(Baothanhhoa.vn) - Từ ngày 20-10, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính (500 nghìn đến 1 triệu đồng) về an toàn thực phẩm (ATTP) với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... Đây được xem là một chế tài mạnh nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát trước tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều người bán hàng vẫn còn chưa biết hoặc biết mà chưa thực hiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xử phạt không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thức ăn: Đừng chỉ dừng lại ở quy định

Từ ngày 20-10, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính (500 nghìn đến 1 triệu đồng) về an toàn thực phẩm (ATTP) với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... Đây được xem là một chế tài mạnh nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát trước tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều người bán hàng vẫn còn chưa biết hoặc biết mà chưa thực hiện.

Vẫn còn nhiều cửa hàng, nhà ăn không sử dụng găng tay khi chế biến thức ăn.

Phớt lờ quy định

Mới 17 giờ chiều nhưng khu vực trước cổng chợ Vườn Hoa mới đã tấp nập người và xe. Khói xe và bụi bặm khiến không khí rất ngột ngạt, mất vệ sinh nhưng ngay phía ngoài cổng chợ, trong một con hẻm nhỏ một dãy hàng quán thực phẩm chín như nem rán, bánh bột lọc, nem chua, chè nằm xen lẫn các quầy hàng tươi sống như thịt, cá, tôm, rau được kéo ra hai bên lề đường để khách hàng dễ dàng thưởng thức các món ăn và mua sắm thực phẩm. Chẳng có tủ kính, ô che, tất cả thực phẩm được chế biến chín cho tới thực phẩm tươi sống đều được bày bán trong khói bụi, ruồi muỗi. Vậy mà, vẫn rất đông thực khách vô tư ăn uống.

Chị Nguyễn Thị Nga, chủ quán bánh bột lọc, nem cuốn cho hay: “Bao nhiêu năm nay tôi bán bánh, bán nem vẫn cứ làm theo thói quen, chỉ biết làm sao đảm bảo cho khách ăn sạch mà ngon, chứ còn quy định để mà áp dụng thì nó khó lắm. Nghe thấy đeo găng tay khi chế biến thức ăn đã không khả thi rồi. Chỉ cần tay sạch sẽ là được, đeo găng tay bốc thịt sống rồi lại bốc thịt chín, thì còn bẩn hơn là không đeo găng tay”.

Tại quầy bánh mỳ pa tê trên phố Tô Vĩnh Diện, một phụ nữ dùng tay trần cầm ổ bánh mì rồi bốc thịt, rau bỏ vào bánh. Tiếp đến, người này nhận và trả tiền thừa cho khách, sau đó lau tay vào chiếc khăn cáu bẩn để bên cạnh, tiếp tục phục vụ. Và quy trình cứ lặp đi lặp lại như vậy, mà không biết đến sự tồn tại của găng tay ni lông. Khi được hỏi về quy định xử phạt khi không đeo găng tay, người phụ nữ này cho biết: “Bình thường tôi vẫn đeo găng tay khi làm bánh cho khách, nhưng lúc đông, khách lại giục nên không kịp đeo”. Cách đó không xa, chị bán bánh cuốn, trứng vịt lộn, bún chả cũng thò cả bàn tay bốc bún, rau sống cho khách... Tại các quầy bán giò chả, thịt quay ở khu vực các chợ trên tình trạng người bán hàng dùng đôi tay trần thái, chặt và bốc thịt chín bỏ vào từng hộp xốp cũng diễn ra phổ biến...

Theo khảo sát của chúng tôi, sau gần 2 tháng nghị định có hiệu lực, tại nhiều tuyến đường của TP Thanh Hóa như Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Tống Duy Tân, Trường Thi, Lê Lai, Đại lộ Lê Lợi, Lê Thị Hoa... không khó bắt gặp hình ảnh nhiều quán hàng, thức ăn đường phố, không được che đậy, nằm “phơi” trên hè phố, ngay cạnh cống rãnh, mặc cho bụi bẩn, khói bụi từ xe qua lại. Còn người bán hàng, nhân viên phục vụ vẫn vô tư dùng tay không bốc, chế biến món ăn. Cũng có những chủ quán tuy đã đeo găng tay, nhưng vừa sử dụng để bốc thực phẩm chín lẫn cả thực phẩm sống, vừa lấy tiền, trả lại cho khách. Thậm chí, họ vừa đeo găng tay, vừa cầm giẻ lau bàn, lau thớt... Có thể nói, mặc dù vấn đề ATTP hiện nay đã và đang được nhiều người quan tâm, nhiều người lựa chọn những quán ăn, uống... Tuy nhiên thực tế, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những điểm bán hàng rong, cơ sở buôn bán, kinh doanh cố định cố tình vi phạm quy định về vệ sinh ATTP đã tồn tại khá lâu mà chưa bị cơ quan chức năng nào “sờ” đến.

Đừng chỉ dừng lại ở quy định

Trong Luật ATTP quy định loại găng tay sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là loại găng tay hợp vệ sinh. Đa số các loại găng tay đều là loại sử dụng một lần, tức là người sử dụng phải vứt bỏ và thay thế bằng đôi găng tay khác sau khi sử dụng một lần. Song, trên thực tế không ai dám đảm bảo từ các nhà hàng lớn tới các quán hàng rong bên hè phố, thậm chí ngay cả người tiêu dùng sẽ tuân thủ đúng quy trình thời gian sử dụng găng. Cùng với đó trong quy định cũng chưa đưa ra một mức thời gian sử dụng cụ thể đối với mỗi chiếc găng tay là trong bao lâu. Bên cạnh đó, cũng có nhiều chủ quán tuy đã đeo găng tay nhưng vừa sử dụng để bốc thực phẩm chín lẫn cả thực phẩm sống, vì vậy ở đây, vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP sẽ chẳng thể đạt được yêu cầu.

Thực tế cho thấy quy định bắt buộc đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín là rất cần thiết, bởi thói quen dùng tay trần bốc thức ăn, đếm tiền của người bán thức ăn đường phố mang rất nhiều nguy cơ gây bệnh đường ruột cho người ăn. Trước đây, chúng ta thiếu lực lượng kiểm tra, nên chủ yếu là vận động, tuyên truyền, nhắc nhở và trông chờ vào ý thức tự giác của người bán hàng. Tuy nhiên, khi đã có chế tài xử phạt thì rất cần sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm, để đưa công tác quản lý thức ăn đường phố vào “khuôn khổ”.

Việc bảo đảm vệ sinh ATTP là vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân và chỉ có sự ý thức của người dân mới có thể đưa quy định này vào thực tiễn cuộc sống. Hiện nay, việc đầu tiên cần làm vẫn phải là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân về vệ sinh ATTP, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình của người dân. Quy định là vậy, vấn đề đặt ra ở đây là ai, cơ quan nào đủ thẩm quyền đi xử phạt và thu tiền người không đeo găng tay khi bán đồ ăn chín? Các lực lượng của UBND xã, phường, huyện, thị xã, thành phố hay cơ quan chuyên ngành là Sở Y tế thì chưa có quy định cụ thể trong nghị định. Trên thực tế đã có nhiều quy định được ban hành nhưng không thấy thực hiện, quy định rồi để đó. Vì vậy quy định đã rõ, song việc tuân thủ có nghiêm hay không, không chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của người kinh doanh, mà cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng và của chính người tiêu dùng, tránh tình trạng quy định không được thực hiện hiệu quả trong cuộc sống.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]