(Baothanhhoa.vn) - Theo lời người xưa truyền lại: Linh khí của đất trời sinh ra sông núi, tinh anh của sông núi sinh ra thánh thần, thánh thần lập nên nhiều công trạng và kỳ tích, hộ quốc, an dân, cho non nước giàu mạnh, trường tồn. Điều đó cũng rất đúng với cuộc đời và sự nghiệp của Tư Mã Hai Đào, con người thực mà huyền thoại, đời nối đời in đậm trong tâm thức dân gian.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào miền biên viễn phía Tây Thanh Hóa

Theo lời người xưa truyền lại: Linh khí của đất trời sinh ra sông núi, tinh anh của sông núi sinh ra thánh thần, thánh thần lập nên nhiều công trạng và kỳ tích, hộ quốc, an dân, cho non nước giàu mạnh, trường tồn. Điều đó cũng rất đúng với cuộc đời và sự nghiệp của Tư Mã Hai Đào, con người thực mà huyền thoại, đời nối đời in đậm trong tâm thức dân gian.

Đền thờ Tư Mã Hai Đào tại xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn.

Vào khoảng thế kỷ thứ XV, có một người trai ở làng Đào thuộc Mường Khô xưa (nay là xã Điền Quang, huyện Bá Thước). Thuở nhỏ mồ côi cha me, giỏi chơi đu, chơi cù, luyện kiếm, khi lớn lên tinh thông võ nghệ. Nghe tin triều đình chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc ngoại xâm, chàng trai được nhà vua ưng thuận và trở thành Phò Mã Hai Đào.

Thuở ấy, vùng biên giới nước ta gặp họa ngoại xâm. Phò Mã Hai Đào xin vua cầm quân đi dẹp giặc, giữ yên vùng biên giới. Vua sắc phong Tướng quân cho chàng và cấp vũ khí, quân lương cho chàng ra trận. Hai Đào trở về quê triệu tập binh Mường, rèn thêm vũ khí rồi xuất binh đuổi giặc. Dưới sự chỉ huy của Phò Mã Hai Đào, đoàn quân rầm rộ tiến lên biên giới (Tén Tằn ngày nay) đánh đuổi giặc ngoại xâm, trấn ải biên cương. Thừa thắng, quân ta đuổi giặc ra khỏi biên giới.

Hai Đào được Vua Lê phong tước Tư mã Biên phòng đóng đồn tại Tén Tằn (xã Tén Tằn ngày nay). Thấy đất Mường Xia đẹp còn thưa thớt dân cư, ông chọn Mường Xia xây dựng thủ phủ và sinh sống. Mường Xia cũng là tâm điểm tiện đường cho các đồn tuần duyên từ Tén Tằn sang, sông Luồng về, Na Mèo xuống, suối Yên sang, mặt khác có thể án ngự được Mường Khằng, Mường Khiết (Thiên Phủ, Hiền Kiệt, Hiền Chung). Ông xin nhà vua cho được lập làng dựng bản, dân từ Mường Bén và Mường Sôi bên Lào cũng lần lượt quay về.

Nhớ ơn người đã có công gìn giữ biên cương, mang lại no ấm cho bản làng, làm nên sự phồn thịnh cho dải biên cương trở nên trù phú, xanh tươi. Sau khi ông mất, đồng bào Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung đã lập đền, hương khói thờ phụng Tướng quân Hai Đào.

Hiện nay trên địa bàn miền Tây tỉnh Thanh Hóa có nhiều địa danh mang dấu ấn của Tư Mã Hai Đào và những chiến công của người anh hùng bảo vệ và giữ yên miền đất biên cương của non sông đất Việt. Riêng di tích liên quan tới ngài, hiện có ba di tích nằm trong không gian miền núi xứ Thanh, đó là Di tích làng Đào (xã Điền Quang, Bá Thước) - nơi xuất thân của vị tướng lĩnh tài ba; Di tích đền Tén Tằn (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát) và Di tích đền thờ Tư Mã ở bản Chung Sơn (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn).

Năm tháng đi qua phủ lớp bụi thời gian, xóa nhòa những kỷ niệm xưa liên quan tới chàng trai Hai Đào ở miền quê yêu dấu của vị tướng tài. Dẫu vậy, thời gian có thể che mờ, khuất lấp đối với di sản vật thể, song trong tâm thức của cư dân nơi đây mãi còn nhắc nhớ về chàng trai có sức khỏe phi thường, lập nên những chiến công vang dội, bảo vệ xã tắc, non sông vững bền. Hiện hữu trên quê hương của vị dũng tướng tài ba là ngôi đền mới được tôn tạo lại trên nền móng và dấu vết của đền thờ xưa. Đền thờ Tư Mã Hai Đào tuy không lớn, song tọa lạc trên thế đất cao, lưng tựa vào núi. Trong đền đặt hương án, ngai thờ, thần vị, đồ tế khí được sơn son, thiếp vàng; trước đền có sân rộng để tổ chức lễ hội và vui chơi, giải trí. Đền thờ Tư Mã Hai Đào là điểm đến tâm linh của người dân trong vùng và du khách trong các kỳ hội lễ tìm về dâng hương và chiêm bái, noi gương tiền nhân, dựng xây đất nước, quê hương giàu đẹp.

