(Baothanhhoa.vn) - Biển Thanh Hóa thuộc vịnh Bắc bộ, có nhiều tài nguyên hải sản, khoáng sản. Bờ biển Thanh Hóa dài 102km chạy suốt 6 huyện, thành phố: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia. Từ đất liền có những dãy núi kéo dài ra tận biển. Ngoài biển có các đảo nổi, đảo chìm như Hòn Nẹ, Hòn Mê và bán đảo Nghi Sơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giá trị di sản văn hóa biển đảo - nguồn lực phát triển bền vững du lịch

Biển Thanh Hóa thuộc vịnh Bắc bộ, có nhiều tài nguyên hải sản, khoáng sản. Bờ biển Thanh Hóa dài 102km chạy suốt 6 huyện, thành phố: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia. Từ đất liền có những dãy núi kéo dài ra tận biển. Ngoài biển có các đảo nổi, đảo chìm như Hòn Nẹ, Hòn Mê và bán đảo Nghi Sơn.

Lễ hội Đền Nẹ Sơn (Hậu Lộc). Ảnh: Ngọc Anh

Đường bờ biển bị chia cắt bởi 5 cửa lạch. Sông Mã đổ ra biển qua: Lạch Sung, Lạch Trường (Linh Trường), Lạch Hới (Hội Triều); sông Yên: Lạch Ghép (Lạch Trào); sông Bạng: Lạch Bạng (Cửa Tấn). Ở các cửa lạch, nơi sông gặp biển hình thành nên những cửa sông lớn, là nơi tụ hợp đông dân cư làm nghề đánh cá, chế biến hải sản và buôn bán. Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài đẹp, khí hậu mát mẻ, thủy, hải sản phong phú, giao thông thuận lợi, có cảng nước sâu Nghi Sơn thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tê..., tiềm năng biển Thanh Hóa đã và đang mở ra triển vọng lớn để phát triển kinh tế du lịch.

Cách đây khoảng 7.000 năm, đồng bằng sông Mã với những tài nguyên phong phú, hấp dẫn đã lôi cuốn chủ nhân văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở vùng núi phía Tây Thanh Hóa rời khỏi hang động, mái đá xuống miền đồng bằng trước núi, làm nên văn hóa Đa Bút thuộc xã Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc). Người Đa Bút thu lượm hến, trai nước ngọt và một vài loài nước mặn, tìm kiếm nhuyễn thể làm thức ăn, biết sử dụng tre, nứa, luồng kết thành những chiếc bè mảng để đi lại trên sông, biển và đánh cá. Di chỉ Cồn Cổ Ngựa, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) và Gò Trũng, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) cho biết cư dân nguyên thủy Gò Trũng rất thạo nghề đánh bắt cá biển. Người Gò Trũng còn có thể đóng được những chiếc thuyền gỗ bên cạnh bè truyền thống để ra khơi. Với văn hóa Hoa Lộc, yếu tố văn hóa biển in đậm qua các di vật như chì lưới, dấu vết xương cốt cá biển, hoa văn trên đồ gốm mang hình tôm, cá, vỏ sò, mắt lưới, sóng nước... mà còn thể hiện mối liên hệ, sự giao tiếp giữa chủ nhân văn hóa Hoa Lộc với các nền văn hóa vùng duyên hải và hải đảo xa.

Do cư trú ở dải đất ven sông biển nên nghề nghiệp của các làng này là đánh cá (một số làm ruộng). Với thế đứng trước biển, các làng Sầm Thôn, làng Triều, làng Bến, làng Vạn, làng Trào, Cá Lập, Hải Thôn... ở tổng Lương Niệm (Sầm Sơn); làng Diêm Phố, làng Bè, làng Bến, làng Đông, làng Thọ, làng Tây (Hậu Lộc), với những tên làng mang đậm chất biển: “Muốn ăn con cá Dưa dài/ Đem con mà gả cho trai xóm Bè”. Sống trong môi trường biển, dần hình thành truyền thống biển. Ca dao về nghề nghiệp làng biển huyện Hậu Lộc lưu truyền: Làng Tây vây kéo lưới rùng/ Moi, bơn nấu quả bứa rừng em mê/ Ngược xuôi rồi cũng tìm về/ Trở về làng Thọ làm nghề kéo te.

Biển từ lâu đời đã gắn bó với người Việt cổ xứ Thanh. Sống trong môi trường biển, những cư dân biển tỉnh Thanh qua nhiều thế hệ đã sáng tạo và lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống có giá trị mang đậm dấu ấn biển khơi.

