(Baothanhhoa.vn) - Làng Mưng tên chữ là Côn Minh, kiêng húy vua Minh Mệnh đổi thành Côn Sơn, trước năm 1945 thuộc tổng Cổ Định, nay thuộc xã Trung Thành, đối diện xã Trung Chính, chia đôi bờ Nam – Bắc sông Cầu Quan, huyện Nông Cống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội chèo mùa xuân làng Mưng

Làng Mưng tên chữ là Côn Minh, kiêng húy vua Minh Mệnh đổi thành Côn Sơn, trước năm 1945 thuộc tổng Cổ Định, nay thuộc xã Trung Thành, đối diện xã Trung Chính, chia đôi bờ Nam – Bắc sông Cầu Quan, huyện Nông Cống.

Một tiết mục hát chèo của các nghệ sĩ xứ Thanh. Hồng Đức

Sông Cầu Quan là khúc Lãng Giang mở rộng, cư dân từ lâu đời tụ họp đôi bờ, tạo nên phong cảnh trù phú, non nước hữu tình, đền Thánh Mưng, chùa Bạch Mã, tiếng trống tế thần chen hồi chuông cảnh tỉnh trong không gian văn hóa thơm ngát hương trầm.

Mùa xuân là mùa lễ hội Cầu Quan. Xưa, hội hè diễn ra suốt mùa xuân từ mùng 3 tết đến hết tháng 3 âm lịch, đều xoay quanh tục thờ Tham Xung Tá quốc đại vương. Thần Tham Xung là con trai út Lê Ngọc Thái thú quận Cửu Chân đời nhà Tùy cai trị nước ta. Tham Xung Tá quốc là tên hiệu, tước phong đại vương, húy Lê Hữu, tục danh Chàng Út, sắc phong thần viết chệch Chàng Ất đại vương. Năm 618, nhà Đường đánh đổ nhà Tùy, tiến sang xâm lược nước ta, năm cha con Thái thú Lê Ngọc tập hợp quân sĩ chống lại. Chàng Út Lê Hữu bảo vệ vùng đất: Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn. Trong một trận đánh quyết liệt ở Quảng Xương, Lê Hữu bị địch chém đứt cổ, nhưng không chịu để rơi đầu, phi ngựa chạy về đến bến Đá làng Mưng thì hóa thân về trời. Đời sau tại đây lập đền thờ; cũng là đền thờ chung của cả tổng Cổ Định, tục gọi đền Mưng, hoặc đền thờ Thánh Mưng.

Đền Mưng bị đế quốc Pháp ném bom phá hoại trong kháng chiến “chín năm”, sau hòa bình thống nhất mới xây dựng lại và phục hồi lễ hội.

Năm 1999, tại Hội diễn Trò thờ làng Mưng do làng Mưng đăng cai tổ chức, cơ quan chức năng ngành văn hóa địa phương và Trung ương về dự. Qua nhiều tài liệu báo cáo, ý kiến phát biểu của các vị lão thành người các làng vốn xưa cùng tổng, xã: Mưng, Tống, Sở, Bi, Kiều, Thanh Hà, Tý Thôn, Yên Quả, Đông Bằng, Đông Cao,... Trò thờ làng Mưng nổi lên mấy đặc điểm:

1. Trò chèo chỉ diễn những đêm thờ đức thánh Tham Xung vào mùa xuân đầu năm, sau đó, đồ nghề xếp lại, cất đi trong đền cho đến năm sau, không được đem diễn nơi khác. Những trò chèo này không được nơi nào diễn theo để thờ thần làng mình hoặc phục vụ các đình đám...

2. Phường trò người một nhà hay một số nhà trong làng Mưng, cha truyền con nối, không truyền bá, phổ biến cho người làng khác.

3. Bốn đêm hát thờ thần Tham Xung: Mùng 5, mùng 6, mùng 7, mùng 8 tháng 3 âm lịch hàng năm chỉ diễn 4 trò, mỗi đêm một trò: Tống Trân Cúc Hoa, Thục Vân, Lưu Quân Bình và Tuấn Khanh. Ngoài 4 trò truyền thống này, không được học tập, du nhập, thêm bớt, phổ biến bất cứ trò nào ở nơi nào.

4. Số làn điệu và các làn điệu cụ thể cũng được quy định nghiêm ngặt, cấm không thay đổi, thay thế làn điệu khác. Mọi người không được đem làm điệu hát thờ thần để hát ru con, ru em, ru cháu, hoặc ca hát trong lúc vui chơi.

5. Phường chèo tập luyện chuẩn bị phục vụ hát thờ, địa điểm ở ngay trong đền Mưng, nhưng phải đèn hương khấn vái trước, xin phép thần cho phép, không được tùy tiện.

6. Mục đích diễn trò để thờ “thánh”, mọi tục lệ, quy định do con người đặt ra được thần thánh hóa trở thành ý muốn của thần linh, mong cầu thần linh phù hộ dân làng, dân xã nhân khang vật thịnh.

