(Baothanhhoa.vn) - Từ đầu năm đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được các lực lượng chức năng tiến hành thường xuyên với nhiều biện pháp mạnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Từ đầu năm đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được các lực lượng chức năng tiến hành thường xuyên với nhiều biện pháp mạnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Hà Trung.

Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 144 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý; lũy kế đến tháng 9 năm 2018, đã có 781 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; xác nhận kiến thức cho 955 chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm cho 61 cơ sở. Sở Y tế tổ chức cho 44 bếp ăn tập thể ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; lũy kế đến tháng 9 năm 2018 đã có 504 bếp ăn tập thể ký cam kết bảo đảm ATTP; cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm cho 118 lượt hồ sơ. UBND cấp huyện đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 779 cơ sở; tổ chức cho gần 21.400 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; xác nhận kiến thức ATTP cho 3.700 chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn cấp gần 16.000 giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm thực phẩm của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Trưởng Ban Chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh đã thành lập 12 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP, thực hiện kiểm tra 274 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 52 cơ sở vi phạm, xử lý 44 cơ sở với số tiền gần 270 triệu đồng. Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương đã thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với 391 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 56 cơ sở vi phạm, xử lý 52 cơ sở với tổng số tiền xử phạt trên 270 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 595 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước trên 1,5 tỷ đồng. UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra liên ngành ATTP đối với 10.917 cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện 584 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1,4 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá trên 53 triệu đồng. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP theo lĩnh vực, địa bàn được phân công. Văn phòng Điều phối về VSATTP tỉnh đã chủ trì tiến hành kiểm tra tại 12 huyện, thị xã, thành phố về việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh giao đối với công tác bảo đảm ATTP, kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê bình chủ tịch UBND 6 huyện, thị xã chưa tổ chức triển khai hoặc tổ chức triển khai thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu các mục tiêu, nhiệm vụ về an toàn thực phẩm (gồm thị xã Bỉm Sơn và các huyện Hà Trung, Yên Định, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn)... Công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, của chủ cơ sở trong việc thực hiện công tác ATTP trên địa bàn và tại cơ sở, tác dụng răn đe để cơ sở có ý thức sản xuất, kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, thực tiễn việc xử lý vi phạm ATTP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế do chế tài xử lý còn quá nhẹ, mới chỉ dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính là phạt tiền nên chưa đủ sức răn đe. Việc xử phạt vi phạm ATTP chủ yếu tập trung ở các nội dung: Vi phạm quy định về kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị dụng cụ; điều kiện về con người; ghi nhãn thực phẩm; chất lượng sản phẩm thực phẩm... Còn đối với thực phẩm tươi sống, các đoàn thanh tra, kiểm tra chủ yếu bằng cảm quan do chưa có đủ điều kiện để phát hiện các hóa chất tồn dư, chất cấm có trong loại thực phẩm này. Như vậy, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tươi sống, một mặt hàng “chủ lực” có trong bữa ăn, cũng là nguồn thực phẩm “đầu vào” còn nhiều khoảng trống. Một trong những “lỗ hổng” nữa về công tác xử lý ATTP là công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; sự thiếu kiên quyết xử lý vi phạm về ATTP ở một số địa phương... Bên cạnh đó, tại tuyến cơ sở (xã, phường, thị trấn), hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh là nhỏ lẻ, nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh còn hạn chế, chưa có ý thức mua sắm trang thiết bị, các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định, dù có tổ chức kiểm tra cũng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở là chính.

Để khắc phục tồn tại trên, công tác thanh tra, kiểm tra cần thiết thực, cụ thể, không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra giấy phép sản xuất, kinh doanh, vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người... mà các đơn vị phải cụ thể các nội dung kiểm tra như dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm, chất cấm, số đơn vị cơ sở vi phạm VSATTP, hoặc kiểm tra những nơi có nguy cơ xảy ra ngộ độc, cơ sở sản xuất thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm... Đặc biệt, việc đưa ra chế tài xử phạt đủ sức răn đe trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết và cấp bách.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]