(Baothanhhoa.vn) - “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP-TH) là một chương trình lớn, mà thành quả nó mang lại sẽ góp phần cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tạo nên diện mạo mới về chất cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Với mục tiêu, sản phẩm OCOP mang dấu ấn địa phương nhưng được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia và toàn cầu. Do đó, việc xây dựng và triển khai OCOP đang và sẽ đặt ra cho Thanh Hóa nhiều thời cơ xen lẫn thách thức. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Trần Đức Năng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình MTQG XDNTM.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Chương trình OCOP-TH: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu!

“Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP-TH) là một chương trình lớn, mà thành quả nó mang lại sẽ góp phần cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tạo nên diện mạo mới về chất cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Với mục tiêu, sản phẩm OCOP mang dấu ấn địa phương nhưng được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia và toàn cầu. Do đó, việc xây dựng và triển khai OCOP đang và sẽ đặt ra cho Thanh Hóa nhiều thời cơ xen lẫn thách thức. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Trần Đức Năng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình MTQG XDNTM.

Chương trình OCOP-TH: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu!

Một số nông sản an toàn của huyện Thạch Thành được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm Truyền hình, Triển lãm, Hội chợ và Quảng cáo tỉnh (tháng 7-2019). Ảnh: L.D

OCOP - Tầm nhìn phát triển

P.V: Thưa ông, vì sao nói “Chương trình OCOP là một quá trình thực hiện, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”?

Ông Trần Đức Năng: Bản chất và nguyên tắc của Chương trình OCOP là một quá trình sáng tạo không ngừng, luôn có sản phẩm mới và giá trị mới được tạo ra, theo tư duy ngày càng tốt hơn. Cho nên chương trình chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc là vì vậy.

Cũng cần nói thêm rằng, việc triển khai Chương trình OCOP không thể nóng vội, mà phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình. Từ đó, thúc đẩy sự sáng tạo liên tục và khát vọng của người dân. Đồng thời phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cũng như đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ chuyên gia và các tổ chức kinh tế.

P.V: Được biết, sản phẩm OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, thậm chí là toàn cầu. Đây phải chăng là mục tiêu lâu dài của Chương trình OCOP-TH và giá trị nó mang lại là gì, thưa ông?

Ông Trần Đức Năng: “Hành động của địa phương hướng tới toàn cầu” không những là mục tiêu, mà còn là một trong những nguyên tắc của Chương trình OCOP. Điều cốt lõi ở đây là tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, là đặc sản của địa phương, là thương hiệu tin cậy, là lợi ích và sự chấp nhận của người tiêu dùng. Về mục tiêu lâu dài, giá trị và ý nghĩa nhân văn của nó là thông qua chương trình, các cơ quan quản lý Nhà nước và chủ thể sản xuất xác định được điểm yếu của sản phẩm để nâng cao chất lượng.

Khi sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn sẽ tạo được uy tín và thương hiệu. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa. Đồng thời, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất”, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Cũng thông qua phát triển sản xuất, góp phần thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố); bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy bản sắc và các giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

P.V: Có một “quy trình ngược” trong phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp hiện nay, đó là phát triển thụ động “từ trên xuống”. Điều này cần được đặt ra và tìm hướng khắc phục ra sao khi triển khai Chương trình OCOP, thưa ông?

Ông Trần Đức Năng: Chương trình OCOP là chương trình kinh tế của người dân, do người dân và do đó, nó được thực hiện theo quy trình từ dưới lên. Đồng thời, vì là chương trình kinh tế nên phải tuân theo quy luật thị trường, chứ Nhà nước không làm thay, làm hộ và càng không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính. Mặc dù vậy, việc triển khai OCOP là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; cũng như chương trình thành công nhiều hay ít, nhanh hay chậm có vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Nhân tố thúc đẩy

P.V: Trong quy trình thực hiện OCOP, các hộ gia đình, HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định là chủ thể thực hiện. Vậy, các chủ thể này cần có sự chuẩn bị về tâm thế, thái độ, tư duy và cách làm ra sao để tiếp cận OCOP, thưa đồng chí?

Ông Trần Đức Năng: Chương trình OCOP được xác định là chương trình phát triển kinh tế dựa vào nội lực của cộng đồng. Nói cách khác, các hộ gia đình, HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ thể của chương trình. Muốn vậy, bản thân họ phải có khát vọng và đón nhận chương trình với tâm thế chủ động, tự tin. Sự chủ động thể hiện ở việc tham gia tập huấn để có kiến thức và kinh nghiệm; biết nhận diện chu trình, nhận diện tiềm năng, lợi thế của địa phương, đơn vị và khả năng của mình.

Các chủ thể, một mặt không được nóng vội hay trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; mặt khác, họ cần có kỹ năng tiếp cận, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị tư vấn và cơ quan Nhà nước. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh và xây dựng câu chuyện cho sản phẩm. Đồng thời, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để tham gia công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm.

P.V: Cũng trong Chương trình OCOP, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thông qua cơ chế chính sách. Vậy, tỉnh Thanh Hóa đã và đang xây dựng “cây gậy chỉ đường” này ra sao, để làm chỗ dựa cho các chủ thể thực hiện, thưa ông?

Ông Trần Đức Năng: Để triển khai chương trình, Thanh Hóa đã có những bước chuẩn bị thận trọng và bài bản. Về cơ chế chính sách, đó là lồng ghép các cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh về OCOP, đặc biệt là chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tạo hành lang và môi trường rộng rãi cho các thành phần kinh tế tham gia thực hiện.

