(Baothanhhoa.vn) - Làng Trị Cụ tên nôm làng Gũ, sau Cách mạng Tháng Tám thuộc xã Lĩnh Toại. Trước cải cách ruộng đất xã này chia thành xã Hà Phú và Hà Toại, nay sáp nhập, trở về tên cũ Lĩnh Toại, huyện Hà Trung. Làng Gũ ở bên sông lớn, có chợ, người đông, nhiều bến đò, một đò dọc, bốn đò ngang:

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lãnh binh Cần vương Nguyễn Viết Toại

Làng Trị Cụ tên nôm làng Gũ, sau Cách mạng Tháng Tám thuộc xã Lĩnh Toại. Trước cải cách ruộng đất xã này chia thành xã Hà Phú và Hà Toại, nay sáp nhập, trở về tên cũ Lĩnh Toại, huyện Hà Trung. Làng Gũ ở bên sông lớn, có chợ, người đông, nhiều bến đò, một đò dọc, bốn đò ngang:

Đò Bương, đò Chế, đò Tuần

Lại thêm đò Độ, ai gần thì đi.

Thuyền bè ngược xuôi sông Lèn, hoặc rẽ đường kênh Than qua Vực Chế ra Bắc. Trai làng Gũ có tinh thần mạnh mẽ, ham học võ nghệ, thuận tiện đò giang, thích đi đây đi đó.

Nguyễn Viết Toại người làng Gũ, năm 18 tuổi đi lính cho triều đình Huế. Nhà nghèo nhưng có sức khỏe, dũng cảm và mưu trí, cuối đời Vua Tự Đức (khoảng 1881, 1882) Viết Toại được thăng Phó đội trưởng rồi Chánh đội trưởng vệ tinh binh, tiếp theo là vệ Cấm binh bảo vệ Hoàng thành. Quân Pháp đánh kinh thành Huế, Vua Hàm Nghi ra Quảng Trị để xây dựng chiến khu chống giặc, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết cử Viết Toại làm Chánh đội trưởng vệ Cấm binh bảo vệ Hoàng thành. Cuối năm 1885 do chiến đấu dũng cảm chống Pháp bảo vệ kinh thành Huế, Phụ chính Tôn Thất Thuyết thăng Nguyễn Viết Toại vượt cấp Lãnh binh về Thanh Hóa xây dựng căn cứ địa chống giặc.

Bởi quê quán huyện Hà Trung, Nguyễn Viết Toại đối với vùng Kim Âu – Thạch Bằng rất quen thuộc. Nơi này giáp giới huyện Vĩnh Lộc, lại liền kề sông Lèn khúc dưới sông Mã, xuôi xuống vùng duyên hải Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, ngược lên miền đồng bằng, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Nông Cống, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), cho tới thượng du Ngọc Lặc, Quan Hóa... Đường thủy, đường bộ, lên ngược, xuống xuôi, rẽ ngang, lối tắt, đều thuận tiện nhiều bề. Viết Toại chọn Kim Âu – Thạch Bằng để xây dựng căn cứ địa kháng chiến, trước hết luyện tập binh lính Cấm quân dưới quyền đem từ Huế ra và trai tráng mới mộ quanh địa bàn phủ Hà Trung gồm các huyện Tống Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa. Vũ khí thiếu thốn, Viết Toại vận động thợ rèn giỏi trong vùng tập trung vào Kim Âu mở xưởng rèn đúc. Vấn đề lương thực có các nhà giàu xa gần vui lòng mở kho cung cấp. Cả phủ Hà Trung sôi động hẳn lên, Lãnh tri phủ Tôn Thất Đề đem tình hình báo lên tỉnh đường Thanh Hóa. Tổng đốc Lương Thành giao công việc đánh dẹp quân phiến loạn cho Thự Tuần phủ Trương Như Cương và Đề đốc Nguyễn Như Cung. Hai ông đang bàn cách đánh dẹp, Thành thủ úy quyền sung Phó lãnh binh Tôn Thất Khang xin đi đánh.