Chúng ta nhận thấy chủ đề tư tưởng của 4 trò đều đề cao Trung

Hiếu, Tiết, Nghĩa đồng thời ca ngợi thánh Tham Xung nêu cao tấm gương chiến đấu hy sinh oanh liệt chống kẻ thù xâm lược, trở thành vị thần linh bất tử, theo quan điểm lịch sử của dân gian.

Theo ý kiến các cụ cao tuổi làng Mưng và vùng Cầu Quan, Trò thờ làng Mưng có 3 làn điệu chủ chốt:

- Vãn đường cù.

- Than.

- Vãn Khổng

Ví dụ: “Trò Tống Trân Cúc Hoa”.

Khi Tống Trân dắt mẹ đi ăn mày, bà mẹ hát làn điệu:

Vãn đường cù

Lướt dặm đường cù

Đường còn xa, lướt dặm đường cù

Con ơi dắt mẹ kỳ khu lên đường

Đói no nào quản tuyết sương

Con ơi dắt mẹ lên đường dặm xa

Kìa nơi quán chợ đầu cầu

Non kia núi nọ biết đâu là nhà

Nén lòng dối bữa cho qua

Con ơi dắt mẹ vào nhà phú ông...

Nhân vật Cúc Hoa con gái Phú Ông thương mẹ con Tống Trân cảnh nhà nghèo khó phải đi ăn mày, bị cha nghi ngờ có lòng tư tình tư túi, nên chửi mắng, đuổi đi. Nàng hát làn điệu “Than”:

Lòng con sau trước

Sáng tỏ như gương

Cha lại chẳng thương

Đuổi đi cùng chàng

Tôi có lời than

Thấu cùng trời đất!

Cúc Hoa buộc phải đi theo mẹ con nhà Tống Trân. Nàng cố gắng làm lụng nuôi chàng ăn học. Thầy Đồ được mời đến tận nhà để dạy bảo Tống Trân. Khi tớ thầy nhân vật Ông Đồ quảy gánh sách vở, rương tráp đến nhà Tống Trân, hát làn điệu “Vãn Khổng”:

Bước bước hừ ha ối a ối a ối a

Tớ thầy bước chân à ra

Con ơi gánh lấy a sử kinh ta à lên

đường

Gánh lấy sử kinh á a ối a ối a ối a

Tớ thầy gánh lấy sử a kinh

Sang bên cửa Lượng tới à miền á Canh à nông.

Ngoài các làn điệu chủ chốt nói trên, còn một số làn điệu phụ của nhân vật phụ như:

Làn điệu Thầy địa lý: Thầy địa lý làm ăn quê nhà không đắt đám, đeo khăn gói la bàn bỏ làng ra đi tìm đến xứ người:

Trông lên trời xanh vằng vặc này ối i a i hừ ì a

Ngó xuống đất, đất rộng thênh thênh

Chiếu la kinh đông, tây, nam, bắc

Vác địa bàn bỏ làng, bỏ xóm mà đi...

Làn điệu Chú Tiểu: Chú Tiểu là một nhân vật mang tính cách hài, đặc điểm của hát chèo. Chú Tiểu tuy tu ở chùa nhưng lòng còn vướng trần tục, tay cầm mõ từ chùa bước ra hát:

- Là tôi bước ối a chân ra ối a i hừ i a

Đánh ba là ba tiếng mõ á đốp a lốp đốp

đốp

Dừng chân dạ hỡi bước ra bước vào

Bớ chú tiểu bà vãi nhang ơi!

- Là tôi bước ối à chân ra...

Đánh ba tiếng chuông á bôông, á bôông, á bôông bôông bôông dừng chân dạ hỡi bước ra bước vào

Bớ chú tiểu bà vãi nhang ơi!

- Là tôi bước ối a chân ra

Đánh ba là ba tiếng trống á tung, á tung, á tung, á lung tung tung, dừng chân dạ hỡi bước ra bước vào.

Bớ chú tiểu bà vãi nhang ơi!

Chú Tiểu giống chú hề qua lời ca điệu hát bộc lộ rõ bản chất một thầy tu phá giới, giai điệu ê a bỡn cợt tùy hứng hòa nhịp lời ca và động tác hài:

Nam mô phật, nam mô pháp, nam mô

tăng!

Nam mô mượn gió gác Đằng đưa

duyên

Nam mô tiên lại gặp tiên

Nam mô hồ điệp kết duyên tấn tần

Nam mô xa cũng như gần

Nam mô hồ điệp tấn tần kết duyên

Nam mô tiểu ở chùa chiền

Nam mô vãi chửa, tiểu liền bỏ đi

Thịt chó tiểu đánh tì tì

Nam mô nổ lội, tiểu thì đóng chông

Nam mô xứ Bắc xứ Đông

Con gái chưa chồng thì...

Tiếng đế: Thì làm sao?

Chú tiểu: Thì lấy tiểu tôi!

