(Baothanhhoa.vn) - Đội múa trống làng Hữu Bộc (xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn) được nhiều người biết đến nhờ tình yêu và sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật của mình. Theo thời gian, đội trống đã trở thành niềm tự hào của làng.

Âm vang tiếng trống làng Hữu Bộc

Đội múa trống làng Hữu Bộc (xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn) được nhiều người biết đến nhờ tình yêu và sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật của mình. Theo thời gian, đội trống đã trở thành niềm tự hào của làng.

Âm vang tiếng trống làng Hữu BộcĐội múa trống hội làng Hữu Bộc. Ảnh: Vân Anh

Đội múa trống làng Hữu Bộc được thành lập bởi lý do rất đơn giản là để làng có thêm hoạt động văn nghệ nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho người dân. Theo trưởng làng Lê Thanh Oai, tiếng trống hội đã xuất hiện ở làng từ lâu trong các dịp tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, khi ấy tiếng trống chưa trở thành một môn nghệ thuật đặc sắc của làng. Đến khi làng có một người con là diễn viên Đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa (nay thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) trao đổi ý tưởng và thống nhất với trưởng làng, đội trống của làng đã được thành lập và anh là người truyền dạy.

Theo đó, đội múa trống hội làng Hữu Bộc được thành lập năm 2010, gồm 5 nam, 10 nữ, nam là những người cầm trống cái, nữ cầm trống con. Những nông dân xưa nay chỉ quen tay cày, tay cuốc nay phải tập cầm dùi trống, tạo ra âm thanh theo nhịp điệu, bài bản không phải là chuyện dễ dàng. Với trống hội, người đánh ngoài thuộc bài còn phải biết biểu diễn, kết hợp tiếng trống, nhịp phách với vũ điệu để bài múa trống trở nên sinh động, hấp dẫn. Những ngày đầu luyện tập các thành viên đều gặp nhiều khó khăn bởi họ đều ở tuổi trung niên, việc tiếp thu chậm, phần khác là các bài múa trống có nhiều phân đoạn, nếu không nhớ dễ dẫn đến sai nhịp, loạn phách.

Thời gian đó, hằng tối đình làng Hữu Bộc náo nhiệt, vui vẻ, tiếng trống tập rộn rã và người làng đến xem, cổ vũ rất đông. Tuy rằng, lúc ấy tiếng trống tập đang còn loạn nhịp, loạn phách, nhưng bởi tình yêu, thứ âm thanh ấy cứ lớn dần trong lòng mỗi thành viên đội trống nói riêng và người dân làng Hữu Bộc nói chung. Từ đó, họ chung sức mua các dụng cụ luyện tập, động viên và tạo điều kiện cho nhau để hoàn thiện tập luyện.

Chị Lê Thị Dung, một thành viên của đội trống chia sẻ: “Học đánh trống không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Thông thường, người ta cầm dùi trống một đầu và đánh vào mặt trống bằng đầu còn lại, nhưng khi biểu diễn, người diễn cầm ở vị trí giữa dùi, đánh cả hai đầu, tạo nên thanh âm hấp dẫn. Ngoài ra, có một người “nhạc trưởng” chỉ huy với còi và cờ hiệu điều khiển toàn bộ để tiếng trống hội được hòa quyện cùng những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của người biểu diễn”.

Ông Oai và 15 thành viên nhớ mãi lần biểu diễn đầu tiên tại lễ hội kỳ phúc năm 2010. Ông cho biết: Năm đó làng làm điểm lễ hội trong huyện, có nhiều khách mời. Lễ hội được khai mạc bằng màn biểu diễn trống hội đặc sắc, tất cả khách mời và Nhân dân đều bị thuyết phục bởi sự chuyên nghiệp, độc đáo từ sức hấp dẫn của nghệ thuật trống hội đến đội hình, đội ngũ... được trình diễn bởi những người nông dân. Âm vang tiếng trống hội thúc giục lòng người, tiếng trống vang như tiếng lòng, góp phần làm nên thành công cho lễ hội.

Màn trình diễn thành công ngoài mong đợi, âm vang tiếng trống hội làng Hữu Bộc không chỉ ghi dấu ấn trong xã, trở thành “hàng độc” của huyện, mà còn gây tiếng vang lớn ở các huyện, thị khác. Sau đó, đội trống thường xuyên được mời đi biểu diễn, tham dự chương trình, sự kiện lớn của huyện, của tỉnh và giao lưu với các câu lạc bộ nghệ thuật khác.

“Được mang tiếng trống làng Hữu Bộc tham gia nhiều sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước, tôi và mọi người đều thấy tự hào và phấn khởi. Tuy nghệ thuật múa trống hội mới gắn bó với làng 12 năm, nhưng tiếng trống ấy thể hiện nỗi khát khao, niềm kiêu hãnh của người nông dân trong làng. Đội múa trống hội của làng đang giúp lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp đến gần hơn nữa với mọi người”, ông Oai khẳng định.

Tạo dựng được nét văn hóa riêng, người dân làng Hữu Bộc càng có ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị này. Bằng chứng là đội múa trống hội chưa bao giờ thiếu người, người biết đánh và biểu diễn trống hội không chỉ bó hẹp trong 15 thành viên mà hầu hết những người trung, cao tuổi của làng đều có thể đánh đúng nhịp. Việc truyền dạy được diễn ra thường xuyên tại đình làng, đặc biệt trong mùa lễ hội có nhiều người trẻ tìm đến học.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ninh Lê Thị Thúy cho biết: “Sự ra đời của đội múa trống hội làng Hữu Bộc đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tạo không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, phát huy năng lực cá nhân. Nhờ tinh thần sáng tạo mà tiếng trống trở thành nét văn hóa đặc sắc của làng. Nét đẹp này đã và đang được các làng khác trong xã học tập và làm theo”.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]