(Baothanhhoa.vn) - Hơn 2 năm nay, vào 22h hàng ngày, âm thanh phát ra từ “Tiếng kẻng an ninh” đã trở nên quen thuộc với người dân xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Đến nay, hiệu quả tiếng kẻng này đã chứng minh cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong việc tham gia bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại khu dân cư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự ở huyện Hoằng Hóa

Hơn 2 năm nay, vào 22h hàng ngày, âm thanh phát ra từ “Tiếng kẻng an ninh” đã trở nên quen thuộc với người dân xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Đến nay, hiệu quả tiếng kẻng này đã chứng minh cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong việc tham gia bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại khu dân cư.

Xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự ở huyện Hoằng Hóa

Khu dân cư an toàn về ANTT tại xã Hoằng Phượng.

Đứng bên tháp đài phát thanh – nơi treo chiếc kẻng của thôn Xuân Sơn, ông Lê Xuân Nghĩa, 65 tuổi cho biết: “Tiếng kẻng an ninh” có từ rất lâu rồi, nhưng vì nhiều lý do nên có một thời gian dài không dùng đến, 2 năm gần đây địa phương khôi phục lại tiếng kẻng và lấy nó làm “Tiếng kẻng an ninh” trong xã. Từ khi có tiếng kẻng, ý thức giữ gìn ANTT thôn, xóm của người dân được nâng lên rõ rệt. Khi tiếng kẻng được đánh lên, người dân ý thức được đã đến giờ giới nghiêm, nhà nào có khách đến chơi phải ra về; nhà nào có việc hiếu thì tắt tiếng trống, tiếng kèn; nhà nào có việc hỷ thì ngừng tiếng nhạc... cứ như vậy trở thành thói quen trong nếp sống của mỗi người dân nơi đây.

Hoằng Sơn là xã thuần nông, vị trí địa bàn xã không phải là nơi giao thương, buôn bán, vì vậy tình hình ANTT tương đối ổn định. Tuy nhiên, do kinh tế thị trường phát triển, người dân đi làm ăn ở các nơi trở về địa phương, từ đó phát sinh một số tệ nạn xã hội, như: Rượu chè, cờ bạc, ma túy, đánh lộn... Để bảo đảm tình hình ANTT trên địa bàn xã, sau khi tiếp thu Đề án 375 về “Củng cố tổ chức ban chỉ đạo ANTT và các mô hình tự quản về ANTT tại cơ sở” và Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT”, xã đã thành lập ban chỉ đạo ANTT xã, 4 tổ bảo vệ ANTT thôn, 42 tổ an ninh xã hội (ANXH) ở 4 thôn; sau đó, tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên trong tổ ANTT, ANXH để nâng cao công tác nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu cho cấp ủy, trưởng thôn về công tác ANTT ở cơ sở phối hợp với MTTQ tổ chức hòa giải kịp thời những mâu thuẫn phát sinh, bảo đảm ổn định tình hình; phát động phong trào toàn dân đăng ký làm nhiều việc tốt, xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT. Kết quả, từ năm 2008 đến nay, có 816 lượt người đăng ký làm nhiều việc tốt, 309 lượt hộ đăng ký gia đình không có người vi phạm pháp luật về ANTT; 143 lượt nhân dân tố giác tội phạm, trong đó có 62 lượt tố giác có giá trị cho điều tra, giải quyết và 38 lượt có giá trị đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, ANTT - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm 2018.

Để có được kết quả trên, theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn Trần Văn Lâm, vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và công tác tham mưu kịp thời của ban chỉ đạo ANTT xã rất quan trọng; đặc biệt, gắn công tác bảo đảm ANTT vào công tác thi đua, khen thưởng của từng tổ chức, đoàn thể. Nếu thôn nào để đảng viên, đoàn viên, hội viên mình gây ra mất ANTT thì cấp ủy, chính quyền thôn hoặc tổ chức đoàn thể của thôn đó không được bình xét xuất sắc và khen thưởng cuối năm.

