(Baothanhhoa.vn) - Ma túy “đá” và những thông tin về tác hại của nó đối với đời sống xã hội không còn là điều mới mẻ. Thế nhưng, vì nhiều lý do, nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi vẫn rơi vào “cạm bẫy” này, gây nên những hệ lụy khôn lường, không chỉ là tàn phá sức khỏe, tinh thần mà còn là “mầm mống” của các loại tội phạm nguy hiểm khác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiểm họa ma túy “đá”

Hiểm họa ma túy “đá”

Bác sĩ của khoa Nam I, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy “đá”.

Ma túy “đá” và những thông tin về tác hại của nó đối với đời sống xã hội không còn là điều mới mẻ. Thế nhưng, vì nhiều lý do, nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi vẫn rơi vào “cạm bẫy” này, gây nên những hệ lụy khôn lường, không chỉ là tàn phá sức khỏe, tinh thần mà còn là “mầm mống” của các loại tội phạm nguy hiểm khác.

Rủ nhau chơi “đá”

Mừng sinh nhật bằng ma túy, 14 nam nữ bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Đó là vụ việc xảy ra ngày 6-6-2020, tại một quán karaoke ở xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa). Tại thời điểm bắt giữ, lực lượng chức năng đã thu giữ 1 đĩa sứ còn bám chất bột màu trắng, một thẻ nhựa, 1 tờ tiền polime đã được cuộn tròn dạng ống hút. Qua đấu tranh, bước đầu các đối tượng khai nhận: Nguyễn Đình H. (sinh năm 1997), ở xã Hoằng Phượng tổ chức sinh nhật mình và có mời bạn bè đi ăn nhậu. Sau khi ăn nhậu, khoảng 23 giờ cùng ngày, H. tiếp tục mời mọi người đến quán karaoke để hát. Trong quá trình hát ở đây, H. đưa tiền cho 1 người trong nhóm đi mua ma túy về để cả nhóm sử dụng. Khi các đối tượng này đang sử dụng ma túy và hát hò, thác loạn trong phòng hát karaoke thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Rủ nhau chơi ma túy “đá”, dẫn đến có người tử vong. Đó là vụ việc diễn ra tại huyện Yên Định vào tháng 8-2018. Thời điểm đó, Lưu Thiện C. (sinh năm 2001) thường xuyên đến quán karaoke vào buổi tối để gặp bạn gái. Tại đây, C. gặp Nguyễn Thị NH. (sinh năm 1996) là nhân viên cùng làm với bạn gái của C. ở quán karaoke. Sau một vài lần nghe C. gạ gẫm về việc nhờ mua ma túy “đá” để dùng thử, thì NH. đã thuyết phục bạn trai là Phạm Văn M. (sinh năm 1995) nhắn tin với Đặng Thành N. để nhờ mua ma túy. Sau khi thỏa thuận xong, cả hai gặp C. tại cổng nhà nghỉ và nói: “Tối nay có muốn thuê phòng cạnh phòng NH. chơi cho vui không?”. C gật đầu đồng ý rồi quay sang quán karaoke lấy xe máy và đưa 300.000 đồng cho NH. và M. đi mua ma túy, còn mình thì rủ bạn gái quay về nhà nghỉ đợi. Sau khi M. và NH. đến gặp N. mua được ma túy “đá” và mượn được dụng cụ sử dụng thì cả 3 người đi xe máy quay trở lại nhà nghỉ nơi C. đang đợi. Khi vào phòng nghỉ 105, M. lấy 1 vỏ chai nhựa rồi lấy nước, lắp thành bộ dụng cụ, đặt lên giường. Sau đó, M. bỏ ma túy vào cóng, bật lửa khò đốt và hút hơi ma túy đầu tiên rồi lần lượt chuyển cho mọi người cùng sử dụng. Khoảng 30 phút sau, khi hết ma túy thì cả bọn tiếp tục ngồi chơi điện tử trên điện thoại. Đến khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, N. ra về trước. Một lúc sau, C. bảo mệt nên sang phòng nghỉ 106 nghỉ còn NH., M. và bạn gái C. tiếp tục chơi điện tử. Đến khoảng 6 giờ 30 phút, bạn gái của C. sang gọi C. dậy thì phát hiện C. bị bất tỉnh trong phòng nên gọi mọi người đưa C. đi cấp cứu, nhưng C. đã tử vong. Biết C. tử vong, NH., M. và N. đã đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Yên Định đã trưng cầu giám định các giọt chất lỏng bám dính trong chai nhựa mà các đối tượng đã dùng và kết luận: Chất lỏng có ma túy loại Methamphetamine. Kết luận giám định pháp y xác định nguyên nhân chết của C. là do phù phổi cấp, cơ thể có chứa chất ma túy Methamphetamine.

