(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường do các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh gây ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường đấu tranh bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường do các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh gây ra.

Tăng cường đấu tranh bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quan Hóa tuyên truyền cho các cơ sở chế biến lâm sản thực hiện tốt trong công tác bảo vệ môi trường.

Sản xuất và chế biến lâm sản là ngành đã, đang góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương. Hiện, toàn tỉnh có trên 1.000 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực chế biến lâm sản, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, một số cơ sở còn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Hoạt động chế biến lâm sản có ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề môi trường, như: tác động đến nguồn nước, tiếng ồn, không khí... do các cơ sở chế biến lâm sản chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ và tự phát với vốn đầu tư không lớn, chủ yếu lao động thủ công, các thiết bị chậm đổi mới, diện tích sản xuất chật hẹp. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất của các cơ sở có các công đoạn, như: tẩy trắng nguyên liệu đối với các sản phẩm nan, tăm, bào gỗ, hệ thống xử lý nước thải sản xuất chưa được đầu tư xây dựng. Trong đó, một số cơ sở sản xuất bột giấy, vàng mã, đũa trên địa bàn các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước có hệ thống xử lý nước thải, chất thải chưa đạt chuẩn. Các bể chứa nước thải, chất thải vẫn còn tạm bợ, chưa quy củ, vì vậy lượng nước thải, chất thải vẫn chưa được xử lý đạt yêu cầu trước khi xả ra môi trường. Không chỉ vậy, đáng lo ngại hơn khi các cơ sở, doanh nghiệp vẫn tìm “kẽ hở” để xả trộm nước thải ra môi trường. Đồng thời, phần lớn các cơ sở chế biến lâm sản thường xây dựng gần vùng nguyên liệu nhằm bảo đảm thuận lợi cho việc thu mua. Tuy nhiên, điều này lại gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân do việc phát sinh các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn.

Trong khi đó, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Hành lang pháp lý về xử lý hình sự và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa được quy định cụ thể và chưa đủ sức răn đe, nên dẫn đến tình trạng các đối tượng lợi dụng sự sơ hở này để hoạt động...

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên lĩnh vực môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản, thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tích cực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường trong chế biến lâm sản. Riêng lực lượng cảnh sát môi trường và công an các huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản. Trong năm 2019 và 9 tháng năm 2020, qua công tác kiểm tra, các lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính gần 20 cơ sở chế biến lâm sản vi phạm pháp luật về môi trường. Điển hình, ngày 5-5-2020, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Quan Hóa lập biên bản xử lý đối với HTX chế biến lâm sản Hà Long và HTX chế biến lâm sản Sông Mã cơ sở 1 về hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Trước đó, Công an huyện Quan Hóa cũng đã tham mưu cho UBND huyện xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH chế biến lâm sản Bảo Yến, ở xã Phú Thanh (Quan Hóa) về hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, với số tiền 20 triệu đồng...

Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường nói chung, tại các cơ sở chế biến lâm sản nói riêng, thời gian tới lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp trọng tâm như: tăng cường công tác nắm tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn; tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các cơ sở chế biến lâm sản; triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chú trọng công tác phối hợp với các ngành chức năng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; chủ động có kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm môi trường trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường... Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác bảo vệ môi trường và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường ở trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Quốc


Bài Và Ảnh: Lê Quốc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]