Các làn điệu: Du học, Con chon chon, Cái chổi, Đừng chê em xấu... các cụ vùng Cầu Quan thừa nhận vốn là các làn điệu: Hát sắp, hát cách, sắp gối (chèo Bắc bộ), Lý hoài nam (Huế)... cũng đưa vào trò thờ làng Mưng, chỉ thay lời cho hợp cảnh, hợp tình.

Năm 1999, làng Mưng (xã Trung Thành, huyện Nông Cống) tổ chức biểu diễn báo cáo Trò thờ, được các giáo sư, giảng viên Khoa Sáng tác – lý luận – chỉ huy Nhạc viện Hà Nội và giáo sư nhạc sĩ nước ngoài Đen Hốp về dự. Theo ý kiến PGS, PTS, Nhà giáo Ưu tú Phạm Minh Khang, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác – lý luận – chỉ huy, Nhạc viện Hà Nội, Trò thờ làng Mưng có những nét khác lạ so với chèo đồng bằng Bắc bộ, qua biểu diễn báo cáo của địa phương:

So với chèo của đồng bằng Bắc bộ - lời PGS Phạm Minh Khang – chúng tôi thấy có nhiều nét rất độc đáo và đi sâu nghiên cứu một cách nghiêm túc từ phiên âm nhạc đến các làn điệu, cách diễn, vai diễn trong các vở... đặc biệt nhiều ca khúc đã mang được tính độc lập và in đậm nét dân ca Thanh Hóa. Ví dụ như hát Đào lý một cành và Đò đưa tuy có nét tương đồng với đồng bằng Bắc bộ nhưng âm điệu ca khúc này in dấu ấn dân ca Thanh Hóa.

“Ngoài ra, những làn điệu khác: Vãn lên đường (của mẹ con Tống Trân), Vãn tuyết sương (Cúc Hoa đi tìm chồng), hát Chú tiểu và đặc biệt hát Than theo kiểu thơ 4 chữ rất phổ biến trong vở này đều là những làn điệu rất độc đáo. Mặt khác, làn điệu Lão say (bố Cúc Hoa) khác Lão say trong chèo đồng bằng Bắc bộ...” (trích thư viết tay, thủ bút có chữ ký của PGS, PTS Phạm Minh Khang, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác – Lý luận – Chỉ huy Nhạc viện Hà Nội, đề ngày 13-11-1999, tài liệu cung cấp của Đào Phụng, Chi hội trưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam Thanh Hóa).

Năm 1968, nhà nghiên cứu chèo Hà Văn Cầu thuyết giảng tại trụ sở sơ tán Ty Văn hóa Thanh Hóa, cho rằng chèo cổ nước ta trên miền Bắc xưa có 4 chiếng chèo: Chiếng xứ Bắc, chiếng xứ Đông, chiếng xứ Đoài, chiếng xứ Thanh. Trong khi trước ông, nhiều ý kiến khẳng định: Thanh Hóa là đất tuồng bội. Đúng. Tứ chiếng tức tứ trấn là 4 xứ quây quần chung quanh kinh kỳ Thăng Long; địa danh thời Hậu Lê gồm: Trấn Kinh Bắc, trấn Hải Đông (Hải Dương), trấn Sơn Tây, trấn Sơn Nam. Còn hai xứ Thanh Hoa, Nghệ An thuộc ngoại trấn. Nhưng Thanh Hóa là đất Tuồng bội cũng là đất trò diễn.

Nghiên cứu chèo, các nhà nghiên cứu thường chỉ chú ý cái ngọn, mấy ai tìm hiểu nguồn gốc phát triển của nó từ loại hình “trò” thô sơ nhất không lời, chỉ dùng động tác, rồi sau dần dần mới thêm lời đối thoại, lời hát... Các vở chèo ngày nay ta gọi là “cổ” như chèo cổ Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Trương Viên, Trương Chi,v.v... vốn là “trò”, đầu thế kỷ XX cải biên ra. “Chèo Văn Minh”, được chỉnh lý, nâng cao thành “chèo cổ” trong phong trào phục hồi vốn cổ dân tộc 1955 – 1960. Những vở “chèo cổ” được xem là “kinh điển” hiện nay, đã định hình hóa như Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, kịch bản đều đã qua bàn tay tài hoa chỉnh biên của các kịch tác giả Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận.

Trò thờ làng Mưng thuộc loại trò diễn dân gian rất phổ biến ở Thanh Hóa, có chịu ảnh hưởng ít nhiều của “chèo văn minh”, nhưng vẫn giữ được nét cơ bản của thể loại trò diễn dân gian chiếu trải sân đình. Tuy nhiên, Trò thờ Làng Mưng không thể ra đời trước thế kỷ XIX, khi loại truyện nôm khuyết danh như Tống Trân Cúc Hoa... chưa xuất hiện. Nó đóng góp thêm vào không gian văn hóa lễ hội mùa xuân Thanh Hóa thêm phần phong phú.


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]