(Baothanhhoa.vn) - Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với xe khách “limousine” của một nhà xe tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) xảy ra chiều qua (5-3) trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình khiến 2 người thiệt mạng, 2 người bị thương đã gióng lên một hồi chuông báo động nghiêm trọng về tình trạng mất an toàn giao thông đối với loại xe vận tải hành khách nhưng lại là dạng núp bóng hợp đồng này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi ám ảnh mang tên “limousine”

Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với xe khách “limousine” của một nhà xe tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) xảy ra chiều qua (5-3) trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình khiến 2 người thiệt mạng, 2 người bị thương đã gióng lên một hồi chuông báo động nghiêm trọng về tình trạng mất an toàn giao thông đối với loại xe vận tải hành khách nhưng lại là dạng núp bóng hợp đồng này.

Nỗi ám ảnh mang tên “limousine”

Xe ô tô khách "limousine" mang BKS 36B-027.16 gây tai nạn chiều 5-3 khiến 2 người tử vong, 2 người bị thương

Có lẽ, tại khu vực miền Bắc, Thanh Hóa được xem là “mảnh đất vàng” để loại hình xe khách limousine hoạt động và cũng là một trong những địa phương có số lượng loại hình xe này hoạt động nhiều nhất, sôi động nhất và tính cạnh trạnh cũng cao nhất. Tuyến Thanh Hóa – Hà Nội và ngược lại được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, nhà xe đưa loại xe limousine vào khai thác triệt để nhiều năm nay. Loại hình vận tải hành khách này trong những năm gần đây là dần chiếm hết hành khách của các loại xe khách khác và cũng được nhiều người dân lựa chọn sử dụng.

Gọi là xe khách limousine – nhưng trên thực tế đây là dạng xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách song núp bóng hợp đồng. Không cần đăng ký vào bến bãi, đồng nghĩa với việc không phải gắn biển “xe chạy tuyến cố định” như những loại xe khách khác theo quy định; chỉ cần bán vé ghi rõ “hợp đồng vận tải”, có ghi tên hành khách trên vé; bố trí nơi đỗ xe ở đầu Thanh Hóa và Hà Nội, cũng là nơi tập kết đón - trả khách. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ cần đủ người là xuất phát. Và trên đường đi, nếu có bị cơ quan chức năng kiểm tra, nhà xe đã chuẩn bị sẵn danh sách hành khách trên xe kèm những tấm vé “hợp đồng vận tải”. Bằng cách này, loại xe limousine đã “lách luật quá khéo léo” và gần như đã qua mặt được cơ quan chức năng.

Mặc dù giá vé tuyến Hà Nội – Thanh Hóa của loại hình xe này ít nhất là từ 160.000 đồng với ghế ngồi hạng B và 180.000 đồng trở lên với ghế hạng A, đắt hơn rất nhiều so với xe khách thông thường với mức giá chỉ tầm 100.000 đồng nhưng loại hình limousine trong khoảng 3-4 năm trở lại đây đã trở nên phổ biến trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số địa phương khác trong tỉnh như Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Bỉm Sơn… Trong đó, TP Thanh Hóa hiện nay có số lượng các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã vận tải kinh doanh loại hình vận tải hành khách được xem là “béo bở” này nhiều nhất với trên dưới chục đơn vị cùng hang trăm đầu xe. Các loại xe limousine hiện nay chủ yếu là xe 16 chỗ (loại Ford Transit và Mercedez Sprinter). Các xe đều được cải hoán, bỏ bớt số ghế, bố trí 4 ghế hạng A có cả massage và khoảng 5 ghế hạng B, bao gồm ghế cạnh lái và ghế sau cùng. Xe đã được thay đổi nội thất, hệ thống điện, lắp thêm đèn trang trí, bố trí các đầu sạc điện thoại và nhiều tiện nghi khác. Cùng với dịch vụ đưa đón tận nhà và tiện nghi trên xe, nên loại xe limousine này đã được nhiều người dân ưa thích và lựa chọn làm phương tiện đi lại tuyến Thanh Hóa – Hà Nội. Theo Nghị định 86/2014/NĐ - CP và Thông tư 63/2014/TT - BGTVT đều có lỗ hổng là chỉ yêu cầu xe hợp đồng từ 10 chỗ trở lên phải báo cáo các thông tin như hành trình, danh sách khách, điểm đón trả... về Sở Giao thông – Vận tải địa phương, trước khi thực hiện hợp đồng. Để lách luật, xe 16 chỗ hoán cải thành xe 9 chỗ như xe Limousine, VIP…

