(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây tình trạng tín dụng đen nở rộ, hoạt động công khai ở các làng quê dưới nhiều hình thức đã và đang gây ra những hệ lụy khôn lường, làm mất trật tự an toàn xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín dụng đen “bủa vây” làng quê

Tín dụng đen “bủa vây” làng quê

Dịch vụ cho vay trả góp được chào mời tại nhiều khu vực nông thôn.

Thời gian gần đây tình trạng tín dụng đen nở rộ, hoạt động công khai ở các làng quê dưới nhiều hình thức đã và đang gây ra những hệ lụy khôn lường, làm mất trật tự an toàn xã hội.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay ở nhiều tuyến đường từ huyện lỵ cho đến làng quê có rất nhiều tờ quảng cáo “cho vay không thế chấp” được dán trên các cây xanh, cột điện, bức tường, là phương thức mời chào của nhiều đối tượng cho vay nặng lãi. Các loại tờ quảng cáo này với đủ kích cỡ từ 1/2 khổ giấy A4 đến cả khổ giấy A3 được dán khắp nơi. Thông tin rõ ràng, bắt mắt, mời gọi hấp dẫn theo kiểu: Bạn cần tiền? chỉ cần “nhấc điện thoại”, thủ tục nhanh - gọn, hay “cho vay không cần thế chấp”, chỉ cần “số điện thoại” “thời gian giải quyết từ 5 đến 10 phút”... Thậm chí thời gian gần đây, để tạo sự “an tâm” cho khách hàng, trên những tờ rơi quảng cáo công khai này, các đối tượng cho vay nặng lãi còn mạo danh là cán bộ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Thực tế cho thấy, hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều mánh khóe để qua mắt cơ quan chức năng. Có trường hợp, các đối tượng cho vay nặng lãi “núp bóng” các công ty tài chính, cơ sở kinh doanh nhằm tạo vỏ bọc hoàn hảo trước pháp luật. Bà Lê Thị Thương, ở thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa), bức xúc: “Các tuyến đường tại thị trấn có đầy tờ rơi, quảng cáo dịch vụ cho vay trả góp. Thậm chí, nhiều người còn tìm đến nhà người dân để tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay. Trong khi đó các cơ quan chức năng chưa có biện pháp để xử lý dứt điểm”.

Qua tìm hiểu được biết, đằng sau những lời mời chào hấp dẫn trên luôn ẩn chứa những cạm bẫy lãi suất “khủng” mà không phải ai cũng biết. Một khi đã lỡ sa chân vào tín dụng đen, chữ ký còn chưa ráo mực thì “thân chủ” đã mặc nhiên trở thành “khổ chủ” của chiếc bẫy tinh vi và tàn độc. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để buộc người vay phải bán tài sản, nhà cửa để trả nợ. Làm cho nhiều người vay tiền do không trả được nợ phải bỏ trốn. Chính điều này đã làm phát sinh các loại tội phạm như: Siết nợ, đòi nợ thuê; giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, ném chất bẩn vào nhà dân. Trên thực tế, có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen. Chị Nguyễn Thị H. (45 tuổi, sống ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) đang rất khốn khổ vì lỡ vay tín dụng đen. 3 tháng trước, do cần một khoản tiền gấp để trang trải những thua lỗ trong làm ăn, chị H. liên hệ số điện thoại quảng cáo cho vay tiền dán trên cột điện, vay nóng 50 triệu đồng, trả trong vòng 4 tháng. Chị H. có một quán ăn nhỏ là thu nhập chính của gia đình. Từ khi vay, mỗi ngày chị đều phải đóng 700.000 đồng tiền góp, thu nhập từ quán ăn không đủ để đóng cho chủ nợ. Chị H. rơm rớm nước mắt kể: “Có những ngày chưa kịp có tiền để đóng, tụi nó cho người đến quậy phá quán, từ lúc ấy, gia đình tôi lúc nào cũng lục đục, kinh tế gia đình trở nên khó khăn gấp bội. Tôi chỉ mong sớm trả nợ hết mấy tháng còn lại để có thể ổn định, an tâm công việc”.

Trung tá Lê Văn Trung, Phó trưởng Công an huyện Hoằng Hóa, cho biết: Do nhu cầu vay của người dân lớn, trong khi đó thủ tục vay lại đơn giản nên người dân sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao mà bất chấp những rủi ro từ những hoạt động tín dụng bất hợp pháp này. Đây cũng là khó khăn cho lực lượng công an trong việc thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý loại tội phạm này.

Để ngăn chặn, xử lý tình trạng tín dụng đen hoành hành, cơ quan chức năng cần ra quân triệt phá các băng nhóm; tuyên truyền, vận động để người dân cảnh giác, không nhẹ dạ mắc bẫy. Cơ quan chức năng cần ra quân thu hồi, xóa bỏ triệt để các tờ rơi, quảng cáo mời chào cho vay được dán khắp nơi tại các khu dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vì đây là hình thức quảng cáo vi phạm luật. Đặc biệt, một vấn đề đặt ra là các đoàn thể ở cơ sở phải sát cánh cùng người nghèo, người sản xuất cần vốn, để kịp thời hỗ trợ, có những chính sách, thủ tục phù hợp để họ dễ dàng tiếp cận được các nguồn vay “sạch”, nguồn vay chính thống, có lãi suất phù hợp để sản xuất, tháo gỡ khó khăn kinh tế.

Quốc Hương


Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]