(Baothanhhoa.vn) - Núi Trường Lệ - sóng vẫn đời đời ru vỗ vào chân vách đá, dưới tán thông reo vi vút, những nơi lưu dấu chân Bác về thăm nay đã thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của TP Sầm Sơn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ký ức về Bác Hồ trên thành phố biển Sầm Sơn

Núi Trường Lệ - sóng vẫn đời đời ru vỗ vào chân vách đá, dưới tán thông reo vi vút, những nơi lưu dấu chân Bác về thăm nay đã thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của TP Sầm Sơn...

Ký ức về Bác Hồ trên thành phố biển Sầm Sơn

Bác Hồ kéo lưới cùng bà con ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn). Ảnh: tư liệu

Theo dấu chân Người

Mùa hè tháng 7-1960!

Một mùa hè trăn trở... Miền Bắc đang chuẩn bị Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III. Hồ Chủ tịch đi thăm nhân dân một số tỉnh phía Nam Thủ đô Hà Nội, Người ghé Sầm Sơn tắm biển. Hiểu được ý Bác, anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, bố trí nơi Bác đến tắm được gần dân, xa bãi tắm của du khách nghỉ hè. Bác nói với mấy vị cán bộ cao cấp cùng đi: Mình về với dân, cùng làm với dân để được tắm biển... Tại đây, Bác chọn chùa Cô Tiên, nằm trên dãy núi Trường Lệ làm nơi ở và làm việc. Trong 3 ngày lưu lại Sầm Sơn (từ ngày 17 đến 19–7–1960), Bác đi tham quan núi Trường Lệ; thăm nhà nghỉ dưỡng Sầm Sơn, trại an dưỡng của các cụ miền Nam và các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho vùng biển của Tổ quốc. Đặc biệt, Bác đã trực tiếp tham gia kéo lưới cùng ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn)... Cả buổi sáng kéo lưới với bà con ngư dân nơi đây đã giúp Bác được nghe bao điều sự thật từ dân. Ngay chiều hôm đó (17-7-1960), anh Vũ Kỳ theo ý Bác đã mời các vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh xuống Sầm Sơn gặp Bác... Bác rời Sầm Sơn, người dân chài lưới nơi đây mới biết ông già kéo lưới với dân là Bác Hồ. Ông cụ xóm chài cửa biển Sầm Sơn ngây ngất bồi hồi nâng cái ly rượu mà Hồ Chủ tịch đã uống, đặt lên bàn thờ gia tiên giữ làm kỷ vật thiêng liêng của gia đình.

Những mẩu ký ức được ghi chép, hồi tưởng, nghe kể lại trong các bài viết của nhà văn Sơn Tùng – người dành trọn cả cuộc đời để viết về Bác đã phần nào khắc họa được nhân cách cao đẹp của Người. Gần 60 năm đã trôi qua nhưng đất và người thành phố biển vẫn khắc ghi trong tim mình hình ảnh vị cha già kính yêu của dân tộc ân cần, gần gũi hỏi han cuộc sống, thuần thục kéo từng mẻ lưới cùng bà con ngư dân.

Vững bước “chuyển mình”, quyết tâm xây dựng đô thị du lịch biển trọng điểm quốc gia

Sau hơn 2 năm “chuyển mình” từ thị xã lên thành phố, hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Sầm Sơn đã thực sự “thay da đổi thịt”, bước đầu gặt hái được kết quả đáng ghi nhận với 30 chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã quyết nghị, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu hàng năm đạt và vượt. Tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch luôn giữ vững vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 66,6%. Hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư đồng bộ, các cơ sở lưu trú phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng; nguồn nhân lực phục vụ du lịch cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh; các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa; phương thức quản lý và tổ chức các dịch vụ được đổi mới và phát huy hiệu quả; giải quyết cơ bản những vấn đề bức xúc trong văn hóa du lịch, văn minh đô thị. Chất lượng du lịch nâng lên rõ rệt. Vì lẽ đó, năm 2017, Sầm Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu của cả nước.