Thực hiện phương châm “Nhà nước đóng vai trò kiến tạo thông qua cơ chế chính sách”. Hiện tại, tỉnh ta đang dành kinh phí từ Chương trình MTQG XDNTM để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP. Cụ thể là hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... nhằm giúp các sản phẩm có cơ hội vươn xa hơn thị trường nội địa.

P.V: Tạo được niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm đặc sản nói riêng và sản phẩm từ Chương trình OCOP nói chung, thiết nghĩ, cũng là một nhân tố quan trọng, góp phần cho thành công của Chương trình OCOP. Vậy, xin ông cho biết, điều này đang và sẽ được tỉnh ta quan tâm ra sao?

Ông Trần Đức Năng: Trước hết, Chương trình OCOP phải được triển khai một cách bài bản và tuân thủ chu trình. Khi chất lượng sản phẩm đã được cơ quan Nhà nước công nhận, thì sự tin cậy và mức độ yên tâm của người tiêu dùng sẽ được bảo đảm. Nói cách khác, Chương trình OCOP lấy chất lượng sản phẩm là trung tâm. Sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, quy định của pháp luật về an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Sản phẩm có tên, bao bì ghi nhãn hàng hóa và xuất xứ sản phẩm theo quy định, được niêm yết giá... Để thực hiện được điều này, trước tiên phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể sản xuất thực hiện đúng các quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện chương trình.

Giải pháp “chìa khóa”

P.V: Được biết, chu trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm”. Trong đó, quan trọng nhất là bước đánh giá và xếp hạng sản phẩm. Vậy xin đồng chí cho biết, việc đánh giá và phân hạng sản phẩm có tác động như thế nào đến toàn bộ chu trình?

Ông Trần Đức Năng: Chu trình OCOP hàng năm được xem là “xương sống” của Chương trình OCOP. Chu trình gồm 6 bước là tuyên truyền, hướng dẫn; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia; xúc tiến thương mại.

Tất cả các sản phẩm tham gia OCOP bắt buộc phải tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Thông qua việc đánh giá, xếp hạng này người dân sẽ hiểu được yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm. Từ đó nghiên cứu phát triển, cải tiến sản phẩm, triển khai tổ chức sản xuất và kinh doanh, để được xếp hạng cao hơn. Mặt khác, đây là cơ sở để cơ quan quản lý các cấp tư vấn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế, thực hiện chu trình OCOP xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại...

P.V: Sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” có vai trò như thế nào khi thực hiện OCOP, thưa ông?

Ông Trần Đức Năng: Sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là bản chất của Chương trình OCOP. Chính vì vậy, liên kết “4 nhà“ là xu thế tất yếu khi thực hiện chương trình. Thực tế hiện nay, đa số người nông dân vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chậm tiếp cận thông tin thị trường. Do đó, họ rất cần doanh nghiệp giữ vai trò “đầu tàu” trong việc hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào, thu mua và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong khi đó, các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo “đầu vào” có chất lượng cao, giá thành thấp nhờ công nghệ. Ngoài ra, Nhà nước chính là nhạc trưởng trong việc tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp, bảo đảm cho sự liên kết này chặt chẽ và hiệu quả.

P.V: Sản xuất quy mô lớn và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong tất cả các khâu, phải chăng là chìa khóa nâng cao chất lượng các sản phẩm và hiệu quả Chương trình OCOP, thưa ông?

Ông Trần Đức Năng: Hiện nay, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, HTX, làng nghề trong tỉnh còn nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm và khiến cho thương hiệu đặc sản của địa phương khó bền vững. Vì vậy, cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả Chương trình OCOP của tỉnh Thanh Hóa là thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị và đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, chống lại các hành vi sử dụng địa danh gây tổn hại đến danh tiếng, uy tín vốn có của sản phẩm. Đồng thời, duy trì thị trường đã có, phát triển thị trường mới cho sản phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình OCOP.

P.V: Đầu ra cho sản phẩm hay thị trường tiêu thụ, luôn là vấn đề đặt ra khi bàn về câu chuyện sản xuất hàng hóa. Vậy xin ông cho biết, khi triển khai Chương trình OCOP, vấn đề này sẽ được tỉnh ta quan tâm thực hiện ra sao?

Ông Trần Đức Năng: Vấn đề cốt lõi khi triển khai OCOP là phải nghiên cứu thị trường trước tiên, rồi mới tính đến sản xuất. Bên cạnh đó là phải nhận diện được tiềm năng lợi thế của từng địa phương, vùng miền, phải biết mình đang đứng ở đâu, khả năng và năng lực của mình ra sao.

Công tác xúc tiến thương mại phải được xác định là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Xúc tiến thương mại được tham gia từ khâu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP. Việc xác định đúng vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, trong chu trình phát triển các sản phẩm OCOP, sẽ giúp các địa phương triển khai ngày càng có hiệu quả chương trình.

Cũng xin được nhấn mạnh thêm rằng, Chương trình OCOP-TH chính là chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn. Đây vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện, vừa là nguyên nhân, cũng vừa là kết quả của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đây còn là chương trình xã hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi, thương hiệu sản vật gắn với hình ảnh đất và người xứ Thanh, sẽ từ đây mà được lan tỏa mạnh mẽ.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Dung (Thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]