(Baothanhhoa.vn) - Tập hồi ức tuổi thơ “Tôi và làng tôi” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý 1, năm 2018 của nhà thơ, dịch giả Lê Bá Thự (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) như một “bảo tàng” nông thôn, nông nghiệp và nông dân của những thập niên trước. Những ký ức tươi nguyên, mang hơi thở đời sống không chỉ của riêng ông mà như của bao lớp người sinh ra ở các vùng nông thôn miền Bắc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồn làng trong hồi ức của Lê Bá Thự

Tập hồi ức tuổi thơ “Tôi và làng tôi” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý 1, năm 2018 của nhà thơ, dịch giả Lê Bá Thự (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) như một “bảo tàng” nông thôn, nông nghiệp và nông dân của những thập niên trước. Những ký ức tươi nguyên, mang hơi thở đời sống không chỉ của riêng ông mà như của bao lớp người sinh ra ở các vùng nông thôn miền Bắc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khẳng định: “Cái “làng tôi” mà ông kể trong cuốn sách này là làng Nguyệt Lãng, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, nhưng xem ra chẳng khác gì cái làng Điền Trì ao chuôm đồng bãi của tôi. Thì cũng vẫn là một rẻo đồng bằng. Đầm ấm thanh bình nhưng nghèo khó và lam lũ... Chỉ có những nỗi nhớ, những kỷ niệm miên man, đứt nối. Vậy mà đọc văn thấy hấp dẫn. Ai cũng được gặp lại làng quê mình, tuổi thơ mình”. Đó chính là hồn làng mà nhà thơ, dịch giả Lê Bá Thự muốn đem đến cho chúng ta một sự cảm nhận sâu sắc về hồn làng, văn hóa làng từ cuốn sách này.

Nhà thơ, dịch giả Lê Bá Thự nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với gần ba mươi tác phẩm văn học của Ba Lan được ông dịch sang tiếng Việt, với hai tập thơ và các giải thưởng: Huân chương công trạng của nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam về văn học nghệ thuật.

Điều bạn đọc quan tâm và bị thu hút trong tập hồi ức tuổi thơ “Tôi và làng tôi” của Lê Bá Thự chính là những trạng thái trong lao động, những sinh hoạt trong đời sống, phong tục, tập quán, tình làng nghĩa xóm, tình quân dân, những nét văn hóa bản địa... khắc sâu trong tâm khảm tác giả để rồi ông đã viết ra những hồi ức nóng rãy đó như một sự tri ân tình làng, nghĩa xóm, cho thỏa nhớ nhung, cho nguôi khao khát tựa khi xưa chân trần chạy trên đường làng theo cánh diều đến khô cổ họng, phải chạy về tu mấy gáo nước mưa cho bõ sướng! Thế mới biết hồn làng, nơi đã sinh ra, nuôi lớn những người con, hoặc ở lại xây dựng quê hương, hoặc bay đi muôn nơi lập công danh sự nghiệp, dù ở đâu vẫn luôn yêu thương nguồn cội với bao tiếng gọi tha thiết tâm can.

