(Baothanhhoa.vn) - Lớn lên trong gia đình nghèo ở thôn Thổ Ngõ, xã Quảng Long (Quảng Xương), chàng thanh niên 8X Bùi Công Tuấn đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương nhờ chịu thương, chịu khó cùng sự năng động và tinh thần dám nghĩ dám làm...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuỗi thực phẩm an toàn và ý chí của một thanh niên nghèo

Lớn lên trong gia đình nghèo ở thôn Thổ Ngõ, xã Quảng Long (Quảng Xương), chàng thanh niên 8X Bùi Công Tuấn đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương nhờ chịu thương, chịu khó cùng sự năng động và tinh thần dám nghĩ dám làm...

Chuỗi thực phẩm an toàn và ý chí của một thanh niên nghèo

Mô hình nuôi dê bán hoang dã của thanh niên Bùi Công Tuấn, xã Quảng Long (Quảng Xương).

Khởi nghiệp từ... 19 con lợn

Trên con thuyền nhỏ chòng chành qua dòng sông Yên hiền hòa, chúng tôi được thanh niên Bùi Công Tuấn đưa ra thăm trang trại tổng hợp của mình. Trang trại có tên “Đảo Ngọc” bởi nó là một hòn đảo rộng tới 9 ha được bao quanh 4 bên là sông. Đây là khu đất do người bác ruột của Tuấn đấu thầu dài hạn nhưng sản xuất không mấy hiệu quả nên Tuấn nhận tiếp quản lại. Theo chủ trang trại sinh năm 1983, trước đây, khu này chỉ là “bán đảo” bởi được sông Yên bao quanh 3 bên, nhưng sau đó dòng sông được đào nối 2 vị trí gần nhất để nắn dòng nên khu đất được bao bọc 4 bên là nước, rất nên thơ hữu tình. Con đường dẫn vào trung tâm trang trại được trồng hai hàng cau vua và hệ thống cây xanh um tùm mát rượi kiểu trang trại sinh thái.

Theo chân ông chủ trẻ, chúng tôi được tham quan khu chuồng trại nuôi lợn rừng, khu thả dê, bò, gà, vịt... tất cả theo hình thức bán hoang dã. Thấy bóng người, đàn dê và lợn rừng gọi bầy ầm ĩ rồi cùng nhau chạy mất dạng, lẩn khuất vào những lùm cây. Theo Tuấn, do 4 bên được bao phủ là sông nên một số vật nuôi gần như được thả tự nhiên, chỉ chiều tối cho ăn để lùa vào chuồng. Đàn dê tự kiếm ăn, còn đàn lợn rừng chỉ bổ sung thức ăn là rau khoai, bèo, chuối trộn cám được nghiền từ các loại nông sản khô của địa phương. Đây cũng là 2 loại vật nuôi chủ lực của trang trại, còn lại gia cầm và bò chỉ nuôi để tận dụng diện tích và nguồn thức ăn sẵn có. Bên cạnh đó, 4 ao cá lớn với tổng diện tích 2 ha ngay trong lòng trang trại vừa giúp điều hòa môi trường, vừa đem lại nguồn thu hàng chục triệu đồng từ thủy sản mỗi năm.

Để có những thành công như hôm nay, Bùi Công Tuấn không thể quên những thất bại và khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Sau khi học trung cấp xây dựng và làm việc cho một công ty tại Hà Nội, năm 2008, Tuấn đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, nhưng phải về nước sớm do phía công ty bên nước bạn phá sản. Đầu năm 2014, Tuấn quyết định về quê lập nghiệp. “Được ông bác tạo điều kiện cho tiếp quản lại trang trại, với số vốn 0 đồng trong tay, em quyết tâm vay mượn họ hàng và ngân hàng, mua 19 con lợn rừng về nuôi” – Tuấn kể. Vừa phát triển đàn, vừa tìm hiểu kỹ thuật, đàn lợn rừng cứ lớn, rồi sinh sản gối lứa, lúc cao điểm có cả trăm con. Từ thành công ban đầu, ông chủ trẻ tiếp tục nuôi giun quế, phát triển đàn dê, gia cầm, rồi trồng cỏ voi và khoai lang để nuôi bò. Thành công chưa bao giờ dễ dàng với Tuấn, bởi trong 2 năm sau đó, trang trại gặp 2 lần mưa bão lớn khiến toàn bộ cá trong ao tràn ra sông, hàng trăm cây xoài và cây ăn quả đổ rạp. Tiếp đó, đàn dê hàng chục con lăn ra chết vì dịch bệnh. Không những thế, một công ty thu mua lợn rừng ở Hà Nội bỗng “lật kèo” không bao tiêu sản phẩm lợn rừng của trang trại như cam kết. Vợ chồng ông chủ trẻ phải thịt từng con lợn đi bán trong dân, đi từng hàng quán ở TP Thanh Hóa “gạ” mua thịt lợn giá rẻ. Dường như, sau mỗi lần thất bại, Bùi Công Tuấn lại có thêm kinh nghiệm và bản lĩnh hơn. Anh đã trụ vững, lấy ngắn nuôi dài để làm lại, để rồi có một trang trại lớn đầy tiềm năng như hôm nay.

