(Baothanhhoa.vn) - Khi “tấc đất” trở thành “tấc vàng”, lợi dụng sự lỏng lẻo và những kẽ hở trong quản lý đất đai, nhiều cán bộ bị tha hóa đã tranh thủ vụ lợi gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, làm thất thoát không nhỏ tài sản của Nhà nước, công dân, để lại những hệ lụy nặng nề...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn từ những vụ việc “con voi chui lọt lỗ kim”: Bài 1: Buông lỏng quản lý, “trục lợi” đất công

Khi “tấc đất” trở thành “tấc vàng”, lợi dụng sự lỏng lẻo và những kẽ hở trong quản lý đất đai, nhiều cán bộ bị tha hóa đã tranh thủ vụ lợi gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, làm thất thoát không nhỏ tài sản của Nhà nước, công dân, để lại những hệ lụy nặng nề...

Nhìn từ những vụ việc “con voi chui lọt lỗ kim”: Bài 1: Buông lỏng quản lý, “trục lợi” đất công

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quảng Xương thi hành lệnh bắt tạm giam ông Hoàng Văn Kiện, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lộc về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn (cùng các đối tượng khác) lập hồ sơ khống chiếm đoạt 8 lô đất. Ảnh: Thanh Bình (Công an tỉnh)

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 200 đối tượng bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử vì liên quan đến đất đai, trong số này có gần 100 cán bộ, công chức thuộc UBND các huyện, xã tham nhũng, tiêu cực. Một số vụ xảy ra với tính chất nghiêm trọng như: Vụ một số cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Mường Lát trong quá trình thực hiện kiểm kê bồi thường GPMB dự án đường Hồi Xuân – Tén Tằn và đường giao thông từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát đã có hành vi lập khống hồ sơ bồi thường nhà ở, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, nâng khống diện tích đất, chuyển đổi đất từ giá trị thấp thành đất có giá trị cao để chiếm đoạt tiền của Nhà nước hơn 4 tỷ đồng. Vụ một số cán bộ UBND xã Quảng Thịnh và Ban GPMB TP Thanh Hóa lập khống hồ sơ bồi thường GPMB tại thôn Tiến Thọ, xã Quảng Thịnh để chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của Nhà nước. 2 vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở và lập khống hồ sơ bồi thường GPMB gây thất thoát gần 3 tỷ đồng tại 2 xã Tân Trường và Hải Yến, huyện Tĩnh Gia...

Gần đây nhất, ngày 14-5-2019, Công an huyện Quảng Xương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với 3 đối tượng gồm: Bùi Mạnh Thành, sinh năm 1976, nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc; Lâm Văn Quang, sinh năm 1979, chuyên viên phòng tài nguyên - môi trường và Nguyễn Hữu Tín, sinh năm 1963 là phó trưởng phòng tài nguyên - môi trường huyện Quảng Xương do có liên quan đến sai phạm trong công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB trên địa bàn xã Quảng Lộc vào các năm 2016-2017. Trước đó, liên quan đến vụ án này, ngày 6-10-2018, Công an huyện Quảng Xương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hoàng Văn Sơn, sinh năm 1983 là cán bộ địa chính xã Quảng Lộc và Bùi Ngọc Dũng, sinh năm 1985 là trưởng thôn 3, xã Quảng Lộc để điều tra, làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, câu kết với nhau lập khống hồ sơ, tăng diện tích bồi thường của 126 hộ dân trên địa bàn thôn 3, xã Quảng Lộc trong diện được bồi thường để chiếm đoạt của Nhà nước gần 800 triệu đồng.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống, ngày 17-5-2019, Công an huyện Quảng Xương tiếp tục ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng nguyên là các cán bộ UBND xã Quảng Lộc giai đoạn 2003 – 2006. Theo kết quả điều tra ban đầu, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc hợp pháp hóa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ gia đình, các đối tượng đã bàn bạc, mượn người đứng tên, lập khống hồ sơ trong danh sách xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở để hợp thức hóa 8 lô đất màu thuộc nhóm đất nông nghiệp do UBND xã Quảng Lộc quản lý tại thửa 196, bản đồ số 08 phía Nam sông Cầu trên trục đường Quốc lộ 4A thuộc thôn 8, xã Quảng Lộc, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 300 triệu đồng.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra qua các vụ án này: Vì sao sai phạm diễn ra trong thời gian dài, thiệt hại kinh tế lớn, nhưng những “con voi” tiếp tục “chui lọt qua lỗ kim”? Nếu thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra thì các hành vi vi phạm có cơ hội để dung dưỡng, tồn tại trong một thời gian dài không? Nếu thực hiện đúng các quy định về công khai, minh bạch trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai thì liệu những cán bộ cơ sở được giao quyền có cơ hội để lạm quyền, lộng quyền không?