“Lách luật thành công” lại được ưa thích nhờ tiêu chuẩn chất lượng phục vụ hành khách ở “hạng thương gia”,vì vậy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm xe, tổ chức cả chục chuyến mỗi ngày từ sáng sớm đến tối muộn. Có hãng duy trì tần suất cứ 30 phút, 1h đồng hồ là lại có chuyến xe ra – về. Xe núp bóng hợp đồng tung hoành khắp nơi là nguyên nhân dẫn đến các bến xe do Nhà nước xây trở nên vắng vẻ, nhiều doanh nghiệp vận tải trước đây chuyên chạy tuyến Thanh Hóa – Hà Nội và ngược lại tại các bên xe phía Tây, phía Bắc nay cũng đành “bỏ lốt” do không cạnh tranh được với các xe limousine dù đã đăng ký tuyến cố định, vào bến đón trả khách, bán vé đúng quy định…

Sự phát triển của loại hình xe limousine trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong 2 năm gần đây tăng nhanh chóng mặt. Cuộc cạnh tranh giữa các nhà xe, doanh nghiệp kinh doanh loại hình xe này cũng ngày càng khốc liệt hơn. Cung tăng lên nhưng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng và điều đáng lo ngại nhất là vấn đề an toàn tính mạng cho hành khách khi những “cuộc đua tốc độ” trên đường ngày càng phức tạp, nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và xảy ra tai nạn. Anh Vũ Hải, cán bộ Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Tôi thường đi loại xe limousine để đi tuyến Hà Nội – Thanh Hóa thăm gia đình vào ngày lễ, tết và có việc. Về độ tiện nghi và sự phục vụ của loại hình xe này thì khá tốt nhưng nói thật, có nhiều chuyến lái xe cho xe chạy quá tốc độ khiến hành khách như tôi không khỏi lo sợ. Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình quy định tối đa là 120 km nhưng lái xe đều chạy 130 - 140km/h thậm chí lên đến 160km/h. Trong điều kiện đường sá tại Việt Nam có rất nhiều vấn đề, chạy quá tốc độ như vậy rất nguy hiểm, khi xảy ra sự cố sẽ khó kiểm soát tay lái và dễ dẫn đến những tai nạn thảm khốc. Có nhà xe chạy từ Hà Nội vào Thanh Hóa chỉ mất hơn 2h đồng hồ. Là hành khách, khi đã lên xe điều chúng tôi cần nhất là sự an toàn, sau đó mới nói đến chất lượng phục vụ, giá vé. Điều này bản thân người lái xe phải có đạo đức, ý thức bảo đảm tính mạng cho hành khách, chứ không phải cứ phóng bạt mạng trên đường thì quả thực là rất nguy hiểm”.

Trên thực tế, qua khảo sát từ trên mạng xã hội, nhất là các diễn đàn như Otofun, Bạn hữu đường xa, vận tải, xe ô tô… đã có rất nhiều những thông tin, hình ảnh được người dân, hành khách phản ánh về tình trạng mất an toàn của loại hình xe limousine này. Có nhiều người đã ví von loại xe này như là “quan tài bay” mà không như những slogan mỹ miều đã được giới thiệu như “lâu đài di động”, “ngôi nhà di động – mobi home”, “chuyên cơ mặt đất”… Lỗ hổng từ công tác quản lý đối với loại hình xe khách limousine là khá rõ khi loại hình xe này đang có sự “bành trướng”, không ngừng mở rộng, lấn át hết cả các loại xe khách khác, tạo ra sự bất công bằng trong vận tải hành khách. Trong khi đó, yếu tố quan trọng nhất là an toàn lại đang ngày càng giảm sút. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên đường xảy ra như cơm bữa. Những bằng chứng bằng hình ảnh, video clip, thông tin xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội… Tuy vậy, những phản ánh, thông tin nói trên được gửi tới các cơ quan chức năng thông qua các đường dây nóng lại rất hiếm. Nhiều người vì lo sợ cho sự an toàn tính mạng của bản thân và gia đình đã “cạch” hẳn loại xe này sau khi đã được trải nghiệm vài sự cố hú vía trên đường.

