(Baothanhhoa.vn) - Ngay từ những ngày đầu cách mạng, nhiều người con quê hương Thanh Hóa đã được kề cận bên Bác Hồ, được Bác tin tưởng giao những nhiệm vụ quan trọng. Gần gũi Bác, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mỗi người đều trở thành tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Và không chỉ họ mà cả gia đình họ cũng thấm nhuần lý tưởng cách mạng và lối sống của Bác. Gia đình ông Hoàng Hữu Nhân là một ví dụ điển hình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những kỷ niệm của gia đình ông Hoàng Hữu Nhân với Bác Hồ

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, nhiều người con quê hương Thanh Hóa đã được kề cận bên Bác Hồ, được Bác tin tưởng giao những nhiệm vụ quan trọng. Gần gũi Bác, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mỗi người đều trở thành tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Và không chỉ họ mà cả gia đình họ cũng thấm nhuần lý tưởng cách mạng và lối sống của Bác. Gia đình ông Hoàng Hữu Nhân là một ví dụ điển hình.

Những kỷ niệm của gia đình ông Hoàng Hữu Nhân với Bác Hồ

Bác Hồ với ông Hoàng Hữu Nhân năm 1962. Ảnh: Tư Liệu

Ông Hoàng Hữu Nhân (1915 -1999), tên thật là Cao Văn Hòe, quê xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa là một trong những cán bộ cốt cán của Đảng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, những năm 40 từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội cùng các đồng chí Đào Duy Kỳ, Bùi Lâm, Đỗ Mười, Nguyễn Chương, Hồng Xích Tâm, Nguyễn Văn Kha. Nhà thơ Thôi Hữu cùng quê là bạn thân của ông. Trong quá trình hoạt động cách mạng cũng như trong đời sống sinh hoạt, ông và người thân trong gia đình có rất nhiều kỷ niệm với Bác Hồ.

Những ngày đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Hoàng Hữu Nhân đã tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của cách mạng, của Bác Hồ giao phó. Ông đã cùng các đồng chí của mình đến vận động gia đình thương gia Trịnh Văn Bô hiến tiền bạc, tài sản để phục vụ hoạt động của Chính phủ lâm thời và sắp xếp cho Bác Hồ cùng nhiều cán bộ Việt Minh đến ở trong nhà để chuẩn bị cho ngày Quốc khánh. Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang của gia đình ông Trịnh Văn Bô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông Hoàng Hữu Nhân từng là ủy viên ủy ban kháng chiến Liên khu Việt Bắc. Ngày 18-2-1955, theo quyết định của Trung ương Đảng và Chính phủ, khu Hồng Quảng được thành lập gồm các thị xã Quảng Yên, Hồng Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Cát Bà, Uông Bí và sáu huyện Đông Triều, Yên Hưng, Thủy Nguyên, Cát Hải, Hoành Bồ, Cẩm Phả. Ông Hoàng Hữu Nhân được cử làm Bí thư khu ủy. Thời kỳ 1957-1968, ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hải Phòng, rồi Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Khi còn là cán bộ lãnh đạo của Hải Phòng, ông nổi tiếng là người cương trực, mạnh mẽ, dám nói, dám làm. Thời kỳ này ông là một trong những người lãnh đạo đầu tiên thực hiện “khoán” trong nông nghiệp. Tuy nhiên ngày ấy, đây là một vấn đề hết sức mới, nên Hải Phòng chỉ dám làm “khoán chui”. Còn ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, là người thực hiện “khoán” công khai. Năm 1964 ông Hoàng Hữu Nhân trúng cử tại khu vực TP Hải phòng. Ông tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo TP Hải Phòng một thời gian; sau đó làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Trưởng ban công nghiệp Việt Nam.

