(Baothanhhoa.vn) - Thiên nhiên Thanh Hóa miền Tây là xứ sở của núi liền núi, rừng tiếp rừng, tuổi thọ độ 2.300 triệu năm, nhưng không già đi mà vẫn giữ mãi nét thanh xuân. Đại ngàn nối nhau trùng điệp từ Mường Lát qua Quan Sơn, Quan Hóa đến địa phận Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, mạch núi cao vút và những sườn dốc thoai thoải. Rừng núi đá vôi miền Tây xứ Thanh là bức chạm nổi giang sơn gấm vóc, đại ngàn cây cỏ một màu xanh tiếp giáp chân mây, bát ngát một phương trời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoa đá miền Tây

Thiên nhiên Thanh Hóa miền Tây là xứ sở của núi liền núi, rừng tiếp rừng, tuổi thọ độ 2.300 triệu năm, nhưng không già đi mà vẫn giữ mãi nét thanh xuân. Đại ngàn nối nhau trùng điệp từ Mường Lát qua Quan Sơn, Quan Hóa đến địa phận Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, mạch núi cao vút và những sườn dốc thoai thoải. Rừng núi đá vôi miền Tây xứ Thanh là bức chạm nổi giang sơn gấm vóc, đại ngàn cây cỏ một màu xanh tiếp giáp chân mây, bát ngát một phương trời.

Hầu như các loại cây thân gỗ quý nhất á nhiệt đới đều sinh ra ở núi đá vôi, nghìn năm trường thọ trên những sườn non lởm chởm hay vách tai mèo dốc đứng hoặc ở những đồi đất cao xâm thực... Giống quế Thanh nổi tiếng được ca ngợi nhiều nhất, thích nghi hơn cả là thổ ngơi miền Tây, khu vực núi đá vôi các châu huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân... đại ngàn non cao bốn mùa sương khói bao phủ, tạo nên khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Cây gỗ nghiến “trường sinh bất lão”, làm nhà cửa, đóng đồ dùng tốt bền hơn cả nhóm “tứ thiết”: Đinh, lim, sến, táu. Ngoài ra còn có các loài gỗ quý khác như: Trai, lát, lát hoa, vân sam, dẻ hương, vàng tâm, de thối...

Các nhà địa lý học cho rằng: “Muốn có ấn tượng sâu sắc về cảnh quan núi non, đồi gò xen thung lũng xâm thực, không đâu tiêu biểu bằng miền Tây Thanh Hóa”. Đây là quê hương của những rừng săng lẻ, dổi dẻ, sa nhân, cánh kiến... hoa phô sắc, hương đua thơm, làm say đắm những chàng ong mật cần cù mà si tình, cho loại vật liệu hấp dẫn nhà kiến trúc công trình văn hóa cổ truyền, cả những tay thợ tài hoa “khéo cả đôi bàn tay” chuyên nghề mộc gia dụng. Dưới những tán lá liên kết với nhau lớp lớp như mái nhà, là vô vàn chim thú xây tổ ấm, tìm bạn tình, kiếm mồi ngon. Để chào buổi sáng đẹp trời, những chú chim nhạc công bao giờ cũng diễn xướng bản nhạc giao hưởng lắm giọng, nhiều bè của bài ca núi rừng. Đó cũng là ấn tượng sâu sắc, tiêu biểu của cảnh quan miền Tây xứ Thanh, mái nhà chung thân thiết của các dân tộc thiểu số anh em.

Người Mường bản địa lâu đời, nguồn gốc Việt, tập quán canh tác lúa nước, nền văn minh sông Mã. Nương rẫy đối với họ chỉ là mảnh vườn trên sườn núi cao trồng rau màu cải thiện sinh hoạt. Họ cư trú trên đồi gò thấp, có dòng khe suối lượn quanh, nhấp nhô những ngôi nhà sàn xinh xắn một chái, thấp thoáng giữa vườn cau cao vút.

