(Baothanhhoa.vn) - Hồi ức của một binh nhì” là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thế Tường (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chi Hội nhà văn Quảng Bình), lấy đặt tên cho tập truyện ngắn được Nhà Xuất bản Phụ nữ ấn hành. Tác phẩm là bản tình ca của những người lính tăng - thiết giáp trong những năm kháng chiến chống Mỹ, được nhiều bạn đọc yêu thích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bản tình ca thời chiến trong “Hồi ức của một binh nhì”

Hồi ức của một binh nhì” là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thế Tường (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chi Hội nhà văn Quảng Bình), lấy đặt tên cho tập truyện ngắn được Nhà Xuất bản Phụ nữ ấn hành. Tác phẩm là bản tình ca của những người lính tăng - thiết giáp trong những năm kháng chiến chống Mỹ, được nhiều bạn đọc yêu thích.

Những chi tiết, sự kiện, các tình huống kể về thời khắc chuẩn bị bước vào cuộc chiến khốc liệt và tình yêu tuổi đôi mươi vừa hồn nhiên, vừa chân thực và tràn đầy cảm xúc lãng mạn. Nhưng, chỉ khi “chạm mặt tình yêu”, những trái ngang, những va đập với hoàn cảnh chiến tranh đã khiến cho khát vọng tình yêu phải chấp nhận thử thách và trả giá bằng những tình huống trớ trêu, đau đớn. Bao người lính đi qua cuộc chiến còn may mắn sống sót trở về đều mang theo ký ức không dễ gì phôi pha. Chiến tranh càng lùi xa, dòng hoài niệm càng sâu lắng:

“... Chiều chiều chúng tôi xin với trợ giáo được tự lái xe về bãi, cố ý đậu sát hàng rào thép gai, vù ga thật mạnh, ngõ hầu gây được sự chú ý của phía “bên kia”. Mất hơn mười ngày như thế mà chẳng nước non gì cả. Những bóng áo binh phục màu nhạt bó sát những eo lưng tròn lẳn vẫn chỉ thấp thoáng sau bóng cây bạch đàn đằng xa. Một lần chúng tôi đến sát hàng rào đánh bạo gọi với vào: “Này! Các đồng chí ơi!... Và mừng rơn khi có người đi tới. Nhưng té ra là hai gã đàn ông mặt lạnh như tiền hỏi: - Các đồng chí cần gì? – À, ờ... chúng tôi xin tí xà phòng, à quên, xin ngụm nước uống khát quá - ở đây không có xà phòng, cũng không có nước đâu nhé!”.

Sau nhiều ngày phát tín hiệu mà những “bóng hồng” phía bên kia hàng rào thép gai không hề đáp lại, những chàng trai trẻ không chịu khoanh tay, ban ngày họ đội nắng hăng hái rèn luyện trên thao trường, ban đêm nhờ ánh trăng và những giai âm mang theo từ giảng đường đại học, thả sang phía bên kia hàng rào giây thép gai những cung bậc khắc khoải của con tim:

“... Bỗng có tiếng vọng nghe thảng thốt: “Hát nữa đi các anh!”... Thằng Hùng buông rơi cây đàn xuống cỏ. Sát hàng rào bên kia tập hợp đủ một tiểu đội chiến sĩ gái thấp thoáng dưới trăng huyền ảo như những nàng tiên từ trên trời xuống... Chúng tôi như thấy đã quen và yêu nhau từ lâu lắm rồi. Hai đội binh áp sát hàng rào kẽm gai và từng đôi tay vươn qua những gai thép nhọn xoắn xuýt tâm sự... Cổ tay Nụ tròn và mát. Nụ ngước lên nhìn tôi cười đắm say, một nụ cười mà sau này suốt bao năm qua tôi không hề tìm thấy...”.

Tác giả đã kiến tạo nên những chi tiết cho truyện ngắn hấp dẫn chính là những mảnh ghép hiện thực được thi vị hóa bằng cách tu từ điêu luyện và những cảm xúc thăng hoa chan tràn lên toàn bộ cốt truyện, tạo nên sự cuốn hút và lan tỏa giá trị của hòa bình và giá trị tình yêu, tuổi trẻ mỗi đời người. Người ta vẫn tưởng quân ngũ là môi trường khô khan, lạnh lùng, là “Quân lệnh như sơn” và tình yêu đôi lứa là điều không tưởng, xa xỉ và không thể tồn tại. Vậy mà, ở vào chính một đơn vị xủng xoảng sắt thép lại có những trái tim trẻ trung với những cánh cửa thiên thần luôn mở ra:

“Đến những ngày cuối cùng tôi cuống lên... Tôi quyết định đột nhập doanh trại đơn vị cơ yếu đặc nhiệm để gặp Nụ... Màn đêm buông xuống... Thằng Sâm đến thì thào: “Được rồi!. Trong đêm tối, cái tháp pháo quay chầm chậm nửa vòng trên xe rồi lẳng lặng gác cái nòng 100 ly đen trũi, lạnh buốt ngang qua hàng rào. Tôi lẩy bẩy ôm lấy cái ống thép dài ngoẳng ấy bò lên, vượt qua...”.

