(Baothanhhoa.vn) - Kể từ ngày Bác Hồ kính yêu ra đi về cõi vĩnh hằng, những lời di huấn của Người trong Di chúc mãi mãi là lời dạy thiêng liêng, là một di sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Di chúc vạch ra những định hướng xây dựng Đảng, đào tạo con người, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và tăng cường mối quan hệ đoàn kết với bạn bè quốc tế. Đến nay, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, tỉnh Thanh Hóa cùng với cả nước đã đạt được những thành tựu nổi bật cả trong phát triển kinh tế và các mặt văn hóa - xã hội, nhất là giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân. Nhiều giá trị mới, tiến bộ trong những giai đoạn, thời kỳ cách mạng đã hình thành và phát huy, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quê hương, đất nước.

Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội theo Di chúc của Người

Kể từ ngày Bác Hồ kính yêu ra đi về cõi vĩnh hằng, những lời di huấn của Người trong Di chúc mãi mãi là lời dạy thiêng liêng, là một di sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Di chúc vạch ra những định hướng xây dựng Đảng, đào tạo con người, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và tăng cường mối quan hệ đoàn kết với bạn bè quốc tế. Đến nay, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, tỉnh Thanh Hóa cùng với cả nước đã đạt được những thành tựu nổi bật cả trong phát triển kinh tế và các mặt văn hóa - xã hội, nhất là giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân. Nhiều giá trị mới, tiến bộ trong những giai đoạn, thời kỳ cách mạng đã hình thành và phát huy, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quê hương, đất nước.

Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội theo Di chúc của Người

Lãnh đạo Sở GD&ĐT và Trường THPT chuyên Lam Sơn trao thưởng cho học sinh đoạt giải quốc gia năm học 2018-2019.

Phát triển văn hóa - xã hội mà trước hết là chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là mong ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nước nhà. Người coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Bác Hồ đã viết tất cả 23 bức thư gửi cho ngành giáo dục. Ngày 15-10-1968, Bác viết thư gửi các cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp nhân dịp đầu năm học 1968-1969. Đây là bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành GD&ĐT, chứa đựng những tư tưởng lớn của Bác về sự nghiệp “trồng người”. Bức thư cũng đã để lại muôn vàn tình cảm thân thương, quý báu của Bác đối với các cô giáo, thầy giáo và học sinh, sinh viên cả nước.

Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện Di chúc của Bác, trong 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục; xác định GD&ĐT là “quốc sách hàng đầu”, là động lực của sự phát triển. Theo đó, từ phong trào bình dân học vụ đến xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn hiện nay, Thanh Hóa luôn đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Trong những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều thành tích nổi bật cả trong giáo dục mũi nhọn và đại trà, tiếp nối xứng đáng truyền thống “dạy tốt - học tốt”, làm rạng rỡ thêm truyền thống “Đất Thanh - đất học”. Tính từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đạt 16 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực (8 HCV, 5 HCB, 3 HCĐ) ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học. Năm học 2018 - 2019, Thanh Hóa có 64 học sinh (HS) đạt giải tại các kỳ thi HS giỏi quốc gia, trong đó có 7 giải nhất, 17 giải nhì, 16 giải ba và 24 giải khuyến khích. Đặc biệt, đây là năm thứ tư liên tiếp Thanh Hóa có HS đạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Năm nay, tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, HS Thanh Hóa đã đạt 5 huy chương, trong đó có 4 huy chương Olympic quốc tế (1 HCV môn Vật lý, 1 HCV môn Hóa học, 1 HCV môn Tin học, 1 HCB môn Sinh học) và 1 HCĐ môn Vật lý Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với kết quả trên, Thanh Hóa đứng đầu toàn quốc khi tham dự tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2019. Về chất lượng giáo dục đại trà cũng từng bước được nâng lên ở tất cả các cấp học, bậc học. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS được giữ vững. Đặc biệt, tháng 7-2019, Thanh Hóa được Bộ GD&ĐT công nhận phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và là tỉnh thứ 15 trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, tính đến thời điểm này. Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn ngày càng cao, đáp ứng tốt các yêu cầu của GD&ĐT trong giai đoạn đổi mới. Đây là nền tảng vững chắc để ngành giáo dục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Cốt lõi của phát triển bền vững là phải nhằm vào con người, vì mục tiêu phát triển con người, do đó chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân là mục tiêu lớn nhất. Chỉ khi nhân dân sống ấm no, hạnh phúc, thì đất nước mới phát triển, nền độc lập mới bền vững. Vì lẽ đó, cùng với giáo dục, đào đạo con người, Bác luôn quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người luôn nhắc nhở “Lương y phải như từ mẫu”. Đây cũng chính là yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của cán bộ và nhân viên ngành y đối với người bệnh. 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, ngành y tế Thanh Hóa luôn khắc ghi những lời dạy của Người, coi đó là kim chỉ nam để xây dựng một nền y học tốt hơn với những bước đột phá cả về chất và lượng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Và, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, hiện nay các cơ sở khám, chữa bệnh, từ tuyến tỉnh đến cơ sở không ngừng được đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp và xây mới, trang thiết bị được đầu tư hiện đại; công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai kịp thời; công tác y tế ứng phó với thiên tai được ngành chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nên không có dịch bệnh lớn xảy ra; đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; nhiều kỹ thuật mới được triển khai thực hiện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật y khoa cao, chuyên sâu, hiện đại, như: Phẫu thuật cắt u thực quản 1/3 dưới, phẫu thuật thay khớp vai, khớp gối, điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới bằng lazer nội mạch, ghép thận... và là bệnh viện tuyến tỉnh thứ 2 được Bộ Y tế công nhận, khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của đội ngũ y, bác sĩ. Bệnh viện Nhi đã triển khai kỹ thuật mổ tim hở, điều trị bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ em. Tại Bệnh viện Phụ sản nhờ được đầu tư hệ thống thiết bị hỗ trợ sinh sản, từ năm 2008 đã triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Trong chuyên khoa mắt, Bệnh viện Mắt cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép giác mạc... Kết quả đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của những chiến sĩ áo trắng đã thể hiện sự nhất quán trong việc học tập, vận dụng lời căn dặn của Người. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đang soi đường và chắp cánh cho đội ngũ cán bộ y tế vượt qua mọi khó khăn và thử thách, nắm vững vận hội xây dựng ngành y tế không ngừng lớn mạnh, góp phần đưa nước nhà tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội theo Di chúc của Người

Một ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Từ việc quan tâm, chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội theo di huấn của Người, tỉnh ta còn đạt nhiều thành quả quan trọng trên các mặt như, giảm nghèo, du lịch, thể thao... Trong đó, công tác xóa đói, giảm nghèo trở thành quyết tâm chính trị, được tổ chức thực hiện quyết liệt và đã trở thành phong trào rộng khắp được nhân dân và các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng, quan tâm ủng hộ. Hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,84%. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, người có công, quy tập hài cốt liệt sĩ, giải quyết chế độ cho người có công được triển khai thường xuyên, chu đáo. Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo tiếp tục được quan tâm, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông có nhiều khởi sắc mang tính đột phá, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên; đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng...

Có thể thấy, làm theo Di chúc của Bác Hồ trở thành hành động tự giác, là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam, ở mọi thời kỳ cách mạng, ở mọi công việc, mọi suy nghĩ và hành động. Các thế hệ con cháu vẫn luôn thấy Bác đồng hành cùng đất nước, dân tộc, trên mọi chặng đường, động viên, cổ vũ những thành công cũng như nghiêm khắc chỉ rõ những sai lầm, vấp váp. Ngày nay, khi đất nước đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Di chúc thiêng liêng của Người sẽ tiếp tục là nguồn động lực to lớn giúp cả đất nước, trong đó có tỉnh Thanh vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]