Xây dựng được chuỗi thực phẩm an toàn

Từ hai bàn tay trắng, Tuấn đã biết “lựa cơm gắp mắm” bằng cách chắp nhặt lợi nhuận để đầu tư gây dựng cơ ngơi từng bước. Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm ngay tại quê nhà, lại giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương chính là thành công đáng ghi nhận của Tuấn. Thời điểm chúng tôi thăm trang trại, cũng là lúc các loại vật nuôi ở đây có số lượng ít nhất. Lý do là Tuấn vừa bán đi hàng chục con bò, dê, lợn... để lấy tiền đầu tư mở nhà hàng ăn uống ở TP Thanh Hóa. Những đàn vật nuôi đang tiếp tục được gây dựng lại, tất cả vì một “hướng rẽ” rất quan trọng trong hành trình khởi nghiệp của chàng trai trẻ. “Việc mở nhà hàng đã được em nung nấu nhiều năm qua. Mong muốn lớn nhất của em là tự tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Hơn nữa, nhà hàng sẽ là nơi tiêu thụ để tạo đầu ra bền vững nhất cho các sản phẩm chăn nuôi từ trang trại” – Tuấn chia sẻ.

Được biết, sau nhiều ngày lân la khắp các con phố ở TP Thanh Hóa, Tuấn đã tìm được địa điểm thuê để kinh doanh ăn uống. Tháng 10-2018 vừa qua, nhà hàng bình dân mang tên “Đảo Ngọc Quán” tại số 23 Lê Quý Đôn, thuộc phường Ba Đình đã được khai trương, mang theo nhiều kỳ vọng. Dám bỏ ra gần 20 triệu đồng mỗi tháng để thuê một mặt bằng rộng hơn 200 m2, cộng với gần 50 triệu đồng chi trả công lao động, Tuấn đã chấp nhận rủi ro để tiếp tục thực hiện mơ ước. Tâm sự với chúng tôi, Tuấn bày tỏ vui mừng: “Ban đầu em dự trù chấp nhận lỗ từ 3 đến 5 tháng do chưa quen khách, nhưng không ngờ mới vài tuần đã có lời. Hiện tại quán đã giải quyết việc làm cho 14 người với thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng” – tùy từng vị trí. Từ những thành công ban đầu, gần đây, Tuấn đã đứng ra đăng ký thành lập Công ty TNHH Thực phẩm sạch trang trại Đảo Ngọc để phát triển quy mô và phương thức làm ăn.

Tiếp xúc với Tuấn, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, chất phác của một chàng trai lớn lên từ thôn dã, song lại chứa chan tinh thần quyết đoán, dám nghĩ dám làm và sự năng động của một thanh niên hiện đại. Nói về hành trình lập nghiệp sắp tới, anh còn ấp ủ nhiều ý tưởng mới mẻ. Đầu tiên, là phát triển hình thức du lịch sinh thái, xây dựng các chòi và địa điểm ăn uống trên Đảo Ngọc của mình để đón khách, kết hợp với đi thuyền trên sông Yên để tham quan các di tích trong vùng. Việc phát triển đàn vật nuôi, cải tạo đất để trồng hoa cải, hoa tam giác mạch thu hút giới trẻ tham quan, chụp ảnh... cũng được Tuấn nung nấu. Tuy mới chỉ là dự định, song với sự năng động và những thành công từng có được, hy vọng những người thích khám phá và trải nghiệm thiên nhiên sẽ có thêm một điểm đến chỉ cách TP Thanh Hóa chưa đầy 20 km.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài Và Ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]