Người Thái từ nhiều nơi di cư đến miền Tây xứ Thanh sớm nhất so với các dân tộc anh em Khơ Mú, Dao, Mông. Chúa Mường cho họ đất rẫy nhiều hơn đất ruộng, rẫy trên núi khô cằn tốn công chăm sóc, ruộng dưới lũng đất nghèo cấy lúa đẻ bông may. Nhưng nương, rẫy, ruộng đều nuôi sống người, ai chê nó thì vào rừng làm con thú hoang.

Người Khơ Mú đánh mất đất chạy từ Lào vượt núi sang chậm một bước, ở phía trên người Thái, chủ yếu chỉ còn nương với rẫy. Tiếp theo, người Dao phải lên cao hơn nữa, gần “nóc nhà” miền Tây xứ Thanh. Anh em Mông đến sau cùng, chỉ còn nóc nhà chạm mây chọc trời, cao hơn 1.000m. Vốn xưa họ sinh ra ở vùng trũng Động Đình Hồ, Nam Trung Quốc. Vì chế độ cai trị đen tối tàn khốc của đế quốc phong kiến, người Mông phải chạy trốn lên tận “trời cao”, nơi chỉ có trên trời dưới đá, làm láng giềng gần với anh em họ hàng xa dân tộc Dao.

Nhóm Mông đầu tiên hạ trại ở Pù Nhi, đỉnh nóc nhà miền Tây xứ Thanh, sau khi bàn chân đã mài mòn vẹt đá núi, bỏ rơi dọc đường vạn dặm tất cả, chỉ còn giữ lại được ý chí sắt đá chiến thắng mọi gian lao, thử thách.

Rất nhanh chóng, người Mông thích nghi với môi trường sống “trời cao”, đặc biệt khí hậu cận nhiệt đới khắc nghiệt, mỗi năm sáu tháng mùa khô, sáu tháng mùa mưa, “đất cày lên sỏi đá”... Bàn tay cần cù, thô ráp của họ, mỗi ngón xù xì là một cành hoa tỏa hương, kết trái. Sống chơi vơi hiu quạnh quanh năm làm bạn với đá, bà con Mông dần dần ổn định trong tiếng sáo trúc véo von, tiếng tiêu xao xuyến, tiếng kèn môi thiết tha, điệu kèn lá đằm thắm, hòa đệm bài ca ngân nga bất tận, khiến đàn ngựa thồ trong chuồng cũng phải dậm chân, cất tiếng hí:

Con cá bơi dưới nước

Con chim bay trên trời

Người Mông ta sống ở vùng cao

Con cá kia có hang

Con chim kia có tổ

Người Mông ta cũng có quê

Quê hương ta ở đỉnh Pù Nhi...

(Dân ca Mông)

Nhưng khác hẳn con chim, con cá, bà con Mông sống định cư, mặc dù lao động vất vả, sinh hoạt khó khăn. Từ hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không, bà con biết dựng nên những ngôi nhà gỗ kiên cố, nền đất nện chắc mịn, biết tổ chức đời sống vật chất, ngoài nương rẫy định canh, thêm du canh, cả luân canh và quảng canh... Một vạt cỏ cũng biến thành rẫy bí hoa vàng chen lá xanh, một hốc đá cũng hóa ra nương ngô đua nhau vẫy lá phất cờ. Kỹ thuật canh tác của bà con rất đáng khâm phục. Những thửa ruộng bậc thang rẻo cao không đủ nửa đường cày được kiến thiết đẹp không kém các dân tộc anh em dân tộc vùng Tây Bắc, cứ phô ra, trải ra, lớp trên đè lớp dưới, đường nét uốn lượn mềm mại, xinh xắn, khéo léo và thẩm mỹ, như tác giả của chúng là nhà họa sĩ tài ba muốn tô vẽ lại non xanh.

Người Mông tự đúc lấy lưỡi cày để cày nương. Lưỡi cày gang hay lưỡi cuốc sắt đều to dày, lách đá gốc trồi lên, cày sâu đến 20cm, cuốc phải đá rắn, đá bật nẩy tóe lửa, mà không bị quăn sứt. Tài nghệ đúc lưỡi cày của dân tộc Mông, các bà con thiểu số anh em khác khó sánh kịp.

