(Baothanhhoa.vn) - Tháng giêng âm lịch, tháng của mùa lễ hội. Tại các đền, chùa, đông đảo người dân nô nức tìm đến để cầu mong sức khỏe và những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình. Ðây là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, gắn liền với mong ước trong sáng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và sự gia tăng bất thường của mê tín, dị đoan, chốn linh thiêng đã phần nào không còn trong sáng, làm méo mó, phai nhạt ý nghĩa lành mạnh ban đầu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đừng thành “nô lệ” của thánh thần

Tháng giêng âm lịch, tháng của mùa lễ hội. Tại các đền, chùa, đông đảo người dân nô nức tìm đến để cầu mong sức khỏe và những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình. Ðây là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, gắn liền với mong ước trong sáng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và sự gia tăng bất thường của mê tín, dị đoan, chốn linh thiêng đã phần nào không còn trong sáng, làm méo mó, phai nhạt ý nghĩa lành mạnh ban đầu.

Cảnh chen lấn, xô đẩy ở một lễ hội.

Về chuyện biến tướng của lễ hội, báo chí, dư luận đã bàn luận, chỉ trích rất nhiều. Các cấp, các ngành cũng đã vào cuộc, can thiệp, uốn nắn, chấn chỉnh, mang lại những chuyển động đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đủ để khẳng định rằng các lễ hội sẽ lành mạnh hơn. Điều đáng lo ngại là hiện tượng mê tín ngày càng tràn lan, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Lẽ ra, đầu năm cần bắt tay ngay vào nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập, nhiều người lại mất thời gian, tiền bạc vào việc bói toán, rồi hoang mang, lo lắng khi thầy phán “có hạn”.

Theo tập quán, khi hành lễ ở đền chùa, mỗi người đều phải thành tâm, trong sáng, thì không ít người lại mang suy nghĩ, hành vi thực dụng đến nơi linh thiêng, dùng vật chất để mặc cả, trục lợi từ thần, phật. Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, tâm lý muốn xin lộc, cầu tài, cầu may, nhiều người đã đốt quá nhiều vàng mã, dâng cúng nhiều lễ vật, nhét tiền lẻ vào tay và rải đầy dưới chân tượng... Thậm chí cầu xin những điều vô đạo, thất đức hãm hại đối thủ... Vì muốn kiếm “lộc Phật”, có người đã bất chấp tất cả để chèn ép, tranh cướp từ tay người khác, gây mất an ninh, trật tự và rất phản cảm.

Không chỉ nhân dân, mà nhiều cán bộ, đảng viên, công chức cũng bê xôi gà, heo quay, vàng mã... đến các đền miếu cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan, tiến chức... Họ mê tín tin vào sức mạnh của các thế lực siêu nhiên, không tin vào nghị lực phấn đấu của bản thân mình. Năm nào cũng vậy, trước mùa lễ hội cũng có những khuyến cáo, quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức trưng dụng xe công và giờ công, bỏ việc để đi lễ hội, thế nhưng hành vi sai phạm này vẫn diễn ra.

Kiên quyết bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan trong xã hội, nhất là biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, trong đó có mê tín dị đoan trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là việc làm cần thiết. “Tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên hiện nay được biểu hiện ở cả trong nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, niềm tin, ý chí và quyết tâm hành động. Do vậy, cán bộ, đảng viên phải là những người có nhận thức đúng, hành xử đúng, trong đó có việc phải gương mẫu trong việc xây dựng đời sống văn hóa, chống mê tín dị đoan... Có như vậy, chốn tâm linh mới thật sự là không gian văn hóa để tĩnh tâm, cùng hướng tới những điều tốt đẹp.


Xuân Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]