(Baothanhhoa.vn) - Tôi quen ông hôm gặp nhau ở Salle des Etats của Bảo tàng Louvre, nơi người ta đặt bức tranh nàng Mona Lisa của họa sĩ thiên tài người Ý - Leonardo de Vinci. Cháu gái ông đang làm Master ở Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, nơi thằng cháu tôi cũng đang làm việc. Sau khi ngắm một số bức tranh của các bậc thầy hội họa, hai cháu đưa chúng tôi dùng bữa ở Caffé Marly và ngắm kim tự tháp trong sân của Bảo tàng Louvre. Qua hai cháu, ông biết tôi quê ở Thanh Hóa, còn tôi biết gia đình ông gốc ở Hưng Yên lên Hà Nội từ thời cụ kỵ. Không hiểu cháu tôi và cháu ông có chủ ý khi book vé không mà hôm nay tôi và ông lại được ngồi cạnh nhau.

Chuyện trên trời

Tôi quen ông hôm gặp nhau ở Salle des Etats của Bảo tàng Louvre, nơi người ta đặt bức tranh nàng Mona Lisa của họa sĩ thiên tài người Ý - Leonardo de Vinci. Cháu gái ông đang làm Master ở Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, nơi thằng cháu tôi cũng đang làm việc. Sau khi ngắm một số bức tranh của các bậc thầy hội họa, hai cháu đưa chúng tôi dùng bữa ở Caffé Marly và ngắm kim tự tháp trong sân của Bảo tàng Louvre. Qua hai cháu, ông biết tôi quê ở Thanh Hóa, còn tôi biết gia đình ông gốc ở Hưng Yên lên Hà Nội từ thời cụ kỵ. Không hiểu cháu tôi và cháu ông có chủ ý khi book vé không mà hôm nay tôi và ông lại được ngồi cạnh nhau.

Chuyện trên trời

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông kể trước kia ông cũng là bộ đội, là chỉ huy các trận không chiến. Ông có một người bạn thân là phi công quê ở Thanh Hóa, tên là Kỷ, Hoàng Văn Kỷ. Làng ông ta có chợ Quăng, có Bảng Môn Đình và có nhà thờ Trạng Quỳnh. Tôi nói với ông thế thì đích thị là ông Kỷ làng tôi rồi.

Tôi kém ông Kỷ ba tuổi. Thời còn trẻ, tôi thường ôm rơm còn ông Kỷ thì xách cái nơm có quả bưởi buộc dính vào phía trong miệng nơm làm nút bịt để rình úp những chắp cá trê ở các ao, đầm. Ông Kỷ có tài chép miệng gọi cá, đến khi chắp cá quây tròn lại, ông Kỷ từ bờ lao nơm úp trọn, hai chúng tôi chỉ còn giữ chặt nơm có quả bưởi nổi bịt chặt miệng và từ từ nhét dần từng ít rơm vào nơm cho cá quần nhau chán chê rồi mới đưa tay vào nơm bắt cá. Có đêm ông Kỷ và tôi đi hai, ba ao úp trúng được hai, ba chắp là đầy hai giỏ, chia đều mỗi người cũng được kha khá. Để lại vài con kho làm thức ăn, mẹ tôi và mẹ anh Kỷ đưa cá ra chợ bán lấy tiền mua các thứ lặt vặt cho nhà, mua sách, vở, đóng tiền học cho chúng tôi và các em. Có năm trúng quả còn mua được cả quần áo mới cho tôi và các em. Anh Kỷ đi bộ đội trước tôi ba năm. Sau đợt huấn luyện anh Kỷ đạt danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng nên được cử đi học thêm văn hóa rồi sang Liên Xô học lái máy bay. Năm 1967, anh hy sinh khi chiến đấu bắn máy bay Mỹ. Sau khi anh mất, hai người em của anh là anh Hoàng Văn Chiến và Hoàng Văn Ngọc đều xin nhập ngũ để trả thù cho anh, góp phần vào kháng chiến chống Mỹ. Về sau anh Hoàng Văn Chiến hy sinh trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và anh Hoàng Văn Ngọc hy sinh khi giữ thành cổ Quảng Trị. Năm 2000, anh Hoàng Văn Kỷ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Bà mẹ anh được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bà có năm người con trai, hai con gái, ba người là liệt sĩ chống Mỹ. Ông bạn nghe đến đây thì nắm lấy tay tôi: “Thật là duyên kỳ ngộ tôi lại được gặp ông ở đây. Năm 1992, gia đình anh Kỷ đưa hài cốt anh về quê, tôi và một số người bạn tham dự và chứng kiến việc này”.