Cách làm của xã Hoằng Sơn cũng là cách làm chung của các xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Theo đánh giá của huyện Hoằng Hóa trong hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 375 và Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh, thông qua việc triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư an toàn về ANTT” đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân từ huyện đến thôn, khu phố về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Từ đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong việc chỉ đạo, thực hiện công tác đảm bảo ANTT, thực sự coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Do vậy, trong quá trình triển khai, huyện đã lồng ghép chặt chẽ với việc thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; các đề án trong Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... nhằm phát huy sức mạnh toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu và lợi ích chính đáng của người dân, được đông đảo cán bộ, nhân dân đồng tình, tự giác, tích cực tham gia.

Kết quả, sau 10 năm thực hiện Đề án 375 và Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh, toàn huyện đã thành lập, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động 43 ban chỉ đạo ANTT ở 43 xã, thị trấn với 759 thành viên; 373 tổ ANTT thôn, với 1.116 thành viên; 1.262 tổ ANXH với 3.576 thành viên. Trong quá trình hoạt động, ban chỉ đạo ANTT ở xã, thị trấn; tổ ANTT thôn và tổ ANXH ở khu dân cư đã luôn phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở. Tổ ANTT đã giải quyết ngay tại cơ sở 1.652 vụ, việc; công an các xã, thị trấn xử lý 1.061 vụ; chuyển công an huyện thụ lý 652 vụ; tổ ANXH đã hòa giải thành công 2.156 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân. Công tác “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải” và tham gia giữ gìn ANTT trong từng gia đình được nâng cao. Tình làng, nghĩa xóm được khơi dậy và ngày càng gắn bó, hạn chế phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, tạo sự ổn định về ANTT và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngay từ cơ sở.

Công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT cũng được huyện Hoằng Hóa triển khai sâu rộng, Ban Chỉ đạo 138 huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động và thực hiện có hiệu quả nội dung cuộc vận động “Từng người, từng nhà, từng cơ quan, đơn vị, trường học hãy làm nhiều việc tốt về ANTT”. Do vậy, trong 10 năm qua có 54.672/56.836 hộ gia đình đăng ký và cam kết làm nhiều việc tốt về ANTT; thông qua công tác phát động, quần chúng đã phát hiện cung cấp gần 1.782 tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra, xử lý 652 vụ việc liên quan đến ANTT; truy bắt và vận động 16 đối tượng truy nã ra đầu thú.

Bên cạnh đó, lực lượng công an xã, thị trấn và chính quyền địa phương đã chỉ đạo giải quyết 4.152 vụ việc liên quan đến ANTT; tổ chức hòa giải 2.526 mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; chủ động tham mưu và giải quyết tốt trên 1.322 vụ việc phức tạp về ANTT, không để kéo dài và phát sinh thành “điểm nóng”. Trong đó có nhiều vụ việc phức tạp trên lĩnh vực tranh chấp đất đai, khiếu kiện bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời bến cá bè mảng, tình trạng trộm cắp ngư lưới cụ trên biển đã được giải quyết tốt tại địa bàn các xã: Hoằng Thanh, Hoằng Trường, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Đạo, Hoằng Khánh, Hoằng Kim, thị trấn Bút Sơn...

Nhờ đó, tình hình ANTT và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến rõ nét, các vụ việc phức tạp về ANTT, các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân về cơ bản đã được phát hiện và giải quyết kịp thời; tội phạm và tai nạn, tệ nạn xã hội hàng năm đều giảm so với thời gian trước từ 3 – 5%. Đặc biệt, các ban chỉ đạo ANTT các xã, thị trấn; các tổ ANTT, tổ ANXH và các mô hình quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ đã duy trì hoạt động ổn định, có hiệu quả; ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần tự giác của nhân dân trong công tác giữ gìn ANTT đã có nhiều chuyển biến tốt, thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc, có chiều sâu, tạo điều kiện thuận lợi để Hoằng Hóa sớm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2019.

Bài và ảnh: Tô Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]