(Baothanhhoa.vn) - Ngư Lộc - một xã ven biển của huyện Hậu Lộc ngày nay không chỉ được biết đến với nhiều cái “nhất”: “Nhất xã, nhất thôn”, là xã có diện tích thấp nhất và mật độ dân số cao nhất cả nước, mà còn nổi tiếng với lễ hội Cầu Ngư, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự mỗi năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lễ hội Cầu Ngư – nét đẹp văn hóa tâm linh của cư dân vùng biển

Ngư Lộc - một xã ven biển của huyện Hậu Lộc ngày nay không chỉ được biết đến với nhiều cái “nhất”: “Nhất xã, nhất thôn”, là xã có diện tích thấp nhất và mật độ dân số cao nhất cả nước, mà còn nổi tiếng với lễ hội Cầu Ngư, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự mỗi năm.

Rước hóa tiễn Long Châu.

Hành trình đến di sản

Cầu Ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với tín ngưỡng và đời sống của ngư dân miền biển nước ta. Cũng như ngư dân các vùng biển khác, người dân vùng biển làng Diêm Phố xưa, xã Ngư Lộc nay là những người sống gắn bó với biển, phụ thuộc vào biển. Trước đây, bên cạnh nghề cá, người dân Diêm Phố còn làm nghề muối (nên mới có tên là Diêm Phố), nay nghề muối không còn, họ đã chọn nghề đánh cá biển làm nguồn sống chính.

Do địa bàn sinh sống men theo bờ biển, điều kiện sinh sống chủ yếu phụ thuộc vào con thuyền, tấm lưới, đánh bắt hải sản trên biển, thu hoạch thất thường, hiểm nguy luôn rình rập. Trước biển cả bao la, nơi đầu sóng ngọn gió, người dân Diêm Phố thấy mình nhỏ bé, luôn khát vọng biển khơi gió lặng, sóng yên, nên họ ước mơ có những vị thần linh che chở cho họ cuộc sống bình yên, hạnh phúc, tàu bè ra khơi vào lộng tôm cá đầy thuyền. Từ đó đã hình thành nên truyền thống tín ngưỡng trong nhân dân là tin tưởng, trông chờ vào các thế lực siêu nhiên (thần linh), coi trọng và hết sức thành tâm với việc thờ cúng để cầu bình an và gặp nhiều may mắn. Cũng chính vì vậy mà họ đã lập nên ở đây một hệ thống nghè, chùa, miếu, phủ để thờ cúng các vị thần liên quan đến biển cả và tổ chức lễ hội Cầu Ngư hàng năm để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Theo thông lệ hàng năm, lễ hội Cầu Ngư được tổ chức vào ngày 21 đến 24 tháng 2 âm lịch. Địa điểm diễn ra lễ hội là vị trí ngoài trời (sân văn hóa xã) - nơi đặt đàn tế và tổ chức các trò diễn dân gian. Trước khi tổ chức lễ hội, dân làng phải họp bàn công tác chuẩn bị trước đó hàng tháng, bởi lẽ ngoài việc tế lễ rước sách như các nơi khác, lễ hội Cầu Ngư ở làng Diêm Phố còn phải tổ chức làm Long Châu, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tiền của. Việc họp bàn do đảng ủy, UBND xã Ngư Lộc chủ trì, với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và hội đồng họ tộc trong làng xã. Lễ hội tổ chức to hay nhỏ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi năm, những năm lẻ thì làm nhỏ, còn năm chẵn làng mở hội lớn.

