Còn tuổi nào cho em?

Thuần trạc tuổi em gái tôi. Cả hai đang ở cái ngưỡng tuổi đôi mươi thanh xuân mơn mởn như cành lá đang cựa mình thức dậy sau chuỗi ngày dài ngủ đông...

Còn tuổi nào cho em?

Còn tuổi nào cho em?

Thuần trạc tuổi em gái tôi. Cả hai đang ở cái ngưỡng tuổi đôi mươi thanh xuân mơn mởn như cành lá đang cựa mình thức dậy sau chuỗi ngày dài ngủ đông. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa thôi, em gái tôi sẽ tốt nghiệp đại học. Dẫu biết rằng, bước ra khỏi cánh cổng trường đại học là biết bao những áp lực của cuộc sống mà nó buộc lòng phải đối mặt. Tất cả các mối quan hệ xung quanh nó trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Bạn bè, công việc và tình yêu nữa, làm sao để nó cân bằng được hằng hà sa số vấn đề đang tồn tại trong cái vòng quay bất tận ấy? Ngổn ngang lo lắng là vậy nhưng mỗi lần nhìn con bé nhún nhẩy hát theo một bản nhạc yêu thích, trong veo đắm chìm trong tình yêu vô điều kiện với mấy anh idol Hàn Quốc rồi vui vẻ cười đùa, tán thưởng cùng đứa em út cũng sắp sửa tốt nghiệp cấp II, lòng tôi thấy nhẹ nhõm thật nhiều. Bỗng chốc tôi thấy mình trở thành bà chị già khó tính, suy nghĩ, lo lắng thái quá. Chẳng sao hết nếu nay mai nó có phải bước ra đời và có thể va vấp đến trầy da, chảy máu cả ở thể xác lẫn trong tâm hồn. Chỉ cần nó luôn khoẻ mạnh để sống, để khát khao, nỗ lực, tận hiến và tận hưởng thì tự nó sẽ tìm được cho mình phương thức tự chữa lành những vết thương. Ở lứa tuổi của nó, điều cần nhất, suy cho cùng, chính là cơ thể thật khoẻ mạnh và cơ hội được sống thật lâu, thật lâu…

Còn tuổi nào cho em?

Bởi những niềm trăn trở như thế nên ngay khi gặp em Nguyễn Diệu Thuần trong ngôi nhà nhỏ số 09, ngõ 74, đường Nguyên Hồng, Tp Thanh Hoá, tôi và người bạn đi cùng đã không khỏi xót xa trước bộ dạng tiều tuỵ, gầy xơ xác vì bệnh tật của cô gái chỉ mới ở tuổi 22. Rót vội cốc nước mời mấy vị khách lạ, Thuần không khỏi có đôi chút lúng túng, ngại ngần. Có lẽ, sự xuất hiện của chúng tôi khiến em cảm thấy buồn hơn cho số phận của chính mình. Em cất giọng khe khẽ: “Đây là nhà mẹ đẻ của em. Trước em ở nhà chồng nhưng thời gian này sức khoẻ em yếu quá, mẹ đón em về nhà một thời gian cho tiện bề chăm sóc”. Ngôi nhà rộng chừng vài mét vuông đất, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi lỗi thời và chiếc tủ lạnh cũ kỹ được nhét vừa vặn vào trong xó cửa là chỗ ăn ở, sinh hoạt của 7 người, cả lớn lẫn bé. Những lẻo đất phía sau phòng khách được tận dụng làm công trình phụ, bếp núc khiến tổng thể căn nhà như một khối chắp vá xiêu vẹo. Giữa không gian ấy, câu chuyện về cuộc đời Thuần lại càng trở nên ảm đạm, buồn hắt hiu.

Còn tuổi nào cho em?

Còn tuổi nào cho em?

Thuần bảo: Phần vì yêu sớm, phần vì xác định không có đủ điều kiện để theo đuổi con đường công danh, sự nghiệp nên em đã bỏ ngang việc học ngay từ năm 11, quyết định lập gia đình với người chồng sinh năm 1996. Sau hai năm chung sống, đôi vợ chồng trẻ lần lượt hạ sinh 2 thiên thần nhỏ. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn do cả hai vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định nhưng có lẽ, đối với Thuần, đây lại là quãng thời gian vui vẻ, hạnh phúc nhất trong cuộc đời em. Thuần từng suy nghĩ rất đơn giản: “Với thu nhập từ đồng lương công nhân giày da của em cộng với chồng chăm chỉ, siêng năng làm phụ hồ, biết ăn tiêu tiết kiệm một chút vẫn đủ để ven vén cho các con một mái ấm đủ đầy, hạnh phúc. Chỉ cần hai vợ chồng luôn yêu thương nhau, cố gắng vì các con”.

