(Baothanhhoa.vn) - Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng leo thang, đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến đời sống xã hội toàn cầu, năm 2020 kinh tế nhiều nước đi vào suy thoái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bước phát triển mang tầm vóc mới, tạo thế và lực để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng leo thang, đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến đời sống xã hội toàn cầu, năm 2020 kinh tế nhiều nước đi vào suy thoái.

Bước phát triển mang tầm vóc mới, tạo thế và lực để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tớiTổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN

Ở trong nước, bên cạnh thuận lợi cơ bản do kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nước ta đã hạn chế được tác động của đại dịch COVID-19; tuy nhiên, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trên địa bàn tỉnh, ngoài những khó khăn chung của cả nước, Thanh Hóa còn gặp những khó khăn riêng do xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, kết cấu hạ tầng còn khó khăn, tác động lan toa từ các vùng kinh tế trọng điểm còn hạn chế, tiến độ thực hiện một số dự án lớn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn còn chậm và những thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đặc biệt là đại dịch toàn cầu COVID-19 đã có những tác động sâu rộng, toàn diện đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nên giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên các lĩnh vực, vai trò, vị thế và uy tín của Thanh Hóa ngày càng được nâng cao cả trong và ngoài nước; nổi bật là:

1.Kinh tế tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay1, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,5%2; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp như: dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, TH True Milk, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis quy mô 8.000 con/giờ gắn với chuỗi trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao liên kết 4A quy mô 15 triệu con/năm và nhiều cơ sở chăn nuôi lợn công nghệ cao; ngành trồng trọt đã hình thành 67.761 ha liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ngành lâm nghiệp đã trồng, khoanh nuôi 56.000 ha rừng gỗ lớn tập trung; ngành thủy sản đã đóng mới 1.332 tàu khai thác thủy sản xa bờ; giá trị sản xuất toàn ngành bình quân hàng năm tăng 3%, vượt kế hoạch (2,9%). Sản xuất công nghiệp tăng đột phá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 21,2%, vượt kế hoạch (18,5%), cao nhất từ trước đến nay; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ3; nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp mới đã hoàn thành đi vào hoạt động, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy gang thép Nghi Sơn, các nhà máy xi măng, nhiệt điện... và nhiều dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn đang được triển khai thực hiện, sẽ là đầu tàu, động lực thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới. Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 9,1%, vượt kế hoạch (8,9%); thương mại nội địa phát triển mạnh theo hướng văn minh, hiện đại; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 4 tỷ USD, gấp hơn 2 lần kế hoạch; lượng khách du lịch bình quân hàng năm tăng 15,6%; vận tải phát triển đa dạng, đã đưa vào hoạt động tuyến vận tải container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, mở ra cơ hội, triển vọng hội nhập, giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế; vận tải hàng không phát triển mạnh, Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được phê duyệt quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế.

2. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng nhanh và khá bền vững, luôn vượt dự toán hàng năm; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 18,1% và là một trong số ít tỉnh, thành phố có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; thu ngân sách năm 2019 đạt 28.900 tỷ đồng và năm 2020 ước đạt 28.967 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015 và đứng thứ 11 cả nước.

3. Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế được tăng cường, từng bước đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Giai đoạn 2016-2020, đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 170.000 tỷ đồng, tương đương 7,4 tỷ USD; tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 và năm 2020, với tổng vốn đầu tư đăng ký 490.000 tỷ đồng, tương đương 21,3 tỷ USD. Công tác vận động và thu hút nguồn vốn ODA đạt kết quả rất tích cực, với 26 dự án (tổng mức đầu tư khoảng 9 nghìn tỷ đồng, tương đương 393,6 triệu USD) đã được ký hiệp định vay vốn. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 610.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015; thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực sản xuất trên địa bàn.

4. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều đột phá; bộ mặt nông thôn và đô thị có nhiều khởi sắc.