Để lễ hội diễn ra thành công, công việc tập luyện cũng rất được quan tâm. Các bộ phận tham gia phần tế lễ như: Đội tế nam, tế nữ, phường bát âm, đội cờ trống... đều phải tập luyện hàng tuần. Các cụ trông coi đền, nghè có nhiệm vụ kiểm tra lại các cỗ kiệu, các đồ tế khí và lau chùi sạch sẽ các vật dụng đồ thờ để lễ hội diễn ra được uy nghiêm, trang trọng. Trong đó, việc làm Long Châu là quan trọng hơn cả. Long Châu là một chiếc thuyền rồng, một lễ vật đặc trưng không thể thiếu trong lễ hội Cầu Ngư, bởi được mô phỏng chức năng, quyền lực của các vị thần vùng sông biển và chứa đựng những lễ vật cùng với lời thỉnh nguyện của người dân, được cúng tế chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Khi mọi công việc đã chuẩn bị xong, làng lại tổ chức họp thông báo để nhân dân và du khách thập phương biết về dự lễ hội. Đúng ngày diễn ra lễ hội Cầu Ngư, trước khi bước vào phần tế lễ, tại các đền: Tứ vị Thánh Nương (đền Thánh Cả), chùa Liên Hoa, đền thờ Thánh Mẫu, đền Đức vua Thông Thủy và đền Ngư Ông lần lượt mở cửa đền thắp hương dâng lễ, các đội tế bắt đầu vào tế. Phần rước kiệu theo sự phân công của ban tế lễ, các đội tế, phường bát âm, phường khiêng kiệu, các bản hội, hội đồng kỳ mục, các chức sắc trong làng, trưởng các dòng họ đều có mặt tại đền Thánh Cả để làm thủ tục rước kiệu. Đoạn đường từ đền Thánh Cả đến bãi “đất Phúc” (trung tâm văn hóa xã) dài chừng 2,5 km nên đoàn rước được tổ chức khởi kiệu từ rất sớm. Sau khi vào đến bãi “đất Phúc” và ổn định vị trí, vị chủ tế vào làm lễ yên vị. Tiếp đến các nội dung: Khai mạc, dâng hương, múa lân, biểu diễn trống hội, đội bát âm biểu diễn nhạc lưu thủy. Sau đó là lễ cầu mát, cầu an; các dòng họ, nhân dân và du khách thập phương dâng hương, cúng lễ và chiêm bái. Đồng thời với việc tổ chức tế lễ, phần hội cũng diễn ra với các trò diễn dân gian, như: Câu mực, đánh tùm, hát ghẹo, thi bơi thuyền... Sang ngày hôm sau là lễ rước cỗ từ nhà trọ về đàn lễ. Và, ngày cuối cùng là lễ rước, cúng hóa tiễn Long Châu, chở theo bao mong ước của ngư dân trong một năm đi biển mưa thuận gió hòa, thu hoạch được nhiều tôm cá.

Những giá trị nổi bật

Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc là một lễ hội truyền thống được hình thành từ khá lâu đời. Đây chính là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính cộng đồng chặt chẽ, được quy định qua những phong tục, tập quán, quy ước trong lễ hội rất cụ thể. Với những đặc điểm và tính chất cầu ngư đậm nét nên nó được xem là một lễ hội có quy mô và sức lan tỏa lớn không những của làng xã ven biển Hậu Lộc mà còn ảnh hưởng đến ngư dân các huyện ven biển tỉnh ta. Lễ hội thể hiện rõ nét trong những nghi thức, nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi đầy ý nghĩa gắn liền với phong tục, tập quán của ngư dân lấy việc đánh cá làm nguồn sống chính của mình. Ngoài ý nghĩa lịch sử nó còn chứa đựng nội dung sâu sắc về mặt văn hóa xã hội. Lễ hội Cầu Ngư còn là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lớn nhất và có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân làng Diêm Phố xưa và Ngư Lộc ngày nay. Đây cũng là dịp để mỗi người nêu cao tinh thần làng xã, sự cố kết cộng đồng. Ngày hội làng không chỉ có các hoạt động vui chơi giải trí của cộng đồng mà còn là dịp để người dân thể hiện nét tài hoa giữa các thôn làng với nhau trong các trò diễn dân gian, nhằm tăng cường rèn luyện thể chất, trí thông minh, lòng dũng cảm, cũng như biểu dương sức mạnh của cộng đồng làng xã trước môi trường sống của họ.

Về với Lễ hội Cầu Ngư là dịp để người dân Hậu Lộc nói chung và người dân xã Ngư Lộc nói riêng tưởng nhớ công đức to lớn của các vị thần linh và Đức Phật đối với đời sống của họ. Đồng thời người dân gửi gắm vào đó những nhu cầu khát vọng về nghề đánh cá, ra khơi vào lộng, với mong muốn được gió lặng, sóng yên, khát vọng về mùa màng bội thu, về một cuộc sống thanh bình cũng như ước mong một đời sống ấm no, hạnh phúc, nhân khang vật thịnh. Thông qua lễ hội để người dân có ý thức về việc bảo tồn, gìn giữ những nguồn sử liệu quý giá giúp cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa có thêm hiểu biết đầy đủ hơn về một lễ hội dân gian truyền thống, vì đây là nơi tái hiện không gian văn hóa truyền thống của một làng Việt ven biển, với các phong tục, tập quán, nghi thức, nghi lễ truyền thống, các trò diễn dân gian và các tri thức dân gian khác được thể hiện một cách đầy đủ nhất. Lễ hội đã tạo ra một môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho người dân trong vùng và du khách thập phương về dự hội. Đồng thời cũng giúp con người trở nên hòa hợp, gần gũi nhau hơn, trật tự đời sống xã hội được nhắc nhở, những mỹ tục được khơi dậy cùng với lòng nhân ái, vị tha được củng cố, xóa đi ranh giới giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, tạo thành sức mạnh trong cộng đồng làng xã.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật đã được ghi nhận, lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng.


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]