(Baothanhhoa.vn) - Những “vết sẹo” của chiến tranh vẫn hiện diện trong đời sống xã hội một cách rất chân thật nhoi nhói nỗi đau. Là hình ảnh hàng nghìn, hàng vạn nấm mồ liệt sĩ có danh và chưa xác định danh tính nằm san sát bên nhau trong những khu tưởng niệm, khu nghĩa trang liệt sĩ; những em thơ oằn mình gánh chịu di chứng của chất độc da cam (dioxin); “những thân sống chỉ coi còn một nửa” may mắn trở về từ các cuộc chiến... Và đau đớn nào hơn nỗi đau trong lòng những người mẹ nuốt nước mắt tiễn con lên đường ra mặt trận để rồi mãi mãi không còn được nghe con gọi hai tiếng “mẹ ơi”. Họ chính là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - biểu tượng sáng ngời của đức hy sinh. Mỗi câu chuyện kể đằng sau sự mất mát quá đỗi lớn lao ấy đã góp phần làm nên khúc tráng ca dân tộc. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ca dao mẹ

Những “vết sẹo” của chiến tranh vẫn hiện diện trong đời sống xã hội một cách rất chân thật nhoi nhói nỗi đau. Là hình ảnh hàng nghìn, hàng vạn nấm mồ liệt sĩ có danh và chưa xác định danh tính nằm san sát bên nhau trong những khu tưởng niệm, khu nghĩa trang liệt sĩ; những em thơ oằn mình gánh chịu di chứng của chất độc da cam (dioxin); “những thân sống chỉ coi còn một nửa” may mắn trở về từ các cuộc chiến... Và đau đớn nào hơn nỗi đau trong lòng những người mẹ nuốt nước mắt tiễn con lên đường ra mặt trận để rồi mãi mãi không còn được nghe con gọi hai tiếng “mẹ ơi”. Họ chính là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - biểu tượng sáng ngời của đức hy sinh. Mỗi câu chuyện kể đằng sau sự mất mát quá đỗi lớn lao ấy đã góp phần làm nên khúc tráng ca dân tộc.

Ca dao mẹ

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Biên (xã Hoằng Minh) không một giây phút nào nguôi lòng thương nhớ người con trai duy nhất đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: T.L Thảo Linh

Trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, 60.000 người con ưu tú của tỉnh Thanh Hóa đã anh dũng hy sinh; hơn 46.000 người còn mang trên mình thương tật suốt đời; 15.000 người bị bệnh tật, mất sức lao động; trên 100 Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động; hơn 1.500 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 12.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hàng trăm ngàn thân nhân liệt sĩ, những người mẹ, người vợ và người con đã mãi không thể gặp lại người thân yêu nhất của mình. Giữa những ngày tháng 7 man mác buồn như thế, cảm xúc nương theo con số vẫn thường được thống kê và nhắc lại trong mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27–7 thôi thúc bước chân chúng tôi tìm về xã Hoằng Minh (huyện Hoằng Hóa) - nơi vinh dự và tự hào là quê hương của 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Về với mẹ để thế hệ cháu con hôm nay được thắp nén tâm nhang thay lời tri ân trước di ảnh người đã khuất. Và hơn tất thảy, các con về với mẹ để căn nhà của mẹ thêm tiếng nói, tiếng cười, cuộc đời mẹ thêm những nguồn vui.