Khang lĩnh một cơ đội gồm 200 quân súng đạn đầy đủ tiến binh qua Thạch Bằng nhằm đánh thẳng vào khu trung tâm ở chùa Phong Công dưới núi Kim Âu. Phó lãnh binh Khang am hiểu thực địa bên ngoài Thạch Bằng chủ yếu nhờ tên cai phủ Hà Trung dẫn đường, càng đi sâu vào trong mới biết rừng núi âm u, cây cối bịt bùng, lối mòn càng quanh co nhỏ hẹp. Qua Thạch Bằng, đường sá mở ra rộng hơn, quân lính được lệnh súng trường cầm tay sẵn sàng tiến bước. Đi quá chùa Trần một một đoạn gặp ngã ba đường, bất ngờ quân phục đổ ra ba bề bốn bên, giáo mác, đại đao, cung nỏ... toàn vũ khí thô sơ xông ra từ rừng cây, bụi rậm đánh giáp lá cà. Cơ đội Lãnh Khang dài như con rồng, đầu, đuôi không thể co cụm cứu nhau, lưỡi lê, súng trường trở nên bất lực, tiến lui đều khó, đành mạnh ai người ấy chạy... Lãnh Khang cũng tam thập lục kế, kế chuồn hơn cả. Ra đến bờ sông Lèn, chỗ bến Trần, Khang điểm quân, thiếu mất hai đội, khoảng 60 người vừa chết, bị thương nằm lại, vừa mất tích.

Quân cứu viện không có, Tôn Thất Khang đành đem tàn binh thất trận rút về thành Thanh Hóa. Tổng đốc Lương Thành cấp tốc làm tờ tâu về triều đình Huế. Tôn Thất Khang bị giáng ba cấp. Việc đánh dẹp quân phiến loạn vẫn giao cho Tổng đốc Lương Thành.

Đầu năm 1886, Tôn Thất Thuyết phái Đề đốc Trần Xuân Soạn về Thanh Hóa để phát động Phong trào Cần vương chống Pháp theo chiếu chỉ Cần vương của Vua Hàm Nghi. Bấy giờ, nghĩa quân khắp nơi trong tỉnh dấy lên phong trào “Bình Tây sát tả” dưới cờ Cần vương của thân hào thân sĩ và nông dân, mục đích đánh đuổi giặc Tây và bài trừ tà đạo (trái với chính đạo truyền thống dân tộc).

Trần Xuân Soạn người làng Hạc (nay thuộc TP Thanh Hóa) nhà nghèo, đi lính thay cho con cái nhà giàu, lập nhiều chiến công được Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết vốn họ Nguyễn gốc Gia Miêu quý mến, tin dùng khi ông cầm đầu phe chủ chiến đánh Pháp, Vua Hàm Nghi phong chức Đề đốc, một võ quan cao cấp phụ trách phong trào Thanh Nghệ Tĩnh.

Trần Xuân Soạn tổ chức hội nghị Bồng Trung (Vĩnh Lộc) để tập hợp lực lượng khắp tỉnh bàn kế đánh Tây. Hội nghị bàn bạc, tranh luận khá sôi nổi. Tiến sĩ Bồng Trung Tống Duy Tân chủ trương nghĩa quân dựa vào rừng núi, khi đủ điều kiện mới tiến về miền xuôi chiếm thành, đánh địch, tạo vết dầu loang cho phong trào rộng khắp kết hợp với các tỉnh đuổi Tây dương ra ngoài bờ cõi nước Nam. Ý kiến ông nghè Tống được các tướng Cầm Bá Thước ở Thường Xuân, Hà Văn Mao nhiệt liệt tán thành. Lãnh binh Đinh Công Tráng vốn là một cai tổng Tràng Xá, tỉnh Hà Nam vào Thanh Hóa kết bạn đồng tâm, được Đề đốc Trần Xuân Soạn giới thiệu tham gia phong trào. Lãnh Tráng chủ trương xây dựng chiến khu trên vùng đồng bằng chiêm trũng, kiểu làng kháng chiến truyền thống. Ý kiến này được các thân sĩ yêu nước như Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt... tán thành. Cả hai phương án, Lãnh Toại đều không đồng ý. Phương án ông nghè Tống chỉ quanh quẩn trong rừng núi khó phát triển lực lượng. Phương án Lãnh Tráng xây dựng chiến khu giữa đồng chiêm trũng nếu bị địch bao vây tấn công sẽ không lối thoát. Vì thế ông lấy địa bàn Thạch Bằng – Kim Âu một vùng núi non trùng điệp, đại ngàn bao la lại kề sông nước giữa hai miền Hà Trung, Vĩnh Lộc, tiến thế công, thoái thế thủ, không sợ bị thiếu lương thảo, dễ kết hợp với các cánh quân địa phương khác như Đỗ Đức Mậu, Tú Phương, Cử Lưỡng... Đề đốc Trần Xuân Soạn chủ trương đoàn kết tất cả, không muốn tán thành ông nọ, ông kia, dễ gây thành phe phái nên lấy số đông quyết định. Đó là phương án của Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt...