Các đối tượng NH., N., M. bị đưa ra truy tố, xét xử với tội: “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và đều bị xử phạt từ 7 năm 4 tháng đến 7 năm 6 tháng tù. Đối với bạn gái của C., vốn là người dân tộc thiểu số, chưa đủ 18 tuổi, trình độ văn hóa hạn chế, không biết chữ, bị C. rủ rê lôi kéo tham gia sử dụng ma túy cùng nên không cấu thành tội phạm, không bị xử lý hình sự mà bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Hậu quả khôn lường

Sử dụng ma túy “đá” trong những cuộc tiệc tùng, vui chơi, thác loạn của giới trẻ, nhiều người có lẽ chưa lường trước được những tác hại của nó mà chỉ nghĩ đơn giản là cuộc vui, thử một lần cho biết. Thế nhưng, một khi đã “dấn thân” vào thì muốn thoát ra không còn là chuyện đơn giản.

Bác sĩ CKI Hoàng Thị Hường, Khoa Nam I, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, cho biết: Ma túy đá là tên gọi chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp, có chứa chất Methamphetamine và Amphethamine, thậm chí là Niketamid được phối trộn phức tạp từ nguyên liệu tự nhiên và hóa chất khác nhau, trong đó thành phần chính, phổ biến là Methamphetamine. Việc sử dụng Methamphetamine sẽ mất đi việc kiểm soát hành vi, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Ban đầu là các biểu hiện tiền loạn thần và sau đó thành loạn thần với ảo giác và hoang tưởng, bệnh nhân rơi vào trạng thái rối loạn về tư duy, cảm xúc, có hành vi bạo lực, suy nghĩ tiêu cực. Thậm chí, có những trường hợp chỉ sử dụng ma túy “đá” lần đầu nhưng đã có các triệu chứng loạn thần, hoang tưởng...

Theo bác sĩ Hường, những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa khám, điều trị các di chứng, rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy “đá” ngày càng tăng, đáng chú ý bệnh nhân trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao. Các bệnh nhân khi đến đây điều trị, thường có những biểu hiện lâm sàng như: Nhiễm độc cấp, loạn thần nặng, ăn ngủ kém, lúc khóc, lúc cười, bị kích động, la hét... Một số bệnh nhân nặng bị ảo thanh, ảo thị, cho rằng mình bị theo dõi, bị truy hại và có hành vi tấn công, gây hấn với những người xung quanh hoặc có biểu hiện vã mồ hôi, tăng huyết áp, ớn lạnh, buồn nôn, rối loạn ý thức. Khi rơi vào trạng thái ảo giác người sử dụng ma túy “đá” có thể có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân, người thân và những người xung quanh.

Đối với quá trình điều trị, bác sĩ Hường cho biết: Các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy “đá” phải mất một thời gian dài mới có thể ổn định xuất viện điều trị tại nhà, tuy nhiên các di chứng để lại khá nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống như: Giảm khả năng nhận thức, học tập, vận động, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, mất ngủ, lo âu bởi não bộ đã bị tổn thương.

Ma túy “đá” không chỉ là hiểm họa đối với giới trẻ mà đó còn là nỗi ám ảnh của xã hội khi chứng kiến những bi kịch xảy ra trong những gia đình, khu dân cư vì có người “ngáo đá”. Trên thực tế, đã có không ít những vụ án đau lòng xuất phát từ những cơn “ngáo đá”, từ loạn thần, hoang tưởng và ảo giác chi phối, dẫn đến tình trạng mất khả năng kiểm soát hành vi, ra tay tàn độc với bất kỳ người nào, kể cả người thân, người quen của mình, tàn phá cuộc sống yên vui gia đình và sự an toàn của xã hội. Thực tế đó đòi hỏi mỗi người, mỗi gia đình cần nâng cao nhận biết, giáo dục và rèn luyện để phòng tránh, tự bảo vệ trước hiểm họa ma túy “đá”. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động ở các tụ điểm ca nhạc, phòng hát karaoke, vũ trường, quán bar... để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với những vi phạm có liên quan đến ma túy.

Việt Hương


Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]