“Chuyện anh Kỷ đi bộ đội lòng vòng lắm. Năm 1959, xã tôi có mười hai anh đi khám tuyển bộ đội. Anh Hoàng Văn Kỷ trật vì thiếu một cân. Cùng đi khám hôm đó có anh cũng tên là Kỷ. Là Đoàn Văn Kỷ trúng tuyển. Anh Hoàng Văn Kỷ gạ đổi cho anh Đoàn Văn Kỷ nhưng Đoàn Văn Kỷ không chịu. Anh Hoàng Văn Kỷ bèn rỉ tai với cụ thân sinh của Đoàn Văn Kỷ: “Nhà bác chỉ có mình hắn là con trai, bác biểu hắn nhường tôi đi đợt này. Hắn ở nhà lấy vợ kiếm cho bác thằng cháu đích tôn. Bác biểu là hắn phải nghe!”. Ông thân sinh anh Đoàn Văn Kỷ nhớ đến chuyện Hoàng Văn Kỷ đã cứu con mình khi lần bọn tôi ra tắm ở âu Cồn Ngói. Anh Đoàn Văn Kỷ bị chuột rút nên lâu không thấy lên. Bọn tôi lo quá, la làng kêu cứu. Anh Hoàng Văn Kỷ lặn hai ba lần xuống đáy âu mới mò nắm được tóc anh Đoàn Văn Kỷ kéo lên bờ rồi vác lên vai chạy mấy vòng cho nước trong bụng ọc ra, chúng tôi xúm vô xoa bóp trước tim, hà hơi thổi ngạt... Dần dần anh Đoàn Văn Kỷ tỉnh lại. Thoát chết. Đã thoát chết, lại thêm chuyện con trai chậm nhập ngũ một năm, ở nhà lấy vợ kiếm thằng cháu ôm cẳng giường thờ nữa thì còn chi bằng! Ông bèn gọi con trai ra để huấn thị. Đoàn Văn Kỷ đứng trước mặt ông, ông nhìn con trai rồi nói: “Mi có nhớ hắn cứu mi thoát chết ở âu Cồn Ngói không? Hôm đó không có hắn thì giờ mi thành đất rồi! Nhường cho hắn đi đợt ni, sang năm mi đi. Hai đứa bay cứ yên rứa mà làm!”. Đoàn Văn Kỷ buộc phải nghe lời bố. Dàn xếp với Đoàn Văn Kỷ xong, Hoàng Văn Kỷ đến ngay nhà tôi gặp Thứ là anh trai tôi đang làm Xã đội phó vừa đưa 12 người đi khám bộ đội buổi sáng. Anh Thứ vốn là học viên lớp bổ túc văn hóa ban đêm do Hoàng Văn Kỷ dạy. Thấy Hoàng Văn Kỷ đến, anh Thứ tưởng anh Kỷ đến để thúc đi học liền phân bua: “Thượm cho tôi ăn cơm xong sẽ ra lớp ngay. Bài cũ mấy hôm nay bận tuyển quân nên còn lơ mơ lắm!”. “Hôm nay học muộn cũng được. Anh giúp tôi việc ni cần hơn!”. “Việc chi?”. “Anh giúp tôi tẩy chữ “Đ” ở giấy của Đoàn thay bằng chữ “H” và thêm vô cuối chữ Đoàn một chữ “g” để thành chữ Hoàng cho tôi được đi bộ đội lần ni!”. Anh trai tôi có vẻ hốt hoảng: “Chữa Đoàn Văn Kỷ thành Hoàng Văn Kỷ?”. “Vâng!”. “Không được. Xã biết thì chết cả nút!”. “Biết làm răng được. Tôi đã giao kèo với bố con anh Đoàn Văn Kỷ rồi. Bây giờ mọi việc là do anh quyết định”. Tôi nấp ở sau cánh cửa nghe anh trai tôi phân bua: “Thày giáo mà làm rứa thì tôi mất chức xã đội phó là cái chắc!“. Anh không lo. Hôm nay có 12 người đi khám. Trúng tuyển 8 người. Danh sách đang còn trong tay anh. Anh chữa Đoàn Văn Kỷ thành Hoàng Văn Kỷ sáng mai lên báo cáo xã là xong. “Còn ngoài huyện nữa chứ?”. “Hàng ngàn người khám ai nhớ cho hết. Mà khi nhận quân là chỉ huy bộ đội nhận chứ có phải bác sĩ đâu. Đừng lo ngoài huyện! Còn ở xã, cùng bất đắc dĩ lộ chuyện ni ra thì chú anh là chủ tịch xã, bố tôi là cán bộ ủy ban xã không thể tước chức xã đội phó của anh đâu mà lo!”. Anh trai tôi nghe thầy dạy học của mình củng cố tinh thần có vẻ an tâm, nhưng còn hỏi lại: “Thế anh đi bộ đội lấy ai dạy bọn vỡ lòng? Ai dạy bổ túc văn hóa cho bay tôi?”. “Tôi đi bộ đội xã khắc phải điều người khác thay!”. Thế là anh trai tôi và anh Kỷ tỉ mẩn chữa danh sách người trúng tuyển bộ đội năm đó. Hoàng Văn Kỷ đang là người nhẹ cân trở thành người trúng tuyển bộ đội. May mà tạng người hai anh Kỷ hao hao như nhau nên mọi việc đều trôi chảy”.

