(Baothanhhoa.vn) - Hình thành từ năm 1515, làng nghề hương bài Bái Hạ (nay là thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, Nông Cống) đã có những giai đoạn tưởng như thất truyền, song nhờ sự nỗ lực của những người làm nghề, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, làng hương dần khôi phục.

Bái Hạ, tỏa hương trầm

Hình thành từ năm 1515, làng nghề hương bài Bái Hạ (nay là thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, Nông Cống) đã có những giai đoạn tưởng như thất truyền, song nhờ sự nỗ lực của những người làm nghề, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, làng hương dần khôi phục.

Bái Hạ, tỏa hương trầmNhờ sự hỗ trợ của máy móc, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dân bán ra gần 150.000 bó/năm.

Tết đang dần về, những hạt mưa bụi bay bay theo gió, thắp một nén hương, mùi thơm nhẹ, dịu lan tỏa khắp không gian, ông Nguyễn Văn Dân - người có hơn 30 năm làm nghề hương khẽ nở một nụ cười tươi.

Năm nay gia đình ông bán ra được gần 150.000 bó hương. Vui một phần vì nhìn thấy tiền lãi, nhưng mừng hơn vì giữa thị trường hương phong phú này mà hương bài của Vạn Thắng quê ông vẫn được tin dùng.

Theo sử sách ghi lại, làng hương bài Bái Hạ được hình thành từ thế kỷ XVI, trên đất Giãn Hiền, xã Vạn Thắng. Nằm bên con sông Yên thơ mộng, trước đây làng vô cùng nhộn nhịp vào những dịp cuối năm, người bán, kẻ mua tấp nập vì ai cũng muốn tìm mua được những nén hương thắp lên bàn thờ tổ tiên báo cáo những thành quả của một năm và cầu mong năm mới thật nhiều may mắn.

Do thời gian và biến cố của lịch sử, nghề làm hương ở làng Bái Hạ đã từng có giai đoạn bị lãng quên. Đến năm 1815, cụ Vũ Đình Phạm đã khôi phục, sau trao truyền cho hai người con trai. Từ đó, làng hương bài Bái Hạ dần hồi sinh và phát triển cho đến nay.

30 năm làm nghề, ông Nguyễn Văn Dân nhìn thấy sự đổi thay trong cách làm hương, đặc biệt là sự hỗ trợ của máy móc. Từ ngày đầu phải đi lên rừng chặt giang về ngâm, củ bài mài thật mịn thành bột, than hoa giã bằng chày sao cho khỏe, tay se hương sao cho thật khéo, thật nhanh. Sau đó, máy hỗ trợ việc lăn hương, tuy nhiên các thao tác cần bàn tay khéo léo của con người vẫn còn nhiều. Và đến nay, chỉ cần qua tay trộn bột xong, tất cả đã có máy làm thay. Tuy nhiên con người vẫn giữ vai trò quyết định tỷ lệ pha trộn bột tạo nên mùi hương thơm nhẹ nhàng dễ chịu. Bận rộn nhất có lẽ là việc phơi và đóng bao. Hương được phơi 2 nắng sẽ thơm và cháy đều, còn nếu vào những đợt mưa thì phải bỏ vào lò sấy. Nếu trước đây, nghề làm hương vất vả bao nhiêu thì nay lại nhẹ nhàng bấy nhiêu. Nhẹ nhàng nhưng vì yếu tố thời vụ lại thêm sự cạnh tranh và giá cả thị trường nên nhiều người chuyển đổi sang nghề khác, hoặc đi làm công nhân cho các công ty trên địa bàn.

Tự hào là công dân của làng nghề, lại thêm gắn bó quá lâu, ông Nguyễn Văn Dân xác định phải thay đổi phương thức sản xuất thì mới có thể duy trì được. Vì thế gia đình ông là một trong những hộ tiên phong đầu tư mua máy về làm hương vừa giảm công lao động, vừa tiết kiệm nguyên liệu. Ông cho biết: “Máy móc hiện nay hỗ trợ rất nhiều, thời kỳ chỉ làm thủ công đã xa rồi, điều quan trọng nhất là nguyên liệu tự nhiên”. Góp gió thành bão, lãi ít nhưng với số lượng đơn hàng nhiều, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông cũng thu về gần 200 triệu đồng.