Trong kho tàng di sản văn hóa ấy, ta bắt gặp truyền thuyết về Mai An Tiêm với quả Dưa đỏ thời Hùng Vương đã bắt đảo hoang dâng cho con người sự sống. An Dương Vương trong thế cùng phải rời bỏ thành Cổ Loa cùng con gái Mỵ Nương chạy tới mảnh đất tận cùng đảo Nghi Sơn và được Thần Kim Quy rẽ sóng nước đi vào lòng đại dương sâu thẳm. Thần Độc Cước, một nửa người theo những người dân chài đánh cá ngoài khơi, một nửa ở lại đất liền cùng người dân cày cấy, gieo trồng cây trái, chống lại bọn qủy biển. Hệ thống truyền thuyết ở miền biển tỉnh Thanh còn lưu truyền lại nhiều câu chuyện về ông Lau, ông Nưa, ông Tần... ông Cõng đá, ông Khổng lồ gánh đất lấn biển để mở mang đồng ruộng. Ông quảy núi, sắp đặt nên các đảo Mê, đảo Nẹ, Hòn Bò, Hòn Bảng, núi Linh Trường... ở vùng biển Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Hậu Lộc. Bà Triều dạy dân dệt xăm xúc để cho “lưới dài, chài rộng” mỗi chuyến ra khơi trở về “cá đổ chan chan”, mọi nhà no ấm.

Ca dao làng biển phản ánh tâm hồn tình cảm và những bài ca lao động vất vả nhọc nhằn của cư dân với môi trường biển đầy sóng và gió nhưng vẫn lạc quan bát ngát tình đời. Với thế đứng trước biển đã hình thành cho họ tính cách: Khảng khái, thẳng thắn, phóng khoáng, “ăn sóng nói gió”, “có cứng mới đứng đầu gió”.

Ngư dân coi biển là nguồn sống cho họ cơm no áo ấm: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm đầy cười, con cá bắc ngang”; biển khơi là mẹ, cánh buồm là cha nuôi lớn tâm hồn và khí phách của họ. Trước cảnh sắc biển trời của quê hương tươi đẹp, người dân làng biển xúc động và cảm tác: “Làng ta phong cảnh hữu tình/ Gió yên biển lặng có mình, có ta/ Lặng thì hôm sớm vào ra/ Con thuyền, tay lái có ta có mình”. Họ tự hào về sự tài ba, đảm đang công việc vẹn toàn của trai thanh, gái lịch đã thành mỹ tục: “Trai làng vào lộng ra khơi/ Gái làng chợ búa muôn nơi đã từng/ Trai thời ra bể, vào sông/ Gái thời chăm chỉ lo trông cửa nhà”...

Dân ca, dân vũ ở vùng biển có nhiều sắc thái. Hò là một loại hình sinh hoạt văn hóa thể hiện niềm lạc quan yêu đời, khắc phục gian khó của những người dân biển. Hò có nhiều loại: Hò kéo thuyền, hò kéo lưới (rùng) hò vá lưới, hò ra khơi, ngoài ra còn có hò đi trẩy, đi chợ... các làn điệu hò là điệu hồn, tiếng lòng của những người dân biển luôn vang vọng, bổng trầm, lan xa trên vùng biển Đông đầy nắng, gió, sóng và cát, cả một miền quê hò hát tâm tình.

Dân ca làng biển được thể hiện trong Hát Khúc, phản ánh nghề nghiệp của cư dân nơi cuối sông đầu bể: “Ngồi buồn chặt thép uốn câu/ Đốn cần xe nhợ gọt dao mắc mồi/ Trải chiếu ra ngồi/ Bờ sông đủng đỉnh/ Là chốn thanh nhàn/ Là chốn ngao du/ Cá vược cá thu nghe mồi tìm lại/ Cá ở dưới bãi cá trắng như bông/ Anh trông xuống sông, buồn rung gió thổi/ Kẻ lặn người lội, kẻ chắng người đăng...”.

Đặc biệt, tri thức dân gian qua những bài hát vè thực sự là sự tích lũy tri thức từ thực tiễn và đúc kết thành hải trình đường biển rất hữu ích và cần thiết, nhất là đối với các ngư dân dong ruổi cánh buồm ra khơi vào lộng, ngược Bắc, xuôi Nam: “...Giáp Thanh là chốn hiểm nghèo/ Đông Hồi nhìn xuống truông treo mấy nhà/ Tay cầm địa lý phân qua/ Mê sơn bốn mặt tựa là Gành Tiên/ Bảng treo lồ lộ trước tiền/ Hòn gì lác đác trông lên như cờ/ Cánh buồn đưa dịu phất phơ/ Chèo năm ba mái đợi chờ nước lên/ Trông vô vũng Ngọc vũng bền...”.

