(Baothanhhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 được đánh giá gây tác động đa chiều lên nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp (DN) là đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chủ động thích ứng, nhiều DN đã nhanh chóng tái cơ cấu ngành nghề, bộ máy tổ chức, đa dạng hóa thị trường, nỗ lực để vượt khó, duy trì việc làm cho người lao động. Cùng chung “cuộc chiến” ấy, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm đồng hành cùng DN.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh COVID-19

Đại dịch COVID-19 được đánh giá gây tác động đa chiều lên nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp (DN) là đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chủ động thích ứng, nhiều DN đã nhanh chóng tái cơ cấu ngành nghề, bộ máy tổ chức, đa dạng hóa thị trường, nỗ lực để vượt khó, duy trì việc làm cho người lao động. Cùng chung “cuộc chiến” ấy, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm đồng hành cùng DN.

Cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh COVID-19

Công nhân Công ty CP Sản xuất thương mại và Đầu tư Việt Thanh trong ca sản xuất.

DN gặp khó

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực lên toàn diện các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hàng loạt DN bị đứt gãy về chuỗi nguồn cung nguyên liệu và cầu sản phẩm. Nặng nề nhất là các DN trong ngành dệt may, giày da, nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Dịch bệnh cũng làm gia tăng các yêu cầu, biện pháp bảo hộ thị trường do lo ngại bùng nổ, lây lan dịch bệnh và chất lượng hàng hóa dịch vụ. Tăng tranh chấp các hợp đồng kinh tế với nguyên nhân do gián đoạn cung cầu hàng hóa. Thực tế tại Thanh Hóa, với 90% DN thuộc đối tượng nhỏ và vừa, khó khăn lại nhân lên gấp bội, khi đối tượng này chưa đủ thời gian tích lũy về vốn, kiến thức quản trị và quỹ đề phòng rủi ro. Trong khi đó, đại dịch này mang tính chất toàn cầu, khiến cuộc “vượt bão” đứng trước nhiều thách thức.

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 6-4, đã có 95 DN báo cáo về sở chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID -19, với khoảng 33.000 lao động bị ảnh hưởng về việc làm. Tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khắc phục khó khăn trong bối cảnh chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn diễn ra bình thường, với các quy định nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn trong dịch bệnh. Trong những ngày đầu tháng 4, thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, tại Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn hoạt động hết công suất. Mỗi ngày, 2 dây chuyền ở đây đều sản xuất và hòa lưới điện quốc gia 14 triệu KWh điện. Tuy nhiên, toàn bộ 400 chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, người lao động của công ty phải “cách ly” với môi trường bên ngoài. Sau mỗi ca sản xuất, tất cả cán bộ, công nhân viên của công ty phải lên các xe ô tô để về các khu cư xá tập trung. Trong quá trình sinh hoạt tại đây, người lao động của nhà máy được yêu cầu hạn chế tiếp xúc với nhau, không tiếp xúc với các hoạt động và người dân bên ngoài. Về cung ứng thực phẩm, nhà máy thực hiện ký hợp đồng với một công ty để đưa các suất ăn phục vụ người lao động. Các cuộc họp trong nhà máy phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành đều được thực hiện bằng phương pháp trực tuyến, online.

Ngoài các đơn vị ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu, như: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn, dịch bệnh COVID-19 với các tác động toàn diện trên các lĩnh vực từ đầu tư, y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại..., đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị. Một số DN đã thống kê thiệt hại như: Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương giảm gần 50% doanh thu, Công ty CP Xi măng Công Thanh thiệt hại tới 459 tỷ đồng... Nghiêm trọng hơn, nhiều DN sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số thị trường khác có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, dẫn đến công suất không đạt theo yêu cầu. Vì vậy, các DN buộc phải cắt giảm hoặc phân công ca làm việc luân phiên cho người lao động. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khó có khả năng để hoàn thành được các chỉ tiêu về kế hoạch sản xuất năm 2020. Hiện nay, Tập đoàn HongFu đã dự kiến cắt giảm khoảng 10.000 lao động hợp đồng dưới 1 năm, Công ty TNHH KH Vina cắt giảm 200 lao động... Bên cạnh đó, do việc tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc và lao động là người nước ngoài từ các vùng dịch khác, lao động người nước ngoài di chuyển qua các vùng dịch, nên các DN FDI, đặc biệt là các DN có sử dụng lao động Trung Quốc có sự thiếu hụt nguồn nhân lực là các chuyên gia, lao động kỹ thuật tay nghề cao.