Tập sách dày ba trăm trang với ba mươi tiêu đề lần lượt kể về những hồi ức tuổi thơ mà khi đọc lên, trong chúng ta ai cũng thấy có mình trong đó như cảnh đi xem phim màn hình rộng mà Lê Bá Thự đã kể: “Nghe tiếng loa chiếu phim Bạch Mao nữ, tôi thấy háo hức trong lòng... Hôm đó tôi đi chăn bò về sớm hơn ngày thường. Biết tôi nôn nóng đi xem phim mẹ tôi bảo: “Mi đem xay cho mẹ thúng lọ đi rồi tau cho đi coi chiếu bóng”. Tôi lao ngay vào việc, chiếc cối xay quay tít mù nhờ lực đẩy đầy nhiệt huyết của tôi. Loáng cái tôi đã xay xong thúng thóc... Tôi rủ cô bạn gái trong xóm cùng đi xem. Do sợ bị lũ trẻ trong làng chế giễu là “đôi vợ chồng” nên chúng tôi không dám đi cạnh nhau. Cô bạn đi trước, tôi bước theo sau, cách nhau chừng vài bước chân... Bãi chiếu phim rộng, nhưng người đông nên có lúc phải nhón chân mới thấy hình... Đến cảnh Hỉ Nhi uất tên địa chủ gian ác cưỡng hiếp cô, bên dưới có những hòn đá ném lên màn hình... Hỉ Nhi uất ức đến nỗi phải bỏ trốn lên núi, sống trong rừng hoang, tóc bạc trắng khiến ai nhìn cũng hoảng sợ gọi là Bạch Mao Tiên Cô. Còn anh Đại Xuân không chịu nổi áp bức bất công nên cũng bỏ trốn gia nhập Hồng quân. Thương Hỉ Nhi, xung quanh có nhiều tiếng khóc thút thít của phụ nữ, cô bạn gái của tôi cũng “khóc thút thít”, cũng nâng vạt áo lên lau nước mắt”.

Cái đặc biệt của cuốn sách này là những hồi ức hồn nhiên, chân thực, trong sáng được nhà thơ kể lại bằng ngôn ngữ giản dị, không tô vẽ, hình tượng, nhân hóa hoặc sử dụng các tu từ. Tất cả kho tàng đời sống nông nghiệp, nông thôn xưa và còn lưu giữ đến nay vẫn y nguyên giá trị trong giọng kể của Lê Bá Thự bắt đầu từ những buổi xem phim màn hình rộng đến nuôi lợn ỉ, tắm mưa, đôi chim chào mào, nước vối, nước chè, chấy rận, làng tản cư, làng học chữ, chăn bò, tát cá, bộ đội về làng, chợ tết... càng đọc chúng ta càng không muốn rời cuốn sách bởi sức hút trong cái ký ức riêng của người viết, có cái chung của bao lớp người từng sinh ra và lớn lên ở nông thôn như cảnh tắm mưa: “Tôi thích thú lao ra sân tắm mưa, tắm truồng, tắm như thế nó mới sướng... Tôi ngửa mặt lên trời cho nước mưa rơi thẳng vào mặt tôi... Tôi nằm sấp xuống sân gạch cho nước mưa tưới khắp tấm lưng trần của tôi, rồi tôi lật ngửa người cho mưa rơi lộp bộp trên bụng tôi để tôi được hả lòng, hả dạ...”.