Hạ tầng giao thông, nông nghiệp, du lịch, y tế và hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn được quan tâm đầu tư; một số dự án lớn, trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Đại lộ Nam sông Mã, đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, cầu Nguyệt Viên, hệ thống cấp nước thô Khu Kinh tế Nghi Sơn, mở rộng đường 513 - Khu Kinh tế Nghi Sơn, Cảng quốc tế Nghi Sơn, hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã, hạ tầng du lịch Sầm Sơn, Quảng Tiến, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái FLC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực,...; đã quyết định chủ trương đầu tư và đang triển khai các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch lớn, kết nối các trung tâm động lực và hình thành các hành lang phát triển mới, như: 96 km đường ven biển nối Ninh Bình, Thanh Hóa với Nghệ An, đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, đường nối Quốc lộ 217, Quốc lộ 45 với Quốc lộ 47, đường nối Khu Công nghiệp Bỉm Sơn với đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa...; cùng với các bộ, ngành Trung ương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đoạn qua Thanh Hóa; chấp thuận chủ trương đầu tư và tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai các dự án cảng container, cảng tổng hợp...

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc và là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất của cả nước, với 6 đơn vị hành chính cấp huyện4, 376 xã (đạt tỷ lệ 64,46%, cao hơn bình quân cả nước5), 950 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác phát triển đô thị được đẩy mạnh; thành lập mới 1 thành phố, 1 thị xã; nhiều đô thị hiện có được chỉnh trang, mở rộng và phát triển nhiều khu đô thị mới hiện đại; tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 ước đạt 35%, đạt kế hoạch.

5. Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến theo hướng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa và xã hội hóa; một số vấn đề xã hội bức xúc, kéo dài đã cơ bản được giải quyết6. Đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn, nổi bật là các hoạt động Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa và Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã để lại ấn tượng tốt đẹp và tạo được sức lan tỏa lớn trong xã hội. Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay; trong 5 năm, học sinh của tỉnh đã đạt 16 huy chương (8 Huy chương Vàng) tại kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực; công tác rà soát, sắp xếp trường lớp học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2020 ước đạt 72,2%, vượt kế hoạch (70%). Chất lượng hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên; đã khắc phục cơ bản tình trạng quá tải tại các bệnh viện công lập; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tại các bệnh viện và quan tâm đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế công lập7, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các bệnh viện ngoài công lập8; nhiều kỹ thuật mới, phức tạp được ứng dụng thành công trong khám, điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh9. Công tác y tế dự phòng được thực hiện theo phương châm tích cực, chủ động, đã chỉ đạo phòng chống có hiệu quả dịch COVID-19, không để lây lan ra cộng đồng. Phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh; thể thao thành tích cao luôn xếp trong nhóm ít tỉnh dẫn đầu cả nước. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Trong 5 năm, đã tạo việc làm mới cho trên 336.000 lao động, vượt kế hoạch (330.000 lao động); công tác giảm nghèo được chỉ đạo bài bản, quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 2,56%, đạt kế hoạch (2,5% trở lên). Đã triển khai hiệu quả và tạo chuyển biến rõ rệt về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 04-NQ/TU và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đến nay, có 247 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt 44%.

Bước phát triển mang tầm vóc mới, tạo thế và lực để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tớiNhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Hiếu Nam

6. Là địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Đã hoàn thành sắp xếp, sáp nhập 143 xã, thị trấn để thành lập 67 xã, thị trấn10; sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố11; hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của một số sở, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Thể chế về công tác quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và công tác cán bộ ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước. Công tác hiện đại hóa nền hành chính được quan tâm; đã triển khai thực hiện đề án xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh và đạt kết quả bước đầu tích cực. Đến nay, 100% các văn bản, hồ sơ công việc ở cấp tỉnh, cấp huyện được xử lý trên môi trường điện tử (trừ các văn bản, hồ sơ công việc có nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật); phấn đấu đến hết tháng 8-2020, 100% văn bản, hồ sơ công việc từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được xử lý trên môi trường điện tử.

7. Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân được xây dựng ngày càng vững chắc; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; hoàn thành công tác tuyển quân và thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ hàng năm. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường; đã thực hiện thành công nhiều chuyên án lớn, triệt xóa nhiều ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, được Nhân dân và Trung ương đánh giá cao. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn.