Vào cuộc quyết liệt

Đại diện Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: Dưới tác động khó khăn của tình hình chung, hiệp hội đã thực hiện rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của DN, khuyến khích, động viên DN chủ động thích ứng, tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thêm thị trường mới, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện các thỏa ước tập thể nhằm kêu gọi người lao động chung tay chia sẻ khó khăn. Hiện nay, Chỉ thị 11/CT-TTg của Chính phủ, cùng các giải pháp quyết liệt của các cấp, ngành trong các chính sách về tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế, quỹ bảo hiểm đang được các DN đặt kỳ vọng lớn, đặc biệt là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống nghiêm túc triển khai giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, chủ động nắm bắt tình hình của từng khách hàng để đề xuất phương án, giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh để kịp thời xử lý. Triển khai các khoản vay mới với lãi suất giảm từ 1 - 1,5% so với thời điểm trước dịch. Bên cạnh đó, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ phù hợp với điều kiện tài chính của tổ chức tín dụng. Nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu,... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục thuế, nhằm có bước chuẩn bị, giúp DN tiếp cận, thụ hưởng nhanh chính sách khi nghị định này có hiệu lực, ngay từ đầu tháng 4, Cục thuế Thanh Hóa đã ban hành công văn gửi tới các chi cục thuế khu vực, huyện, các DN, tổ chức và cá nhân người nộp thuế về một số nội dung trong nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong đó, nội dung công văn nêu rõ các đối tượng, ngành nghề sẽ được thụ thưởng về các chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất. Ông Mai Đình Tú, Phó Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa, cho biết: Công văn hướng dẫn các nội dung về nghị định đã được gửi tới các đơn vị trực tiếp triển khai và các đối tượng người nộp thuế. Mục đích của việc này là giúp DN, người kinh doanh nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ thụ hưởng chính sách, bảo đảm khi Chính phủ ký ban hành, DN sẽ đáp ứng nhanh chóng và thụ hưởng nhanh nhất.

Với chính sách hỗ trợ bảo hiểm khi DN bị tác động lớn về lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành văn bản, hướng dẫn các DN thủ tục tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất đối với DN bị giảm 50% lao động. Trong đó, đã làm văn bản xác nhận cho 9 DN thuộc đối tượng thụ hưởng. Sở cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn DN trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất: Chủ động vượt khó, hiện nay, mỗi DN, mỗi ngành hàng cũng đã có những kịch bản thích ứng đáng ghi nhận. Trong đó, nhiều DN đã nhanh chóng nghiên cứu, chuyển đổi sang nhập máy móc, sản xuất các mặt hàng thiết bị y tế đang có thị trường tiêu thụ tiềm năng hiện nay. Tuy nhiên, việc ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN cần được nghiên cứu thực tiễn hơn. Đơn cử như, chính sách hỗ trợ về dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất chỉ áp dụng cho đối tượng DN bị ảnh hưởng từ 50% lao động là quá khắt khe. Chính phủ cũng cần đẩy nhanh các thủ tục bổ sung vốn tín dụng, nhất là việc triển khai cấp bù lãi suất từ các gói hỗ trợ để các ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cho khách hàng. Cấp tỉnh, các cấp sở, ngành cũng cần vận dụng linh hoạt chính sách, chủ động hơn nữa trong công tác triển khai, cùng DN vượt khó. Đồng thời, đẩy mạnh hơn việc cải cách thủ tục hành chính, đầu tư đối với các dự án đầu tư khả thi.

Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]