(Baothanhhoa.vn) - Bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) trên không gian mạng trong chuyển đổi số (CĐS) chính là bảo vệ thành quả của hoạt động CĐS. CĐS mang lại nhiều lợi ích to lớn song cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi công tác bảo đảm ATTT mạng cần được đặc biệt chú trọng.

Bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số

Bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) trên không gian mạng trong chuyển đổi số (CĐS) chính là bảo vệ thành quả của hoạt động CĐS. CĐS mang lại nhiều lợi ích to lớn song cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi công tác bảo đảm ATTT mạng cần được đặc biệt chú trọng.

Bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi sốHoạt động kiểm tra, vận hành và duy trì tại Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) của tỉnh.

Thời gian qua, hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai và đẩy mạnh thực hiện một cách toàn diện và đồng bộ. Hoạt động điều hành và tác nghiệp trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước đều thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, các văn bản, hồ sơ điện tử được xử lý và thực hiện ký số, gửi nhận liên thông 100% giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ, tập trung các hệ thống thông tin dùng chung từ cấp tỉnh đến cấp xã như: Hệ thống đăng nhập tập trung một lần, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, nền tảng liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP), hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, hệ thống thư điện tử công vụ... Nhờ đó, hoạt động CĐS của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả bước đầu quan trọng: 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ ATTT; xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành an toàn, an ninh mạng tỉnh Thanh Hóa; triển khai hệ thống phòng, chống mã độc tập trung của tỉnh trên toàn bộ các máy trạm của các cơ quan, đơn vị; các cơ quan, đơn vị được triển khai các hệ thống giám sát vệ tinh về ATTT mạng và kết nối, gửi nhận dữ liệu giám sát về hệ thống tập trung của tỉnh và Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC)...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTT mạng trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: Nhận thức và hành động về công tác bảo đảm ATTT mạng tại một số cơ quan, đơn vị, một bộ phận cán bộ và phần lớn người dân chưa rõ, chưa đầy đủ; số lượng các đơn vị hành chính nhiều trong khi các điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) không đồng đều; nguồn lực đầu tư cho hoạt động ATTT mạng còn hạn chế; việc triển khai đồng bộ các giải pháp, mô hình bảo đảm ATTT mạng theo quy định tại các cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ; nguồn nhân lực về CNTT, đặc biệt là về ATTT mạng còn thiếu và yếu... Đặc biệt, trong thời gian qua đã ghi nhận các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, khó dự báo và mang tính toàn cầu, kéo theo tình hình bảo đảm ATTT trên không gian mạng ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức.

Trong năm 2023, trên hệ thống giám sát an toàn không gian mạng tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận 25 cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh bị lây nhiễm mã độc kết nối vào mạng máy tính ma Botnet. Trên hệ thống điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh phát hiện 836 máy tính của các cơ quan, đơn vị lây nhiễm mã độc, có 580 kết nối nguy hiểm đến các tên miền độc hại ngoài internet. Thực hiện ứng cứu hơn 500 lượt sự cố liên quan đến phần mềm dùng chung trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhiều trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đang còn tồn tại nhiều lỗ hổng, điểm yếu bảo mật dẫn đến việc bị rà quét, khai thác dữ liệu...

Để chủ động bảo đảm ATTT mạng trong quá trình CĐS trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa xác định tiếp tục triển khai và đẩy mạnh các giải pháp, cụ thể: Xây dựng, ban hành, hướng dẫn công tác bảo đảm ATTT mạng. Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành việc ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính nói chung và công tác bảo đảm ATTT mạng tại cơ quan, đơn vị mình nói riêng.

Mặt khác cần nghiên cứu chuyển đổi kiến trúc Zero-trust, lưới ATTT trong trung tâm dữ liệu và ứng dụng tự động hóa trong vận hành và xử lý các cảnh báo nhằm bảo đảm ATTT khi hệ thống Trung tâm dữ liệu của tỉnh được mở rộng, triển khai thêm các ứng dụng, phần mềm của các cơ quan, đơn vị; triển khai hệ thống tự động hóa quá trình vận hành để lọc bớt được những cảnh báo giả, chỉ tập trung vào các cảnh báo thật và giảm thời gian phát hiện, xử lý tấn công cũng như giảm bớt sai sót trong quá trình vận hành ATTT mạng.

Tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đội ứng cứu sự cố ATTT mạng bao gồm các thành viên là đầu mối của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp CNTT - viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và tổ chức ứng cứu các sự cố mất ATTT mạng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tại các cơ quan, đơn vị đều thành lập các tổ ứng cứu sự cố ATTT mạng nhằm bảo đảm sẵn sàng nguồn lực tại chỗ trong các hoạt động ứng cứu, xử lý sự cố tại đơn vị mình.

Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh quá trình CĐS trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị là sự chuyển dịch các hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số sẽ đặt ra hàng loạt thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ATTT trên không gian mạng. Vì vậy, việc quan tâm triển khai đẩy mạnh các hoạt động ATTT mạng và giám sát cảnh báo sớm, chính xác các nguy cơ gây mất ATTT mạng, tăng cường khả năng hỗ trợ ứng cứu, tham gia hỗ trợ giải quyết các sự cố là điều kiện tiên quyết thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh được triển khai nhanh chóng và bền vững.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]