Có thể nói, những thành tựu đạt được trong 5 năm qua của tỉnh ta là rất lớn và có ý nghĩa quan trọng, tạo thế và lực để Thanh Hóa vững bước đi lên nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH và chủ động hội nhập quốc tế.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới với những thuận lợi, thử thách đan xen. Thanh Hóa vừa được Bộ Chính trị chính thức thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và nhất trí ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Thanh Hóa.

Để phấn đấu đạt được mục tiêu nêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trọng tâm là phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang phát triển và 6 vùng liên huyện; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các phân ngành có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ và có khả năng cạnh tranh dựa vào lợi thế so sánh của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nền kinh tế số và xã hội số.

Hai là, tập trung cao độ, sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng các chương trình hành động cụ thể thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ quyết nghị; hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển đô thị, trọng tâm là khu vực TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, đô thị Ngọc Lặc. Khẩn trương hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch chi tiết trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch; thực hiện tốt việc công bố công khai các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhân dân biết, thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Ba là, tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là chỉ đạo cải cách hành chính, thực hiện tốt phương châm “4 tăng”, “2 giảm”, “3 không”12, nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp; tăng cường xúc tiến đầu tư và nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bốn là, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông; quan tâm đầu tư nâng cấp Cảng biển Nghi Sơn, Cảng Hàng không Thọ Xuân; đầu tư phát triển hệ thống giao thông tạo sự kết nối liên vùng, kết nối với các tỉnh và kết nối 4 khu vực kinh tế động lực, 6 hành lang phát triển của tỉnh. Ưu tiên các nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; quan tâm huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng nông nghiệp, trọng tâm là đầu tư mới, nâng cấp các công trình thủy lợi đầu mối, đê điều để đảm bảo cân đối nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, hạn chế tác động của thiên tai, lũ lụt; tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng nông thôn, đô thị, các thiết chế văn hóa, thể thao, phát triển hệ thống cây xanh, công viên.

Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, ngoài việc tăng cường các nguồn lực của Nhà nước, phải tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao.

Sáu là, tiếp tục triển khai toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác quốc phòng - an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, biên phòng toàn dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường thuận lợi, ổn định, an toàn cho phát triển.

Bảy là, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nêu trên, các cấp, các ngành phải xác định rõ quyết tâm chính trị và nỗ lực phấn đấu cao; tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ và các tổ chức cơ sở đảng, gắn với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi đây là khâu đột phá, là nhân tố quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, với tinh thần đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhân Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, xin gửi đến đồng chí, đồng bào và bạn đọc lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Nguyễn Đình Xứng

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

  1. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 9,1% và giai đoạn 2006-2010 đạt 11,3%; giai đoạn 2011-2015 đạt 8,2% (theo GRDP).

  2. Quy mô của nền kinh tế tăng nhanh; năm 2020 ước đạt 229 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015 và đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, gấp 1,75 lần năm 2015.

  3. Ước đạt 51.300 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2015.

  4. Tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đạt 22,2% (6/27 đơn vị cấp huyện); bình quân cả nước ước đạt 20,8% (135/664 huyện).

  5. Ước đạt 58,2%.

  6. Nhất là các vấn đề về bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quá tải tại các bệnh viện công lập, giảm nghèo...

  7. Giai đoạn 2016 - 2020, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho 8 bệnh viện tuyến tỉnh và 25 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, với tổng số vốn thực hiện 1.589 tỷ đồng.

  8. Giai đoạn 2016-2020, đã đưa vào hoạt động 6 bệnh viện ngoài công lập.

  9. Như: Ghép tạng; công nghệ tế bào gốc, chẩn đoán và điều trị trước sinh; sàng lọc, chẩn đoán phát hiện sớm ung thư, phẫu thuật ung thư, xạ trị ung thư; chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân.

  10. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh còn 559 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 76 đơn vị.

  11. Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh còn 4.393 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 đơn vị.

  12. 4 tăng là: (1) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; (2) tăng cường công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; (3) tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; (4) tăng sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. 2 giảm là: (1) giảm thời gian; (2) giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính. 3 không là: (1) không phiền hà, sách nhiễu; (2) không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần; (3) không trễ hẹn.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]