[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

Nơi các anh đến mênh mông biển nước, con đường các anh đi lởm chởm đá chông. Các anh đi khi còn trai tráng, các anh về khi tóc đã pha sương. Mỗi người một phương, “nghiệp gác đèn” đưa các anh về chung mái nhà, cùng cống hiến thầm lặng nơi đầu sóng ngọn gió. Các anh – những ngọn đèn không bao giờ tắt.

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

Với ngư dân vùng biển, những ngọn đèn sáng phát ra từ những ngọn hải đăng được xem như những “mắt biển” soi đường trên hành trình vươn khơi, bám biển. Những ngày mưa bão, ngọn đèn biển càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, với họ, có một “mắt biển” còn uy nghi hơn thế nữa, đó chính là đôi mắt của người “gác đèn” trên những ngọn hải đăng ấy.

Người dân ven biển huyện Hoằng Hóa đã rất đỗi thân quen với hình ảnh các cán bộ gác đèn ở Trạm đèn biển Lạch Trào (thuộc Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc). Hơn 50 năm qua, ngọn đèn biển ở đây chưa một lần “chợp mắt”. Đó là kết quả từ những cống hiến thầm lặng của những người gác đèn.

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

Hay tin Bão số 4 đang hình thành ngoài biển Đông, mấy hôm trời trở gió, mưa to sóng lớn, Trạm trưởng Trần Văn Nhân vội vã họp khẩn để kịp thời ứng phó. “Trời càng bão lại càng phải giữ cho đèn sáng hơn mọi khi. Điều quan trọng nhất là phải giữ cho đèn không được tắt, dù chỉ là một sơ suất nhỏ. Có như vậy ngư dân mới yên tâm được. Đồng chí Hòa đảm bảo công tác hậu cần, đồng chí Quý, đồng chí Hương nhanh chóng kiểm tra trạm điện, các bóng phụ…”. 15 phút cho cuộc họp khẩn cấp kết thúc, 5 cán bộ nhanh chóng đi làm nhiệm vụ.

Mặc dù đã có hẹn từ trước nhưng cuộc họp khẩn cấp nên phải hơn 1 tiếng sau chúng tôi mới có cuộc trò chuyện cùng những người gác đèn ở Trạm. “Nghề này nó vậy, trời càng bão thì anh em càng bận. Ban ngày thì bảo trì, bảo dưỡng máy phát, ban đêm phải thay nhau túc trực gác đèn. Hôm nay đài báo bão nên trễ hẹn với các anh.” Trạm trưởng Nhân mở đầu câu chuyện như thế.

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

Anh Nhân kể, Trạm đèn biển Lạch Trào được xây dựng từ năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Đến năm 1998, trạm được đầu tư xây mới. Ngọn hải đăng hiện tại cao 27m so với mực nước biển, với 94 bậc cầu thang hình xoắn ốc.

Những năm chiến tranh, đây từng là nơi hứng chịu những trận mưa bom của kẻ thù. Để bảo vệ ngọn đèn không bị đánh phá, những người gác đèn của trạm đã sẵn sàng xông pha trận mạc, xua đuổi kẻ thù.

“Cha tôi ngày xưa đã từng là người gác đèn của trạm. Ông cũng đã hai lần làm lễ truy điệu trước khi ra biển làm cảm tử quân phá ngư lôi của địch. Trong chiến tranh, ngay tại trạm đèn biển Lạch Trào, có hai nhân viên gác đèn đã hy sinh, được công nhận là liệt sỹ.” Anh Nhân lục lại lịch sử.

Cho đến nay, giữa thời bình, những người gác trạm như anh Nhân vẫn ngày đêm thắp sáng ngọn đèn để soi đường cho tàu thuyền của ngư dân ra vào đúng hướng. Tại Trạm đèn biển Lạch Trào hiện có 5 cán bộ, nhưng có đến 2 người từ những tỉnh thành xa xôi về đây nhận công tác. Mỗi người một quê, mỗi người một tính nhưng với họ điều quan trọng hơn hết đó là chung một nhiệm vụ, “giữ cho ngọn đèn không tắt”.

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

Năm nay đã ngoài tứ tuần nhưng anh Nguyễn Đăng Hương – cán bộ Trạm đèn biển Lạch Trào đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề “gác đèn”. Anh không thể nhớ đã đến và đi bao nhiêu trạm đèn biển, trải qua biết bao kỉ niệm vui buồn với cái nghề mà anh đã chọn.

Tháng 8 – mùa thu gió lộng, tròn 24 năm gác đèn biển, anh Hương lại nhớ về những ngày chập chững bước vào nghề: “Nói về nghề thì không biết nên bắt đầu từ đâu. Vì duyên mà đến thì có lẽ hơi ngoa, nhưng với tôi đây là “nghiệp gác đèn” thì mới phải.”

