(Baothanhhoa.vn) - Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 23 vụ tai nạn đường sắt, khiến 9 người chết, 8 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, số người chết và bị thương đều giảm nhưng số vụ tai nạn tăng thêm 3 vụ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

An toàn giao thông tại các tuyến đường ngang: Phụ thuộc vào ý thức của người dân

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 23 vụ tai nạn đường sắt, khiến 9 người chết, 8 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, số người chết và bị thương đều giảm nhưng số vụ tai nạn tăng thêm 3 vụ.

An toàn giao thông tại các tuyến đường ngang: Phụ thuộc vào ý thức của người dân

Đường ngang giao cắt với đường sắt đoạn qua phố Tân Long 2, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).

Một trong những vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại đoạn đường ngang giao cắt với đường sắt thuộc địa bàn thôn Nghĩa Trang, xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) xảy ra vào khoảng 16h30 phút ngày 17-11-2019, khiến ông H.A.T. - thầy giáo dạy Toán của Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa) tử vong. Theo một số người kể lại, thời điểm xảy ra tai nạn, thầy T. điều khiển xe máy băng qua đường ngang, nhưng do một số người cùng vượt đường ngang phía trước đi chậm lại nên đuôi xe của thầy giáo vẫn còn vướng vào khu vực đường ray. Cùng lúc này, đoàn tàu Bắc – Nam chạy theo lý trình đã lao tới tông trúng đuôi xe, khiến thầy T. văng ra ngoài đập trúng cột mốc giao thông dẫn tới tử vong tại chỗ. Chỉ một phút lơi là, bất cẩn, thiếu tập trung, tai nạn giao thông đường sắt có thể ụp xuống bất cứ lúc nào.

Theo số liệu thống kê của ngành đường sắt, 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ở các lối đi tự mở, đường ngang dân sinh. Con số thống kê cũng chính là lời nhắc nhở để mỗi người dân tự nâng cao ý thức chấp hành, cẩn trọng mỗi khi điều khiển giao thông qua đường sắt. Thế nhưng, trên thực tế, không phải ai cũng nghiêm túc thực hiện, ngay cả ở những đường ngang có người gác, một số hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn giao thông đường sắt vẫn còn diễn ra. Đơn cử, tại đoạn đường ngang giao cắt với đường sắt đoạn qua địa phận phố Tân Long 2, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) là điểm đường ngang có người gác, được lắp đặt hệ thống rào chắn. Đây được xem là con đường gần nhất nối từ Quốc lộ 1A vào khu dân cư trung tâm của phường Hàm Rồng nên có nhiều người qua lại hằng ngày. Khu vực này khá chật hẹp, nhiều góc khuất và dốc. Vì lý do an toàn, tại điểm đường ngang này chỉ có phương tiện như xe máy, xe đạp, xe thô sơ mới được phép qua lại. Ngay tại điểm dốc, ngành giao thông cũng gắn biển báo cấm phương tiện ô tô qua lại đường ngang, đồng thời đặt cọc biển báo ngay giữa đường để “cản” ô tô. Thế nhưng, việc thực hiện quy định dường như vẫn chưa trở thành ý thức, trách nhiệm của nhiều người khi tham gia giao thông qua đây. Hằng ngày, có không ít ô tô loại nhỏ vẫn ngang nhiên “lách” qua bất chấp biển cấm. Đáng chú ý, đến cả biển báo cấm ô tô cũng bị một số đối tượng cố tình phun sơn màu đỏ?!

Tuyến đường sắt đi qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài hơn 100km, hầu hết chạy song song với đường bộ và qua khu đô thị, đông dân cư như thị xã Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa, khu kinh tế Nghi Sơn và các thị trấn huyện. Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng 2 tuyến đường sắt: Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Ciment Bỉm Sơn nối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại Ga Bỉm Sơn. Đáng lưu ý, theo thống kê của công ty, tính đến cuối năm 2019, trên toàn tuyến có 70 đường ngang hợp pháp và 91 lối đi tự mở đi qua đường sắt tồn tại từ lâu.

Để tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường sắt qua địa phận tỉnh, Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương có đường sắt đi qua lập hồ sơ quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, qua đó bàn giao chính quyền địa phương để cùng quản lý khi có phát sinh các vụ vi phạm hành lang mới, nâng cấp hoặc cải tạo nhà ở trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt. Phối hợp với chính quyền địa phương có đường sắt đi qua lập hồ sơ quản lý lối đi tự mở, không để phát sinh các lối đi mới, không được mở rộng lối đi, không di dời hoặc tháo dỡ các bục hạn chế, biển báo tại lối đi tự mở. Riêng trong năm 2019, hành lang đường sắt được giữ vững, lối đi tự mở không phát sinh và rào đóng được 15 lối đi (năm 2018 có 106 lối đi tự mở tồn tại trên tuyến). Đơn vị bổ sung đầy đủ các loại biển báo, làm gờ giảm tốc, vạch dừng trên các đường ngang theo đúng quy định, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để các phương tiện qua lại an toàn. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư nâng cấp một số đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo có cần chắn tự động. Duy trì hệ thống biển báo “Chú ý tàu hỏa”, cọc bê tông hạn chế giao thông tại các lối đi tự mở nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện khi đi qua đường sắt...

Bên cạnh sự đầu tư nguồn lực của ngành đường sắt để đổi mới hạ tầng mạng lưới, cũng như các thiết bị an toàn tại các đường ngang, phấn đấu rào đóng, xóa bỏ dần các lối đi dân sinh tự mở thì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh thường xuyên lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường sắt thông qua nhiều hình thức khác nhau để xây dựng nếp văn hóa giao thông cho người dân. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó chính là người dân hãy tự nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]