(Baothanhhoa.vn) - Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc cũng giống như hàng trăm lễ hội dân gian khác được tổ chức ở khắp các vùng miền tỉnh ta. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc để mỗi người dân có dịp tưởng nhớ công đức của các vị thần linh, tổ tiên và ước mong có một cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà lễ hội này đã trở thành tâm thức dân gian sâu đậm trong nhân dân, được toàn thể cộng đồng thực hành và bảo vệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc cũng giống như hàng trăm lễ hội dân gian khác được tổ chức ở khắp các vùng miền tỉnh ta. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc để mỗi người dân có dịp tưởng nhớ công đức của các vị thần linh, tổ tiên và ước mong có một cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà lễ hội này đã trở thành tâm thức dân gian sâu đậm trong nhân dân, được toàn thể cộng đồng thực hành và bảo vệ.

Biểu diễn nhạc lưu thủy trong lễ hội Cầu Ngư. Ngọc Anh

Theo các cụ cao niên trong làng, lễ hội Cầu Ngư là lễ hội truyền thống của địa phương, xuất hiện từ khi có làng, xã đến nay. Xuất phát từ nghề đi biển gặp nhiều rủi ro, tàu thuyền nhỏ, khai thác kém hiệu quả, vì vậy, vào thời điểm ăn Tết Nguyên đán xong, làng lại tổ chức lễ cầu mát cầu cho tàu thuyền ra khơi an toàn. Lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm, ban đầu người dân đóng bè nhỏ, khi đời sống được nâng lên, người dân cũng có điều kiện để sáng tạo, mở rộng không gian, tính chất lễ hội. Trong tiềm thức, ý thức của mỗi người dân làng Diêm Phố, cứ sau mỗi độ tết đến xuân về là thời điểm ngư dân ra khơi đánh bắt, đồng thời địa phương cũng tổ chức lễ hội Cầu Ngư cho bà con sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh.

Do tầm quan trọng của lễ hội Cầu Ngư đối với cộng đồng ngư dân làng Diêm Phố, nên hiện nay chính quyền địa phương rất chú trọng đến công tác bảo tồn các giá trị truyền thống dân gian, như: Truyền dạy các lời hát cổ - hát đối cho hàng chục thanh niên nam nữ trong làng; củng cố đội trống nhạc cho 20 nghệ nhân; truyền dạy phương pháp làm Long Châu cho 20 thanh niên; trang bị các loại trang phục cho chủ tế, các đội nam tế, đội nữ tế... Trên cơ sở đó hình thành và bồi dưỡng cho các tầng lớp nghệ nhân dân gian về truyền thống, ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. Hiện nay, các tầng lớp nghệ nhân dân gian, những người già ở làng có hiểu biết, kinh nghiệm về văn hóa truyền thống được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ về các mặt đời sống vật chất và tinh thần để họ có trách nhiệm hơn nữa trong việc truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội Cầu Ngư cũng như các truyền thống khác của địa phương.

Bên cạnh đó, cụm di tích đền – nghè – chùa – phủ Diêm Phố ở trong đất liền và đền Nẹ Sơn ở đảo Nẹ là cội nguồn tâm linh của lễ hội Cầu Ngư. Vì vậy, cụm di tích này luôn được chính quyền địa phương coi trọng, gìn giữ và bảo vệ để bảo đảm sự bền vững lâu dài. Hàng năm, chính quyền địa phương đã dành một nguồn kinh phí đáng kể để tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp. Riêng đền Nẹ Sơn ở đảo Nẹ (nơi thờ Đức vua Thông Thủy) là địa điểm tâm linh đặc biệt có giá trị của cộng đồng cư dân làng Diêm Phố đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp trong chương trình mục tiêu địa phương năm 2017. Đó là những điều kiện tốt để cho di sản tồn tại và phát triển.

Mặc dù trải qua thời kỳ chiến tranh ác liệt, đất nước ta liên tục phải chống ngoại xâm, bên cạnh đó là sự xâm thực của biển cùng với quá trình công nghiệp hóa đã làm cho không gian của những di tích và thực hành lễ hội cũng bị thu hẹp hơn. Tuy vậy, đây là một lễ hội lớn, đặc biệt có giá trị trong đời sống tâm linh của cư dân vùng biển Thanh Hóa. Vì vậy, ngày 4-8-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 2460/QĐ-UBND về việc Phê duyệt kế hoạch lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa, trong đó có lễ hội Cầu Ngư. Và đến cuối năm 2017, lễ hội Cầu Ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã góp thêm một hành động tích cực trong việc bảo vệ di sản này.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết: Lễ hội Cầu Ngư năm 2018 sắp diễn ra với quy mô lớn hơn mọi năm cả về đầu tư cơ sở vật chất và quan niệm ý thức tín ngưỡng tâm linh. Trải qua hàng trăm năm, sức sáng tạo, quy mô và hình thức tổ chức lễ hội đã được nhân dân đánh giá cao, tài sản đầu tư, văn hóa hiện vật từng bước được hoàn thiện, nâng lên về mọi mặt, thể hiện được ý chí và khát vọng của người dân vùng biển. Qua một thời gian dài duy trì lễ hội, chính quyền địa phương và nhân dân làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc rất phấn khởi khi lễ hội Cầu Ngư được đưa vào “kho tài sản” quốc gia. Như vậy, mỗi người dân càng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình để góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đáp ứng tâm tư nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân.

Được biết, để chuẩn bị tốt cho lễ hội Cầu Ngư năm nay và đón nhận sự kiện vinh danh di sản lễ hội Cầu Ngư, xã Ngư Lộc đã quan tâm sửa chữa khu vực làm Long Châu; nâng cao nền sân khấu – nơi tổ chức đàn tế, đồng thời tích cực tuyên truyền về di sản trên loa truyền thanh của xã, gắn với các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới. Hiện nay, các công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm giao thông đi lại thuận lợi, cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, để lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm.


Anh Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]