Đi qua những con đường quanh co ôm ấp xóm, làng, chúng tôi ghé thăm mẹ Lê Thị Biên, mẹ của liệt sĩ Lê Văn Xoay, Tiểu đoàn phó Quân đội nhân dân Việt Nam, nhập ngũ năm 1974, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày 5-1-1979. Nghe có tiếng gọi ngoài cổng, mẹ Biên lặng lẽ bước ra từ con hẻm nhỏ bên hông nhà, nheo mắt nhìn khách hồi lâu. Mãi cho tới khi anh cán bộ chính sách xã Hoằng Minh cất giọng chào mẹ, nhận ra người quen, gương mặt mẹ mới giãn ra đôi chút, nở nụ cười hiền hậu đón chúng tôi vào nhà. Mẹ Biên tuy đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, mắt cũng đã mờ, chân đi đã chậm, tai nghe nhiều khi không còn rõ, chuyện về cuộc đời mình gần như mẹ chẳng còn bận tâm nữa. Chỉ còn lại những ký ức về người con trai duy nhất đã hy sinh Lê Văn Xoay dường như vẫn luôn là nỗi niềm đau đáu, gợi một chút thôi là thấy từng đợt sóng cuộn lên, thổn thức trong lòng mẹ. Có lẽ bởi vậy mà ngay từ hồi ức đầu tiên mẹ nhớ về cậu con trai duy nhất của mình, mẹ đã không giấu được cảm giác nghẹn ngào: “Thằng Xoay nhà tôi số sinh ra đã vất vả. Điều kiện gia đình nghèo túng, chẳng có bát ăn bát để. Cả nhà trông vào vài đồng bạc vặn thừng, vặn chão sống qua ngày. Thành thử ra, đến cái gường nằm cho tử tế nó cũng không có, phải lót ổ rơm, vun vén, co kéo thế nào cũng không trọn, được mẹ mất con, được con mất mẹ”. Ấy vậy mà, mẹ Biên khoe: “Cái thằng ấy nó hiền như cục đất, ngoan ngoãn, chịu khó, thương mẹ lắm. Đói khát thế nào cũng chịu đựng được hết, thấy ai khó khăn gì nó chẳng nề hà mà giúp đỡ tận tình, đến nơi đến chốn”. Khôn lớn, trưởng thành cùng với sự “đói nghèo trong rơm rạ” nhưng mỗi ngày trôi qua, hai mẹ con nương tựa vào nhau sống một cách vui vẻ, hạnh phúc. Và rồi cũng như biết bao chàng trai, cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân mơn mởn khi đó, anh Xoay lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc – “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhớ về khoảng thời gian anh Xoay quyết tâm lên đường nhập ngũ, nước mắt người mẹ già ướt nhòe trên gương mặt đã hằn rõ dấu vết thời gian. “Tôi biết con sẽ đi bộ đội nhưng nào có biết đi đâu, vào ngày nào. Ngay cả đêm trước khi nó xách ba lô đi, tôi cũng chẳng kịp nói với nó một lời nào” – giọng mẹ Biên nghèn nghẹn. Nhưng có lẽ, điều làm mẹ Biên day dứt, cảm thấy như mình có lỗi với con chính là không thể lo cho anh Xoay được đủ đầy như bao người khác: “Lúc đi bộ đội, người ta còn có người thân đưa tiễn, có chút tiền dắt lưng. Thằng Xoay nhà tôi nó đi tay không. Chắc vì nghĩ thương mẹ nghèo khó, không có tiền nên nó không nói gì với tôi cả, lặng lẽ vậy mà đi”. Lắng nghe những tâm sự như được trút ra từ nỗi lòng người mẹ, trước nụ cười hiền có chút gì còn bẽn lẽn của anh Xoay trên di ảnh, chúng tôi ai nấy đều không khỏi chạnh lòng thương mến. Mẹ Biên không nhớ rõ quãng thời gian anh Xoay xa nhà chiến đấu, tất cả vun vén lại trong ký ức một lần về phép thăm nhà của anh. Lần ấy, anh được về 2 ngày. Mẹ Biên bồi hồi nhớ lại: Nó về đến nhà gọi hai tiếng mẹ ơi, mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi, tôi chỉ biết ôm con mà khóc. Nó nói với tôi: “Con về thăm mẹ một lát con đi”. Thương con, tôi gặng hỏi ý nó: “Hay là ở nhà chăm mẹ đi con”. Nhưng thằng Xoay nó kiên quyết lắm, nó bảo: “Không, mẹ để cho con đi, việc nhà nước cấp bách, con không thể trì hoãn được”. Lần nghỉ phép ngắn ngủi ấy, cả mẹ Biên và anh Xoay đâu ai ngờ rằng, đó cũng là lần gặp lại nhau cuối cùng trong đời. Anh Xoay không nói dối mẹ. Anh Xoay “về thăm mẹ một lát rồi đi”. Chỉ có điều, anh đi mãi, đi mãi... Ngày nhận được giấy báo tử của anh Xoay, mẹ Biên chết lặng. Nhiều đêm lạnh lẽo nằm nhớ con, trằn trọc, mê man không yên giấc, mẹ Biên khao khát được chết thay con, được chết cùng con. Lòng mẹ đau đến thế! Nhưng rồi mẹ nghĩ, mẹ không thể tiếp tục suy nghĩ ích kỷ. Anh Xoay – con trai mẹ vẫn còn đang nằm lại nơi đất khách quê người, linh hồn anh vẫn chưa được trở về gần bên mẹ. Từ ngày bố bỏ hai mẹ con ở lại khó nhọc nuôi nhau trong căn nhà xơ xác, anh Xoay chỉ còn lại mẹ là người thân yêu nhất trên đời. Mẹ phải sống để đưa anh về với quê hương, về với mẹ. Sau quãng thời gian chờ đợi, được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, thi hài anh Xoay từ nghĩa trang Tân Biên, Tây Ninh được đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoằng Hóa. Ngày anh về, mình mẹ... lặng im.

“Giá mà vào giờ phút giải phóng, tất cả những người lính đều được phục sinh” – điều ước của nhân vật Kiên trong tác phẩm xuất sắc của Bảo Ninh viết về thân phận con người thời kỳ hậu chiến như bóp nghẹt trái tim tôi. Giá như điều ước ấy trở thành sự thật để hàng nghìn, hàng vạn người mẹ anh hùng trên đất nước chúng tôi được thanh thản ôm con vào lòng vỗ giấc ngủ say:

“Mẹ ngồi ru con đong đưa võng

buồn đong đưa phận mình

Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm

trọn nợ lưu vong

Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng

buồn để lại quê hương”.

(Ca dao mẹ - Trịnh Công Sơn)

Mẹ ơi! Những người mẹ Việt Nam Anh hùng của Tổ quốc ta ơi! Nếu thực tiễn khốc liệt của chiến tranh đã cướp đi của mẹ những đứa con ruột thịt thì xin hãy để lớp lớp thế hệ cháu con của thời bình hôm nay được ôm mẹ vào lòng, lau giọt nước mắt mẹ mỏi mòn canh khuya...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]