bắc năm 1952, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 - đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi khi về thăm Thanh Hóa lần thứ 2 (13-6-1957) “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục lãnh đạo Nhân dân và LLVT đồng thời thực hiện các nhiệm vụ: vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên địa bàn tỉnh, vừa ra sức làm tròn nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng chiến tranh xâm lược và làm tròn nhiệm vụ quốc tế đối với 2 nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Đồng thời, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng của hậu phương, đáp ứng yêu cầu mọi mặt đời sống Nhân dân, bảo vệ vững chắc quê hương, cùng quân dân cả nước viết tiếp những trang sử chói lọi hào hùng. Lịch sử đã ghi dấu ấn những chiến công oanh liệt ở nhiều nơi trên mảnh đất Thanh Hóa: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Đò Lèn, Phà Ghép... với nhiều chiến công kỳ tích: bắn rơi, bắn cháy 376 máy bay các loại, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái, bắn cháy, bắn chìm 5 tàu biệt kích, 52 tàu khu trục hạm Mỹ - Ngụy (trong đó LLVT địa phương bắn rơi 81 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 12 tàu chiến), góp phần đập tan uy thế “không lực, hải lực Hoa Kỳ”. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để giải phóng hoàn toàn miền Nam”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mười năm (1965-1975), Tỉnh đội bộ dân quân Thanh Hóa (từ năm 1971 đến nay là Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh) đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiến hành 32 đợt tuyển quân, động viên 195.833 thanh niên nam, nữ bổ sung cho quân đội, hoàn thành 104% nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, tháng 2-1975, Thanh Hóa giao quân 1 đợt đạt 17.959 tân binh, vượt 20% chỉ tiêu cả năm, tiếp đó giao ngoài kế hoạch 3.023 tân binh. Kết quả nêu trên đã góp phần cùng cả nước thực hiện lời dạy và mong ước của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Với tinh thần “cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh phát động phong trào tòng quân lên đường diệt giặc cứu nước. Chỉ trong một thời gian ngắn có tới 37 vạn đoàn viên, thanh niên ghi tên tòng quân. Trong 2 năm (1978-1979), cả tỉnh có 61.497 thanh niên nhập ngũ. Năm 1979, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, Bộ CHQS Thanh Hóa đã tham mưu cho đảng bộ, chính quyền và tổ chức động viên 4.523 quân nhân dự bị hạng 1, biên chế thành 1 trung đoàn bộ binh giao cho Sư đoàn 358; giao Trung đoàn 14A và Tiểu đoàn 247 bộ đội địa phương huyện Hoằng Hóa cho mặt trận Hà Giang, quân số gồm 2.000 cán bộ, chiến sĩ; tổ chức thành lập lại Trung đoàn 14B, giao cho mặt trận Quảng Ninh, quân số gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ...; góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc.

Giai đoạn từ 1986 đến nay, sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ”, một lòng một dạ “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, LLVT tỉnh Thanh Hóa luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Nổi bật là đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có quyết sách đúng đắn, xử lý kiên quyết, kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng - an ninh, không để bị động, bất ngờ; tham mưu tổ chức xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, “Phi chính trị hóa LLVT” và hoạt động phá hoại của các thế lực phản động, thù địch.

Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, LLVT Thanh Hóa luôn đi đầu trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng cơ sở chính trị, đời sống văn hóa mới,... nhất là trên những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; luôn xung kích, nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh... Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ LLVT luôn có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân và làm công tác dân vận đã tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và những “Chiến sĩ sao vuông”; thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân – dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng bộ, chính quyền địa phương, tạo nền tảng vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá, ghi nhận những đóng góp to lớn của LLVT, nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên dương khen thưởng; đặc biệt, ngày 6-11-1978, LLVT Nhân dân tỉnh Thanh Hóa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và ngày 7-1-2013, lần thứ hai được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT trong thời kỳ đổi mới. Ngày 2-10-2017, Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhì.

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh (29-7-1930 – 29-7-2020) là một sự kiện chính trị quan trọng của địa phương. Đây là dịp để LLVT Thanh Hóa nhìn lại chặng đường đã qua và rất đỗi tự hào về truyền thống vẻ vang được lập nên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ địa phương, sự thương yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng của Nhân dân. Phát huy truyền thống đơn vị hai lần anh hùng, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu cùng cả tỉnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn tiếp theo. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, LLVT cũng không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, vững vàng trong mọi tình huống, không dao động trước những diễn biến phức tạp của tình hình và sự công kích của các thế lực thù địch; nhạy bén và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của chúng, bảo vệ vững chắc quê hương, tiếp tục góp phần tô thắm trang sử truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa trong giai đoạn cách mạng mới.

Đại tá LÊ VĂN DIỆN, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa

1. Ngày thành lập Chi đội Đinh Công Tráng (24-8-1945), được Hội thảo Khoa học “LLVT Thanh Hóa - Sự ra đời và truyền thống đơn vị Anh hùng LLVT Nhân dân” tổ chức năm 2017 thống nhất chọn làm ngày truyền thống của LLVT tỉnh Thanh Hóa và đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ký quyết định công nhận.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]