Qua thời gian ngắn khảo sát, các lãnh tụ Cần vương tìm được một nơi thuận lợi nhất là ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê ở gần nhau giữa cánh đồng chiêm trũng bao la quanh năm ngập nước. Lãnh binh Nguyễn Viết Toại thấy địa thế Ba Đình cũng gần với Kim Âu – Thạch Bằng lại được Đề đốc Trần Xuân Soạn ủng hộ, nên cũng dời cứ địa đem quân về theo.

Theo khảo sát của Nguyễn Hữu Tự, khu vực Ba Đình diện tích trên 6,5 km2, dài gần 5 km, rộng trên 2 km, gồm 6 thôn: Mỹ Khê, Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Chiến Thắng, Mỹ Thành và Điền Hộ, với trên 1.000 hộ và 4.000 nhân khẩu. Các lãnh tụ Cần vương khoanh 3 thôn Mỹ Khê, Mậu Thịnh, Thượng Thọ địa thế gần nhau để xây dựng căn cứ địa. Thôn Mỹ Khê lập làng trước nhất khoảng thế kỷ XV-XVI, rồi đến Mậu Thịnh. Thôn Thượng Thọ là một xóm Đạo (Công giáo), đầu tiên do ông Mai Văn Lược đưa một số gia đình đến khai hoang, lập ấp, tiếp theo họ Trịnh ở Nam Định, một họ Trịnh khác từ huyện Yên Định. Tới đời Thiệu Trị, nửa đầu thế kỷ XVIII, ông Nguyễn Hữu Đài, gốc Hà Trung đứng ra chính thức thành lập thôn Thượng Thọ với diện tích 80 mẫu thổ cư. Làng Thượng Thọ cư trú theo lối truyền thống Việt chia ra các xóm liên gia, liên bích, mỗi nhà có bờ rào, chung quanh thôn là lũy tre nhưng cách quãng, mở lối đi ra đồng ruộng để tiện canh tác. Lối đi nhỏ hẹp, quanh co, nhiều nổ lội, mùa mưa nước ngập mênh mông, trắng băng, không thấy bờ.

Quân Pháp muốn tiến vào trung tâm căn cứ phải qua Thượng Thọ vì 3 thôn chỉ có một con đường cái nối liền nhau, người ta thường gọi là đường “độc đạo”. Nghĩa quân xem Thượng Thọ là tiền đồn, ban chỉ huy giao cho Lãnh binh Nguyễn Viết Toại phụ trách.

Đồn Thượng núi Thúc sông kề

Lãnh binh danh Toại có nghề vũ thao.

