(Baothanhhoa.vn) - Chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nâng cao chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia nhằm hướng tới “nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chất lượng dân số - nền tảng của sự phát triển

Chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nâng cao chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia nhằm hướng tới “nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.

Chất lượng dân số - nền tảng của sự phát triển

Truyền thông chính sách dân số cho người dân xã Định Hòa (Yên Định). Ảnh: Tô Hà

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, đứng vị trí thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ người dân tiếp tục tăng (đạt trung bình khoảng 73,5 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người); tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng dân số còn hạn chế, chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tương đối cao (73,5 tuổi) nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp, chỉ đạt 64 tuổi. Bên cạnh đó, tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện, trong 30 năm qua chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng được 3cm. Việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người còn hạn chế, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi.

Tại Thanh Hóa, tính đến 0 giờ ngày 1-4-2019, có 3.640.128 người, là tỉnh đông dân thứ 3 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Toàn tỉnh có 979.951 hộ dân cư, quy mô hộ gia đình bình quân phổ biến từ 3 đến 4 người, chiếm 46,44%. Đa số các hộ dân sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố. Cũng theo số liệu thống kê cho thấy, Thanh Hóa là tỉnh đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác giáo dục. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng lên đáng kể, từ 91,8% năm 1999 lên 94,7% năm 2009 và năm 2019 đạt 97,3% dân số toàn tỉnh. Trong đó, TP Thanh Hóa là đơn vị có tỷ lệ biết chữ cao nhất, đạt 99,9%; huyện Mường Lát mới đạt 62,1%. Đây cũng là hai địa phương có sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ cao nhất tỉnh (37,8 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 đã được thực hiện trong toàn tỉnh; học sinh trong độ tuổi đi học không đến trường giảm mạnh; khoảng cách về giới trong giáo dục phổ thông gần như được xóa bỏ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 5,2% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường. Trong đó, huyện Mường Lát là 17,3%, Lang Chánh 9,3%, Thường Xuân 8,5%, Quan Hóa 8,2%. Vẫn còn 3,3% hộ dân đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố và đơn sơ (tương đương 32.338 hộ với khoảng 119.652 người); trung bình 10.000 hộ dân thì có 1,94 hộ không có nhà ở.

Chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia nhằm hướng tới “nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.

Ngày 22-11-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược với quan điểm chỉ đạo là quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Chiến lược đề ra 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó có riêng một mục tiêu về nâng cao chất lượng dân số (mục tiêu số 4). Mục tiêu đề ra là: Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm; chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Để đạt được các mục tiêu đến năm 2030, chiến lược đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; Đổi mới truyền thông, vận động về dân số; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; Kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo; Tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số. Một trong những giải pháp được triển khai hiệu quả là thực hiện Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đề án được triển khai tại 27 huyện, thị, thành phố với tổng số 100% xã, phường, thị trấn tham gia. Đề án đã tổ chức thực hiện việc siêu âm sàng lọc cho hàng chục nghìn phụ nữ mang thai để phát hiện thai dị tật bẩm sinh, tư vấn cho các đối tượng khi phát hiện thai có dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, chương trình đã thực hiện việc lấy mẫu máu gót chân cho các trẻ mới sinh để xét nghiệm phát hiện 2 loại bệnh do thiếu men G6PD (gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động) và suy giáp trạng bẩm sinh. Riêng 8 tháng năm 2019 đã có 12.005 ca sàng lọc trước sinh; 669 cháu được sàng lọc sơ sinh. Qua sàng lọc, có 35 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD.

Bên cạnh đó, ngành y tế còn triển khai một số mô hình, đề án nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, như: Mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” duy trì ở 4 huyện (Đông Sơn, Hà Trung, Triệu Sơn, Thiệu Hóa) và 31 xã; mô hình can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia (bệnh tan máu (tan huyết) bẩm sinh hay còn gọi là bệnh thiếu máu Thalassemia) triển khai tại 138 xã/11 huyện: Như Thanh, Ngọc Lặc, Như Xuân, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Cẩm Thủy, Thạch Thành. Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên triển khai tại 94 trường THCS và THPT của 15 đơn vị là TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, TP Sầm Sơn, các huyện Quảng Xương, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Yên Định và Hà Trung. Tổ chức cung cấp dịch vụ KHHGĐ; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển... Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông đến các cấp, các ngành và người dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền về Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Kế hoạch 105/KH-TU của Tỉnh ủy Thanh Hóa về thực hiện Nghị quyết 21/NQ-TW và Kế hoạch 201/KH-UBND của UBND tỉnh về chương trình hành động thực hiện kế hoạch 105/KH-TU của Tỉnh ủy. Tổ chức nói chuyện chuyên đề cho lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp. Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về công tác dân số trong tình hình mới...

Chất lượng dân số được biểu thị bằng các thuộc tính bản chất của dân số, tổng hợp lại đó là các thuộc tính về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Như vậy, nó được phản ánh thông qua các tiêu chí cụ thể liên quan đến tình trạng tầm vóc, thể lực, sức khỏe sinh sản, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn khoa học - kỹ thuật, cơ cấu và kỹ năng nghề nghiệp, đời sống vật chất và các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống tinh thần và các vấn đề văn hóa thông tin, gắn kết cộng đồng và an ninh xã hội. Bởi vậy, nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách vừa lâu dài. Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, chất lượng dân số tỉnh nhà sẽ được nâng lên, góp phần nâng cao vị thế con người và phát triển quê hương, đất nước.

Đức Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]