(Baothanhhoa.vn) - Sau khi tiễn đám bạn ra cổng, Hào trở lên sàn, bất chợt cậu gặp ánh mắt của mẹ. Mẹ vẫn ngồi bên bếp khách, trên tay bà cầm một nhánh hoa mua nặng trĩu những bông hoa mầu tím sẫm mà chiều nay mấy cô gái Mường Chiềng đã vào tận khu đồi Pưởi Păn phía sau làng hái về rồi đem tặng cho Hào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đêm thu ấm áp

Sau khi tiễn đám bạn ra cổng, Hào trở lên sàn, bất chợt cậu gặp ánh mắt của mẹ. Mẹ vẫn ngồi bên bếp khách, trên tay bà cầm một nhánh hoa mua nặng trĩu những bông hoa mầu tím sẫm mà chiều nay mấy cô gái Mường Chiềng đã vào tận khu đồi Pưởi Păn phía sau làng hái về rồi đem tặng cho Hào.

Mẹ thật buồn! Đôi mắt của bà với ánh nhìn sao mà cô đơn, trống vắng khiến cho lòng đứa con trai cũng trở nên nặng trĩu. Hào thương mẹ đến nao lòng! Mười tám tuổi, chưa phải là một người đàn ông trưởng thành nhưng cậu bé cũng đã đủ lớn khôn để nhận ra sự thiếu vắng, hẫng hụt từ ánh nhìn ấy trong đôi mắt mệt mỏi của người đàn bà góa bụa. Ngày mai, Hào sẽ lên đường nhập ngũ. Bắt đầu từ ngày mai Hào đã là một người lính biên phòng rồi! Cũng từ ngày mai Hào sẽ rời khỏi vòng tay của mẹ để sống cuộc đời của chính mình. Hào sẽ đi con đường mà cha đã đi. Chắc chắn mẹ cũng đã tính đếm từng ngày: Đã đến lúc con chim nhỏ của mẹ mọc đủ lông, đủ cánh để bay ra khỏi cái tổ của mình. Ngoài kia là bầu trời cao và rất rộng. Bầu trời của con. Mẹ mừng cho con trai của mẹ. Nhưng mẹ chỉ còn lại một mình. Con đi rồi, ngôi nhà này càng trở nên trống vắng đối với mẹ. Chỉ một mình mẹ đi về vào mỗi buổi chiều. Mẹ lên sàn hay xuống thang cũng chỉ có một mình thui thủi.

Đêm mùa thu đã rất sâu. Trăng cuối tháng ướt đẫm sương đêm đổ tràn ánh sáng bạc vào cửa wóng rồi cứ ngơ ngác khắp sàn nhà còn ngổn ngang những chĩnh rượu và những chiếc cần trúc nhỏ xíu, cong vút. Hào xà xuống bên cạnh rồi vòng tay ôm lấy mẹ:

- Mẹ à, con lo cho mẹ! Ngày mai con đi rồi. Mẹ ở nhà chỉ có một mình. Mẹ sẽ buồn lắm. Đúng không mẹ?

Chị lại cười:

- Mẹ còn khỏe mạnh con à!

Hào nói:

- Mẹ còn khỏe mạnh nên con có chuyện này muốn nói. Nghe xong mẹ đừng trách giận con. Được không mẹ?

- Làm sao mà mẹ giận con được chứ? Con trai mẹ là một đứa trẻ ngoan và với mẹ, con mãi mãi là như thế. Đúng không con?

Hào ngập ngừng. Cậu vẫn muốn thăm dò ý mẹ xem sao:

- Mẹ à! Bố con hy sinh cũng đã lâu rồi. Mẹ đã sống cô đơn một mình vì con trai cũng đã lâu rồi. Bây giờ thì con đã lớn khôn. Con muốn mẹ bắt đầu sống một cuộc sống cho chính mình. Được không hở mẹ?

- Mẹ vẫn sống tốt con à!

- Mẹ à! Ý con là... là con muốn mẹ có một cuộc sống thật đủ đầy, thật hạnh phúc.

Chị cười:

- Tại sao con nghĩ là mẹ không hạnh phúc chứ? Mẹ có một đứa con trai rất ngoan. Con là hạnh phúc đủ đầy nhất mà mẹ may mắn có được con ơi!

