(Baothanhhoa.vn) - Thành quả bước đầu từ công cuộc cải cách hành chính (CCHC) ở tỉnh ta hiện nay đã và đang tạo ra những bước chuyển tích cực, hướng đến xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh và hiện đại. Trong quá trình này, sự chuyển động mạnh mẽ của “mắt xích tài chính” đang giữ vai trò quan trọng và tạo ra lực tác động lên các mắt xích còn lại, nhằm thúc đẩy cỗ máy CCHC của tỉnh vận hành hiệu quả. Vậy, sự chuyển biến này là gì và hiệu quả nó mang lại ra sao? Đây là những vấn đề được đề cập ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bước đột phá trong cải cách hành chính ngành tài chính

Thành quả bước đầu từ công cuộc cải cách hành chính (CCHC) ở tỉnh ta hiện nay đã và đang tạo ra những bước chuyển tích cực, hướng đến xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh và hiện đại. Trong quá trình này, sự chuyển động mạnh mẽ của “mắt xích tài chính” đang giữ vai trò quan trọng và tạo ra lực tác động lên các mắt xích còn lại, nhằm thúc đẩy cỗ máy CCHC của tỉnh vận hành hiệu quả. Vậy, sự chuyển biến này là gì và hiệu quả nó mang lại ra sao? Đây là những vấn đề được đề cập xung quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với đồng chí Đinh Cẩm Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính.

Bộ phận “một cửa” Sở Tài chính. Ảnh: Hoàng Xuân

Đột phá trong CCHC

Phóng viên (PV): Năm 2017, ngành tài chính là một trong những đơn vị dẫn đầu các sở, ngành cấp tỉnh về chỉ số CCHC chính. Vậy, xin đồng chí cho biết sự đột phá trong công tác CCHC của ngành được thể hiện ở những phương diện nào?

Đồng chí Đinh Cẩm Vân: Năm 2017, ngành tài chính đã tạo được bước đột phá quan trọng trong CCHC. Sự đột phá này trước hết thể hiện ở việc ngành đã tích cực tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020; định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và ổn định đến năm 2020; quy định quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn Thanh Hóa; thành lập ban chỉ đạo đôn đốc thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước; cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Dự toán chi được phân bổ giao từ đầu năm ngân sách và có tính ổn định để các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, việc tổ chức quản lý theo đúng quy định cơ chế phân cấp hiện hành. Các ngành, các cấp đã triển khai tích cực, điều hành ngân sách bám sát dự toán được giao, đảm bảo đầy đủ nguồn, đáp ứng các nhiệm vụ chi. Việc quản lý, kiểm tra, giám sát chi tiêu ngân sách được tăng cường, đảm bảo chi ngân sách tuân thủ đúng chế độ, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành, nên đã góp phần giảm tối đa việc xử lý các sự vụ phát sinh trong năm, xóa bỏ cơ chế xin - cho đối với các địa phương, đơn vị.

Đặc biệt, hiện Sở Tài chính là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện việc cấp mã số quan hệ ngân sách bằng hình thức dịch vụ công mức độ 4 (tiếp nhận và trả hồ sơ trực tuyến trên mạng). Đến nay, trên 70% hồ sơ cấp mã số quan hệ ngân sách đã đăng ký bằng hình thức trực tuyến. Quá trình thực hiện cho thấy, việc đăng ký mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách bằng hình thức trực tuyến giúp cho các cơ quan, đơn vị giải quyết công việc nhanh, thuận tiện và khoa học hơn. Từ đó, giảm thiểu được tối đa chi phí, thời gian đi lại, nhất là đối với các đơn vị đóng trên địa bàn huyện miền núi và nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính Nhà nước. Với nhiều kết quả thiết thực đạt được, năm 2018 Sở Tài chính đã có Công văn số 2872/STC-VP khuyến khích các đơn vị thực hiện thủ tục đăng ký mã số đơn vị quan hệ với ngân sách bằng hình thức nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến - mức độ 4. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% hồ sơ đăng ký cấp mã số quan hệ ngân sách sẽ thực hiện theo hình thức này và xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, ngành cũng tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan rà soát và trình UBND tỉnh thực hiện việc đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực giá và công sản.

PV: Đột phá trong công tác CCHC đang tác động và tạo được bước chuyển biến ra sao trong quá trình vận hành và hiệu quả vận hành ngành tài chính hiện nay, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Cẩm Vân: Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong công tác CCHC là tiền đề để thể chế hành chính ngày càng được đổi mới, đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ quan sở. Cùng với đó, TTHC công khai minh bạch, đơn giản hóa, đã giảm thiểu được thời gian chờ đợi trong quá trình giao dịch giữa tổ chức cá nhân với cơ quan Nhà nước. Đồng thời, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để thu hút được nhiều nguồn vốn về địa phương. Việc sắp xếp lại các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, không còn tình trạng trùng lặp hay bỏ sót nhiệm vụ. Ngoài ra, tài chính công được công khai, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã đi vào hoạt động và ngày càng mang lại hiệu quả. CCHC đã làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và bộ phận tham mưu giúp việc của từng phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở... Từ đó, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình vận hành và hiệu quả vận hành của ngành tài chính.

PV: Có ý kiến cho rằng, để đạt kết quả cao và đi vào thực chất các mục tiêu CCHC thì công tác chỉ đạo, điều hành đóng vai trò quyết định. Sở Tài chính thực hiện công tác này như thế nào?

