(Baothanhhoa.vn) - Đồng bào Thái ở Thanh Hóa hiện nay có 223.316 người, chiếm 35,6% trong số các dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Táy đăm (Thái đen), Táy dọ (Thái trắng) là 2 ngành chính, cư trú tập trung ở các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát và phân bố rải rác ở các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Tĩnh Gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hát khặp về tình yêu bản Mường tươi đẹp của đồng bào Thái Thanh Hóa

Đồng bào Thái ở Thanh Hóa hiện nay có 223.316 người, chiếm 35,6% trong số các dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Táy đăm (Thái đen), Táy dọ (Thái trắng) là 2 ngành chính, cư trú tập trung ở các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát và phân bố rải rác ở các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Tĩnh Gia.

Biểu diễn hát khặp ở huyện Thường Xuân. Thanh Tùng

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ người Thái vừa lao động sản xuất vừa sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa tinh thần để phục vụ cuộc sống. Đồng bào Thái tỉnh Thanh có vốn di sản văn hóa khá phong phú và đặc sắc như: Thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao... là những vốn quý báu của văn học cổ truyền của người Thái. Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của đồng bào Thái là: “Xống chụ xôn xao”- Tiễn dặn người yêu, “Khăm Panh”, “Ú Thềm”, “Xi Thuần”. Người Thái sớm có chữ viết nên nhiều vốn cổ được ghi chép lại trên giấy bản và lá cây. Nhiều lễ hội nổi tiếng như: Xên bản, Kin chiêng boọc mạy, lễ hội Nàng Han, Khằm Ban, Căm Mương, lễ hội Mường Xia... với các trò diễn: Ném còn, đi cà kheo, đánh trống dàm, khua luống, nhảy sạp, đua ngựa, bắn nỏ...

Trong những giá trị văn hóa tinh thần ấy, thì dân ca nói chung, hát khặp nói riêng là một trong những thành tố quan trọng với nhiều bài hát và làn điệu có giá trị. Khặp là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Những nội dung của hát khặp ẩn chứa tinh hoa văn hóa tộc người, là nơi kết tụ những tri thức, kinh nghiệm sống đã được tích lũy nhiều nghìn đời; lưu giữ hồn dân tộc, quan hệ tình nghĩa giữa con người với tự nhiên, xã hội, thể hiện sâu sắc, bền chặt và nghĩa tình nhất vẫn là mối quan hệ, tình cảm gắn bó giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên trong cuộc sống.

Khặp của dân tộc Thái Thanh Hóa rất phong phú nhưng có thể chia làm hai loại chính là Khặp bắc (hát sáng tác mới) và Khặp quăm pang chạu (hát lời truyền thống). Hát khặp dân tộc Thái là hình thức diễn xướng với một không gian rộng: Trên cánh đồng, nương rẫy, hội bản, hội mường, trên sông, trên suối, trong rừng, ngoài bãi... và diễn xướng cả nơi bếp lửa trong mái nhà sàn cùng nhau mời trầu, xơi nước, mời uống rượu cần. Từ khi ra đời đến nay, có lúc thịnh hành hoặc trầm lắng, song nhìn chung, hát khặp của đồng bào Thái tỉnh Thanh là một quá trình phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu, liên tục và chưa bị biến mất. Nội dung những bài hát khặp tập trung vào các chủ đề chính, như: Phản ánh thế giới tự nhiên; ca ngợi quê hương, bản Mường; phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất; triết lý về cuộc sống, nhân sinh; phản ánh các quan hệ xã hội; phản ánh thế giới nội tâm và khặp giao duyên, giao tình... Trong số các nội dung phản ánh, bài viết này chỉ tập trung phản ảnh hát khặp ca ngợi quê hương, bản Mường.

Vịn vào lời khặp, trái tim hòa điệu với lời hát sẽ đưa ta tới thăm các bản Mường của đồng bào Thái, thỏa sức ngắm nhìn những phong cảnh đẹp, nên thơ. Đó là những ngôi nhà sàn ở lưng chừng núi ẩn trong sương phủ, mây che; những chân ruộng bậc thang như những công trình kiến trúc đầy bí ẩn bảng lảng trong ánh chiều buông; những chàng trai, cô gái Thái xinh tươi trong những bộ trang phục dân tộc truyền thống nhiều màu sắc. Đến Mường Khoòng, Mường Ký (Bá Thước), Mường Ca Da, Mường Mìn, Mường Ánh (Quan Hóa), Mường Xia (Quan Sơn), Mường Chiềng Ván (Thường Xuân)... và bất cứ nơi đâu cũng bắt gặp làn điệu khặp của người Thái với những ca từ mộc mạc, ngợi ca thiên nhiên, con người, cuộc sống lao động và đất Mường giàu đẹp:

Mường Ca Da có cánh đồng rộng rãi

Nhìn xa tới tận chân núi

Có cây cổ thụ tỏa bóng xum xuê

Mường Ca Da uống nước ba khe

Quăng chài Khe Lung nhiều cá

Cá Dốc to ở nơi khe sâu

Cá Ních lu ở sông chảy bản Khằm

Đàn cá Mải ở chỗ nước sâu

Tháng mười cá ra xuống chặng...

Ngược lên nơi rẻo cao biên giới, lời khặp như nâng bước chân ta, ngắm nhìn bản Mường tựa như đóa hoa rực rỡ tỏa hương khoe sắc giữa đại ngàn:

Mở cổng đón khách đến thăm

Mở cổng Mường để khách vui qua lại

Khách đến với Mường Xia – Mường Chu Sàn

Chủ mời lên núi Pha Đén chơi

Ngước mắt phía xa thấy Mường Dùa tươi đẹp

Trông thấy núi Hoa, núi Dùa trời bắc cầu vồng qua đó...

Đến bất cứ nơi đâu, lời khặp mãi vang xa, thấm vào lòng người tình cảm gắn bó thiết tha sâu nặng với bản Mường giàu đẹp, bừng lên muôn sắc:

Mường Dùa đẹp lung linh huyền ảo

Trông Mường Dùa đẹp tựa sừng trâu

Mường Dùa đẹp quá hóa thần núi cao

Cả vạn vật dưới gầm trời tề tựu về đây...

Tình yêu quê hương bản Mường không chỉ được diễn tả qua cảnh đẹp và sự giàu có mà lời khặp còn ngợi ca những con người chủ nhân của những cảnh đẹp nên thơ và thấm đẫm tình người:

... Sao sáng trên ngọn cây

Sao để ngóng trông cho con gái Thái

Mọi con đường có sao đưa lối

Trai vào bản chơi, khua luống cùng trai

Trai và gái cùng vui khua luống...

Tình yêu bản Mường nâng lên thành tình yêu đất nước được người hát cảm nhận, phản ánh hồn nhiên, trong sáng, giàu cảm xúc và ngân lên lời hát:

... Tôi đi qua nhiều mường thấy trầu cau vàng

Tôi đi qua nhiều làng thấy nhiều điều lạ

Tôi đã ngắm và tôi trông thấy

Tay nâng cao che ánh mặt trời nhìn thấy

Nghiêng bên phải để ngắm ruộng

Nghiêng bên trái ngắm nhà lớp lớp

Thấy mường anh đẹp cong tựa sừng trâu

Mường anh đẹp bởi lúa, ngô, khoai

Các ông bà sống lâu bạch lão...

Làn điệu khặp mượt mà, êm dịu, sâu lắng được trai gái Thái cất lên từ trong trái tim mình. Hát khặp ngân lên trên đường đi, trong ngày lễ, ngày xuân như tiếng chim họa mi hót vang, lan xa khắp núi rừng, bản Mường yêu quý.

Hát khặp có thể là do một hay nhiều người cất lên cùng một lúc và đối đáp lẫn nhau giữa bên này và bên kia. Tập trung nhiều người tham gia khặp nhất là vào dịp cưới xin của trai gái Thái, vào ngày mùa, ngày lễ hội, ngày xuân. Kết hợp với các trò chơi dân gian như ném còn, ném pao, bắn nỏ, bắn cung, bên những chĩnh rượu cần ngọt ngào, đậm đà hương vị của núi rừng.