Còn tuổi nào cho em?

Sự lạc quan của Thuần đã vấp phải sự an bài trớ trêu của số phận khi cách đây không lâu, em phát hiện có một khối u nổi lên bằng ngón tay cái ở vùng ngực phía dưới xương quai xanh. Chủ quan vì thấy sức khoẻ không có gì bất thường, khối u không gây đay đớn, Thuần vẫn vô tư “mặc kệ nó”. 3 tháng sau, khối u bắt đầu gây đau nhức, tấy đỏ khiến em luôn cảm thấy tức ngực, khó thở. Không chịu đựng được cơn đau, em mới quyết định đi khám bệnh. Thuần trải qua nhiều lần sinh thiết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, bệnh viện K, cơ sở 3 (Tân Triều, Hà Nội) đều không có kết luận chính xác về căn bệnh mà em đã mắc phải. Không có điều kiện lưu trú lại bệnh viện chờ tái khám, Thuần xin ra viện, về nhà tự điều trị. “Có bệnh thì vái tứ phương”, ai mách ở đâu có thầy lang giỏi, chữa được các dạng khối u, gia đình Thuần đều tìm đến lấy thuốc lá, tỉ mỉ đun sắc cho em uống với hy vọng em mau chóng lành bệnh. Tuy nhiên, càng uống thuốc lá bệnh tình em càng chuyển biến nặng hơn, khối u ngày càng to, chạy hạch sang hai bên nách và cổ. Ăn Tết Nguyên Đán 2019 xong cũng là lúc sức khoẻ Thuần suy yếu nặng, khối u phát triển, lan nhanh chèn ép các cơ khiến Thuần đau nhức suốt đêm ngày, tưởng chừng như không còn chịu nổi. Em yếu đến mức chỉ nằm bẹp một chỗ, tay không đủ lực nhấc nổi một cốc nước uống. Không thể chờ đợi thêm được nữa, lúc này, gia đình đã chạy vạy vay mượn một số tiền cho hai vợ chồng Thuần ra bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám và điều trị bệnh.

Còn tuổi nào cho em?

Tại đây, các bác sĩ tiến hành sinh thiết, kết quả ban đầu xác định Thuần bị ung thư hạch. Tiếp tục làm thêm xét nghiệm hoá mô miễn dịch, kết quả cuối cùng ghi trong bệnh án là u lympho ác tính như một bức màn u tối che lấp cả bầu trời tương lai tươi sáng đang chờ em ở phía trước. Gắng sức giữ đứa con trai chưa đầy 2 tuổi đang nhõng nhẽo đòi mẹ bế trên tay, đưa tay dấu đi giọt buồn nơi khoé mắt, câu chuyện tiếp tục: “Khi có kết quả xét nghiệm, bác sỹ chỉ gọi chồng em sang phòng trao đổi chứ không thông báo trực tiếp với em. Em lén đọc trên bệnh án đặt ở giường, thấy ghi tên bệnh lạ lắm, chẳng biết cụ thể mình bị gì. Sốt ruột, em tự tìm hiểu trên internet mới biết ruốt cuộc bệnh tình của mình ra sao”. Hỏi em về cảm xúc lúc ấy, em nghẹn ngào: “Mọi thứ trống rỗng, em chẳng nghĩ được gì ngoài việc tự hỏi chính mình rằng tại sao lại như thế? Mình đã làm gì sai? Mình là người sắp chết rồi sao? Nếu mình không còn nữa, bố mẹ, chồng, con của mình sẽ ra sao?”.

Từ khi bệnh tình được chuẩn đoán, Thuần chuyển từ Bệnh viện Việt Đức sang Bệnh viện K (Hà Nội) điều trị. Thời điểm nhập viện K, do cơ thể quá yếu nên Thuần không được chỉ định truyền hoá chất. Áp lực chi phí nhập viện, thuốc men điều trị, cơm nước và các khoản sinh hoạt hằng ngày, biết hoàn cảnh gia đình không cho phép theo đuổi cuộc chạy chữa tốn kém này, Thuần một lần nữa chấp nhận phó mặc sự sống của mình để xin bác sỹ cho về nhà điều trị. Em giãi bày với chúng tôi về quyết định của mình: “Em không muốn truyền hoá chất vì nó vừa tốn tiền mà bản thân em cũng chẳng biết có chịu đựng được bao nhiêu. Em sợ sau khi truyền, em sẽ mãi không bao giờ tỉnh dậy được. Em không muốn mình ra đi nhanh quá, em muốn được tranh thủ từng khoảnh khắc được ở bên các con”.