Đồng chí Đinh Cẩm Vân: Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, cũng đồng thời là giải pháp chủ yếu nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Chính vì lẽ đó, công tác CCHC được Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách TTHC trên một số lĩnh vực trọng tâm, nhất là những lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp và người dân như đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, BHXH, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch... Năm 2017, căn cứ theo mục tiêu đã đề ra trong Quyết định số 5068/QĐ-UBND ngày 28-12-2016 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch CCHC năm 2017; Sở Tài chính đã xây dựng Kế hoạch số 5667/KH-STC ngày 30-12-2016, các đồng chí lãnh đạo sở được phân công phụ trách thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các phòng trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch. Đối với những công việc của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính được theo dõi đôn đốc hàng tuần trên phần mềm tin học: Hệ Chương trình quản lý hồ sơ công việc (TDOffice). Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC của cơ quan được tăng cường, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức.

Nhân tố quyết định

PV: Cải cách TTHC vừa là một chỉ số CCHC thành phần quan trọng, vừa là giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao hình ảnh các cơ quan quản lý Nhà nước. Vậy chỉ số này đã được ngành tài chính chú trọng thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Cẩm Vân: Cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông là một trong những nội dung trọng tâm, được Sở Tài chính chú trọng triển khai thực hiện. Theo đó, sở đã ban hành Kế hoạch số 462/KH-STC ngày 2-2-2018 về kiểm soát TTHC năm 2018, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tiến hành rà soát những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết có chứa nội dung không cần thiết, không phù hợp, gây tốn kém chi phí để cắt giảm và đơn giản hóa. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện việc công bố và niêm yết công khai các quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài chính; niêm yết công khai, đầy đủ quy trình giải quyết công việc thuộc các lĩnh vực công tác theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên webside http://sotaichinh.thanhhoa.gov.vn.

Tính đến nay, đã có 43 TTHC được niêm yết công khai, với các nội dung: Niêm yết quy trình, thủ tục hồ sơ, thời hạn, phí lệ phí; niêm yết quyền, nghĩa vụ của công dân khi đến Sở Tài chính; niêm yết quyền, trách nhiệm khi khiếu nại, tố cáo của công dân; niêm yết họ tên, chức vụ người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc của công dân tổ chức thông báo đường dây nóng, hộp thư góp ý... Trong 7 tháng đầu năm 2018, Sở Tài chính đã tiếp nhận 222 hồ sơ. Các hồ sơ được trả kết quả đầy đủ, kịp thời và đúng quy trình thủ tục, không phát sinh hồ sơ tồn đọng quá hạn chưa xử lý. Đồng thời, sở cũng chưa nhận được bất kỳ phản ánh, kiến nghị nào qua đơn, thư hay qua đường dây nóng.

PV: Hiện đại hóa hành chính được xem là chìa khóa quan trọng, nhằm “mở ra” một nền hành chính phục vụ, cũng đồng thời “đóng lại” nền hành chính bao cấp trước đây. Vậy, ngành tài chính đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Cẩm Vân: Để từng bước hiện đại hóa hành chính, kể từ năm 2016, Sở Tài chính đã xây dựng thành công TTHC về cấp mã số quan hệ ngân sách và mã số dự án đầu tư theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo đánh giá của Sở Thông tin - Truyền thông đây là TTHC duy nhất của tỉnh thực hiện tốt theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo đó, năm 2017 đã cung cấp 630/848, đạt 74,3% hồ sơ cấp mã số và 6 tháng đầu năm 2018 đã cung cấp 379/507, đạt 74,7% hồ sơ cấp mã số. Bên cạnh đó, năm 2018, sở đã xây dựng TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở lĩnh vực “đăng ký giá của các doanh nghiệp thuộc phạm vi cấp tỉnh”, để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng, giúp cho công tác quản lý và nắm bắt thông tin giá cả trên thị trường tốt hơn. Đồng thời, sở cũng đã làm việc với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng trang tin giá - cả trên sóng truyền hình định kỳ phát hàng tuần. Ngoài ra, sở tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001: 2008 vào quá trình điều hành, hoạt động của các phòng ban, đơn vị trực thuộc.

PV: Có thể khẳng định, đối với ngành tài chính, việc cải cách tài chính công được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình CCHC. Đúng vậy không thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Cẩm Vân: Đúng vậy. Cải cách tài chính công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nó tạo ra sự phát triển bền vững cả về chính sách huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực và quản lý nợ công. Do đó, những năm qua, ngành tài chính đã thực hiện cân đối ngân sách một cách tích cực, bảo đảm tỷ lệ tích lũy hợp lý cho đầu tư phát triển. Đồng thời, dành nguồn lực cho con người, nhất là chi lương và an sinh xã hội; thực hành tiết kiệm chi, giám sát chặt chẽ thu ngân sách, nhất là các nguồn thu từ tài nguyên, khoáng sản, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giảm dần tỷ lệ trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, phương thức quản lý giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới cơ chế phương thức hỗ trợ các dịch vụ công có sự hỗ trợ của Nhà nước để đối tượng thụ hưởng chủ động lựa chọn cơ sở cung cấp. Đặc biệt, ngành đã bỏ hình thức thông báo hạn mức kinh phí của cơ quan tài chính, thực hiện theo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm, nâng cao quyền tự chủ tài chính của thủ trưởng đơn vị; thực hiện chi đúng, chi đủ theo chế độ quy định, tiết kiệm chi ngân sách, giảm được TTHC về cấp phát cho cơ quan tài chính... Thông qua cải cách tài chính công, các đơn vị thực hiện khoán đã chủ động sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế trên cơ sở xác định lại chức năng, nhiệm vụ của từng phòng nghiệp vụ, từ đó, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo...

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


Lê Dung (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]