Tín ngưỡng tôn giáo và nghi lễ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của những người dân biển. Do điều kiện sống và lao động của họ là môi trường biển. Biển đem lại nguồn lợi hải sản phong phú, song thiên nhiên và biển cả lại là một ẩn họa khôn lường vừa thách thức, vì vậy họ phải dựa vào các vị thần để làm chỗ dựa và sức mạnh tinh thần, vì vậy tín ngưỡng và tục thờ của cư dân biển tỉnh Thanh rất phong phú và nhiều màu sắc.

Qua khảo sát ở một số làng ven biển cho thấy tín ngưỡng của ngư dân miền duyên hải chủ yếu là tục thờ cúng tổ tiên giống như ở những vùng miền khác. Cùng với thờ cúng tổ tiên, ngư dân thường đi chùa và thờ Phật với mong ước Phật bà Quan Âm phù hộ và cứu vớt cho họ trong những lần gặp nạn trên biển. Các chùa thờ Phật ở ven biển tiêu biểu: Chùa Tiên (Nga Sơn), chùa Ngư Lộc (Hậu Lộc), chùa Khải Minh (Sầm Sơn), chùa Mậu Xương (Quảng Xương), chùa Đót Tiên (Tĩnh Gia)... Trong khuôn viên của chùa, ngư dân không chỉ thờ Phật mà họ còn phối thờ cả thờ Mẫu và thờ Thần.

Tục thờ thần, vừa là nhân thần, vừa là thiên thần là tục thờ phổ biến của các làng, xã ven biển tỉnh Thanh. Các nhân thần và thiên thần vừa là Thành Hoàng của làng biển, có trường hợp lại là Thành Hoàng của cả một vùng rộng lớn chạy suốt cả một dải ven biển, tiêu biểu như: Đền thờ Mai An Tiêm (Nga Sơn) người chinh phục đảo xa và tìm ra giống quả dưa lạ; thờ Đức Thánh Trần (xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn) dùng thủy quân rút vào Thanh Hóa bảo toàn lực lượng, sau đó dốc sức đánh tan quân Nguyên xâm lược; Tô Hiến Thành - vị quan chính trực, khoan thư sức dân, có công trấn giữ vùng biển Thanh - Nghệ được thờ ở xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), làng Núi (TP Sầm Sơn), Hải Thanh (Tĩnh Gia); thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ - người lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, đánh tan quân Thanh, bãi miễn cho dân biển không phải nạp lệ yến sào, các di tích thờ ở Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Thanh, Nghi Sơn (Tĩnh Gia); thờ Độc Cước, vị thần xẻ mình làm hai nửa bảo vệ dân chài ngoài khơi, một nửa bào vệ dân làng ở đất liền trước sự tàn ác của qủy biển với nhiều nơi thờ ở TP Sầm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Hậu Lộc... Các vị thần linh biển được thờ ở tỉnh Thanh phổ biến là phúc thần được nhân dân tôn thờ, đề cao bởi họ là những vị thần mang tính thiện, luôn phù hộ, giúp đỡ cho con người trong những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đối với cư dân chài lưới đi khơi, đi lộng luôn phải đối mặt với bão tố, sóng thần bất ngờ ập tới đe dọa mạng sống và miếng cơm, manh áo của họ.

Tục thờ Mẫu, phổ biến là thờ Mẫu Thoải, tục thờ này có từ lâu đời gắn với tín ngưỡng thờ nước của cư dân biển. Tiếp đó là Bà Triều, mẫu Liễu Hạnh, thờ Tứ Vị Thánh Nương... Do điều kiện sống phụ thuộc vào biển để khai thác hải sản phục vụ cuộc sống, vì vậy tục thờ cá Ông ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của họ. Những đền thờ cá Ông ở tỉnh Thanh có tại các xã Ngư Lộc, Đa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), phường Trung Sơn, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Thanh (Tĩnh Gia).

Lẽ hội tôn vinh và phụng thờ các vị thần biển thường diễn ra vào mùa xuân và mùa thu với nhiều nội dung và hình thức phong phú, tạ ơn các vị thần linh chở che và giúp họ đánh bắt được nhiều tôm cá cầu sóng yên biển lặng, chở che, bảo hộ cho những người mưu sinh trên sông nước mỗi khi ra khơi vào lộng, giúp đỡ những thương thuyền buôn bán ngược xuôi.