Còn tuổi nào cho em?

Câu chuyện giữa chúng tôi bị gián đoạn bởi đứa con trai thứ 2 của Thuần cứ nỉ non khóc, mẹ dỗ thế nào cũng không chịu nín. Nhìn đứa con đang khóc trên tay, lòng Thuần xót xa như có ai mang muối xát lên da thịt đỏ hỏn. Con tạo xoay vần, cuộc đời tiếp tục dày vò, thử thách sức chịu đựng nơi em bằng những nỗi đau. Thuần nhẹ nhàng ôm con vào lòng, khẽ khàng để con tựa đầu vào ngực, nói: “Thằng bé nó bám mẹ lắm, nhất là khi ngủ cứ nhất nhất đòi mẹ đưa tay cho gác, tay chân thì vắt ngang người mẹ. Nhiều lúc em mệt với cả đau quá, con quấy khóc đòi ăn, đòi bế mà mình không làm được, em chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Nghĩ vừa giận mình làm mẹ chẳng đủ sức lo cho con. Nhìn chúng nó tha thẩn hết góc nọ, góc kia, em thương con đứt từng khúc ruột”.

Còn tuổi nào cho em?

Từ khi Thuần bị bệnh, không thể tiếp tục đi làm, kinh tế gia đình kiệt quệ, hai con của em đều phải nghỉ học. Ông bà nội quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời với dăm ba sào ruộng, chẳng lấy gì làm dư dả. Ông bà ngoại còn trẻ nhưng cũng chỉ đi làm thuê, làm mướn ở chợ Tây Thành, lại phải nuôi hai em của Thuần đang tuổi ăn tuổi học nên dù thương cháu không được đến trường học, thua thiệt bạn bè đồng trang lứa nhưng “lực bất tòng tâm”. Xót con, thương cháu, bà Nguyễn Thị Nguyệt – mẹ đẻ của em Thuần thốt lên mong ước từ sâu thẳm đáy lòng mình: “Nếu có một phép màu, làm ơn hãy cứu lấy con tôi. Nó còn quá trẻ. Và những đứa cháu của tôi nữa, đừng bắt chúng phải xa mẹ khi còn quá bé bỏng thế này”. Riêng Thuần, Thuần không dành cho mình một lời cầu nguyện nào cả. Với em, tương lai của những đứa con tội nghiệp là tất cả nỗi niềm trăn trở. Thuần nói như đang tâm sự với con: “Nếu sau này có bất kỳ chuyện gì xảy ra thì mong các con luôn luôn mạnh mẽ vượt qua. Điều quan trọng là phải biết rèn luyện mình, tự chọn cho mình một hướng đi đúng đắn”.

“Em chẳng mong ước gì nhiều ngoài chuyện làm sao để các con có điều kiện tiếp tục đến trường”. Lời Thuần thỏ thẻ, tan loãng vào cơn mưa chiều ủ rũ. Chúng tôi biết rằng, Thuần chỉ là đang cố nén chặt trong lòng cái ham muốn được sống, dù chỉ là lâu hơn một chút bên gia đình và các con. Ở đời, người cố chấp giành giật sự sống thì nhiều chứ mấy ai đủ can đảm buông xuôi sinh mệnh của mình. Nhưng Thuần đã hai lần từ chối xạ trị bởi không muốn gia đình thêm nặng gánh. Đằng sau sự buông xuôi vốn tưởng như yếu đuối, nhu nhược của em là tất cả sự hy sinh cao đẹp của tấm lòng người mẹ, người vợ, người con. Và có bao giờ, sự hy sinh ấy đủ sức thắp lên tinh thần thiện nguyện, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong trái tim mỗi người chúng ta?

Thuần ơi, còn tuổi nào cho em?

Nội dung: Hương Thảo

Ảnh & Đồ họa: Phùng Sắc

Xuất bản: 2:28:05:2019:07:29

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM