(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả nổi bật đáng tự hào cả trong giáo dục mũi nhọn và đại trà. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững và phát huy thành tích ấy là thách thức không nhỏ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo dục Thanh Hóa - Thành tựu và thách thức

Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả nổi bật đáng tự hào cả trong giáo dục mũi nhọn và đại trà. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững và phát huy thành tích ấy là thách thức không nhỏ.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các em học sinh đạt giải tại các kỳ thi Olimpic quốc tế và khu vực. Ảnh: Duy Sơn

Kết quả đáng tự hào

Xứ Thanh, vùng đất giàu truyền thống hiếu học và học giỏi. Trong thời kỳ phong kiến, Thanh Hóa có rất nhiều người đỗ đạt cao (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa...). Hiện tại, Thanh Hóa cũng luôn được xem là cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong những năm gần đây, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nổi bật cả trong giáo dục mũi nhọn và đại trà, tiếp nối xứng đáng truyền thống “dạy tốt - học tốt”, làm rạng rỡ thêm truyền thống “Đất Thanh - đất học”.

Những năm qua, giáo dục mũi nhọn chuyển biến mạnh, liên tục có học sinh (HS) đạt giải Olympic quốc tế. Trong 3 năm gần đây (2016-2018), Thanh Hóa đạt 11 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực (5 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ) ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học. Năm học 2017 - 2018, Thanh Hóa có 63 HS đoạt giải tại các kỳ thi HS giỏi quốc gia (xếp thứ tư toàn quốc), trong đó có 6 giải Nhất, 17 giải Nhì, 22 giải Ba, 18 giải Khuyến khích. Đặc biệt, đây là năm thứ ba liên tiếp Thanh Hóa có HS đạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Năm nay, tại kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, HS Thanh Hóa đã đạt 6 huy chương, trong đó có 3 Huy chương Olympic quốc tế (1 HCV môn Vật lý, 1 HCV môn Sinh học, 1 HCB môn Hóa học) và 3 huy chương Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (1 HCV môn Vật lý, 1 HCB môn Tin học, 1 HCĐ môn Vật lý). Đây là năm HS tỉnh ta đạt nhiều huy chương nhất trong các kỳ thi Olympic quốc tế từ trước tới nay. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên ở tất cả các cấp học, bậc học. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS được giữ vững. Kết quả HS tốt nghiệp THPT qua kỳ thi THPT quốc gia hàng năm đều duy trì vững chắc, năm sau cao hơn năm trước (năm 2015 đạt tỷ lệ 92%, năm 2016 đạt 96,98%, năm 2017 đạt 97,43%, năm 2018 đạt 97,46%). Hằng năm, Thanh Hóa có hàng chục ngàn HS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó không ít em đạt điểm cao, thủ khoa các trường đại học. Năm học 2017-2018 có 56 HS đạt từ 26 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn thi xét tuyển đại học, trong đó 12 HS đạt từ 27 điểm trở lên (toàn quốc có trên 200 HS đạt 27 điểm trở lên). Đó là nền tảng vững chắc để ngành GD&ĐT nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng xanh, sạch, đẹp, trường đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho dạy và học, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Có nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đến nay, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn của cán bộ, giáo viên trong tỉnh đạt tỷ lệ cao (99,97% đạt chuẩn, 75,91% trên chuẩn). Việc sắp xếp lại trường lớp, điều chuyển cán bộ, giáo viên (GV) bước đầu ổn định, đảm bảo cho dạy và học. Tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng đạt 87,11%. Toàn tỉnh có 1.343 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 64%.

…nhưng chưa thật sự bứt phá

Đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan hơn, thì nền giáo dục tỉnh nhà chưa thật sự bứt phá, nếu không muốn nói có những khâu dậm chân tại chỗ, thậm chí có phần tụt lùi. Đặc biệt, so với sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh, thành phố có truyền thống trong cả nước và những tỉnh lân cận. Tại kỳ thi THPT quốc gia các năm, nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp thì khá cao, gần như tuyệt đối (nhiều trường đạt 98-99%, một số trường đạt 100%; năm 2018 toàn tỉnh bình quân khối THPT đạt 98,46%, khối trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề đạt 92,11%). Tuy nhiên, điểm trung bình các môn không cao, chưa vượt qua 5,0 điểm. Năm 2016, theo thống kê điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia, Thanh Hóa đạt 4,83 điểm, xếp thứ 14 trong “bảng xếp hạng” giáo dục toàn quốc, đến năm 2018, tụt xuống thứ 49 toàn quốc với 4,82 điểm. Trong khi đó, tỉnh Nam Định luôn giữ vị trí nhất, nhì; ngay cạnh Thanh Hóa, Ninh Bình từ vị trí thứ 4 vươn lên thứ 3 toàn quốc. Không ít năm Thanh Hóa có số lượng thí sinh đỗ thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cao nhất nước. Nhưng năm nay, số lượng thí sinh đỗ thủ khoa khá khiêm tốn, không có HS nào đạt điểm tuyệt đối 30/30 tổ hợp các môn thi đại học.

Bên cạnh đó, dường như các nhà trường chưa thực sự coi trọng giáo dục toàn diện, vẫn còn nặng dạy chữ; việc giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho HS còn hạn chế. Khoảng cách chất lượng văn hóa giữa miền núi và miền xuôi còn khá xa. Quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu xã hội. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học một số trường còn khó khăn, thiếu thốn, nhất là sau đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua, một số phòng học bị sập đổ, hư hỏng nặng nề. Đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên còn thừa, thiếu cục bộ. Một số hiện tượng tiêu cực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để như chạy lớp, chạy trường, chạy luân chuyển, lạm thu...

Nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới

Là tỉnh đông dân thứ 3 cả nước, để Thanh Hóa có thể chuyển mình mạnh mẽ thì yếu tố then chốt hàng đầu là nguồn nhân lực tốt. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là một trong 5 chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2015-2020. Sự phát triển của tỉnh và đất nước trong giai đoạn mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT tỉnh nhà. Vậy làm gì để giáo dục Thanh Hóa đổi mới và phát triển?

Một số nhà nghiên cứu về giáo dục cho rằng muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, vấn đề tiên quyết là phải đổi mới tư duy. Cải cách giáo dục không nên quá loay hoay vào việc xác định chương trình và sách giáo khoa với khối lượng kiến thức lớn, quá nặng nề khiến nhà trường và HS không còn thời gian tổ chức các hoạt động phát triển nhân cách, phát triển trí tuệ, phát triển toàn diện mà cần dạy cho người học phương pháp tiếp cận tri thức, năng lực tư duy và sáng tạo, khả năng vận dụng sáng tạo tri thức được học để tìm ra tri thức mới. Bên cạnh đó, phải đổi mới mạnh mẽ hoạt động đánh giá, bởi đánh giá quá trình dạy học vừa mang tính công nhận nhưng quan trọng hơn nó còn có tác dụng định hướng giáo dục rất hữu hiệu. Cùng với đổi mới tư duy, cần đổi mới mạnh mẽ theo quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư đủ và thực chất theo yêu cầu mục tiêu đào tạo. Đồng thời huy động nguồn đầu tư từ xã hội phù hợp với đặc điểm dân cư và tinh thần hiếu học vốn có của dân tộc. Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, cào bằng. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cần quan tâm đầu tư cho đội ngũ nhà giáo nhiều hơn, đặc biệt là các nhà giáo công tác ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bởi chính họ là những người trực tiếp vun trồng nguồn nhân lực phục vụ xã hội trong tương lai.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: Thời gian tới, ngành GD&ĐT cần tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, quan tâm tạo điều kiện cho những trường còn nhiều khó khăn. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tiếp tục giữ vững giáo dục mũi nhọn, chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi. Quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS; thường xuyên tổ chức các hoạt động nhân đạo từ thiện, lao động công ích, vệ sinh trường học để HS tham gia, qua đó xây dựng môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp, văn minh. Ngoài ra, ngành cần tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp để nâng cao và tạo đột phá về giáo dục ngoại ngữ; xây dựng đội ngũ GV đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong quản lý, trong dạy thêm, học thêm, liên kết đào tạo, lạm thu trong trường học. Ngành giáo dục cần phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình trường tự chủ chất lượng cao; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài hỗ trợ HS nghèo vượt khó học giỏi, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục thường xuyên góp phần xây dựng xã hội học tập. Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh mong muốn toàn thể cán bộ, GV và HS ngành giáo dục tỉnh nhà hãy ra sức phấn đấu thi đua đạt thành tích cao nhất, trở thành đơn vị dẫn đầu trong cả nước về thành tích giáo dục đào tạo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Đảng ta đã khẳng định: “GD&ĐT, cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” và sứ mạng của giáo dục là “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Bởi vậy, nhiệm vụ của ngành GD&ĐT là vô cùng vẻ vang song cũng rất nặng nề. Trước những kết quả đạt được cùng những hạn chế tồn tại, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đòi hỏi ngoài sự nỗ lực cố gắng của ngành GD&ĐT, rất cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Hy vọng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự tự nhìn nhận cùng định hướng phát triển đúng đắn của ngành GD&ĐT, nền giáo dục Thanh Hóa sẽ có bước phát triển đột phá, xứng đáng với truyền thống và sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.


Đức Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]