Mỗi lần Bác Hồ về Hải Phòng làm việc thường nghỉ lại trong nhà ông Hoàng Hữu Nhân nên những người con của ông thường xuyên được gặp Bác. Bác thân thiết, gần gũi như một thành viên trong gia đình ông Nhân. Những người con của ông Hoàng Hữu Nhân là Hoàng Hữu Dũng (con trai cả) và các con gái Hoàng Kim Quý, Hoàng Kim Chi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm khi được tiếp xúc với Bác. Họ cho biết, khi còn nhỏ, họ thấy hầu như tháng nào Bác cũng về Hải Phòng. Mỗi lần Bác về, cả gia đình lại dọn xuống tầng dưới, để dành tầng trên cho Bác ở. “Cậu bé” Hoàng Hữu Dũng có lần nằm chơi trên sàn nhà, còn nghịch ngợm gạt chân trêu đùa khi Bác đi ngang qua. Đối với họ, Bác thân thiết, gần gũi, tình cảm như một người ông trong gia đình. Bác thường xuyên hỏi han trò chuyện về tình hình học tập. Bác nắm rõ cháu nào học lớp mấy, còn tranh thủ dặn dò cách học bài sao cho hiệu quả.

Bà Hoàng Kim Chi, con gái út ông Hoàng Hữu Nhân kể rằng, hồi ấy trong nhà có treo một bức ảnh Bác, nhưng vì còn nhỏ quá nên cô bé Chi không biết đó là ai. Cho đến một hôm cô bé ngạc nhiên khi thấy người đến nhà mình ở giống hệt người trong bức ảnh, nhưng mãi khi lớn lên mới nhận thức được đó chính là vị lãnh tụ vĩ đại. Ông Hoàng Hữu Nhân có hôm đi họp về mang theo một quả táo đỏ cho các con và nói: Hôm nay Cụ Hồ tiếp khách nước ngoài, cuối buổi gửi quả táo này về cho các con. Hồi ấy, loại táo này rất quý hiếm, chỉ khi nào Chính phủ tiếp khách cực kỳ quan trọng thì mới dùng, nên dù chỉ là một quả táo thôi nhưng đó là món quà vô cùng sang trọng. Dù bận trăm công ngàn việc đại sự quốc gia, nhưng Bác Hồ vẫn không quên gửi quà cho các cháu nhỏ, điều đó khiến gia đình ông Nhân vô cùng xúc động.

Các con ông Hoàng Hữu Nhân cho biết, hồi ấy theo thông lệ, hàng tuần, gia đình ông đều họp kiểm điểm để giáo dục con cái. Để răn dạy đồng thời khích lệ các con, ông Nhân thường nhắc lại lời Bác khen tặng, nêu gương về cách dạy con của gia đình ông trong những lần họp cán bộ Phủ Chủ tịch.

Sau này, khi các con lớn lên bước vào đời, ông Hoàng Hữu Nhân vẫn luôn căn dặn con cái tuyệt đối không được tơ hào của công bất kể cái gì, dù là nhỏ nhất. Phải luôn sống vô tư, trong sáng, phấn đấu bằng sức lực, trí tuệ của mình, không được tranh thủ chức tước địa vị, mối quan hệ của bố để tìm cách hưởng ưu đãi hơn người khác. Có lần, con trai cả ông Nhân nhờ một người bạn của bố giúp cho mua chiếc đài bán dẫn, khi ông Nhân biết, đã bắt đem trả bằng được. Cách sống “chí công vô tư” ấy, ông Nhân học được từ Cụ Hồ và truyền dạy cho các con, yêu cầu thực hiện một cách rất nghiêm khắc.

Những người ở bên cạnh Bác Hồ đều trở thành chiến sĩ cách mạng trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp và lý tưởng cao cả mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Lối sống, đạo đức sáng ngời của Bác được lan truyền tới những người sống xung quanh một cách tự nhiên. Những học trò xuất sắc của Bác lại tiếp tục làm gương sáng cho mọi người, không chỉ là lòng yêu nước, tinh thần cống hiến hy sinh, mà cả lối sống giản dị, tiết kiệm, yêu thương tất cả mọi người. Sự mẫu mực của Bác trở thành khuôn thước để mỗi người chúng ta học tập, noi theo.

Mai Hương


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]