Ở đâu cũng vậy người Thái luôn sống trong lời khặp vui tươi rộn ràng để giải tỏa đi những mệt mỏi vất vả trong lao động sản xuất.. Người Thái luôn tự sáng tác ra những bài khặp để làm vui, cho cuộc đời thêm ý nghĩa và là món ăn tinh thần của đồng bào. Hát khặp ca ngợi quê hương, bản Mường bắt gặp khá phổ biến ở các bản của đồng bào Thái. Phần lớn nội dung lời hát diễn tả tình cảm, niềm yêu mến, tự hào của người dân nơi đây gắn bó với quê hương, bản Mường. Vui sướng và hạnh phúc được sống trong bản Mường giàu đẹp, với cảnh núi sông, đồng ruộng, nương rẫy tốt tươi, dâng sản vật trả công cho người vất vả sớm hôm, hai sương một nắng. Lời khặp nhẹ nhàng, da diết, lúc bổng, lúc trầm với những câu hát giàu hình ảnh của thiên nhiên như dòng sông, ngọn núi, cánh đồng; hình ảnh thân thuộc: Con chim, con cá, bông hoa đỏ nở khi trời nắng, bông hoa vàng nở khi mỗi sáng mai...

Hát khặp ca ngợi quê hương, bản Mường và còn những bài khặp ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ, ca ngợi sự nghiệp đấu tranh cách mạng và sự phát triển của đất nước... là những bài hát không dài, độ 30 – 60 câu, dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp với tư duy, tình cảm và thẩm mỹ của mọi người, từ già tới trẻ, nhân lên trong lòng mỗi người tình cảm yêu thương, gắn bó, gắng công, chung sức làm cho bản Mường ngày thêm tươi đẹp, hạnh phúc, ấm no.

Hiện nay, hát khặp của đồng bào Thái tỉnh Thanh do hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện lịch sử xã hội, do môi trường diễn xướng đã thay đổi, các nghệ nhân biết nhiều bài hát khặp không được quan tâm, chưa thấy được giá trị của loại hình hát khặp Thái nên có phần quên lãng; một bộ phận thế hệ trẻ cho rằng hát khặp là xưa cũ, nên không mặn mà trong việc tiếp thu một cách tự nguyện, có hệ thống từ những lời khặp của mẹ cha, ông bà truyền dạy.

Người Thái tỉnh Thanh mặc dù có chữ viết, nhưng số người biết chữ và viết chữ Thái rất hiếm, do vậy hát khặp phần lớn chỉ thể hiện qua truyền miệng và lưu lại trong trí nhớ dân gian bằng phương pháp trao truyền (nhớ, thuộc lòng), vì vậy trải qua thời gian đã bị rơi rụng. Phần nữa, thế hệ trẻ tiếp xúc nhiều với các phương tiện thông tin, loại hình hát mới của xã hội hiện đại nên không mấy mặn mà với hát khặp của dân tộc mình, nhiều trẻ em không biết tiếng và chữ viết dân tộc Thái... khiến cho loại hình hát khặp ngày càng thưa vắng trong các bản, mường.

Khặp Thái là loại hình dân ca đặc sắc mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của đồng bào Thái tỉnh Thanh, phản ánh mọi cung bậc tình cảm của người Thái đối với quê hương, đất nước vẫn hiện hữu trong đời sống. Bảo tồn và phát huy khặp Thái cần phải kết hợp với hoạt động du lịch gắn với từng bản Mường để cuốn hút du khách đến với Mường Ca Da, Mường Ánh, Mường Xia, Mường Trịnh Vạn... để được ngắm thác tình yêu Xuân Lẹ tung hoa giữa rừng, chèo thuyền đi trên hồ Cửa Đặt đêm trăng, nghe tiếng luống khua rộn rã vọng vang bản Thái Nam Xuân, vui hội Kin chiêng bản Lát, bản Ban, thưởng thức rượu cần và lời khặp diết da, tình tứ như níu hồn du khách để càng quý yêu, cùng chung sức xây dựng bản Mường ngày càng giàu đẹp.


TS. Hoàng Minh Tường (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]