(Baothanhhoa.vn) - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, những tháng đầu năm nay, tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua địa bàn tỉnh vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự phát hiện, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Các mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu vào nhóm hàng: May mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng cấm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, những tháng đầu năm nay, tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua địa bàn tỉnh vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự phát hiện, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Các mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu vào nhóm hàng: May mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ...

Tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng cấm

Lực lượng chức năng tiêu hủy bánh mỳ nhập lậu.

Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe ô tô có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng thường “xé lẻ” hàng hóa, vận chuyển xen ghép hoặc vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe ô tô có tải trọng nhẹ để che giấu và trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng kênh phân phối thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Hình thức kinh doanh này phát triển mạnh ở một số lĩnh vực, như: Mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Mặc dù được bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và mạng xã hội; tuy nhiên, hình thức kinh doanh này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý.

Không những vậy, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đối tượng phạm tội phần lớn đã có tiền án, tiền sự và nghiện hút ma túy; nguồn hàng chủ yếu các đối tượng lấy từ Lào về, hoặc các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Sơn La... Các đối tượng lợi dụng hoạt động qua lại, thăm thân của nhân dân hai bên biên giới để vượt biên sang các bản giáp biên của Lào mua bán, vận chuyển về Việt Nam bán cho các đối tượng trong địa bàn và nội địa. Thủ đoạn của các đối tượng thường lợi dụng đường mòn, đường tắt để vượt biên giới hoặc cất dấu ma túy trong người sau đó trà trộn với hành khách trên các xe khách để vận chuyển.

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm đối với hoạt động buôn lậu, hàng cấm. Các lực lượng Công an tỉnh, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, kiểm lâm, hải quan, ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường chỉ đạo, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm tại các tuyến biên giới đất liền, đường biển, đường sắt, tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các trung tâm thương mại. Lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra các mặt hàng cấm, hàng lậu gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội cũng như tính mạng, sức khỏe của nhân dân, như: Ma túy, vật liệu nổ, đồ chơi trẻ em, các loại thực phẩm chế biến sẵn... Qua kiểm tra, 8 tháng đầu năm, các ngành chức năng đã xử lý 93 vụ vi phạm. Trong đó, có một số vụ việc điển hình như: Ngày 1-4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thanh Hóa phối hợp và Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra, bắt giữ 1 vụ vận chuyển gần 2.000 thùng bánh kẹo và đồ chơi trẻ em, có trọng lượng gần 5 tấn, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa bàn huyện Quảng Xương. Ngày 4-7, trên tuyến Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Quảng Xương), Đội Quản lý thị trường số 16, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã phối hợp với cơ quan điều tra Công an tỉnh, tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 30N-9948, do Đỗ Hải Dưỡng (trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở gần 7.000 hộp Shisha (loại 250g) không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng giá trị lô hàng ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa - Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cho biết: Dự báo thị trường hàng hóa thời gian tới sẽ sôi động và có những diễn biến phức tạp do vào mùa cung ứng, kinh doanh hàng hóa phục vụ năm học mới và thu đông, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương và địa phương trong công tác chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại. Tích cực phối hợp với các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu và chấp hành các quy định pháp luật. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng, chú trọng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Triển khai quyết liệt, đồng bộ trên diện rộng hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Minh Hằng


Bài Và Ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]