Hào ngập ngừng:

- Nếu mẹ đi bước nữa thì con vui biết mấy!

Góa phụ hốt hoảng nhìn con trai. Bỗng nhiên chị cảm thấy họng mình bị khô cháy, hơi thở bị chẹn lại.

Người đàn bà run rẩy trong vòng tay con. Chị nức nở khóc. Hào vẫn im lặng để cho mẹ khóc. Đã từ lâu lắm rồi Hào chưa nhìn thấy mẹ khóc bao giờ.

Càng lớn lên Hào càng cảm thấy cuộc sống của mẹ đơn điệu và khô khan như một cỗ máy sắp cạn dầu? Nhiều lúc Hào nhớ làng Chiềng Va, nhớ cái bến tắm có những cây rù rì xum xuê, bông bềnh giữa dòng nước suối ly lai chảy xiết, nhớ cái cầu thang bằng luồng nhẵn thín của nhà mình, nhớ những đứa bạn cùng cởi truồng tắm suối vào những buổi chiều. Thiếu vắng những thứ đó cuộc sống của Hào cũng càng ngày càng trở nên tẻ nhạt nhưng cậu không còn cách nào để ngăn cách mẹ với công việc của bà. Hào chỉ còn một cách là học và học, mặc dù việc học hành cũng không thật sự đem đến cho Hào sự đam mê. Mười tuổi Hào đã phải tự lo mọi thứ cho mình: Cậu tự đi chợ, tự nấu lấy cơm ăn, tự giặt lấy quần áo cho mình và tự biết phải dạy sớm để đi học đúng giờ. Hào biết mẹ rất thương mình. Tình thương sắt se và đắng đót của người đàn bà góa bụa hình như càng khiến cho lòng bà trở nên cằn cỗi. Nghĩ đến điều này nước mắt cậu con trai ứa ra. Hào nhìn sâu vào mắt mẹ rồi nói: Giọng cậu bé trở nên dứt khoát:

- Mẹ à! Cũng đã hơn nửa khóa mẹ làm phó chủ tịch xã rồi. Công việc quá vất vả đối với mẹ. Đúng không? Theo con nghĩ thì mẹ nên nghỉ việc trước vài ba năm vẫn hơn mẹ ạ! Ngôi nhà này của mẹ con ta đã hư hỏng nhiều rồi. Mẹ về mà dặm lợp lại để mỗi lần con nghỉ phép còn có nơi, có chốn mà về.

Chị thở dài:

- Mẹ cũng mệt mỏi rồi Hào ạ, nhưng trở về Chiềng mà thiếu vắng con thì mẹ cũng buồn.

Hào nói thẳng ra với mẹ:

- Mẹ ơi! Bác Vũ cũng đã về Chiềng rồi đấy! Con muốn mẹ đồng ý để bác về nhóm lại lửa trên bếp khách nhà ta!

Chị thở dài rồi cúi xuống, tựa cằm và đầu con trai. Mới ngoài bốn mươi tuổi mà chị cảm thấy mình đã rất cằn cỗi già nua lắm rồi... Càng ngày công việc càng tuột ra khỏi tầm tay của chị. Mỗi lần phải bắt tay vào một công việc, vào một dự án nào đó hay một chương trình sản xuất mang tính chuyển đổi theo xu thế thời đại mới đem áp dụng cho bà con nông dân chị lại trở nên lúng túng. Sự chai lỳ của đầu óc không phải do tuổi tác mà thật sự vì một lý do nào đó đối với chị nó rất mơ hồ. Chị đã vỡ ra mọi nhẽ từ một lần tranh cãi rất gay gắt với con trai. Hào dứt khoát từ chối một suất học bổng ưu tiên học sinh miền núi được cử tuyển vào đại học mà khó khăn lắm với các mối quan hệ và sự ưu ái của đồng nghiệp trong xã, chị mới giành được cho con mình, nhưng Hào nói:

- Con xét thấy mình không đủ khả năng để vào đại học mẹ à!

Chị cáu:

- Khả năng là cái gì hả con? Tiền ăn học à! Chả lẽ mẹ lại không lo được cho con? Lương của mẹ khéo chắt chiu cũng đủ mà!

Hào nói:

- Mẹ à! Tại sao mẹ không chịu hiểu cho con? Lực học của con chỉ ở mức trung bình. Thi đỗ được tốt nghiệp THPT cũng đã là khá lắm rồi. Bây giờ nếu con “vác” cái giấy ưu tiên con liệt sĩ, ưu đãi người dân tộc miền núi mà vào ngồi ở trường đại học là đã chiếm mất một chỗ của người nào đó giỏi hơn con, xứng đáng hơn con. Như thế là không tốt đâu mẹ ạ. Trước mắt con sẽ làm một việc gì đó hợp với khả năng, vừa với kiến thức của mình. Con vừa làm vừa học. Học trong thực tế cũng quan trọng bằng học trong sách vở. Con sẽ rèn luyện thêm. Bao giờ con cảm thấy thật sự tự tin, lúc ấy con sẽ bước chân vào cổng trường đại học. Mẹ hãy để cho con đi bằng chính đôi chân của mình. Được không mẹ?

Chị không nói gì, nhưng trong lòng thật sự bối rối. Nửa năm sau Hào đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Nhìn nét mặt hạnh phúc của con trai khi nó biết mình đã thật sự trở thành một chiến sĩ biên phòng, lại được lên vùng cao biên giới, đến chính cái nơi mà người cha cậu ấy đã hy sinh trong một lần nhảy xuống dòng nước lũ đang cuồn cuộn đổ về, để cứu hai đứa trẻ người Mông sắp bị lũ nhấn chìm thì chị mới thật sự giật mình. Chị nhận ra rằng: Con trai chị đã đúng. Tuổi mười tám của nó bây giờ thật khác với tuổi mười tám của chị ngày xưa. Chị cảm thấy rất mừng! Con trai chị đã thật sự lớn khôn rồi! Nó còn lớn khôn hơn cả chị. Thằng bé nhất định không chịu nghe theo sự sắp đặt sẵn cho cuộc đời mình của người mẹ “có chức, có quyền” ở xứ Mường này. Hào sẽ là một chàng trai Mường tốt. Con chị sẽ không bao giờ chịu ngồi vào cái ghế phó chủ tịch UBND xã khi mới chỉ học hết chương trình lớp 10 bổ túc văn hóa ban đêm như mẹ mình.

- Mẹ à! Con biết mẹ rất yêu cha con. Mẹ yêu cha và cha con cũng rất yêu mẹ, nhưng cha đã đi xa rồi. Một người đã mất, mẹ dù có tiếc thương bằng mấy cũng không thể đi theo. Mẹ vẫn phải sống. Nếu mẹ có một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc thì người ra đi mới thật sự yên lòng. Nếu mẹ đi bước nữa mà được sống hạnh phúc như đã sống hạnh phúc với cha con thì cha sẽ vui biết mấy? Bác Vũ cũng đã nghỉ hưu rồi. Con lại công tác xa nhà. Hơn nữa là con còn phải phấn đấu, phải học hành thêm. Con còn trẻ nên còn rất nhiều việc phải làm. Không biết con có bao nhiêu thời gian dành chăm sóc cho mẹ lúc tuổi mẹ đã cao, sức mẹ đã yếu? Bác Vũ nói với con: Bác sẽ về Mường nhận mấy ha đất trống đồi núi trọc để trồng rừng, mẹ nghỉ hưu rồi cùng giúp bác một tay. Có hai người làm sẽ vui hơn đấy.

Chị thở dài:

- Mẹ thì mẹ nghĩ rằng...

