(Baothanhhoa.vn) - Vừa thoát khỏi cơ chế tập trung bao cấp chưa lâu, những năm đầu của thời kỳ đổi mới, kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều gian khó. Bằng quyết tâm chính trị cùng nhiều nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, những công trình mang tầm vóc thời đại được đầu tư xây dựng. Sau gần 1/5 thế kỷ, những công trình này vẫn là nền tảng hạ tầng vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiện hữu những công trình thế kỷ

Vừa thoát khỏi cơ chế tập trung bao cấp chưa lâu, những năm đầu của thời kỳ đổi mới, kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều gian khó. Bằng quyết tâm chính trị cùng nhiều nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, những công trình mang tầm vóc thời đại được đầu tư xây dựng. Sau gần 1/5 thế kỷ, những công trình này vẫn là nền tảng hạ tầng vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện hữu những công trình thế kỷCầu Hoàng Long nối đôi bờ sông Mã (phía xa) để giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông cho cầu Hàm Rồng (phía gần ảnh).

Tháng 12–2000, cây cầu Hoàng Long nối đôi bờ sông Mã được khánh thành. Đây là sự kiện lớn của tỉnh lúc bấy giờ, bởi không chỉ người dân hai đầu cầu thuộc TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa được hưởng lợi mà nó còn tạo điều kiện thuận lợi giao thương do tuyến giao thông Bắc – Nam. 280 tỷ đồng để xây dựng cây cầu vào thời điểm đó là nguồn lực khổng lồ.

Nhớ lại quá trình xây dựng cầu Hoàng Long, đồng chí Trịnh Trọng Quyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, chia sẻ: Giai đoạn vận động xây dựng và quá trình xây dựng cầu Hoàng Long, tôi đang làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Ý tưởng xây dựng cầu Hoàng Long xuất phát từ thực tế Quốc lộ 1A khi ấy phải qua cầu Hàm Rồng, trong khi cây cầu lịch sử này đã nhỏ hẹp, dùng chung cho cả đường bộ và đường sắt, quá tải, mà các phương tiện giao thông Bắc – Nam ngày càng nhiều. Lúc đó mới vào thời kỳ đổi mới chưa lâu, những trì trệ từ thời bao cấp vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn nên kinh tế của tỉnh còn khó khăn lắm. Lãnh đạo tỉnh xác định phải đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn lực và huy động thêm từ nhiều nguồn.

“Để được Trung ương đồng ý hỗ trợ chủ trương và vốn xây dựng cầu Hoàng Long, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã phải đến từng bộ, ngành để vận động, tranh thủ ý kiến từng người. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ lúc ấy là ông Phan Văn Khải đã giao Bộ Giao thông – Vận tải nghiên cứu, xem xét đề xuất của tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1997, cầu được khởi công xây dựng. Đây cũng là công trình ghi nhận sự chủ động của các chuyên gia, kỹ sư trong nước, ít lệ thuộc nước ngoài như những công trình lớn khác trong nước được xây dựng trước và cùng thời với cầu Hoàng Long. Sau 3 năm, vượt bao gian khó, lại trùng với giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước, nhưng cây cầu đã hoàn thành, đúng vào năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh” – đồng chí Trịnh Trọng Quyền hồi tưởng.

Về ý nghĩa giao thông, ai cũng thấy rõ sự ra đời của cây cầu quan trọng này đã giảm tải cho cầu Hàm Rồng khi ấy đã cũ kỹ, chưa được sửa chữa. Nút “thắt cổ chai” của tuyến đường huyết mạch quốc gia – Quốc lô 1A tại vị trí cầu Hàm Rồng đã được giải tỏa bằng đoạn tránh qua cầu Hoàng Long và cầu vượt Hàm Rồng. Đến nay, sau 20 năm, cầu Hoàng Long và cầu vượt Hàm Rồng vẫn phát huy tốt vai trò huyết mạch giao thông cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện hữu những công trình thế kỷ

Đồng chí Trịnh Trọng Quyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với phóng viên.

Đây là công trình điển hình trong hàng chục công trình lớn của tỉnh được xây dựng trong thời kỳ 1996 – 2000. Đó chính là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Trước đó, từ ngày 7 đến 10–5–1996, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiến hành Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 1996 - 2000. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ tổng quát phát triển đến năm 2000: “Phát huy thành tựu đạt được, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, đẩy mạnh CNH, HĐH theo định hướng XHCN, triệt để khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững...”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân vừa tập trung khôi phục, phát triển kinh tế, vừa xây dựng các công trình hạ tầng.