Với đền thờ Phò Mã Tén Tằn (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát): Sau khi được phong tước Tướng quân, ông xây dựng cơ sở đồn trú tại bản Tén Tằn. Đây là đồn lớn, trấn ải toàn bộ khu vực biên giới. Những năm dẹp giặc và sau khi đất nước thanh bình, Tướng quân đã sống và làm việc tại Tén Tằn, được nhân dân tin cậy, yêu mến thường gọi ông là Phò Mã Tén Tằn. Sau khi ông mất, bà con Tén Tằn rất thương tiếc nên lập đền thờ Phò Mã.

Bà con dân tộc Thái bản Tén Tằn đã chọn khu rừng cây mát gần bản, lại bằng phẳng, gần sông Mã và suối Sim (ranh giới giữa Việt Nam và Lào) để dựng đền thờ Phò Mã Tén Tằn. Đền thờ Tư Mã Hai Đào xưa là ngôi nhà sàn bằng gỗ kiên cố, linh thiêng và rộng rãi, thu hút đông đảo dân chúng trong vùng và cả người Lào tới phụng thờ. Dưới gầm sàn có tượng một con lợn bằng đá. Việc cúng tế do đàn ông đảm nhiệm, còn đàn bà chỉ lo chuẩn bị nấu nướng dưới sân, bầy lễ để đàn ông đưa lên nhà làm lễ. Năm ấy, vào mùa đốt rẫy để trỉa hạt, tiết trời hanh heo, có người trai bản đã vô tình để lửa lan rộng lại gặp gió, đền thờ Phò Mã Tén Tằn bắt lửa bốc cháy, ngôi đền cổ và khu rừng cây mát trở thành đống tro tàn. Đền thờ Tư Mã Hai Đào hiện nay cách Cửa khẩu quốc tế Tén Tằn không xa, dấu tích của ngôi đền còn lại là nền móng, tượng linh vật bằng đá xanh và bát hương chế tác bằng đồng. Do đền cũ bị cháy, đồng bào trong vùng dựng tạm miếu thờ dưới tán cây cổ thụ xanh um, bên dòng suối Sim để phụng thờ. Tương truyền, thần Tư Mã rất linh thiêng, mỗi khi ai có việc đi qua đền đều phải xuống kiệu hoặc ngựa xe - hạ mã, lễ bái tạ ơn ngài phù hộ...

Hàng năm Lễ hội Tén Tằn thờ Tư Mã Hai Đào được tổ chức vào ngày 29 tháng chạp (tức ngày 29 tết âm lịch). Đồ tế lễ là cơm gạo tẻ, thịt trâu đen và thịt lợn. Trâu dâng thần được mổ tại bến sông Mã ngay cạnh đền, 10 cô gái đội mâm lễ đến chân cầu thang, các ông Ậu trên nhà đón lễ rồi sắp đặt để lễ thần.

Lễ vật dâng cúng Tư Mã Hai Đào gồm 10 mâm, trong đó có 5 mâm lễ mặn, 5 mâm hoa quả, hai chĩnh rượu cần được bày tại hai gian thờ: Gian chính và gian phụ trong đền. Khi lễ vật đã bày biện xong, có 10 người hành lễ. Ậu mo có 10 người, trong đó có 2 ậu mo đảm nhiệm chính, 7 ông phụ việc, 1 ông đánh cồng. Mở đầu bài mo trong lễ hội Tén Tằn hướng tới các nhân vật được phụng thờ sau: Đức Tư Mã Hai Đào - Họa Quận Công/ Ông Luông Du chóp cần đớn/ Giá khặt ái đén keo đén/ Loò Khoằm khói Bớm thưa lời/ Hót đức nhớ chà Nghè Nan/ Khoằm Vang - Nàng Khằm xáy/ Toọ boóc máy Nàng kéo uốn hướn/ Khoằm khoái thứa lời hót tày/ Liêng ma xã liêng ngùa pún khoài....

Sau khi tế lễ, dân bản và khách thập phương múa hát trong 3 ngày. Tại sân đền, các trò chơi, trò diễn được tổ chức vui tươi, nhộn nhịp như: Mắc tó lẹ, tung còn, hát khặp....

