(Baothanhhoa.vn) - Cách trung tâm xã Vân Am (Ngọc Lặc) khoảng 10 km, làng Sùng của đồng bào Mường nằm nép mình bên dòng sông Âm và sông Xạo hiền hòa. Giữa không gian yên tĩnh của núi rừng, chúng tôi ngồi hàn huyên, tâm sự tại nhà ông Lê Minh Thành, trưởng làng Sùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Tiếng kẻng bình yên” ở bản Mường

Cách trung tâm xã Vân Am (Ngọc Lặc) khoảng 10 km, làng Sùng của đồng bào Mường nằm nép mình bên dòng sông Âm và sông Xạo hiền hòa. Giữa không gian yên tĩnh của núi rừng, chúng tôi ngồi hàn huyên, tâm sự tại nhà ông Lê Minh Thành, trưởng làng Sùng.

Ông Lưu Văn Thương, công an viên kiêm phó thôn Trung Hòa, xã Minh Sơn được giao đánh kẻng báo nghiêm.

Dù cuốn hút chúng tôi với những câu chuyện về văn hóa của người Mường, những đổi thay của làng Sùng nhưng chốc chốc, ông Thành lại liếc mắt nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường. Đúng 22 giờ, ông trưởng làng đi làm nhiệm vụ. Ông cầm theo cái búa đinh đi lên sân thượng và tiến gần lại cái kẻng. Sau 1 hồi, 9 tiếng kẻng, ông Thành trở lại bàn trà tiếp tục câu chuyện còn dang dở. Ông giải thích: “Để kẻng trên sân thượng thì tiếng mới vang vọng khắp làng. Người dân làng mình đã quen với tiếng kẻng gần 1 năm nay rồi”. “Tiếng kẻng bình yên” phát ra từ sân thượng nhà trưởng làng Sùng mang theo thông điệp đã đến giờ “giới nghiêm” mọi gia đình phải nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm. Ở làng Sùng dường như không ai bảo ai, sau tiếng kẻng mọi người đều giữ trật tự không gây ồn ào, ảnh hưởng đến người xung quanh và cất, nhấc những đồ đang còn để ngoài sân, vườn vào trong nhà để tránh mất trộm.

Như thường lệ, sau tiếng kẻng, các thành viên ban an ninh của làng đi tuần tra. Tổ tuần tra gồm: Công an viên, thôn đội trưởng, thành viên tổ an ninh trật tự (ANTT). Biết nhà trưởng làng có khách, tổ tuần tra đã vào kiểm tra hành chính theo đúng quy định. Sau những thủ tục cần thiết, chúng tôi xin theo chân ban an ninh làng đi làm nhiệm vụ. Làng tuy nhỏ nhưng việc đi tuần tra ở các cụm dân cư, ngõ xóm lại khá vất vả vì đường đất. Sau một vòng tuần tra, chúng tôi nhận thấy, tuyệt nhiên không có người đi ngoài đường sau giờ “giới nghiêm”, hơn 65 nóc nhà đều yên ắng.

Sau đêm bình yên ở làng Sùng, chúng tôi về thôn Trung Hòa, xã Minh Sơn. Dạo bước trên những con đường bê tông kiên cố, chạy vào tận cổng của từng hộ gia đình, mới thấy hết sự đổi thay nơi xứ Mường. Với người dân nơi đây, tiếng kẻng không chỉ giữ bình yên mà còn giúp họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, loại bỏ những thói quen sinh hoạt lạc hậu. Giống nhiều bản làng khác trong huyện, đúng 22 giờ hằng đêm, ông Lưu Văn Thương, công an viên kiêm phó trưởng thôn lại đánh 1 hồi, 9 tiếng để báo với mọi người đã đến giờ “giới nghiêm”. Trước đây, người dân thôn Trung Hòa sinh hoạt không được nền nếp như bây giờ. Ông Thương chia sẻ: Kể từ ngày có “tiếng kẻng bình yên”, thôn Trung Hòa không còn tình trạng trộm cắp, mất ANTT vào ban đêm. Mặt khác nhờ được tuyên truyền, vận động, bà con ở thôn Trung Hòa đã thay đổi thói quen sinh hoạt. Đám hiếu, đám hỷ được tổ chức nhanh gọn, tiết kiệm, không kéo dài quá 22 giờ đêm. Mọi người dân trong thôn, ai cũng ủng hộ và mong muốn “tiếng kẻng bình yên” được duy trì bền vững.

Quay trở lại phố huyện gặp Trung tá Hoàng Bá Bộ, Phó trưởng Công an huyện Ngọc Lặc, anh cho biết: “Nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn trên địa bàn, tháng 9-2017, Công an huyện Ngọc Lặc triển khai phong trào “tiếng kẻng bình yên” ở 281 thôn, làng, khu phố thuộc 22 xã, thị trấn trong huyện. Bên cạnh các mô hình “dòng họ tự quản về ANTT”, “hội đồng hương tự quản về ANTT”, thì “tiếng kẻng bình yên” được xem là nét mới trong công tác giữ gìn an ninh nông thôn ở huyện Ngọc Lặc”. Qua gần 1 năm triển khai, “tiếng kẻng bình yên” ở các bản, làng trên đất Ngọc Lặc đã huy động sự tham gia của quần chúng nhân dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm ở cơ sở. Nhiều vụ việc đã được phát hiện từ phong trào “tiếng kẻng bình yên” ở các bản làng. Chiến công tiêu biểu phải kể đến vụ việc xảy ra vào 22 giờ 30 phút, ngày 8-2-2018 tại làng Mai, xã Cao Thịnh. Sau tiếng kẻng “giới nghiêm”, ban an ninh làng Mai đã đi tuần tra và phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Ngay lập tức hồi kẻng báo động của làng vang lên, lực lượng an ninh và quần chúng nhân dân làng Mai đã tổ chức vây bắt được đối tượng Quách Văn Mạnh, sinh năm 1993, ở xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc). Qua lời khai, đối tượng Mạnh đã thừa nhận hành vi vào nhà anh Phạm Văn Thi trộm cắp tài sản. Sau đó, ban an ninh làng Mai giao đối tượng Mạnh cho Công an xã Cao Thịnh xử lý theo quy định của pháp luật. Hay, vụ việc xảy ra vào đêm 20-4-2018, ở phố Lê Đình Chinh, thị trấn Ngọc Lặc. Qua tuần tra, Công an thị trấn Ngọc Lặc, phát hiện, bắt được đối tượng Đỗ Duy Hiếu, sinh năm 1989, ở xã Xuân Dương (Thường Xuân) trộm của chị Nguyễn Thị Mai, ở phố Lê Đình Chinh một điện thoại di động và máy tính xách tay...

“Từ ngày có “tiếng kẻng bình yên” sinh hoạt của nhân dân ở các bản làng trên địa bàn huyện đi vào nền nếp. Thông qua hoạt động tuần tra, nhân dân các bản, làng đã chủ động trong đấu tranh trấn áp, phòng ngừa kịp thời với các loại tội phạm trộm cắp, gây rối trật tự nơi công cộng... Theo tôi “tiếng kẻng bình yên” có tác dụng rất tốt vì vậy cần được duy trì một cách bền vững” - Trung tá Hoàng Bá Bộ, Phó trưởng Công an huyện Ngọc Lặc chia sẻ.


Ghi chép của Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]