Học tập và làm theo lời Bác; nhận thức được tiềm năng và thế mạnh, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn nói riêng luôn khẳng định du lịch là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn; quyết tâm xây dựng Sầm Sơn thành đô thị du lịch biển văn minh, thân thiện, hiện đại, xứng tầm trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, làm thế nào để cân bằng giữa yếu tố nhanh và bền vững trong sự phát triển của thành phố? Đó là bài toán khó không chỉ với riêng TP Sầm Sơn mà trên phạm vi cả nước hay rộng hơn là toàn thế giới. Mang theo nỗi niềm trăn trở ấy, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo TP Sầm Sơn để được lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện xoay quanh định hướng phát triển du lịch của thành phố. Ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết: “Phát triển phải đảm bảo cả 2 yếu tố nhanh – bền vững. Khi thành phố đặt ra mục tiêu xây dựng đô thị du lịch văn minh, thân thiện, hấp dân thì thành phố phải tính đến việc đảm bảo giải quyết tốt các vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phong cách ứng xử văn minh thân thiện... Tất cả những điều đó sẽ là tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững”.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu, quyết tâm đã đề ra, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, cùng với việc đổi mới, nâng cao công tác quản lý dịch vụ du lịch, công tác quy hoạch, quản lý đô thị được tăng cường; hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại, thu hút đầu tư hiệu quả. Bám sát mục tiêu định hướng theo điều chỉnh quy hoạch chung TP Sầm Sơn đến năm 2040 đã được UBND tỉnh phê duyệt, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị được tăng cường, trật tự đô thị dần đi vào nền nếp, tạo tiền đề để phát triển thành phố theo hướng văn minh, thân thiện, hiện đại. Công tác quản lý đô thị mà trọng tâm là quản lý trật tự đô thị được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Công tác quản lý xây dựng được thực hiện tốt trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tạo chuyển biến rõ nét. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên. Tình trạng xây dựng trái phép, không phép từng bước được chấn chỉnh, tỷ lệ cấp phép xây dựng đạt từ 95 - 98%/năm (mục tiêu đại hội đến năm 2020 đạt 100%). Tập trung chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, hoàn thành việc lắp đặt biển báo giao thông, xác định vị trí và vạch sơn điểm dừng, đỗ cho ô tô, xe điện, xích lô. Xây dựng và triển khai thực hiện phương án bãi đậu, đỗ xe của khách du lịch.

Công tác xây dựng cơ bản và đầu tư phát triển có nhiều khởi sắc. Các dự án, công trình quy mô lớn được đầu tư xây dựng. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng như: Đường Hồ Xuân Hương, Đại lộ Nam sông Mã, đường Nguyễn Du, đường ven biển, Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, Khu đô thị sinh thái dọc hai bờ sông Đơ, Khu đô thị du lịch sinh thái biển Đông Á... đặc biệt dự án quảng trường biển và khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí do Tập đoàn Sun Group đầu tư đang được tích cực triển khai thực hiện sẽ mở ra triển vọng mới tươi sáng cho sự phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của thành phố.

Nhìn vào đóng góp mà ngành dịch vụ du lịch mang lại trong tổng giá trị sản xuất và cơ cấu thành phần kinh tế đã một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của “ngành công nghiệp không khói” này đối với sự phát triển mọi mặt của TP Sầm Sơn. Nó đồng nghĩa cũng chứng minh được nhãn quan tinh tế, nhạy bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đưa ra lời “tiên lượng” về một Sầm Sơn “sẽ kiếm được nhiều của cải” nếu biết tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển du lịch. TP Sầm Sơn nay đã khác xưa rất nhiều; diện mạo đô thị du lịch biển văn minh, thân thiện, hiện đại đang dần được kiến tạo rõ nét theo đúng lời Bác đã ân cần căn dặn năm nao. Sầm Sơn đã và đang từng bước chạm tay vào giấc mơ du lịch 4 mùa, đô thị du lịch biển trọng điểm quốc gia.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]