Rất kỳ tài, những bàn tay người Mông ngắn ngủn như nải chuối mắn lại nổi lên lắm hoa văn, từ đan lát đến chạm khắc mỹ nghệ đều rất tinh xảo. Đồng bào tay kim, tay búa tự chế tạo súng kíp, trăm phát trăm trúng, hạ gục muông thú phá hoại nương rẫy, đã bắn vỡ sọ cả giặc “mũi lõ mắt xanh” bảo vệ bản mường trong cuộc tham gia khởi nghĩa chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Pa Chay anh hùng (1918-1922).

Mấy ai nghĩ người Mông ở núi cao “đụng trời” có thể chăn nuôi gia súc giỏi đến thế!. Mỗi gia đình nuôi hàng chục con lợn ăn toàn bí ngô mà to béo cân nặng cả tạ. Hàng trăm con gà và trâu, ngựa, chó... Chiếc cày Mông rất nặng, nhưng vai trâu khỏe kéo, chân trâu khéo bước, lách qua hòn đá khối làm bật tung hòn đá gộc, chìm lặn dưới lớp đất sâu. Con ngựa Mông cũng là bạn trung thành, đày tớ hết lòng với chủ, tiếng nhạc lục lạc đồng reo vui trên đèo dốc cao, dưới suối sâu nước siết. Nó thồ hàng đưa chủ xuống chợ phiên để trao đổi, bán mua hóa vật... hoặc chỉ thổi lên điệu sáo, múa lượn điệu khèn, hay uốn lựa khúc đàn môi đem lời tâm tình thắm thiết tìm kiếm người thương, hoặc nhắn nhủ bạn tình...

Lúa gạo ít, bà con ăn ngô nhiều. Tục thờ thần lúa, thần ngô... in đậm trong văn hóa tâm linh người Mông giúp họ thêm tin yêu cuộc sống lắm nắng nhiều mưa trên quê hương nóc nhà miền Tây xứ Thanh. Nhiều truyện cổ dân gian, những câu tục ngữ giàu ý nghĩa, giá trị nhân văn, những tri thức dân gian về kinh nghiệm chữa bệnh, ăn uống... mang tính văn hóa được giữ gìn, truyền bá, người kể càng say, người nghe càng đắm, đắp bồi cho tinh thần, tâm hồn người Mông đa cảm, đa tình thêm phong phú, mãi mãi xanh tươi.

Cùng nhóm ngôn ngữ Mèo – Dao với bà con Mông, người Dao vốn ở miền Hoa Nam Trung Quốc, thiên di từng đoàn lớn nhỏ, trước sau vào Việt Nam lâu đời hơn. Họ bỏ lại dấu ấn sâu sắc trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, xã hội tại nơi quê cha, đất tổ, bao kỷ niệm chồng lên kỷ niệm. Có lẽ họ phải chạy trốn cái thời Minh – Thanh đen tối, đi tìm đất hứa phía trời Nam tràn đầy ánh sáng. Trên đường thiên di mịt mù xa thẳm như đàn chim di trú tránh giá buốt mùa đông, chỉ còn nắm xương bọc da, người Dao phải bỏ rơi tất cả, nhưng không thể “đánh rơi” ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình. Thơ ca phát triển hơn truyện kể, phong phú nhất là tình ca và tình ca người Dao lắm cung bậc, nhiều tâm tư. Không thể xa vắng em là một trong những bản tình ca phổ biến nhất của người Dao được chép vào sách viết bằng chữ Dao đọc theo tiếng Dao. Đó là 12 khổ thơ, mỗi khổ là một tháng đủ vòng thời gian một năm. Ngoài cây lúa, cây ngô, người Dao còn trồng cây mía vì nó là giống cây hàng hóa phát triển nhiều trên quê mới, cũng bởi cây mía có ý nghĩa tượng trưng cho tình đất, tình yêu, tình em ngọt ngào, thắm thiết. Vì giới hạn bài viết, ở đây xin trích ba khổ thơ:

- Tháng Hai, cây mía chưa thành cây.