Hào tranh lời mẹ:

- Con thì con nghĩ rằng: Mẹ nên nghỉ công tác ở xã trước kỳ hạn một khi thấy trí lực mình không còn cống hiến tốt hơn cho xã hội, đó là một cách nghĩ mới đáng hoan nghênh. “Cái ghế” ấy nên để cho một người nào đó thật sự có tài quản lý, có chuyên môn giỏi để người ta lo cho dân, cho Mường. Ngày mai con đi rồi, mẹ cũng xuống ủy ban xã viết đơn mà xin nghỉ việc rồi về Mường mà nghỉ ngơi cho lòng được thanh thản. Con cũng đã nói chuyện của mẹ với trưởng tộc họ Bùi ta và già làng Chiềng Va rồi đấy. Các cố sẽ đứng ra lo cho hạnh phúc của mẹ với bác Vũ. Xong xuôi rồi, mẹ với bác Vũ nhận đất mà trồng rừng rồi vận động người khác cùng làm theo. Hai người phải tìm cách giúp người làng Chiềng ta thoát ra khỏi nghèo đói, trì trệ. Cuộc sống một khi đã khấm khá hơn thì không còn ai phá rừng làm rẫy nữa. Đó là việc thiết thực nhất mà mẹ có thể làm được. Nhà ta neo người, nhận ít thôi. Để vừa với sức lao động, lại vừa có thời gian để mà nghỉ ngơi mẹ nhé.

Mười tám năm trời kể từ khi chồng chị hy sinh, chị chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ bước đi bước nữa. Cũng suốt mười tám năm cứ đến ngày giỗ chồng chị thì ông Vũ - một người con trai cùng Mường, bạn thân nhất và cũng là đồng đội của anh nơi vùng cao biên giới vẫn sống độc thân đến giờ lại thay mặt đơn vị và nhân dân trên ấy về làng Chiềng Va để hương khói cho anh. Mỗi lần ông Vũ trở về là Hào - con trai chị lại vui mừng như chính cha nó trở về. Cha mẹ chồng chị lần lượt qua đời cũng một mình tay ông Vũ đứng ra lo liệu. Vô tình ông Vũ đã trở thành chỗ dựa của cả hai mẹ con chị suốt ngần ấy năm trời. Một vài lần ông Vũ cũng đã ngỏ lời với chị nhưng chị không trả lời anh. Không phải là chưa bao giờ chị nghĩ đến người đàn ông này nhưng chị vẫn không quên được chồng mình, còn ông Vũ thì đã gần sáu mươi tuổi, anh vẫn chưa chịu lập gia đình. Bạn bè thường nhắc đến chuyện này nhưng ông Vũ cũng chỉ trả lời qua quýt rằng: Ở Biên cương xa xôi anh bận biết bao nhiêu là công việc! Thật ra mà nói: Cứ lâu lâu không thấy ông Vũ về Ba Mường là chị lại mong. Chị cảm thấy nhớ người bạn thân này của chồng mình. Bạn bè, đồng đội của anh thỉnh thoảng ghé thăm thằng Hào cũng có ý vun vén cho hai người nhưng chị cũng cứ ầm ư cho qua chuyện rồi lại để cho thời gian qua đi như nước chảy qua cầu. Suốt mười tám năm có ai đó tò mò hỏi chị vì sao không đi bước nữa cho thằng Hào có một người cha, cho cuộc đời của chị bớt đi phần cô đơn quạnh quẻ, chị cũng chỉ ầm ừ cho qua chuyện: “Tôi không thể!” còn vì sao chị không thể thì chính chị cũng không thể trả lời được một cách rõ ràng. Đêm nay, đối diện với đứa con trai mười tám tuổi của mình chị mới cảm thấy mình thật sự là một người đàn bà không mấy trung thực đối với chính bản thân mình.

Cuối cùng... Chị vừa run rẩy đưa đôi tay của mình lên ôm lấy đứa con trai mười tám tuổi của mình vừa mắng yêu con:

- Bọn trẻ các anh bây giờ lạ thật! Lo cả việc gả chồng cho mẹ nữa sao?

Hào cười. Cậu ngồi xuống bên cạnh mẹ:

- Mẹ à! Con là lính biên phòng mà! Lính biên phòng của mẹ đang tập làm công tác dân vận. Mẹ không biết chuyện này sao?

Chị cũng cười. Đêm mùa thu yên tĩnh và ấm áp. Ngoài kia bầu trời cao xanh lồng lộng và hóa ra ai đó đã nói thật sâu sắc: Hãy mở lòng ta ra, bốn mùa sẽ ào tới với những hương vị riêng mà thiên nhiên ban tặng, để rồi ta sống với tất cả những cung bậc buồn vui mà cuộc đời ban tặng.

Truyện ngắn của Hà Cẩm Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]