Ông bạn già nãy giờ chú tâm lắng nghe tôi kể giờ mới thở dài, cười như người được xả hơi: “Lại là chuyện vòng vèo mới được vào bộ đội?”. “Vâng! Nhưng sau khi anh Hoàng Văn Kỷ nhập ngũ được chừng nửa tháng thì bại lộ. Lộ thì xong chuyện rồi. Trước hôm nhập ngũ, xã tổ chức liên hoan tiễn quân, ông chủ tịch xã hỏi anh Hoàng Văn Kỷ, anh nhập ngũ anh giới thiệu ai thay anh đây? Anh Hoàng Văn Kỷ giới thiệu anh Phạm Văn Tiêu, bạn học cùng lớp. Anh Phạm Văn Tiêu viết chữ đẹp, vẽ đẹp, hát hay. Ông chủ tịch ngẫm thấy trúng nên điều anh Phạm Văn Tiêu ra dạy hai lớp vỡ lòng ban ngày và mỗi tuần ba tối dạy lớp bổ túc văn hóa như anh Kỷ đã làm. Ông bạn cười: “Thời trai trẻ kể cũng vui!”. “Vâng! Thời đó nghèo mà vui. Nhập ngũ được ba tháng anh Kỷ đạt ưu tú môn bắn súng mục tiêu di động nên được thưởng mấy ngày phép về thăm nhà, bà mẹ anh Kỷ thấy con mình cao lớn hẳn lên thì mừng rồi phô với mọi người: “Trời thằng Kỷ nhà tôi lớn tướng rồi! Cơm Nhà nước hơn hẳn cơm ghế khoai trộn cối đá giã vừng!”. Ông bạn hỏi lại tôi: “Cơm ghế khoai thì tôi biết nhưng cơm trộn cối đá giã vừng thì tôi chưa biết”. “Là thế này, thức ăn hàng ngày của làng quê tôi thời đó nhìn vào chúng tôi đi tát cá, đánh lờ, đươm trúm lấy tôm tép. Những ngày mưa thâm gió bắc chủ yếu chúng tôi ăn cơm với rau muống luộc chấm mắm cáy, mắm tép hoặc rau muống luộc trộn muối vừng. Mẹ giã vừng trong cái cối đá thì mấy đứa con hau háu đứng chờ mẹ vét vừng ra là tranh nhau đổ bát cơm vào cối đá đảo đi đảo lại cho vừng sót ở cối đá dính vào cơm để ăn. Thậm chí thằng anh trộn xong con em còn trộn lại lần thứ hai. Chỉ có tí vừng dính vào cơm nhưng vẫn là cơm ngon!”. Ông bạn giờ mới vỡ lẽ. Rồi ông kể: “Anh Kỷ khi ở dưới đất trông có vẻ chậm và ít nói nhưng khi đã cưỡi máy bay lên trời thì như lột xác trở thành một con báo gấm: Nhanh nhẹn, dũng cảm, mưu trí sử dụng máy bay MiG-17 lạc hậu cả về tốc độ, về trang bị so với các loại máy bay Mỹ để đạt hiệu quả cao trong chiến đấu. Anh Kỷ đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ: 2 chiếc F-4, 2 chiếc F-105. Nhiều trận anh đã bảo vệ, tạo thế cho đồng đội lập công xuất sắc. Như trận không chiến ngày 12-5-1967 chẳng hạn. Các tốp F-4 và F-105 Mỹ bay từ hướng Tây Nam vào định oanh tạc các mục tiêu quanh Hà Nội và Sân bay Hòa Lạc. Sở chỉ huy lệnh cho MiG-17 xuất kích tấn công chặn đối phương trên khu vực Ba Vì – Hòa Bình. Biên đội 4 chiếc MiG-17 do Cao Thanh Tịnh, Lê Hải, Ngô Đức Mai, Hoàng Văn Kỷ chia thành 2 tốp để xung trận. Được đài chỉ huy hỗ trợ dẫn lối, các phi công số 1 - Cao Thanh Tịnh và số 2 - Lê Hải quần nhau với F-105 và F-4 ở tầng thấp, sau những phút bám sát quyết liệt, được Lê Hải phối hợp bảo vệ, đến cự ly thích hợp Cao Thanh Tịnh đã bắn hạ được một máy bay F-4. Cùng lúc đó, phi công số 3 - Ngô Đức Mai và phi công số 4 - Hoàng Văn Kỷ quần nhau với chiếc F-4C chui từ mây ra, Ngô Đức Mai và Hoàng Văn Kỷ bám riết chiếc máy bay này. Đến cự ly 200m, ở độ cao 2.500m, Ngô Đức Mai đã bắn trúng chiếc F-4C bốc cháy. Phi công chính nhảy dù bị quân ta bắt sống, phi công dẫn đường cho lái chính thì về chầu âm phủ. Điều lý thú là tay phi công chính lái chiếc F-4C bị ta bắt sống lại là Đại tá Norman Gaddis đã có 4.300 giờ bay, từng là Phó ban tác chiến thuộc Bộ Tham mưu Không quân Mỹ, được cử sang Việt Nam để nghiên cứu chiến thuật không chiến và tìm diệt MiG. Còn Thượng úy Ngô Đức Mai, lúc ấy chỉ vẻn vẹn mới có 300 giờ bay. Trong khi bảo vệ cho Ngô Đức Mai hoàn thành nhiệm vụ, phi công Hoàng Văn Kỷ phát hiện chiếc F-4 bám theo ở phía sau mình. Hoàng Văn Kỷ lập tức cho máy bay của mình rơi tự do hạ độ thấp để tránh pháo từ máy bay đối phương, sau đó anh lại vượt lên cao bám theo chiếc F-4 đó. Anh tăng tốc đến một cự ly thích hợp mới siết cò. Chiếc F-4 trúng đạn bốc cháy, phi công nhảy dù còn Hoàng Văn Kỷ được lệnh hạ cánh an toàn.