Điểm tạo nên thương hiệu và quyết định niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng hương bài Vạn Thắng chính ở chất lượng và mức độ độc hại rất nhỏ trong thành phần. Nguyên liệu chủ yếu là tre, nứa, nhựa cây trám, rễ, thân cây bài, than hoa... Nhựa cây trám sau khi mua về được nấu lấy tinh dầu rồi đổ vào than pha chế tạo thành nhựa để se vào que tre, giang, nứa đã làm sẵn. Hương bài tự nhiên khi thắp không để lại “lộc”, song an toàn cho sức khỏe. Không có tác dụng phụ nên khách hàng của hương Vạn Thắng không chỉ là người trên địa bàn xã, hay các huyện trong tỉnh, mà đã đi ra các tỉnh ngoài.

Sau 6 năm kể từ năm 2016, khi được công nhận làng nghề truyền thống đến nay, địa phương đã và đang tiếp tục chỉ đạo mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ vừa quảng bá được hương bài của địa phương vừa mang lại thu nhập kinh tế cho nhân dân trên địa bàn. Trên thực tế, thôn Quyết Thắng có hơn 200 hộ dân, nhưng chỉ có hơnn 60 hộ gia đình tham gia sản xuất, trong đó có 15-20 hộ gia đình sản xuất thường xuyên. Với việc xác định hương bài là một trong những sản phẩm tiêu biểu và mang lại hiệu quả, chính quyền xã đã vận động người dân giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, là cơ sở đã xây dựng hương bài trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh.

Với những tín hiệu tích cực đó, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất hương bài xã Vạn Thắng đã được thành lập. Hiện nay ngoài 7 hộ thành viên, HTX còn thuê thêm khoảng 20 nhân công tham gia sản xuất hương bài.

“Trung bình mỗi năm hộ gia đình tôi đầu tư khoảng trên 2 tỷ đồng, giá cả nguyên liệu tăng nhưng giá hương lại không tăng. Vì thế không riêng gì gia đình tôi mà các hộ khác của HTX đều nỗ lực xây dựng thương hiệu để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ đó có thể nâng cao giá thành”, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Dân cho biết.

Bái Hạ, tỏa hương trầm

Hương làm xong được đem phơi trên giàn giúp mau khô, có màu sắc đẹp, mà vẫn giữ nguyên mùi thơm.

Từ khi thành lập HTX đến nay, ông Dân bận bịu hơn với các thủ tục hành chính, song điều ông và các thành viên khác nhận được là sự ràng buộc đảm bảo tiêu chuẩn khi đưa hương bài ra thị trường. Xây dựng đã khó nhưng để giữ một thương hiệu còn khó hơn. Khách hàng chỉ cần phản ánh hương không cháy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin về HTX nói riêng và làng nghề nói chung.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng Lê Bảng Toại: “Để phát triển làng nghề và HTX, ngoài việc vận động người dân tham gia, địa phương đã ban hành nghị quyết để phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống trên địa bàn. Đối với nghề hương bài, địa phương quan tâm, có cơ chế hỗ trợ trong việc tạo quỹ đất giúp HTX mở rộng quy mô sản xuất. Hiện, UBND tỉnh đã có quy hoạch chung, và đến đầu năm 2023 chúng tôi sẽ có quy hoạch chi tiết. Ngoài ra, xã còn hỗ trợ về đào tạo việc làm cho người lao động; hồ sơ pháp lý liên quan đến HTX".

Nghề làm hương bài truyền thống giúp giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là trong những thời điểm nông nhàn; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế chung của thôn, xã. Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện nay, xã Vạn Thắng đang phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu năm 2023, riêng thôn Quyết Thắng đã đạt thôn NTM kiểu mẫu năm 2021, và phấn đấu đạt thôn NTM thông minh năm 2023.

Về thôn Quyết Thắng lúc này dễ dàng nghe được thanh âm lách cách từ những chiếc máy se hương. Ngoài sân, bên ven đường tràn ngập sắc đỏ của chân hương, màu vàng nhạt từ những cây hương thành phẩm. Dưới bàn tay thoăn thoắt của người thợ, những nén hương đều tăm tắp. Cảnh quê đẹp và rực rỡ hơn vào những những ngày giáp tết. Làng nghề hơn 500 năm ấy dẫu có thể chưa thực sự phát triển như mong đợi, song ít nhất người ta thấy ở đó “sự sống” của làng nghề đang hồi sinh.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]