(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã phối hợp với ngành chức năng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác và thu nhập cho bà con nông dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Cẩm Thủy ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, huyện Cẩm Thủy đã phối hợp với ngành chức năng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác và thu nhập cho bà con nông dân.

Huyện Cẩm Thủy ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Mô hình trồng rau sạch cho thu nhập cao tại xã Cẩm Quý.

Xác định KH&CN là vấn đề then chốt trong chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện, vì vậy, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Các chương trình, dự án hay các mô hình sản xuất, các lớp dạy nghề... đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện hiệu quả về năng suất, chất lượng trong quá trình sản xuất nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh đối với các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện đã chủ động phối hợp với ngành chức năng ứng dụng rộng rãi nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, lựa chọn, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất thử nghiệm. Theo đó, nhiều địa phương đã có sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp, hình thành và phát triển nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp như: Mô hình nuôi gà công nghiệp bán chăn thả, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi cá trên đất chuyển đổi chuyên trồng lúa, trồng dưa vàng trong nhà màng (Cẩm Tú); mô hình nuôi gia súc sinh sản (Cẩm Yên); mô hình liên kết trồng cây sả Java (Cẩm Tâm); chuyển đổi đất 1 vụ sang trồng cây ăn quả tại (Cẩm Phú); nuôi gà công nghiệp bán chăn thả tại (Cẩm Thành); trồng rau an toàn trong nhà lưới tại (Cẩm Quý)... Ngoài ra, huyện cũng đã có cơ chế, chính sách khuyến khích các chủ trang trại, gia trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với đầu ra ổn định. Hầu hết các mô hình chăn nuôi, mô hình phát triển sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên địa bàn huyện đã và đang phát huy hiệu quả, có khả năng nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa.

Việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao hiểu biết và nhận thức, ý thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới, thể hiện qua việc nhân dân tích cực đóng góp công sức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế trong nông thôn; xây dựng giao thông, kiên cố hóa kênh mương, hiến đất xây dựng đường giao thông nội đồng. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, các tiềm năng thế mạnh cơ bản được khai thác, thị trường được mở rộng; các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển, tạo động lực mới cho kinh tế - xã hội. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung cây lúa, sắn, cây ngô, cây luồng và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển dịch cơ cấu nông thôn, sự chuyển dịch kinh tế tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa... Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn do một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội; một số kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng nhưng chưa được nhân rộng, do còn khó khăn trong việc bố trí nguồn lực để nhân rộng kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu; trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất còn lạc hậu, tư tưởng sản xuất còn nhỏ lẻ nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ KH&CN vào cuộc sống, nhất là vùng sâu, vùng xa...

Để tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KH&CN thời gian tới, ngoài việc khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc cùng tổ chức, nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành có liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới, cải tiến công nghệ và đẩy mạnh các hình thức sản xuất theo chuỗi, theo hướng liên kết giữa các tổ chức và nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa nền nông nghiệp huyện Cẩm Thủy phát triển bền vững và hiệu quả.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]