Chiến tranh! Như một lẽ tất yếu, là đau thương, mất mát, chết chóc. Viết về đề tài “Chiến tranh cách mạng và người lính” nhưng không có ùng oàng, bom rơi đạn nổ và chết chóc mà vẫn tạo được cảm nhận về sự nghiệt ngã khốc liệt là phải có cách chọn đề tài độc đáo và xử lý dụng công. Nguyễn Thế Tường đã cung cấp cho nền văn nghệ nước nhà một khuôn hình lạ và đẹp và đầy tính nhân văn: Vượt lên trên cái chết, tình yêu vẫn nở hoa, vũ khí là khẩu pháo 100 ly trên xe tăng đã trở thành nhịp cầu bắc qua hoàn cảnh nghiệt ngã là hàng rào kẽm gai để nối hai bờ khát vọng tình yêu đôi lứa:

“...Tiến lên, hỡi hiệp sĩ Tankist! Tôi thì thầm hô khẩu hiệu. Sau lưng tôi, thằng Sâm và Hùng đều áp người vào hàng rào giục: “Nhanh lên”... Nụ đang ngồi nhận mật mã giữa một vầng sáng trắng ánh điện và vô số những máy móc rất lạ mắt... Hai mươi năm đã trôi qua tôi vẫn chưa quên và mỗi lần nhớ đến lại ớn lạnh... Nụ vụt xuất hiện cùng khẩu súng nhỏ chĩa thẳng vào mặt tôi:

- Ai? Giọng hô sắc nhọn như một mũi kim. Tôi cứng người hoảng hồn.

- A... anh đây... Cư...ờng.

- Trời ơi, anh Cường. Chết mất thôi, anh chạy nhanh đi không người ta bắn chết bây giờ!

Tôi lắp bắp:

- Nụ, anh yêu em.

- Biết rồi, anh chạy nhanh đi.

Tôi chạy cuống cả chân...

- Đứng lại, giơ tay lên!

- Một ánh đèn pin chiếu vào lưng tôi. Thốt nhiên cái cần trục ngưng lại. Tôi thét: Quay nhanh lên Sâm!

- Pằng!...”.

Rất may, Cường đã thoát sang đất đơn vị mình đóng quân và không hề hay hấn gì. Thử hỏi, nếu không phải ở tuổi đôi mươi bồng bột ấy, ai dám liều như vậy? Ấy là tô tem của thanh tân, là hương sắc của đỉnh hương sắc mà chỉ mùa xuân đầu đời mới có được. Cái khát vọng vừa nóng bỏng dại dột, vừa chân thực đớn đau để rồi nếu không có những tấm lòng bao dung cao cả của những người lính già trong vai trò chỉ huy, đã từng trải qua những ranh giới mong manh của số phận bao người lính trong bão tố lịch sử như lời bài thơ Nga “...Em ơi rất có thể / Anh chết giữa chiến trường/ Đôi môi tươi đạn xé/ Chưa một lần biết hôn”, để rồi ông chỉ huy của đơn vị tăng – thiết giáp đứng ra làm bản cam kết với đơn vị bạn rằng câu chuyện “dại dột” đó chỉ là chuyện “trai gái yêu nhau” thì không biết số phận của các anh binh nhì ngày ấy bây giờ sẽ ra sao...

Chúng tôi quan niệm rằng, một truyện ngắn hay là được cấu thành từ một chuỗi những chi tiết đắt, mà truyện ngắn “Hồi ức của một binh nhì” của Nguyễn Thế Tường đã đạt được và kết nối thành một chuỗi xuyên suốt cảm xúc nghệ thuật theo lối trần thuật. Nhà văn đã gửi vào tác phẩm một thông điệp mạnh mẽ về chiến tranh đồng thời cũng gửi vào nhân gian một lời hẹn hò, một khát vọng muốn tìm lại tình yêu đầu đời thanh cao, trong sáng và đau xót ấy của một thời tuổi trẻ. Và dường như, không phải chỉ riêng nhà văn, mà những “Bạch đầu quân sĩ tại” vẫn khát vọng đi tìm những hồi ức tuổi trẻ trong suốt phần đời còn lại của mình. Đó là giá trị nhân văn, giá trị đó đã tạo nên những cơn rung chấn trong tâm can bạn đọc!


Viên Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]