Theo ghi chép từ cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1975 – 2005”, năm 1996, tỉnh khởi công xây dựng nhiều công trình: Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, các tuyến Quốc lộ 45, 47, 15, 217, cầu Na Sài, cầu Công, cầu Đa Nam, đường dây và trạm biến áp 110 KV ngã ba Chè đi Kiểu, tôn tạo Khu Di tích Lam Kinh... Trong năm, cũng đưa vào sử dụng cầu Thiệu Hóa qua sông Chu, nhiều trường học, bệnh viện, trạm truyền hình... Nhà máy Đường liên doanh Việt Nam – Đài Loan với công suất ép 6.000 tấn mía cây/ngày được chỉ đạo khẩn trương thi công giai đoạn cuối để khánh thành, đưa vào sản xuất. Một số dự án từ các nguồn vốn ODA, FDI, NGO được triển khai thực hiện, như hệ thống thủy nông sông Chu, hệ thống cấp nước TP Thanh Hóa – Sầm Sơn, 17 trường tiểu học ven biển. Việc triển khai nhiều dự án đầu tư đã tạo điều kiện hình thành và mở rộng các khu công nghiệp tập trung, giải quyết việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Sang năm 1997, nhờ nông nghiệp được mùa, công nghiệp có bước phát triển mạnh và hiệu quả, việc đầu tư cơ sở hạ tầng được tập trung hơn. Các tuyến Quốc lộ 1A, 45, 47, 217 được nâng cấp. Các tuyến đường trong vùng mía Thạch Thành, đặc biệt là đường từ Quan Hóa lên Mường Lát và đường vào vùng sâu huyện Thường Xuân có dự án đầu tư. Nhiều cầu lớn như cầu Lèn, cầu Kiểu, cầu Hồi Xuân, được khởi công xây dựng. Trong năm, tỉnh đã khởi công cải tạo đập Bái Thượng và hệ thống thủy nông sông Chu gồm nhiều hạng mục công trình: Công trình đầu mối đập Bái Thượng gồm đập tràn, cống xả cát, cống lấy nước, âu thuyền, tường chuyển tiếp, cửa van, thiết bị đóng mở. Hệ thống kênh và công trình kênh gồm: Kênh chính dài 19 km, kênh Bắc dài 54 km, kênh Nam dài 27,54 km, cùng 61 kênh cấp II dài 230 km, kênh cấp III dài 320 km và 1.267 các công trình trên kênh. Tổng vốn đầu tư công trình lên đến 281 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Tỉnh cũng đầu tư xây dựng các trạm phát lại truyền hình, 7 trạm phát sóng FM, khởi công xây dựng cụm phát sóng truyền thanh – truyền hình công suất lớn tại khu vực núi Hàm Rồng. Tháng 5– 1997, Nhà máy đường Việt Nam – Đài Loan được khánh thành và đi vào sản xuất.

Tháng 5–1998, Nhà máy Đường Nông Cống, với công suất chế biến 1.500 tấn mía/ngày được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng. Vùng mía nguyên liệu của nhà máy được quy hoạch 6.000 ha tại các huyện Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân, Tĩnh Gia.

Năm 2000, tỉnh đã huy động 3.400 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các khu công nghiệp. Nhiều công trình quan trọng được khánh thành và đưa vào sử dụng, như: Cầu Hoàng Long, cầu vượt Hàm Rồng, cầu Bái Thượng, một số tuyến đường liên huyện, đường điện lên huyện vùng cao Quan Sơn, nhiều hệ thống đê điều, kênh mương, hồ đập, cơ sở y tế, trường học... Cảng Nghi Sơn giai đoạn 1 cũng được khởi công xây dựng, mở ra một thời kỳ phát triển cảng biển hưng thịnh ngày nay. Quốc lộ 217 lên Quan Sơn, đường điện lưới lên Mường Lát cũng được khởi công. Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn được nâng cấp hiện đại hóa; đường Hồi Xuân – Mường Lát được đầu tư xây dựng. Chuẩn bị cho khởi công Công trình Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt.

Nhờ đó, giai đoạn 5 năm này, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển vượt bậc. Lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản tăng gấp 3,3 lần thời kỳ 1991 – 1995, trong đó nguồn nội lực chiếm 51,3%. Hàng loạt công trình được xây dựng mới, như: Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Đường Việt Nam – Đài Loan, Nhà máy Đường Nông Cống, Nhà máy Đường số 2 Lam Sơn, cơ sở sản xuất bao bì PP, cải tạo nhà máy bia và các xí nghiệp may, giầy da, Cảng Nghi Sơn và khu hậu cần nghề cá Lạch Bạng – Đảo Mê... đã tạo bước tiến mới về sản xuất và phát triển kinh tế của tỉnh. Đến năm 2000, tỉnh đã có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép và 12 dự án ODA.

Những công trình lớn phục vụ dân sinh cũng được thực hiện, trong đó phải kể đến Dự án cấp nước Thanh Hóa – Sầm Sơn, nâng cấp Nhà máy Nước Bỉm Sơn... Hệ thống điện lưới ngày càng được mở rộng đến 26 huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống giao thông phát triển với tốc độ nhanh. Các trục đường giao thông Bắc – Nam, Đông – Tây được nâng cấp, hầu hết các cầu qua các sông lớn được xây dựng. Hệ thống thủy lợi, đê điều được đầu tư thỏa đáng. Hệ thống hạ tầng y tế ngày càng được xây dựng khang trang hơn. Bằng nguồn vốn Nhà nước cùng Nhân dân đóng góp, cộng với nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, giai đoạn này, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 44 trạm y tế cấp xã, cung cấp trang thiết bị cho 97 trạm y tế khác. Tháng 9–1997, Trường Đại học Hồng Đức ra đời theo Quyết định số 797/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập 3 trường: Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật và Cao đẳng Y tế, với tính chất là trường công lập, đào tạo đa ngành, trực thuộc UBND tỉnh.

Có thể nói, thời kỳ 1996 – 2000, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa cao, nhưng đã bước vào giai đoạn ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ nét. Những công trình hiện đại thời kỳ này đã trở thành nền tảng, điều kiện cần cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những giai đoạn tiếp theo.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]