Phụng thờ Tướng quân Hai Đào ở miền Tây Thanh Hóa còn có Di tích thờ ngài ở bản Chung Sơn (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn). Bản Chung Sơn nằm dựa lưng vào núi Pha Dùa, ngoảnh mặt ra sông Luồng. Trên núi Pha Dùa cho đến nay vẫn còn những hang động đẹp chưa có dấu chân người khám phá. Khi Phò Mã Tén Tằn cùng với các binh Mường trên đường chinh chiến đã đi qua và nhiều lần cho quân dựng lán trại nghỉ lại qua đêm tại Mường Xia, thấy hệ thống núi cao, khe suối, ngã ba sông - suối đẹp, bãi bằng làm bãi quần ngựa, luyện quân, lại có tuyến đường bộ qua Tén Tằn - nơi đóng đồn thuận tiện cho việc quân cơ. Sau khi dẹp yên quân giặc, Phò Mã Tén Tằn đã quyết định trở lại đất Mường Xia xây dựng thủ phủ làm việc và sống cho đến cuối đời.

Di tích đền thờ Phò Mã Tén Tằn tại Bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy trải thời gian và nắng núi, mưa ngàn đã đổ nát, ngôi đền nay mới được xây dựng, tôn tạo vào năm 2009 trên nền móng cũ cùng với hồ nước xưa, cây đa và gốc gạo được coi như là hiện vật gốc. Ngôi đền nay được tôn tạo bằng gạch ngói, có kết cấu hai tầng mái, tọa lạc trên khu đất cao, chung quanh có cây xanh bao bọc, lưng tựa vào dãy núi đá trùng điệp; trước đền là không gian rộng rãi, thuận tiện cho tổ chức lễ hội và hoạt động vui chơi giải trí của bản, mường. Trong đền có hương án, ngai thờ, đồ tế khí bằng gỗ, sơn thiếp theo kiểu cổ.

Hàng năm, vào các ngày 15, 16 tháng 3 âm lịch, bà con Mường Xia tổ chức lễ hội Cầu Mường tri ân, vừa mong cầu Tư Mã Hai Đào phù hộ cho bản làng no ấm, cuộc sống an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi, nẩy nở. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, dân bản tổ chức rước kiệu và mâm lễ từ nơi chôn “Hòn đá vía” về đền thờ Tư Mã Hai Đào. Nghi thức thờ cúng được tổ chức tại 5 điểm; cúng Thần mường (tại đền thờ Tư Mã Hai Đào); cúng vía chung cho cả đất Mường Xia (tại nơi chôn “Hòn đá vía” và đền thờ Tư Mã Hai Đào)... Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động như: Giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại và các trò chơi, trò diễn đặc sắc như: Khặp, khua luống, trống dàm, tung còn, chọi cù, đi cà kheo, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co... thu hút đông đảo người dân tham gia trong dịp hội lễ.

Di tích đền thờ Tư Mã Hai đào là di sản lịch sử, văn hóa có giá trị, không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đồng bào các dân tộc mà còn là nguồn lực để phát triển du lịch miền biên viễn xứ Thanh này. Về với Làng Đào, du khách sẽ được chiêm bái ngôi đền thiêng, khám phá thác Muốn và say điệu hát xường với tiếng cồng chiêng rộn rã. Đến với Tén Tằn - nơi có đền thờ Tư Mã Hai Đào bao quanh những ruộng lúa, nương ngô bát ngát một màu xanh tràn đầy sức sống; vào mùa lúa chín, ruộng bậc thang tựa như những núi thóc chất ngất xếp cao lên tới đỉnh trời. Đặc biệt tới Mường Xia du khách sẽ quên đi quãng đường dài treo đường dốc cho thỏa lòng mong ước được thắp nén tâm nhang chiêm bái vị võ tướng lừng danh, có dịp khám phá vẻ đẹp của mười hang động, được đắm mình trong mạch nước nóng suối Xia; chiêm ngưỡng một vùng danh thắng với núi Đá trắng như bức tranh thủy mặc. Vào mùa xuân, núi Lá Hoa bừng lên muôn sắc, như vườn hoa muôn hồng, ngàn tía, nhìn xa như một bó hoa khổng lồ đẹp đến ngỡ ngàng nổi lên giữa màu xanh của núi non trùng điệp. Đền thờ Tư Mã Hai Đào linh thiêng nằm trong quần thể núi Lá Hoa - cảnh đẹp nên thơ; núi Pha Dùa - chuyện tình đẹp, làm xao xuyến, vấn vương lòng người; hệ thống hang động, mạch nước nóng của suối Xia... tạo cho Sơn Thủy - bức tranh sơn thủy hữu tình để khi chia xa lòng còn nhớ mãi.


TS. Hoàng Minh Tường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]