Mía chưa thành cây không có mật,

Vắng em, lòng đốt lửa đêm ngày!

- Tháng Tư, cây mía mới đâm măng.

Mía đâm măng, măng cần có đất,

Xa em, lấy ai để nhớ mong?

- Tháng Mười, cây mía mật căng đầy

Mật căng đầy, mía không ở đất,

Không em, anh ở với ai đây? (1)

Thoáng chốc đã đến tháng mười, mùa thu hoạch mía cũng là mùa cưới theo phong tục Dao, không còn thấy bóng em trên rẫy mía, không biết em có đi lấy ai không, lòng anh khôn xiết bồi hồi xao xuyến đành chịu sống trong khắc khoải đợi chờ... cho đến giêng hai mùa mía năm sau!

Tuy sống ở núi cao, sườn dốc, đá nhiều hơn đất, bà con Dao vẫn chăm lo nhà cửa, kiến thiết vườn cây ăn quả đẹp mắt, có lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa. Chung quanh bờ vườn hàng xoan đào mùa đông vươn cành khô gầy hút nhựa cho mùa xuân tỏa lá đơm hoa rồi mùa thu kết quả, đem ban phát khắp nơi để gia đình, họ hàng xoan thêm đông vui...

Xoan như người, sinh thành tiếp nối, tràn đầy sức sống trên đất sỏi lẫn đá hòn, đá gộc. Không thiếu gỗ xoan để làm nhà, đóng giường, tủ, bàn ghế... Nhà sàn đất bằng gỗ xoan. Nhà đất dốc cũng gỗ xoan. Sắc đỏ màu đào luôn mới khiến nhà nào cũng đầy ắp niềm vui, gian giữa là nơi thờ cúng Bàn Vương, vị thần linh tối cao, nguồn gốc sinh ra người Dao. Truyện kể Bàn Vương, một bài văn cúng có vần điệu là sử thi của dân tộc Dao cho thấy quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của họ khác biệt tộc người Hán chủ thể trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Sắc thái Dao đậm đà một khoảng trời riêng. Người Hán con trai đến tuổi thành niên làm lễ đội mũ, con trai Dao phải tiến hành lễ cấp sắc. Lễ tục này, bà con Dao sang Việt Nam vào Thanh Hóa vẫn không thay đổi. Đó là niềm vui của gia đình có con trai đến tuổi lớn khôn, cũng là ngày vui chung của cả bản.

Sống trên núi cao gần trời cao xa đất thấp, người Dao càng yêu đất, nhớ đất, gửi lòng xuống dưới đất thấp, nơi có đồng ruộng nước trũng bùn lầy với màu xanh non tơ lúa con gái, màu vàng ươm kén tằm lúa chín. Cho nên, hễ dành được tiền bà con Dao xuống chân núi tậu ruộng, mua trâu bò cày cấy ruộng nước để bông lúa to bằng đuôi trâu, đuôi bò, để tiếng hát giao duyên bay lượn theo sóng lúa dập dờn: - Thấy bông hoa nở bờ bên kia, muốn sang hái mà không có thuyền – Anh muốn hái đừng lo anh ạ, ngắt lá làm thuyền bơi sang lấy...

Bởi thiên di sang Việt Nam muộn, vào Thanh Hóa càng muộn hơn so với đồng bào Khơ Mú và Thái, bà con Dao cũng như Mông chưa đủ thời gian để tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về sắc thái xứ Thanh trên nóc nhà miền Tây. Tuy vậy, trên đỉnh núi đá cao chạm trời mây nơi đây, mỗi người Mông – Dao là một bông hoa đá sáng lấp lánh trong không gian văn hóa Việt Nam – xứ Thanh miền Tây.

(1) Hoàng Tuấn Phổ dịch theo nguyên văn sưu tầm tại bản Hạ Sơn, Ngọc Lặc của Hoàng Trọng Cường năm 1990.

Hoàng Tuấn Phổ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]