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

Anh kể, sinh ra và lớn lên ở vùng biển xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa), từ khi còn nhỏ anh đã được theo cha mình đi gác đèn. Kế nghiệp cha, năm 1996, chàng thanh niên ấy đã đi đến quyết định theo đuổi cái nghề mà cha anh đã chọn, thay cha viết tiếp trang nhật ký giữ ánh sáng những ngọn đèn biển.

Nơi công tác đầu tiên anh về là Trạm đèn biển Cửa Sót (Hà Tĩnh), nơi cách nhà hàng trăm km. 23 tuổi, lần đầu tiên xa gia đình, chàng trai trẻ vùng biển đã có lúc buồn tủi với nghề, thậm chí đã có những lúc muốn từ bỏ công việc này. Nhưng tình yêu với ngọn đèn biển đã thôi thúc anh cố gắng, nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, gian khó.

“Trạm thì chỉ có mấy anh em, giữa biển trời bao la, mình khi đó đang còn thanh niên nên cứ đêm về là thấy nhớ nhà lắm. Một, hai, rồi vài tháng đi qua, cảm giác buồn cũng nguôi ngoai dần. Vốn ở biển từ nhỏ nên những công việc gắn liền với biển cũng là động lực, là nguồn cảm hứng với công việc. Giờ thì xa ánh đèn của trạm thì lại thao thức lắm ấy”. Anh Hương tâm sự.

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

Công tác ở Cửa Sót được một thời gian thì anh Hương được điều chuyển đi nơi khác. Đi hết Cửa Lò, Cửa Tùng…, đến nay, khi trở về Trạm đèn biển Lạch Trào ở quê hương, chàng thanh niên ngày ấy tóc đã điểm màu pha sương. “Nghề này đặc thù nó thế, nơi nào có biển, nơi nào có hải đăng là có chúng tôi. Nay đây mai đó, riết rồi cũng thành quen. Không những tôi, mà những ai theo nghề này cũng vậy. Khi đi đang còn trai tráng, khi về tuổi già sức cao. Nếu không yêu nghề, yêu ngọn đèn biển thì khó gắn bó với nghề”. Người gác đèn trải lòng.

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

Nhiều người vẫn yêu mến gọi những người gác đèn biển là những “chiến sĩ không quân hàm”. Kể cũng phải, bất kể ngày nắng hay mưa, những người “gác đèn” như anh Nhân, anh Hương vẫn phải miệt mài chăm sóc, bảo vệ ngọn đèn không được tắt. Theo quy định của ngành, 9 tháng, mỗi cán bộ gác đèn mới được nghỉ phép một lần. Vì vậy, dù có đi đến đâu, với họ, trạm công tác vẫn luôn là nhà.

Chuyển từ Nam Định về công tác tại Trạm đèn biển Lạch Trào, anh Vũ Thọ Quý (quê Hải Phòng) đã 12 năm sống xa gia đình, quê hương. Từng ấy năm cống hiến với ngọn đèn biển nhưng anh Quý chưa bao giờ chạnh lòng vì xa quê. Mỗi lần chuyển công tác đến trạm mới đối với anh như thêm một gia đình, thêm những người anh em.

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

“Do đặc thù công việc nên mãi đến 40 tuổi tôi mới lập gia đình. Tôi vẫn nhớ mãi ngày quen và cưới vợ tôi. Năm ấy, thấy tôi nhiều tuổi rồi mà chưa lập gia đình nên giám đốc có phân công về trạm Quất Lâm gần nhà để tìm vợ. Nghĩ cũng buồn cười, ấy thế mà về đó rồi thì bén duyên luôn đấy. Ngày trước chưa có Zalo, Facebook thì buồn lắm. Giờ đỡ rồi, tối tối lại gọi điện video nói chuyện với vợ con cũng đỡ buồn”. Anh Quý tâm sự.

Theo trạm trưởng Nhân: “Với những người làm nghề gác đèn thì nơi đâu cũng phải là nhà. Đặc biệt, để có thể gắn bó với nhau thì tình đoàn kết phải là trên hết. Mỗi người một tính nhưng nếu không yêu thương nhau thì rất khó có thể ở chung một nhà. Chính vì thế mà chúng tôi lúc nào cũng phải xem nhau như là anh em ruột thịt, có khó khăn thì chia sẻ, có vất vả thì chịu chung”.

Trời vừa sẩm tối, anh Hòa cầm chiếc khăn vội vã lên ngọn hải đăng để kiểm tra đèn điện. Đêm nay, lại một đêm nữa anh không “chợp mắt” để hướng về biển Đông, hướng về những con tàu nơi đầu sóng.

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

[E-Magazine] - “Mắt biển” không “chợp mắt”

Nội dung: Tuấn Kiệt

Ảnh: Hoàng Đông

Thiết kế: Minh Quân

Xuất bản: 3:26:08:2020:15:48

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM