(Baothanhhoa.vn) - Nhìn vườn cây với những trái căng tròn lúc lỉu, chúng tôi không nghĩ người nông dân miền biển Nga Sơn lại có thể mát tay đến vậy. Nhưng sự thật là họ đã dám nghĩ, dám làm, dám liều lĩnh cải tạo đồng đất vốn chua phèn, cát mặn trở thành những “bờ xôi ruộng mật” quanh năm hoa trái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đất cằn nở hoa

Nhìn vườn cây với những trái căng tròn lúc lỉu, chúng tôi không nghĩ người nông dân miền biển Nga Sơn lại có thể mát tay đến vậy. Nhưng sự thật là họ đã dám nghĩ, dám làm, dám liều lĩnh cải tạo đồng đất vốn chua phèn, cát mặn trở thành những “bờ xôi ruộng mật” quanh năm hoa trái.

Đất cằn nở hoa

Cán bộ nông nghiệp huyện Nga Sơn xuống đồng cùng bà con kiểm tra chất lượng quả. Ảnh: Ng.N

Thăm vườn cây ăn quả của gia đình bác Phạm Quốc Tịch ở thôn 3, xã Nga Thanh, chúng tôi mới tin sự liều lĩnh ấy là có thật. Từ năm 2013, khi có chủ trương của xã về cải tạo vườn tạp, bác Tịch đã mạnh dạn đầu tư vào trồng bưởi với diện tích 2.000m2. Việc đầu tiên là bác cải tạo lại vườn. Vì nền đất là đất cát kém màu mỡ, nên bác phải thuê xe ủi hạ thấp nền, sau đó đưa đất bồi ven sông vào các hố trồng cây để tăng độ màu mỡ cho đất. Hiện nay, khu vườn của bác có khoảng 65 gốc bưởi các loại, gồm bưởi da xanh, bưởi Luận Văn và bưởi Diễn. Các giống bưởi đều được bác mua tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, do đã được ươm trong bầu lớn 3 năm tuổi, nên khi mang về trồng trong vườn nhà, kết hợp với chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thường xuyên làm cỏ, phun thuốc an toàn sinh học phòng trừ sâu bệnh bằng tinh dầu thực vật..., nên chỉ sau 2 năm đã bói quả. Bình quân mỗi cây cho khoảng 70 quả bưởi, cá biệt có cây cho đến trên 100 quả, lợi nhuận mỗi năm thu về khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, bác còn trồng 20 cây mít Thái và mít ta; đồng thời tận dụng khoảng trống dưới gốc cây để trồng các loại rau phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Với gia đình bác Mai Thị Thứ ở thôn 2, xã Nga Thành thì mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới là một trong những mô hình sản xuất được tỉnh hỗ trợ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đồng đất cát đặc trưng của địa phương, bác Thứ đã mạnh dạn đầu tư cải tạo đất ruộng, làm nhà lưới để đưa vào trồng 2 sào dưa vàng Kim Hoàng Hậu. So với các mô hình sản xuất khác, thì mô hình này đòi hỏi kinh phí đầu tư cao; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, song cũng nhờ thế mà hạn chế được rủi ro, chất lượng và năng suất sản phẩm cao, hiệu quả kinh tế vượt trội. Mỗi năm bác trồng 2 vụ, mỗi vụ trồng 3 tháng là có thể thu hoạch. Với giá bán bình quân tại ruộng là 30.000 đồng/kg thì khả năng cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/vụ là điều chắc chắn. Dưa trồng ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Thời gian qua, huyện Nga Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, như: Nghị quyết số 03-NQ/HU về nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn giai đoạn 2016 - 2020; phương án chuyển đổi đất lúa, đất lúa màu, đất màu và đất cói sản xuất hiệu quả thấp sang cây trồng khác, kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế gia trại, trang trại có hiệu quả trên địa bàn huyện Nga Sơn, giai đoạn 2016-2020; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Đến nay, huyện đã tập trung đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi được 659,6 ha đất trồng lúa, cói kém hiệu quả sang sản xuất các cây trồng khác và hình thành các trang trại, các mô hình nuôi trồng thủy sản, lúa cá kết hợp. Cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh theo hướng tích cực, giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, giảm thiểu được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đưa nhanh các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, chuyển dịch dần từ sản xuất theo số lượng sang chú trọng chất lượng, gắn với nhu cầu của thị trường, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất trồng trọt năm 2019 ước đạt 135,4 triệu đồng/ha/năm. Từng bước hướng đến sản xuất tập trung, hình thành cánh đồng mẫu lớn, liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng.

Huyện đã phối hợp, liên kết với các ngành liên quan, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức xây dựng được 47 mô hình sản xuất. Trong đó có 31 mô hình về trồng cây ăn quả, rau an toàn, như: Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu, Kim Hồng Ngọc, dưa vân lưới trong nhà lưới, thu nhập đạt 600 - 700 triệu đồng/ha/vụ; mô hình sản xuất dưa hấu thu nhập 240 triệu đồng/ha/vụ; mô hình sản xuất khoai tây thu nhập 123 triệu đồng/ha/vụ; mô hình sản xuất hoa trong nhà lưới thu nhập 750 triệu đồng/ha/vụ... Toàn huyện đã xây dựng được 63.121 m2 nhà kính, nhà lưới trồng rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại 10 xã và đang tiếp tục mở rộng diện tích nhà kính, nhà lưới. Cải tạo được 533,15 ha vườn tạp để đưa các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trong đó bưởi Diễn, bưởi Quế Dương và bưởi da xanh có 53,85 ha; thanh long ruột đỏ 17,5 ha; dừa xiêm 9,55 ha; cam, quýt 5,25 ha. Huyện phối hợp với các xã chỉ đạo làm thí điểm xây dựng 27 vườn mẫu tại 4 xã: Nga An, Nga Thành, Nga Thạch, Nga Trường.

Năm 2019, huyện đã triển khai thực hiện 53 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có 16 chuỗi cung ứng rau, quả an toàn; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được 1.527,1 ha cây trồng các loại. Sản phẩm được Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa kiểm nghiệm và được các HTX bao tiêu sản phẩm, giá trị sản xuất đạt 275 triệu đồng/ha. Sản phẩm là các loại rau củ quả như: Dưa leo, dưa hấu, dưa Kim Hoàng Hậu, dưa vân lưới, cải bắp, su hào, súp lơ... Các hộ nông dân sản xuất được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, áp dụng quy trình đồng bộ, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn huyện có 10/27 xã được tỉnh công nhận đạt xã an toàn thực phẩm, 5 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh thẩm định.

Bà Quách Thị Khuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết: Mục tiêu phát triển trong thời gian tới của huyện là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, công thức luân canh mới, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai, hợp tác liên kết trong sản xuất nông nghiệp để hình thành các cánh đồng quy mô lớn sản xuất tập trung. Tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, chuyển đổi căn bản lao động nông nghiệp thuần túy sang lao động công nghiệp trong nông nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ thành lập các mô hình hợp tác, HTX trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích, đấu mối với các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây trồng như: Khoai tây, dưa leo Nhật, dưa hấu, dưa vàng Kim Hoàng Hậu, dưa Kim Hồng Ngọc, dưa vân lưới... Mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới trên địa bàn huyện để tập trung sản xuất theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Muốn đạt được mục tiêu trên, cũng theo bà Khuyên, cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản của Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cán bộ, doanh nghiệp và người nông dân, nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, tập trung giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. Phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các vùng sản xuất theo quy hoạch nông nghiệp. Tiếp tục bố trí sản xuất các vùng sản xuất cánh đồng mẫu lớn, cây trồng hàng hóa có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tích cực đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như hỗ trợ nông dân vay vốn, hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh, đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt quan tâm tạo sự liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chú trọng cơ chế khuyến khích sản xuất theo hướng công nghệ cao. Gắn việc triển khai thực hiện nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất.

Nguyễn Ngọc


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]