Nhìn lại các vụ án trên cho thấy, có những sai phạm trong quản lý đất đai như ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương xảy ra liên tiếp, diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều đời cán bộ lãnh đạo xã, đối tượng vi phạm diễn ra ở diện rộng, có xu hướng liên kết để “trục lợi”, từ trưởng thôn, cán bộ địa chính, chủ tịch, bí thư xã cho đến cán bộ cấp huyện, song lại chậm được phát hiện, mà chỉ khi người dân tố cáo, tố giác thì cơ quan chức năng mới vào cuộc làm rõ các sai phạm.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Lợi dụng các kẽ hở trong thực hiện các chính sách Nhà nước về bồi thường GPMB, một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã làm sai lệch hồ sơ hay lập hồ sơ khống để nhận tiền bồi thường GPMB hoặc nhận đất tái định cư. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn thu hồi đất rộng hơn mức cần thiết của dự án, nhưng sau đó chỉ giao cho Nhà nước diện tích đúng như dự án; giao đất không đúng thẩm quyền hoặc chia nhỏ các lô đất sai quy định để chia nhau. Hoặc việc thực hiện không đúng quy trình thẩm định, phê duyệt, sai phạm về trình tự, thủ tục. Không công khai, thiếu dân chủ trong việc kiểm kê, niêm yết danh sách các hộ được nhận tiền bồi thường. Công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm kê bồi thường GPMB còn lỏng lẻo, hình thức, công tác thẩm định hồ sơ qua loa, đại khái dẫn đến không phát hiện kịp thời các sai phạm trong công tác GPMB. Trong việc đăng ký, quản lý các thửa đất, diện tích đất công, đất không ai đăng ký thường được cán bộ địa chính xã, huyện bỏ trống tên hoặc ghi bằng bút chì, sau đó khi có chủ trương thì điền tên đối tượng khác, hợp thức hóa để hưởng lợi. Việc thống kê diện tích đất công không được thực hiện đầy đủ, bỏ ngoài sổ sách để chiếm đoạt. Quá trình quản lý đất đai không có phương án, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến việc cấp đất, giao đất tùy tiện, không đúng đối tượng, không đúng quy định và quy hoạch. Các đối tượng được cấp không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, các cơ quan quản lý không kiểm tra dẫn đến các đối tượng chuyển nhượng, thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, còn có hành vi lợi dụng vấn đề xin dự án, chủ đầu tư đã “lách” luật bằng cách phân lô, bán nền dự án dưới hình thức hợp đồng, hợp tác đầu tư, các cá nhân chuyển nhượng căn hộ, nền đất bằng giấy viết tay là phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều đối tượng sử dụng thủ đoạn thu hồi đất mà không có dự án. Đây là thủ đoạn thực hiện tinh vi hơn so với các thủ đoạn khác trong lĩnh vực đất đai ở chỗ dựa vào tin đồn của dư luận về một số dự án; nhưng thực chất là không có dự án và vẫn tiến hành thu hồi đất đai của nhân dân rồi sau đó sử dụng hồ sơ, giấy tờ giả và thuyết minh là dự án chậm hoặc dự án không có rồi đem chia cho nhau...

Những sai phạm trong quản lý đất đai, bồi thường GPMB không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản của ngân sách Nhà nước, của tổ chức, công dân mà hệ lụy nghiêm trọng hơn là làm mất niềm tin vào cán bộ - những người trực tiếp chuyển tải và triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân, phục vụ nhân dân. Sâu xa hơn, là làm mất niềm tin vào cấp ủy, chính quyền địa phương. Khi những người có chức trách, nhiệm vụ được trao quyền lại lạm quyền, lộng quyền, không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thậm chí tìm mọi cách để bịt đường, đe dọa để người khác không dám đứng lên đấu tranh, tố giác các hành vi tiêu cực, tham nhũng, không dám đấu tranh với cái xấu, dẫn đến làm suy yếu, thậm chí vô hiệu hóa tính chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội khác ở cơ sở, đơn vị.

Bài 2: Tăng cường công tác kiểm tra, phát huy vai trò của nhân dân giám sát, tố giác hành vi tiêu cực.

Thanh Bình – Hà Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]