Trận không chiến ngày 5-6-1967, biên đội 4 chiếc MiG-17 của ta đối đầu với 16 máy bay F-4 và F-105 trên bầu trời giữa Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Số 1 - Hoàng Văn Kỷ, số 2 - Trương Văn Cung quần nhau với bọn F-4 và F-105 trên bầu trời Vĩnh Phúc. Hoàng Văn Kỷ vòng lên cao và nghiêng mình tránh được pháo từ F-105 của đối phương rồi anh vòng hạ xuống ngang tầm để đuổi theo chiếc F-105, đến cự ly dưới 150m, độ cao 2.000m, điều chỉnh đúng tầm ngắm trúng buồng lái chiếc F-105 mới bóp cò. Chiếc F-105 bốc cháy. Tức thì anh phát hiện phía sau lại có chiếc F-4 đang bám theo, anh cho máy bay của mình rơi tự do để hạ thấp độ cao tránh được pháo của địch. Thừa thế anh lại vòng lên cao tăng tốc đuổi theo chiếc F-4, tới cự ly chắc ăn anh mới nổ súng. Chiếc F-4 bốc cháy. Phi công nhảy dù. Tức thì có mấy chiếc F-4 và F-105 từ các đám mây chui ra, chúng bắn xối xả về phía MiG-17 của anh Kỷ. Lúc thì anh lật ngửa, lúc thì anh hạ thấp để tránh pháo của địch. Từ Đài chỉ huy chúng tôi tính máy bay của anh Kỷ đã đến độ hết dầu nên phát lệnh cho anh Kỷ nhảy dù. Anh Kỷ trả lời: “Đèn tín hiệu trên máy bay của tôi cũng đã báo hết nhiên liệu. Nhưng nhảy dù thì nguy hiểm lắm, máy bay sẽ rơi vào khu dân cư. Xin để tôi được tìm cách cho máy bay hạ cánh xuống khu rừng phía trước!”. Đài chỉ huy mất liên lạc với Hoàng Văn Kỷ từ đó. Biết chuyện không lành đã xảy ra với Hoàng Văn Kỷ, chúng tôi ai cũng lặng người đi. Đến chiều thì nhận được tin máy bay của anh Kỷ đã hạ cánh xuống khu đất bìa cánh rừng phía Bắc tỉnh Vĩnh Phúc. Anh hy sinh trong tư thế đang ngồi ở buồng lái, máy bay thủng nhiều lỗ, hư hỏng nặng!”.