Sẽ không sai khi khẳng định tập sách “Tôi và làng tôi” của Lê Bá Thự là một “bảo tàng nông thôn, nông nghiệp và nông dân” bằng chữ. Ông không cơ cấu những bài viết theo lớp lang, theo trình tự thời gian, theo dòng lịch sử, mà chỉ theo hồi ức của ông, nhớ đến đâu viết đến đó, viết với tất cả tấm lòng, niềm say mê hoan hỉ và hạnh phúc dâng tràn, tựa như làng là một phím đàn mang dư âm hồn cốt của quê hương và trái tim ông đã chỉ cho những ngón tay tài hoa dạo lên đó để gọi lên tất thảy bao âm thanh náo nức, rung ngân, sâu lắng vọng về. Tuổi thơ ông gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ, những kỷ niệm của ông ở những thời khắc đó với những kỷ niệm của chúng tôi thời khắc giải phóng Sài Gòn 1975 có khác gì nhau? Đều chung ở lòng hoan ca chiến thắng trong niềm vui chung xóm làng, dân tộc với những bài ca, tiếng hát, điệu múa còn lưu lại đến bây giờ. Nếu ngày đó Lê Bá Thự náo nức trong đoàn người quần nâu, áo vải, tay cầm cờ hát vang bài: “Từ ngày giải phóng quê tôi/ Mít tinh lại họp A là hoan hô!/ Rợp trời cờ đỏ A là hoan hô/ Rợp trời cờ đỏ tung bay/ Ríu ra ríu rít, từng đàn con nít/ Dung dăng dung dẻ, từng đàn con trẻ/ Đi học ban ngày/ Đồng ruộng của ta thẳng cánh cò bay/ Chồng cày vợ cấy thỏa chí từ nay/ A từ nay thỏa chí vun trồng/ Xây dựng nên nước giàu dân mạnh/ Ta cùng là cùng ấm no...”. Trong ngày 30-4-1975, tôi mười tuổi, quần lanh đen, áo vải thô hoa cà, hai bím tóc bà buộc cho tôi bằng chun đen vểnh hai bên mang tai, tay cầm cờ chạy lúp xúp theo bà nội đến đình làng Trung cách nhà ba cây số để dự mít tinh mừng miền Nam giải phóng. Bà tôi mừng quá, do chân yếu, chạy líu ríu nên vấp đá sắc, ngón chân cái máu chảy lênh láng. Bà phải dừng lại, tôi giúp bà lấy thuốc lào rịt vào ngón chân, lấy lá chuối khô buộc lại rồi chạy tiếp cho kịp giờ mít tinh. Tôi nhớ nhất bài hát phát ra từ chiếc máy quay: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông...”. Tuy lúc ấy tôi chưa thuộc nhưng cũng vỗ tay nhiệt tình. Thấy tôi bé quá cứ đứng nghến dưới chân người lớn, một anh thanh niên to cao lực lưỡng bế tôi lên, lúc này tôi mới nhìn rõ ảnh Bác Hồ trên khán đài: Bác đẹp và có bộ râu bạc y hệt tấm ảnh mẹ treo trước bàn học của tôi.

Có ai đó đã nói: Lịch sử dân tộc có những khúc quanh, nước có thể mất, nhưng làng không bao giờ mất. Thực tế đúng như thế. Làng như một tế bào quan trọng trong cơ thể Tổ quốc. Tổ quốc được hình thành từ những tế bào làng và cũng có một định đề nếu làng giữ được hồn làng thì làng còn, nước cũng sẽ còn! Hồn làng rất dung dị, giản đơn như bát nước vối, nước chè buổi trưa hè, hay trong đêm gió mát trăng thanh nhà nọ mời nhà kia đến uống cho vui. Chúng ta hãy đọc một đoạn văn Lê Bá Thự nói về nước chè ở làng ông: “Bố tôi rất thích uống nước chè xanh tập thể... Tôi thường được bố mẹ cử đi thực hiện sứ mạng mời mọc. Đến từng nhà trong làng tôi nói: Sáng ni mẹ cháu đi chợ Hậu Hiền mua được ấm chè xanh tươi ngon. Bố mẹ cháu sai cháu sang mời ông (bà, bác, chú, thím, cô, dì,...) lát nữa sang nhà cháu uống bát nước chè... Mọi người vui vẻ nâng bát nước đưa lên miệng, ai cũng xuýt xoa khen nước chè thơm ngon, có hậu... đây còn là cơ hội để bà con thư giãn sau một ngày lao động vất vả, chuyện trò tâm tình, gắn kết với nhau, bỏ qua cho nhau những khúc mắc, trao đổi những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, thăm hỏi các thành viên trong gia đình của nhau, chúc mừng cho nhau những thành quả trong lao động, sản xuất, nuôi con giỏi, dạy con, cháu ngoan...”.

Không thể kể hết những câu chuyện, hình ảnh, âm thanh, mùi vị, thi cảm của hồn làng mà Lê Bá Thự đã viết trong cuốn sách. Chỉ có một cảm nhận chung rằng ông đã viết thay chúng ta về tâm tư tình cảm, hồi ức của mình với một mảnh đất cho mình sinh ra, nuôi mình khôn lớn để cho dù đi bất cứ đâu, mình vẫn nhớ thương về nơi đó với những nỗi nhớ không bao giờ vơi cạn. Đó cũng là tài hoa văn chương của Lê Bá Thự đã thể hiện trong cuốn sách này.


Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]