(Baothanhhoa.vn) - Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập năm 2011 trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là địa chỉ văn hóa hấp dẫn, là điểm đến lý tưởng trong hành trình tham quan Hà Nội, tham quan Việt Nam của du khách quốc tế và trong nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn Thanh Hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập năm 2011 trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là địa chỉ văn hóa hấp dẫn, là điểm đến lý tưởng trong hành trình tham quan Hà Nội, tham quan Việt Nam của du khách quốc tế và trong nước.

Bia đại Tùy.

Với bề dày truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ bảo quản một khối lượng di sản văn hóa vô giá với trên 200.000 tư liệu, hiện vật quý hiếm, phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu có niên đại từ thời nguyên thủy đến ngày nay. Trong số đó có nhiều hiện vật là báu vật quốc gia và gần 8.000 tài liệu hiện vật, bộ sưu tập hiện vật có giá trị quý hiếm, nhiều hiện vật độc bản giá trị được tổ chức trưng bày khoa học và hấp dẫn trên tổng diện tích là 3.700m2.

Di sản văn hóa là tài sản quý báu của quốc gia được trao truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi di sản đều chứa đựng những thông điệp của quá khứ, là tiếng nói phát ra từ tinh hoa văn hóa truyền thống của nền văn hóa phong phú đa dạng giàu bản sắc. Bảo vệ, gìn giữ, phát huy, giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi công dân. Người Thanh Hóa khi đến tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ hiểu thêm về lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh anh dũng quật cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha mình và sẽ được cộng hưởng niềm vinh dự, tự hào là vùng “địa linh nhân kiệt” với nhiều hiện vật quý hiếm góp mặt trong kho tàng vô giá này. Cùng với các tỉnh thành trong cả nước, lịch sử Thanh Hóa cũng được hiện hình qua mỗi phòng trưng bày, mỗi trang tư liệu hiện vật. Điều bài viết muốn nói đó là tỉnh Thanh Hóa đã in một dấu ấn đậm đặc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, qua tiếng nói của hiện vật và tư liệu.

Theo công trình nghiên cứu “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tập 1”, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viễn Đông Bác cổ xuất bản năm 1996, số bia từ thời Bắc thuộc đến thời nhà Lý cả nước có tổng số 27 bia và chuông riêng Thanh Hóa có 6 bia. Trong số 6 bia nói trên thì 3 tấm bia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và có chế độ bảo vệ đặc biệt, 3 tấm còn ở lại Thanh Hóa.

1. Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An Đạo tràng chi bi văn, hay còn gọi (bia cổ Trường Xuân), dựng năm 618 ở thôn Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn. Bia hiện để tại khu trưng bày hiện vật giai đoạn Bắc thuộc (tầng 1) trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam ở Hà Nội. Theo dịch thuật của Học giả Phan Bảo, bia được khắc vào năm Nhâm Dần, ghi niên hiệu nhà Tùy năm Đại Nghiệp thứ 14 (618). Bia được coi là một trong những tấm bia cổ quý hiếm nhất có niên đại sớm nhất còn được lưu giữ. Bia có nội dung tụng ca công tính của Thái thú Lê Cốc (Lê Ngọc) cùng các con nổi dậy chống lại nhà Đường.

2. An Hoài Sơn Báo Ân tự bi ký dựng năm thứ 10 niên hiệu Hội Phong đời vua Lý Nhân Tông (1102) tại Núi Nhồi chùa Báo Ân thuộc xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Bia hiện đặt ngoài trời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Theo niên đại khắc trên bia thì đây là tấm bia có niên đại rất sớm và còn lưu giữ được khá nguyên vẹn. Nội dung ghi việc Thái úy Lý Thường Kiệt chủ trì cùng với sự ủng hộ của thiện nam tín nữ Thanh Hóa xây dựng chùa Báo Ân (xã An Hoạch, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Bia chính là minh chứng cho biết sự tôn sùng đạo Phật của vua và tầng lớp quý tộc xưa.

3. Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi ký dựng năm 1126 xã Ngọ Xá, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (hiện để tại Bảo tàng Lịch sử - trong không gian trưng bày giới thiệu nhà Lý 1009-1400). Đây là một trong số những tấm bia quý hiếm nhà Lý còn lại nguyên vẹn. Bia dựng trên thân rùa vững chãi, bề thế với tinh thần chí nguyện công lao to lớn sẽ được lưu truyền mãi. Về hình thể: Trán bia hình bán nguyệt khắc chữ Hán: Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi ký (bia chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng). Nội dung bia đề cao công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt trong việc tìm đất, công đức tiền của để xây dựng chùa Linh Xứng. Bia còn cho biết lịch sử phát triển của Phật giáo thời nhà Lý cũng như võ công hiển hách của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống quân Chiêm Thành (Chămpa) năm 1069 và công cuộc bình Tống năm 1075-1077.

Bên cạnh đó còn có bia mộ chí - Bảo Chưởng Thái Bà mộ chí năm 1207 tại xã Hòa Chúng, huyện Quảng Xương cũng được đưa vào Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

3 tấm bia còn lại ở Thanh Hóa đó là:

1. Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh dựng năm 1118 tại thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, hiện còn tại Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh.

2. Càn Ni Sơn Hương Nghiêm tự bi minh dựng năm 1125 đặt tại chùa Hương Nghiêm, xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa.

3. Minh Tịnh tự bi văn đang được lưu giữ tại khu văn hóa thôn Thọ Văn, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa.

Dấu ấn văn hóa xứ Thanh được giới thiệu sâu rộng ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia đó còn là các di chỉ văn hóa Việt Nam tiêu biểu trên đất Thanh Hóa: Di chỉ văn hóa Núi Đọ, Di chỉ văn hóa Đa Bút, văn hóa Hoa Lộc, Di chỉ văn hóa Đông Sơn. Hiện vật tiêu biểu của Di chỉ Núi Đọ là rìu tay bằng chất liệu đá bazan cách ngày nay khoảng 400.000-300.000 năm. Rìu đá chính là loại hình công cụ lao động tiêu biểu của cư dân nguyên thủy thời kỳ đồ đá cũ dùng để lao động, tìm kiếm thức ăn, bóc vỏ hạt. Dù chỉ là chế tác bằng tay (hình thức chế tác kỹ thuật thấp), nhưng đã chứng minh cho quá trình tiến hóa đi từ trên cây xuống mặt đất để sinh sống, phát triển.

Văn hóa Đa Bút cách ngày nay khoảng 6.000-4.000 năm và được các nhà khoa học phát hiện năm 1925-1927 ở thôn Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc. Công cụ chế tác từ đá cuội, với kỹ thuật ghè đẽo và mài để tạo ra các loại công cụ thô sơ. Văn hóa Đa Bút nằm trải dài vùng ven biển Thanh Hóa và được biết đến từ việc chế tạo công cụ đá và nghề gốm. Nó cũng chứng minh cho sự phát triển của con người từ hái lượm đến săn bắt, đánh cá và biết gieo trồng một số loài cây củ quả.

Văn hóa Hoa Lộc cách ngày nay khoảng 4.000-3.000 năm, được phát hiện tại xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc. Hiện vật được giới thiệu đó là bản dập hoa văn, gốm đất nung. Các nhà nghiên cứu đã thống nhất đánh giá đây là thời kỳ phản ánh sự tiến triển trong tư duy, con người đã biết ghi dấu sản phẩm mình làm ra, tự hào về nó bằng tư duy thẩm mỹ giản dị mà tinh tế.

Văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500-2.000 năm. Văn hóa Đông Sơn được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1924 dựa trên vật cổ đó là chiếc trống đồng do người nông dân làm ruộng và lấy được ở bên bờ sông Mã thuộc huyện Đông Sơn (nay là TP Thanh Hóa). Các nhà khoa học định danh đây là nền văn hóa với một hệ thống những công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí. Đặc biệt, Thanh Hóa được biết đến là nơi có nhiều trống đồng nhất. Trống đồng là hiện vật tiêu biểu nhất kết tinh kỹ năng đúc đồng đạt đến trình độ cao nhất và tri thức khoa học của thời đại cũng như tài năng và tinh thần của người Việt cổ. Cũng từ đây địa danh nay vinh dự tự hào gắn với tên gọi của một nền văn hóa: Văn hóa Đông Sơn. Hiện vật đặc biệt nhất được giới thiệu đó là Cây đèn hình người qùy - là một trong số các bảo vật quốc gia. “Cây đèn được nhà khảo cổ học O. Janse (Thụy Điển) phát hiện khi khai quật ngôi mộ gạch ở Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa. Và được chuyển về bảo tàng năm 1935. Đây là hiện vật rất độc đáo trong số ít những cây đèn cùng loại thuộc thời kỳ hậu Đông Sơn, phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa khác. Cây đèn với hình khối tạo tác và hoa văn trang trí thể hiện tài năng nghệ thuật cũng như tư duy thẩm mỹ và khả năng tiếp nhận thích ứng của người Việt cổ hàng ngàn năm trước”.

Có hai hiện vật mang nét riêng biệt thu hút người xem được trưng bày tại khu trưng bày Việt Nam thời kỳ từ thế kỷ 1- thế kỷ 10 SCN tại bảo tàng này có nguồn gốc từ Thanh Hóa đó là: Chậu trống đồng Lạch Trường thế kỷ 2-3 và khay gốm Lạch Trường thế kỷ 2.

Vương triều Hồ - vương triều ngắn ngủi nhất trong lịch sử tồn tại ở Thanh Hóa với kỳ quan thành Tây Đô và những dấu ấn cải cách mạnh mẽ về tiền tệ, về đất đai, văn hóa và quân sự được giới thiệu nổi bật với hiện vật đầu phượng đất nung thế kỷ 14-15, thường được trang trí góc mái hay đầu đao. Đầu phượng này mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật Đại Việt thời Trần Hồ. Đầu phượng có kích thước lớn cho thấy công trình kiến trúc kỳ vĩ và thể hiện tài năng của nghệ nhân dân gian Việt.

Dấu ấn Thanh Hóa còn được thể hiện nổi bật trong nhiều giai đoạn lịch sử tiếp theo nhưng ấn tượng nhất, có sức găm vào trí nhớ người xem đó là giai đoạn chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ với hình ảnh đoàn xe đạp thồ, hiện vật xe thồ của dân công tỉnh Thanh Hóa tiếp lương thực, thực phẩm cho chiến trường Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954 và hiện vật chiếc mũ rơm của các cụ lão dân quân Hoằng Trường trong chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ năm 1965-1972. Nhiều du khách quốc tế, nhiều Việt Kiều và những người con Thanh Hóa đã đứng lặng hồi lâu và trong lòng dâng lên cảm khái tự hào, khâm phục khi ngắm nhìn chiếc xe đạp thồ của ông Bùi Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa dùng vận chuyển lương thực và thực phẩm phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.

Dấu ấn Thanh Hóa trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hết sức sinh động và hấp dẫn, khó có thể kể ra và điểm hết trong một bài viết nhỏ, nhưng thực sự đã đem lại niềm tự hào, lòng ngưỡng mộ và khâm phục với các thế hệ cha ông đã cùng quân dân cả nước làm nên truyền thống dựng nước và giữ nước oanh liệt, oai hùng. Những hiện vật, những hình ảnh đó đã hội tụ và có tiếng nói mãnh liệt về vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn và vô cùng ý nghĩa của quân dân Thanh Hóa, chúng ta tin tưởng rằng sẽ được lưu truyền mãi, góp phần thắp sáng và hun đúc nên truyền thống Thanh Hóa anh hùng, nghĩa dũng trong mọi thời đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tuyển tập Văn bia Thanh Hóa - tập một Văn bia thời Lý Trần - NXB Thanh Hóa - 2012.

2. Hướng dẫn tham quan - Bảo tàng Lịch sử quốc gia - 2013.

3. Tài liệu điền dã cá nhân.


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]