(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu xây dựng hệ thống chợ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), năm 2018, huyện Thọ Xuân đã chọn chợ Neo, xã Bắc Lương làm thí điểm xây dựng chợ ATTP. Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thọ Xuân nhân rộng các mô hình chợ an toàn thực phẩm

Với mục tiêu xây dựng hệ thống chợ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), năm 2018, huyện Thọ Xuân đã chọn chợ Neo, xã Bắc Lương làm thí điểm xây dựng chợ ATTP. Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Huyện Thọ Xuân nhân rộng các mô hình chợ an toàn thực phẩm

Thực phẩm lưu thông tại chợ Neo (xã Bắc Lương) bảo đảm truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Đảng ủy xã Bắc Lương đã tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đến toàn thể đảng viên và đội ngũ cán bộ trong xã; thành lập ban chỉ đạo công tác VSATTP, các tổ giám sát cộng đồng thôn, tổ giám sát chợ... Công tác thông tin, tuyên truyền được xã đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: Treo băng zôn, khẩu hiệu về bảo đảm ATTP tại khu vực chợ Neo và các trục đường chính trong xã. Từ đó, nhiều hộ đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thực hiện quy trình sản xuất, chăn nuôi bảo đảm VSATTP. Công tác bảo đảm VSATTP ở xã Bắc Lương bước đầu tạo chuyển biến đồng bộ ở tất cả các khâu. Các mô hình chăn nuôi không sử dụng chất cấm, bảo đảm VSATTP; khu vực chợ Neo, hàng hóa được bày bán đúng nơi quy định, không vứt rác, rau, thực phẩm dư thừa ra chợ... Khi phát hiện có trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ, xã cương quyết xử lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, để người tiêu dùng yên tâm về ATTP, xã Bắc Lương cũng đã quan tâm xây dựng và phát triển chợ truyền thống đáp ứng tiêu chí về ATTP, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Ngay khi được chuyển đổi mô hình vào năm 2014, Ban Quản lý chợ Neo, xã Bắc Lương đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các quầy hàng thực phẩm tươi sống theo đúng quy chuẩn VSATTP. Cùng với đó, ban quản lý thành lập tổ giám sát để kiểm soát thực phẩm buôn bán tại chợ, nhắc nhở các tiểu thương tuân thủ quy định về VSATTP.

Ông Lê Văn Vinh, chủ doanh nghiệp quản lý chợ Neo, xã Bắc Lương cho biết: Chợ Neo là chợ lớn của huyện, là đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm trong vùng. Nhằm bảo đảm sức khỏe cho khách hàng, vấn đề bảo đảm VSATTP được ban quản lý chợ đặt lên hàng đầu. Vì thế tiêu chí thực phẩm kinh doanh tại chợ quy định bắt buộc phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, ghi chép công tác nhập, xuất hàng; thực phẩm phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Bên cạnh đó, mỗi tiểu thương, nhân viên quầy thực phẩm phải trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, tạp dề, nón phục vụ... Về cơ sở vật chất kỹ thuật, chợ có hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải... Để quản lý tốt ATTP trong chợ, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra hàng hóa trước khi đưa vào chợ; hàng ngày tổ giám sát có nhiệm vụ ghi chép các mặt hàng đem đến chợ để tiêu thụ, nếu phát hiện thực phẩm không bảo đảm thì sẽ lập biên bản thu giữ và xử lý nghiêm. Mô hình nhận được sự đồng thuận cao của tiểu thương cũng như người tiêu dùng, nên hoạt động kinh doanh ngày càng đi vào nền nếp.

Là một tiểu thương gắn bó lâu năm với chợ Neo, bà Lê Thị Liên, chia sẻ: Tôi bán thịt lợn tại chợ hơn 5 năm nay, bản thân luôn ý thức về VSATTP, mỗi ngày đều tuân thủ quy định về vệ sinh thực phẩm, lấy hàng có nguồn gốc rõ ràng, sau khi dọn hàng tiến hành vệ sinh quầy hàng sạch sẽ. Từ khi chợ được chọn làm mô hình điểm về VSATTP, việc kinh doanh của tiểu thương có nhiều thuận lợi, khách đến mua hàng yên tâm hơn.

Trao đổi với bà Khương Thị Tịnh, Chánh Văn phòng Điều phối về VSATTP huyện, được biết: Để nâng cao nhận thức về VSATTP, các phòng, ban chuyên môn của huyện Thọ Xuân luôn quan tâm tổ chức các lớp tập huấn kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý VSATTP, các hộ kinh doanh thực phẩm, mặt hàng tươi sống, hàng ăn uống. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở tiểu thương nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh tại khu vực buôn bán, sử dụng sản phẩm sạch, an toàn được thực hiện thường xuyên. Với số vốn từ 3 đến 7 tỷ đồng/1 chợ, 15/24 chợ được chuyển đổi mô hình quản lý tại huyện Thọ Xuân đã có điều kiện tốt hơn để bố trí khu vực kinh doanh, như: Hệ thống thoát nước thải, phân biệt khu bán đồ tươi sống và thực phẩm nấu chín... bảo đảm vệ sinh; tất cả tiểu thương chịu trách nhiệm trước tổ giám sát đầu vào hàng hóa thực phẩm, trước ban quản lý chợ về chất lượng thực phẩm bầy bán, trong đó có 8 chợ đã được công nhận đạt tiêu chí chợ ATTP. Việc phát triển các chợ theo mô hình chợ ATTP cũng là xu hướng tất yếu để các chợ truyền thống có thể tồn tại và đủ sức cạnh tranh với các siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng mọc lên nhiều như hiện nay. Huyện Thọ Xuân phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm ít nhất 7 chợ đạt tiêu chí chợ ATTP.

Tuy nhiên, để mô hình chợ ATTP được nhân rộng và phát huy hiệu quả, rất cần sự chung tay và nỗ lực của cả cộng đồng. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường giải pháp, cách làm hay, tăng cường trách nhiệm của ban quản lý chợ và ý thức kinh doanh của tiểu thương. Bên cạnh đó, vai trò của các “thượng đế” rất quan trọng trong việc từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua bán mất vệ sinh, không an toàn về thực phẩm, gần nơi ô nhiễm... từng bước triệt tiêu dần các hộ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Bài và ảnh: Hà Bắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]