Mặc dù đã biết Hoàng Văn Kỷ hy sinh từ mấy chục năm nay nhưng khi nghe ông bạn kể lại, tôi như có cái gì chắn họng làm tức thở, mãi vài phút sau mới lấy lại được nhịp thở bình thường. Tôi nói với ông bạn là cách đây hai tháng, một nhóm cựu chiến binh chúng tôi có làm đơn gửi lên UBND xã đề nghị làm thủ tục để trường mầm non của xã được mang tên anh. Tên trường hiện nay là TRƯỜNG MẦM NON XÃ HOẰNG LỘC thành TRƯỜNG MẦM NON HOÀNG VĂN KỶ XÃ HOẰNG LỘC. Xã đang nghiên cứu để làm tờ trình lên huyện và tỉnh.

"Câu chuyện sau cuộc chiến ở làng tôi nó phức tạp ở tất cả các bình diện như vậy đó, anh à!”. Ông bạn tôi cười và nói: “Không chỉ có ở quê anh mà ở đâu và khi nào cũng vậy. Giải quyết công việc hậu chiến tranh nhiều khi làm chúng ta đau đầu. Dù đây là việc tri ân, về khía cạnh nào đó còn là phương pháp học lịch sử - lịch sử làng, lịch sử đất nước. Người lính ra trận với khí thế anh hùng nhưng đã mấy ai nghĩ mình sau cuộc chiến sẽ trở thành anh hùng! Thời thế tạo nên anh hùng chứ!”. “Tôi quên chưa kể cho anh về mối tình riêng của anh Kỷ. Cảm động lắm anh à!”. “Tôi cũng đã được nghe anh Kỷ tâm sự về người yêu của anh là cô Kim, kỹ thuật viên công tác trong bệnh viện”. “Cách đây mấy năm chị Kim đã về với tổ tiên. Chắc bây giờ anh chị ấy đã đến với nhau ở miền mây trắng!”. “Nghe ra CHUYỆN TRÊN TRỜI còn dài và lý thú! Ông cho tôi số Zalo của ông để thỉnh thoảng ta thông tin cho nhau!”. “Vâng! Ông ghi đi: 0989... Nếu có dịp đến làng tôi, ông cứ hỏi Lưu Trọng Nghĩa, tên tôi ai cũng biết!”. “Vâng! Khoảng một giờ sau, chúng tôi transit ở Dubai”.

(*) Trong quá trình viết truyện ký này chúng tôi có tham khảo: Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Lộc; Nhớ ơn các liệt sĩ Không quân Nhân dân Việt Nam (NXB QĐND).

Truyện ký của NGUYỄN HUY SÚC



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]