Di sản văn hóa của cư dân biển đảo tỉnh Thanh bao hàm nhiều giá trị lịch sử, cố kết cộng đồng, giá trị đạo đức thẩm mỹ, giá trị văn hóa nghệ thuật và giá trị ứng xử với tự nhiên. Qua những truyền thuyết, những bài hát dân ca, ca dao tục ngữ được người dân biển trao truyền, những con người, địa danh duyên hải và đảo Mê, đảo Nẹ, bán đảo Nghi Sơn... chính là tấm gương phản chiếu lịch sử hình thành vùng đất, vùng biển, tộc người, phương thức sống và đấu tranh, vật lộn với biển cả khắc nghiệt để trụ vững và tồn tại của những ngư dân Thanh Hóa trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và bảo vệ non sông, xã tắc. Di sản văn hóa biển xứ Thanh có ý nghĩa, có ý nhân văn sâu sắc và sự cố kết cộng đồng bền chặt, nhân lên sức mạnh đoàn kết muôn người và cả cộng đồng để vượt qua gian khó, làm cho cuộc sống của những người dân biển ngày càng tốt đẹp hơn. Di sản văn hóa biển Thanh Hóa luôn hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tri ân công đức đối với những người đã có công bảo vệ, dựng xây đất nước, quê hương. Di sản văn hóa biển kết tinh thành những giá trị đạo đức, nhân văn cao cả, biểu hiện trong cách sống, thế ứng xử giữa con người với nhau và biển cả. Giá trị của di sản văn hóa biển Thanh Hóa thể hiện trong cuộc sống, sinh hoạt và các nghi thức biểu đạt mang tính nghệ thuật như: Lễ hội, diễn xướng, trò chơi..., là môi trường thuận lợi để nẩy sinh, sáng tạo và trao truyền những giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, vừa có chức năng giải trí, giáo dục và thẩm mỹ góp phần xây dựng con người ngày càng hoàn thiện về thể chất và tâm hồn. Di sản văn hóa biển tỉnh Thanh thể hiện thế ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội, qua đó dần hình thành nên những giá trị giúp con người giao tiếp, ứng xử với thế giới xung quanh theo hướng có lợi và nhân văn.

Di sản văn hóa biển tỉnh Thanh trải qua thời gian đã được kết tinh thành giá trị, phản ánh tâm hồn, nghị lực và khí chất của mỗi con người nơi đầu sóng ngọn gió, là động lực giúp cho người biển xứ Thanh vươn tới, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Để di sản văn hóa biển tỉnh Thanh trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và dịch vụ, giúp ngư dân bám biển làm giàu và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, cần phải thực hiện tốt một số giải pháp:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và những người dân biển thấy rõ tác dụng và giá trị của di sản văn hóa biển đảo để vừa tự hào, vừa sáng tạo, vừa quảng bá những giá trị đó, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh của những người dân biển tỉnh Thanh hướng tới các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với các làng quê biển xứ Thanh.

Nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của các ban, ngành, của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức cho quần chúng nhân dân thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của di sản văn hóa biển xứ Thanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh sưu tầm, khai thác các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở các làng biển. Đầu tư kinh phí thỏa đáng cho việc sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phổ biến và quảng bá các loại hình di sản văn hóa biển. Thường xuyên phổ biến, giới thiệu các giá trị của di sản văn hóa biển để mọi người dân có ý thức quý trọng, gìn giữ và lưu truyền những giá trị đó của cha ông, phục vụ du lịch và nghiên cứu văn hóa biển đảo.

Tổ chức xuất bản thành các sản phẩm: Sách, ảnh, băng hình, băng tiếng, giới thiệu trên internet, mở các trang web với các chủ đề để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức các loại hình di sản văn hóa biển cho du khách nói riêng và các đối tượng có nhu cầu hiểu biết, khám phá du lịch biển nói chung.

Cần khuyến khích và có chế độ đãi ngộ các nghệ nhân dân gian – lão ngư, chính họ là “báu vật nhân văn sống” để họ không những là người lưu giữ bảo tồn mà còn truyền dạy cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về những tri thức, văn hóa dân gian biển do các thế hệ từ xa xưa để lại.

Di sản văn hóa biển Thanh Hóa đã và đang phát huy giá trị trong cuộc sống. Bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa biển là công việc lớn, vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài, cần có sự quan tâm đầu tư, chăm lo của Ðảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi người dân biển phải quyết tâm và khẩn trương thực hiện, có như vậy mới giữ gìn và phát huy được giá trị của di sản văn hóa biển Thanh Hóa góp phần làm cho văn hóa biển Việt Nam đa dạng và đặc sắc và là nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững du lịch.


Ts. Hoàng Minh Tường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]