(Vè Ba Đình)

Khảo sát xong Ba Đình, quân Cần vương cho dân sơ tán để ban chỉ huy nghĩa quân xây dựng chiến lũy. Nếu tiền đồn ở Thượng Thọ thì hậu đồn ở Mậu Thịnh, trung đồn ở Mỹ Khê. Làng Mỹ Khê lớn nhất. Các thôn Chiến Thắng, Mỹ Thành, Điền Hộ vốn là những xóm trại do người Mỹ Khê khai phá, phát triển chưa lâu, có quan hệ với Mỹ Khê chặt chẽ. Làng Mỹ Khê là trung tâm của xã, xây dựng đình nghè chung cho các thôn xóm. Ban chỉ huy căn cứ địa, các ông Đinh Công Tráng chủ tướng, Phạm Bành á tướng, Hoàng Bật Đạt tham tán quân vụ cùng luận bàn quân cơ, hoạch địch chiến lược, chiến thuật trong chiến đấu.

Những lối đi xuống đồng ruộng khiến lũy tre bao bọc quanh làng thôn bị ngắt đoạn, nghĩa quân dùng bao đất xếp lên làm tường lũy. Hơn 100 khẩu súng trường kèm theo đạn dược Lãnh Toại cướp được của địch trong trận phục kích ở Thạch Bằng – Kim Âu, chia cho Mỹ Khê, Mậu Thịnh, một nửa, số còn lại trang bị nghĩa quân Thượng Thọ để bảo vệ tiền đồn. Phía trong lũy tre, nghĩa quân đào hào sâu cắm chông chà, đắp lũy đất, đề phòng địch vượt qua lũy tre đã có lũy đất bảo vệ. Lương thực nghĩa quân nhờ dân các huyện quanh căn cứ địa: Nga Sơn, Hậu Lộc, Tống Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn quyên góp, đêm đêm vận chuyển đến.

Tổng đốc Thanh Hóa Lương Thành vội làm tờ tâu về triều đình Huế về giặc Cần vương nổi loạn ở Nga Sơn. Thời gian này mọi việc do Nguyễn Văn Tường nắm giữ. Tường đang bận xếp đặt đưa Vua Đồng Khánh lên ngôi bù nhìn, giao việc đánh dẹp giặc Ba Đình cho tỉnh thần Thanh Hóa lo liệu. Tổng đốc Lương Thành cùng các Án sát, Bố chính, Lãnh binh bàn kế đánh giặc. Các ông đã từng đọc hết binh thư, binh pháp, đều không thấy nói đến phép bài binh bố trận nào giống thế trận Ba Đình, không phải bát quái trận đồ, cũng không giống trận địa Lục hoa...? Tổng đốc Lương Thành đành quyết định sai Thành thủ úy lĩnh 1.000 quân gồm lính bộ, lính thủy xuất chinh tế cờ lên đường ra trận.

Thành thủ úy cho 800 quân đóng trên núi Thúc và 100 quân thủy đóng giữ ngoài sông ngăn quân tiếp tế lương thực. Từ núi Thúc, một núi thấp thấp nhỏ như trái đồi đánh xuống đồn Thượng Thọ. Đạn bắn từng phát chỉ trúng vào lũy tre và cửa lũy vô ích. Thái úy sai lính lội xuống ruộng nước đang đêm vừa bắn vào vừa tiến. Chờ địch đến gần nghĩa quân mới từ trong cửa lũy đất nhắm từng tên mà bắn. Địch không trúng đạn thì trúng tên. Đối với đồn lũy phía trên cũng vậy, địch không thể tiến qua lũy tre và bao đất, Lương Thành phải nhờ quân Tây giúp đỡ. Quân Tây cũng thất bại nốt đành dùng ét xăng phun vào lũy tre rồi phun lửa đốt cháy.

Các chủ tướng bàn bạc thấy xác giặc chết thối, lâu ngày không ai chôn, sau là lũy bị lửa đốt nghĩa quân không thể cầm cự lâu ngày đành bí mật rút đi dần dần. Đồn Thượng Thọ rút qua sông cuối cùng. Tất cả đều kéo lên chiến khu Mã Cao do Hà Văn Mao xây dựng từ trước.

Lãnh Toại ở Mã Cao tiếp tục giữ tiền đồn, đánh lui địch nhiều trận, cuối cùng bị hy sinh...

Hoàng Tuấn Phổ


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]