Vậy vì sao, loại xe tiện nghi với chất lượng “hạng thương gia” này lại thường xuyên chạy “bạt mạng” trên đường như vậy. Anh L.V.T, một người từng có 2 năm lái loại xe này chia sẻ: "Bình quân mỗi chuyến, lái xe như em sẽ được từ 150.000 đến 200.000 đồng (tùy theo nhà xe), bởi vậy, nếu một ngày chạy được 2 vòng Thanh Hóa – Hà Nội sẽ có thu nhập tốt. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lái xe phải cố chạy thật nhanh, để bù lại khoảng thời gian có thể gặp tắc đường ở cửa ngõ Hà Nội và quan trọng nhất là làm sao có thể chạy được nhiều chuyến trong 1 ngày thì mới cớ thu nhập tốt. Biết chạy quá tốc độ là không an toàn và dễ xảy ra tai nạn nhưng áp lực về kinh tế, mưu sinh cũng khiến không ít lái xe bất chấp và chạy quá tốc độ”.

Qua tìm hiểu từ một số nhà xe chuyên chạy limousine, việc tuyển lái xe là rất quan trọng, quyết định thành – bại của doanh nghiệp và quan trọng nhất là phải đưa tính mạng con người – tức là hành khách lên hàng đầu. Không chỉ phải bảo đảm về sức khỏe, các tài xế xe limousine phải là người có đạo đức người lái xe, có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự. Tuy vậy, việc kiểm soát các lái xe chạy quá tốc độ trên đường thì chủ các doanh nghiệp này lại không làm được điều đó khi không có các thiết bị theo dõi, hành trình. Khi nào xảy ra sự cố, tai nạn thì lúc đó mới “một hộp đen”. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các xe limousine chưa chắc đã có đầy đủ hộp đen, thiết bị ghi nhớ hành trình… Chưa kể, việc cải hoán, thay đổi, lắp thêm các thiết bị điện, đèn trang trí, ghế massage (có dùng điện)…còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập điện dẫn đến cháy nổ. Cách đây hơn 2 năm một xe limousine của một doanh nghiệp Thanh Hóa khi chạy ra đến gần Pháp Vân (Hà Nội) đã bị bốc cháy do chập điện.

Nỗi ám ảnh mang tên “limousine”

Chính xe ô tô khách "limousine" mang BKS 36B-027.16 đã gây tai nạn trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Quảng Bình huyện Quảng Xương vào ngày 23-1 khiến người điều khiển xe máy tử vong.

Trở lại vụ việc xảy ra vào 17 giờ 27 chiều 5-3, xe khách Limousine 16 chỗ (hoán cải thành xe 9 chỗ) mang biển kiểm soát 36B-027.16 do Nguyễn Hữu Hậu (30 tuổi, trú tại huyện Tĩnh Gia) điều khiển, va chạm với một container cùng chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại chỗ, 2 người khác bị thương. Trước đó, vào ngày 23-1, tại km 339+600 quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Ngưu Trung, xã Quảng Bình (huyện Quảng Xương), cũng chính chiếc xe ô tô 16 chỗ này, thời điểm đó do tài xế Nguyễn Minh Bàng (28 tuổi, ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia) điều khiển, đã tông vào xe máy mang biển số 36B2-612.31 khiến người điều khiển xe máy là ông Hoàng Công Đức (59 tuổi, ở xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương) tử vong tại chỗ. Hành khách trên “chuyên cơ mặt đất này” được một phen “mất vía”.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên hai vụ tai nạn đều gây chết người của chiếc xe limousine mang biển kiểm soát 36B-027.16 đã gây ra một nỗi ám ảnh, khiếp sợ của không ít người dân, hành khách lâu nay vẫn chọn loại xe này để đi lại. Nỗi ám ảnh lớn nhất là tình trạng mất an toàn của loại xe khách này và liệu có còn xảy ra những vụ tai nạn tương tự nào nữa hay không. Câu hỏi và nỗi băn khoăn này xin gửi tới các cơ quan chức năng. Và để mỗi chuyến xe không còn được ví như những “cỗ quan tài bay”, các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc một cách nghiêm túc để đằng sau vẻ hào nhoáng của cái gọi là “chuyên cơ mặt đất” , “hạng thương gia” kia không còn những nỗi đau .

MC



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Lê Tiến Kiên - 20:27 06/03/19

 Trả lời

Bài viết tốt.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]